Tân binh ngày đầu trong doanh trại
Nhắc thủ trưởng “làm nhanh để ăn trưa không em đói” hay ngủ mơ hô “nghiêm, nghỉ, tập trung ăn cơm”…là những câu chuyện của tân binh những ngày đầu nhập ngũ.
Là đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn bộ binh 692 (Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh thủ đô) đã chuẩn bị mọi điều kiện, thao trường để huấn luyện tân binh. Anh Ngô Chí Hùng, Chính trị viên phó tiểu đoàn bộ binh 4 cho biết, ngày đầu ở doanh trại, hầu hết tân binh đều bỡ ngỡ.
Trong buổi nhận quân năm nay, một chiến sĩ đã khiến cán bộ trung đoàn phải bật cười khi mọi người đang tập trung lấy danh sách trích ngang, em đột ngột đứng dậy nói: “Báo cáo thủ trưởng, thủ trưởng làm nhanh lên, em đói lắm rồi”.
Ưu tiên cho chàng tân binh đói bụng, người cán bộ gọi em này lên và lấy trích ngang trước. Anh giải thích, việc lấy trích ngang là để cán bộ nắm được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của chiến sĩ, từ đó giúp đỡ các em hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự. Lấy tên, tuổi, quê quán của chiến sĩ đó xong, vị cán bộ hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, giờ giấc ăn trưa khi em ở nhà.
Ngày đầu đến doanh trại, mỗi chiến sĩ đều mang theo đặc trưng riêng của từng vùng miền và được cán bộ huấn luyện nề nếp, tác phong. Ảnh: Anh Tuấn.
“Lúc ở nhà em thường ăn trưa vào 12h30 phút”, chiến sĩ nói.
“Nhưng bây giờ mới 12h em đã kêu đói thì hơi vô lý. Chúng ta sẽ ngồi trò chuyện, đúng 30 phút nữa sẽ đi ăn nhé”, vị cán bộ nói. Vậy là cậu chiến sĩ ngớ người và hiểu ra hành động của mình thật trẻ con.
Cũng trong buổi đầu tiên ở đơn vị, sau giờ ăn cơm chiều, chiến sĩ Nguyễn Văn Vinh đi nhầm trung đội vì không nhớ phòng mình ở đâu. Khi một trung đội trưởng kiểm tra quân số trước khi đi ngủ thì phát hiện thừa một người. Anh vội lấy danh sách trích ngang ra kiểm tra, thấy xuất hiện hai chiến sĩ cùng tên Nguyễn Văn Vinh, nhưng ai cũng khăng khăng chỉ giường ngủ, balô ở góc phòng là của mình.
Trung đội trưởng liền đi hỏi khắp các trung đội xung quanh, nhưng không nơi nào thiếu. Một lúc sau trung đội trưởng trung đội 10 đến, Vinh vội kêu lên: “Đây mới là trung đội trưởng của em”, rồi lí giải, do phòng nào cũng giống phòng nào, vị trí đồ dùng, balô lại giống nhau nên khi ăn tối xong thì về nhầm chỗ.
Ở trong quân đội 8 năm, nhận nhiệm vụ huấn luyện tân binh được 5 năm, Trung đội trưởng Hà Tuấn Dực cho biết, khi vào doanh trại, mỗi chiến sĩ đều mang đặc trưng riêng của từng địa phương và người cán bộ phải từng bước thống nhất, huấn luyện chiến sĩ theo quy tắc chung.
Do chưa quen với nơi ở mới, có chiến sĩ đi ăn cơm về nhầm phòng, sau khi sinh hoạt tiểu đội, trung đội trưởng mới phát hiện thừa quân số. Ảnh: Anh Tuấn.
“Chiến sĩ Trần Trường Duy ngày đầu ở doanh trại, khoảng 2h sáng toàn ngủ mơ hô ‘nghiêm, nghỉ, tập trung ăn cơm’. Do chưa quen nề nếp sinh hoạt của đơn vị nên nhiều này sau đó em vẫn lặp lại giấc mơ này”, anh Dực cho hay.
