Tâm thư xin giữ trường của học sinh THPT Lý Tự Trọng
“Thà đừng xây nên ngôi trường này, nếu đã xây thì phải nuôi dưỡng và giúp nó phát triển đến cùng”, học sinh trường THPT Lý Tự Trọng viết thư gửi Sở Giáo dục TP HCM khi ngôi trường này bị giải thể.
Trong bức thư gửi lãnh đạo ngành giáo dục, Lê Diễm Hằng lớp 12A8 cho biết, dù đã sắp ra trường nhưng nghe tin trường giải thể nữ sinh này không thể cầm nổi nước mắt. “Ba năm không quá dài, nhưng đây chính là khoảng thời gian đẹp nhất, nhiều kỷ niệm nhất… Nếu nó bị giải thể, tuổi thơ của chúng em cũng sẽ bị đánh cắp”, Hằng viết.
Chứng kiến cảnh thầy cô hoang mang, lo lắng học sinh của trường cũng không khỏi mủi lòng. “Ngôi trường của chúng em tuy không hoàn hảo như những ngôi trường cấp 3 khác, nhưng nó là tất cả. Ở đó, có những người thầy, người cô lặng lẽ từng ngày dạy dỗ và chắp cánh những ước mơ cho chúng em lớn khôn từng ngày. Ở đó, em có những buồn vui, giận hờn, thậm chí là những trò ‘nhất quỷ nhì ma’…”, Hằng viết và không quên cầu xin “các lãnh đạo ngành giáo dục” giữ lại ngôi trường này.
“Thà đừng xây nên ngôi trường này, nếu đã xây thì phải nuôi dưỡng và giúp nó phát triển đến cùng. Cũng như người mẹ, một khi đã sinh ra con mình thì dù nghèo khổ hay khó khăn đến đâu cũng không nên từ bỏ nó”, Hằng so sánh.
Trong bức tâm thư của mình Hằng đã viết lên những vần thơ thể hiện sự tiếc nuối: “Chỉ mai này – một mai này thôi/ Ngôi trường nhỏ sẽ chẳng còn ai nữa/ Đường đến trường sẽ không còn bỡ ngỡ/ Một ngôi trường sẽ chẳng ai nhớ tên/ Bao lớp học trò từ nay lớn lên/ Những người khách trên chuyến đò lưu luyến/ Một lần qua sông sẽ chẳng thể quay về/ Vì bến có còn đâu? Biết về đâu?”.
Nhiều giáo viên trường THPT Lý tự trọng đã khóc tức tưởi khi trường bị giải thể đột ngột. Ảnh: Nguyễn Loan.
Không nhận trường mình xuất sắc trong việc đào tạo, bức thư của Đặng Thị Kim Nga – đại diện tập thể lớp 12A5 (khóa 2011-2014) cho rằng cả thầy và trò của trường đã nỗ lực hết mình. Ngay cả bạn học sinh yếu nhất lớp cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng và hơn 80% học sinh của lớp này đang theo học ở các trường ĐH, CĐ nên không thể nói chất lượng giảng dạy kém.
Nga cho biết, em trai cô cũng muốn thi vào trường này, nghe tin trường giải thể cậu bé đã rất buồn. Dù quận Tân Bình có một số trường khác nhưng trường công lập thì điểm đầu vào khá cao, còn trường tư thục thì học phí cao, đồng lương ít ỏi của cha mẹ Nga khó chu cấp đầy đủ cho hai chị em.
Video đang HOT
“THPT Lý Tự Trọng chính là ngôi nhà chung của cả lớp và thầy cô chính là người cha, người mẹ. Trường giải thể rồi chúng em làm sao có thể về thăm ‘cha, mẹ’ và gặp gỡ lại bạn bè”, cựu học sinh này thổn thức.
Nữ sinh Nguyễn Đoàn Cẩm Giang đặt ngược lại câu hỏi với Sở Giáo dục rằng Sở đã đặt vị trí của mình vào những người thầy, người trò của trường để ra quyết định chưa. “Em tin chắc rằng các các thầy cô lãnh đạo từng là học sinh và hẳn sẽ biết thế nào là kỷ niệm tuổi học trò, vậy mà các thầy cô lại ra quyết định giải thể trường đúng vào lúc tất cả chúng em đang ôn thi”, Giang viết.
Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng giữ hy vọng “cứu” được ngôi trường. Một vô giáo bày tỏ: “Ngỡ ngàng, tiếc nuối, lo lắng là tất cả những gì tôi cảm nhận được vào lúc này. Tôi không thể tin một ngôi trường đã tồn tại 16 năm qua lại bỗng dưng bị giải thể vì… thành lập không đúng quy định”, giáo viên này băn khoăn.
“Dù không phải ngôi trường xuất sắc nhưng chúng em đã lớn lên và trưởng thành ở đây”, một học sinh của trường viết.
Cô giáo không lý giải được tại sao “thành lập không đúng quy định” mà lại tồn tại suốt thời gian qua và Sở Giáo dục là đơn vị chủ trương thành lập.
“Chúng tôi – những đứa con bất đắc dĩ được sinh ra bởi những người làm cha làm mẹ vô trách nhiệm. Chúng tôi sống như kiểu ban ân huệ rồi đột nhiên được ‘cha mẹ’ phán “phải chết” vì sự tồn tại của con là không đúng quy định. Khai tử một ngôi trường dễ dàng đến vậy sao?”, nữ giáo viên thẳng thắn.
Trường THPT Lý Tự Trọng trực thuộc trường Cao đẳng cùng tên. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã trình UBND xin được giải thể trường với lý do trường không đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quy chế hoạt động, đồng thời để phát triển trường Cao đẳng. Được sự đồng ý, ngày 25/4 Sở Giáo dục ký công văn gửi 24 quận, huyện về việc dừng tuyển sinh với trường THPT Lý Tự Trọng mà không thông báo trước với phía nhà trường.
Ngoài 1.600 học sinh đang theo học, trường có 70 giáo viên và nhân viên. Trước quyết định đột ngột của Sở Giáo dục, tất cả giáo viên của trường rơi vào tình trạng hoang mang vì không biết đi về đâu sau khi trường giải thể.
Theo VNE
Giáo viên bật khóc vì trường Lý Tự Trọng đột ngột giải thể
Không giấu nổi những giọt nước mắt, các giáo viên cho biết đã gắn bó từ ngày đầu trường thành lập. Hiện, nhiều người đã lớn tuổi, nếu phải thất nghiệp hoặc chuyển công việc thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Ngày 9/5, hay tin Sở Giáo dục TP HCM đến trường THPT Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) làm việc liên quan quyết định giải thể trường này, rất nhiều giáo viên đã có mặt từ sáng sớm. Gương mặt ai cũng đầy vẻ ưu tư, có người mắt đã đỏ hoe.
Cô Nguyễn Hồng Thanh cho biết, khi đọc được thông tin trường sẽ bị giải thể trên báo chí hôm 29/4, nhiều giáo viên sửng sốt bởi trước đó mọi hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường. "Sở đã ra quyết định mà không hề bàn bạc hay thông báo trước với giáo viên. Không hề có một lộ trình hay lời giải thích cụ thể nào. Chúng tôi chỉ biết được là trường sẽ giải thể theo hình thức cuốn chiếu, còn số phận của chúng tôi và các em học sinh thì không rõ đi về đâu", cô Thanh nói.
Hiệu trưởng Văn Công Sang cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng bởi "ngay cả Ban giám hiệu cũng không hề biết". Theo ông Sang, khi nhận được thông báo của Sở Giáo dục TP HCM, Ban giám hiệu đã họp thông báo chính thức và hứa sẽ sắp xếp chỗ làm cho giáo viên. Tuy nhiên, cô Thanh cho rằng đến tháng 8 này thầy hiệu trưởng đã nghỉ hưu, không có cơ sở nào đảm bảo giáo viên sẽ tìm được công việc phù hợp, ổn định.
Giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng rất bất ngờ khi nhận được thông báo giải thể trường. Ảnh: Nguyễn Loan.
Theo các giáo viên, dù có rất nhiều trường THPT nhưng quận Tân Bình chỉ mới có 4 trường THPT công lập, nhiều học sinh vẫn phải vào trường tư thục với mức học phí rất cao, trong khi đa số phụ huynh có con em ở đây đều là dân lao động nghèo. Sở lại đưa ra quyết định trong thời gian học sinh đang ôn thi cuối cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, giáo viên cũng rất hoang mang không còn tâm trạng đứng lớp.