Video đang HOT
Có những chiến sĩ đến từ vùng sâu, như Bùi Văn Thực (xã Bao La, huyện Mai Châu, Hòa Bình) khi bưng bát cơm bộ đội lên thì khóc nức nở. Hỏi ra mới biết, cậu khóc vì thương bố thương mẹ. Nhà cách chợ 7 km nhưng gia đình Thực mỗi tuần chỉ đi chợ một lần, ăn uống kham khổ, nên khi được ăn đầy đủ thức ăn, cậu lại nhớ, thương bố mẹ.
Anh Dực cho biết, sau khi hoàn thành huấn luyện chiến sĩ năm thứ nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ và được biểu dương, Thực được cắt phép về thăm gia đình, nhưng đường đi khó khăn, xe không vào đến nhà nên Thực tình nguyện ở lại đơn vị, nhường cho bạn khác được về.
Trong ngày đầu tiên nhận quân, anh nhận được nhiều câu hỏi như “Một tuần em được về thăm bạn gái mấy lần?”, hay “Khi nhớ người yêu thì em làm thế nào”…Người cán bộ phải từng bước hướng dẫn, động viên, chia sẻ với chiến sĩ, như phải tập trung rèn luyện tốt để có sức khỏe, sau này về làm được nhiều việc có ích. Anh cũng giải quyết luân phiên cho chiến sĩ xuống căng tin gọi điện cho bạn gái trong giờ nghỉ và phát phiếu tem thư để chiến sĩ viết thư cho người thân.
“Nếu ở nhà một số đồng chí chỉ biết học tập và đòi hỏi, phản ứng khi bố mẹ khuyên dạy thì vào đơn vị đã biết có trách nhiệm với đồng chí đồng đội, cấp trên, gia đình. Nhiều em hối hận, viết thư xin lỗi, động viên bố mẹ và hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, anh Dực cho hay.
Khi giao súng bảo quản, có chiến sĩ còn nằng nặc đòi nhận “súng to” (B40, B41) chứ không nhận “súng bé” (tiểu liên AK). Ảnh: Anh Tuấn.
Chiến sĩ Chu Thanh Mười (Thanh Ba, Phú Thọ) tâm sự, đêm đầu tiên cậu không thể ngủ được. Sau khi sinh hoạt tiểu đội, trò chuyện chia sẻ với đồng đội, Mười và các bạn tắt điện đi ngủ. Mắt nhắm nhưng đầu lại suy nghĩ về gia đình, về những ngày sẽ rèn luyện trong quân ngũ, Mười vừa vui vừa lo lắng.
“Hôm đầu em thức dậy rất sớm để gấp chăn màn. Nhưng thủ trưởng bảo mới 3h sáng và khuyên em đi ngủ nên em lại chui vào chăn và thiếp đi một lúc”, Mười nói.
Thượng tá, Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Lưu, cho hay một ngày tân binh phải thực hiện đủ 11 chế độ, từ thức dậy, gấp nội vụ gọn gàng, đánh răng, rửa mặt rồi ăn sáng. Khoảng 7h, tất cả tập trung thành hàng rồi hành quân ra thao trường. Sau những bài tập về đội hình đội ngũ, các chiến sĩ mới được trung đội trưởng hướng dẫn cách lăn, lê, bò, toài, nheo mắt ngắm bắn…
Thượng tá Lưu cho hay, việc huấn luyện chiến thuật được xem là trung tâm, gắn với các nội dung chính trị, hậu cần, kỹ thuật và huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Chiến sĩ mới sẽ được giáo dục chính trị để hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Ngoài rèn luyện quân sự, khả năng cơ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến sĩ còn được huấn luyện phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng và các nhiệm vụ đột xuất khác.
“Tân binh cũng sẽ được đào tạo để biết băng bó chuyển thương hỏa tuyến, đào và sử dụng bếp Hoàng Cầm, trồng và nhận biết một số loại rau, củ quả trong rừng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường doanh trại”, trung đoàn trưởng Lưu nói và cho hay, sau một thời gian được huấn luyện, chiến sĩ sẽ trưởng thành lên rất nhiều.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Ngày tòng quân chộn rộn cửa ngõ Tây Bắc
Ngày 6- 9 tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ giao nhận quân đợt 2 năm 2013 tại 5 huyện gồm: Kim Bôi, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lương Sơn và Cao Phong.
Dự lễ giao nhận quân tại huyện Cao Phong có Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - UVTW Đảng, UVTV Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 3; về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong huyện Cao Phong.
Lễ chào cờ ngày giao nhận quân năm 2013
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chúc mừng tân binh lên đường làm nhiệm vụ
Trong đợt giao quân năm 2013, huyện Cao Phong có 115 thanh niên nhập ngũ, được giao về 3 đầu mối nhận quân gồm Tổng cục Hậu cần, Đoàn 295 (Quân khu 3) và Lữ đoàn 114 Bộ Tổng tham mưu.
Công tác tuyển chọn theo chỉ tiêu năm 2013, tỉnh Hòa Bình có 850 thanh niên nhập ngũ. Trong đó, huyện Kim Bôi có 265 thanh niên nhập ngũ, huyện Đà Bắc có 125 thanh niên nhập ngũ, huyện Kỳ Sơn có 110 thanh niên nhập ngũ, huyện Lương Sơn có 235 thanh niên nhập ngũ và huyện Cao Phong có 115 thanh niên nhập ngũ.
Về sức khỏe, loại 1 có 328 thanh niên nhập ngũ, chiếm 38,6% so với chỉ tiêu, sức khỏe loại 2 có 427 thanh niên nhập ngũ, chiếm 50,2% so với chỉ tiêu, sức khỏe loại 3 cho 95 thanh niên nhập ngũ chiếm 11,2% so với chỉ tiêu. Về trình độ văn hóa cấp II là 282 chiếm 33,2% so với chỉ tiêu, trình độ văn hóa cấp III là 568 chiếm 66,8% so với chỉ tiêu. Dân tộc Mường chiếm 81,4% với 692 thanh niên, dân tộc Tày chiếm 7,4% với 63 thanh niên, dân tộc Kinh chiếm 7,2% với 61 thanh niên, còn lại là dân tộc Dao chiếm 4,0% với 34 thanh niên. Trong đó, đảng viên có 132 đồng chí, chiếm 15,5% so với chỉ tiêu, đối tượng đảng là 110 đồng chí chiếm 12,9% so với chỉ tiêu, đoàn viên là 718, chiếm 84,5% so với chỉ tiêu.
Những hình ảnh ngày tòng quân tại Hòa Bình.
Tân binh trước giờ lên đường
Lãnh đạo BQP và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trang trọng làm lễ giao nhận quân năm 2013
Ngày đầu tiên với tình đồng đội
Bà mế động viên và chúc tân binh lên đường làm tốt nhiệm vụ mới
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình chúc mừng tân binh
Không khí trước giờ xuất quân
Chia tay...
...quyến luyến nhưng rất tự hào vì người thân được lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Lâm Giang
Theo ANTD
Đỗ 2 đại học vẫn lên đường nhập ngũ Thi đậu vào cả hai trường Công đoàn và Kinh doanh Công nghệ, Thành Ngọc Anh xin bảo lưu kết quả học tập, nhận lệnh lên đường tòng quân. Sáng 6/9, TP Hà Nội tổ chức lễ giao quân lần thứ 2 năm 2013. Trời mưa tầm tã song người thân của chiến sĩ mới vẫn đến chật kín Trung tâm triển lãm...