Không giấu nổi những giọt nước mắt, cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết, cả trường có 60 giáo viên, đa số đã gắn bó từ ngày đầu thành lập. Vì công việc họ đã phải chuyển gia đình về gần trường để ổn định cuộc sống. Hiện, nhiều người đã lớn tuổi, nếu phải thất nghiệp hoặc chuyển công việc lần nữa thì cuộc sống không tránh được xáo trộn.
Đang trong thời gian nghỉ sinh nhưng hay tin trường bị giải thể, cô Phạm Thị Hà, giáo viên dạy Văn lớp 10, vội gửi con cho hàng xóm để chạy lên tìm hiểu. "Theo quyết định đó, năm nay trường không tuyển lớp 10 nữa thì hết thời gian nghỉ sinh tôi sẽ được làm gì, sẽ về trường nào? Nếu bây giờ tôi mất việc thì ai lo cho đứa con nhỏ ở nhà", cô Hà nói và cho biết chồng là bộ đội hải quân, thời gian chủ yếu dành cho biển đảo, một mình cô phải cáng đáng việc gia đình. Vì công việc đặc thù của chồng nên cô đã buộc phải chuyển trường từ tỉnh khác về đây với hy vọng ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình để chồng an tâm công tác.
Không chỉ giáo viên, học sinh trường Lý Tự Trọng cũng không khỏi hoang mang. Theo nữ sinh Nguyễn Thị Phụng Hằng, lớp 12A3, nhiều ngày nay học sinh phải ôn thi trong tình trạng thấp thỏm, những buổi học trở thành buổi bàn tán về việc trường bị giải thể. Nhiều học sinh đã viết thư gửi lên Sở bày tỏ nguyện vọng, hy vọng "cứu" được ngôi trường này.
Cô giáo bật khóc vì không biết đi đâu về đâu. Ảnh: Nguyễn Loan.
Ghi nhận những tình cảm, bức xúc của giáo viên và học sinh trường Lý Tự Trọng, song Phó giám đốc Sở giáo dục Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc giải thể là hợp lý và có đủ cơ sở.
Theo ông Hiếu, năm 1998, quận Tân Bình thiếu trường công lập nên đã thành lập trường Lý Tự Trọng. Hiện thành phố đã xây dựng thêm một số trường công lập, tư thục khác có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Trong khi đó, trường THPT Lý Tự Trọng nằm trong trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, không đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quy chế hoạt động nên Sở đã trình lên UBND TP HCM xin được phép giải thể để mở rộng hoạt động cho trường CĐ.
Trước bức xúc về việc Sở ra quyết định đột ngột mà không thông báo, ông Hiếu nói "đây chỉ mới là chủ trương của Sở". "Sở đã chỉ đạo trường CĐ Lý Tự Trọng hướng dẫn trường THPT xây dựng đề án giải thể. Sở có thể sẽ xem xét đến phương án di dời trường qua địa điểm khác và chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ giáo viên tìm chỗ làm", ông Hiếu nói nhưng không lý giải tại "mới là chủ trương" mà đã trình lên UBND TP và ngày 29/4, Sở đã gửi tới 24 phòng giáo dục các quận huyện về việc THPT Lý Tự Trọng ngưng tuyển sinh lớp 10.
Theo Quy định về việc giải thể các cơ quan công lập, cụ thể ở đây là trường học, trước khi ra quyết định, Sở Giáo dục phải xây dựng hồ sơ, đề án gồm cả lộ trình thực hiện sao cho đảm bảo quyền lợi của giáo viên và học sinh. Sở giáo dục TP HCM bị cho là đã làm theo hướng ngược lại khi chưa xây dựng được đề án, lộ trình đã ra thông báo ngừng tuyển sinh.
Theo VNE
Xin đừng bắt chúng em học thuộc lòng "Hãy kể cho chúng em những câu chuyện lịch sử bằng cảm xúc, cho chúng em xem phim tài liệu về những chiến công của cha ông ta và tới thăm những di tích lịch sử... thay vì bắt chúng em phải học thuộc những con số, sự kiện khô khan". Đó là lời thỉnh cầu của một học sinh trong buổi đối...