Tâm sự một giảng viên: Ân hận vì không về thăm lại thầy cô cũ
Tôi vẫn thấy ánh mắt hai người lưu luyến mãi nhìn theo. Hình ảnh hai giáo sư giản dị đứng cạnh cánh cổng đã phong sương có lẽ là hình ảnh đẹp nhất mà tôi đã lưu giữ được sau những ngày thu Hà Nội này.
GS.TS Ngụy Tuyết Nhung (ngoài cùng bên trái)
Infonet khởi đăng loạt bài những kỷ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Dưới đây là những cảm xúc nuối tiếc của TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học – trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi nhớ về GS.TS Ngụy Tuyết Nhung, con gái của giáo sư Ngụy Như Kontum.
Cũng là giáo viên, tôi thường được mọi người nghĩ rằng, ngày 20/11 ngồi đợi sinh viên đến chúc mừng. Nhưng thật sự điều đó không đúng. Ngày 20/11 của tôi thường là những ngày bận tối mắt vì các công việc liên quan đến các hoạt động dành cho sinh viên. Đợt đó, ở trường tôi cũng là dịp tổ chức các hoạt động để các em trau dồi nghiệp vụ, hiểu biết hơn về ngành nghề Sư phạm.
Những hoạt động đó, rồi việc nhà, những chuyến công tác, và cả vì thất lạc thông tin nên có năm, tôi không thể về thăm thầy cô được. Hơn nữa, tôi là một trong những người có con đường học vấn khá dài, vì thế, những người giáo viên đã đi qua và truyền thụ kiến thức cho tôi rất nhiều. Mỗi năm, bố trí về thăm một số thầy cô cũng đã khiến thời gian của tôi cạn kiệt. Và cứ mỗi dịp như thế trôi qua, trong tôi lại thêm một áy náy.
Năm nay, từ đầu tháng 11, tôi quyết tâm dành thời gian tìm về với thầy cô giáo, những người đã đóng góp phần thật sự quan trọng, phần tốt đẹp nhất để tôi được như bây giờ.
Và một ngày thường, rất đỗi bình thường, tôi cùng một cô bạn đứng trước cổng nhà thầy Quýnh, cô Nhung. Trong chúng tôi vẫn nguyên vẹn cái cảm giác tự hào và sung sướng như thời đi học bởi may mắn được là học trò của thầy cô, là những nhà giáo kì cựu, những người đóng góp rất nhiều cho đất nước bằng những công trình nghiên cứu công phu.
Cô là GS.TS Ngụy Tuyết Nhung, con gái của giáo sư Ngụy Như Kontum, là một giáo sư, tiến sĩ rất nhẹ nhàng, và nghiêm túc trong công tác giảng dạy. Thầy là giáo sư, tiến sĩ khoa học Phan Văn Quýnh, một trong những người đầu ngành về Địa chất nước nhà.
GS.TSKH Phan Văn Quýnh
Video đang HOT
Vậy nhưng, với căn biệt thự Pháp cổ đơn giản, nằm trong khu vườn hoang sơ, dễ thương, thầy cô của tôi sống bên nhau ở đó, giản dị đến lặng người.
Cái cổng to đùng với vô vàn những cái khóa to nhỏ. Cô bạn gái của tôi nhấc máy gọi cho cô. Cô vẫn đang ở Trung tâm Ngọc học, đang cần mẫn xét nghiệm từng mẫu đá, phân tích từng viên ngọc nhỏ bé. Nghe tin chúng tôi tới, cô mừng quá, phóng xe về ngay.
Cô đây rồi, hơn 60 tuổi, cô vẫn đẹp vô cùng. Là con gái của một trong những người đẹp nhất Đông Nam Á, cô có nét đẹp không phai mờ dù thời gian cũng đã ít nhiều tác động đến làn da, mái tóc. Giản dị trong bộ quần áo sẫm mầu, trên chiếc xe 82 (mà bây giờ ở Hà Nội đã là của rất hiếm), cô vui mừng cười với chúng tôi từ xa.
Và cứ thế, cô trò quấn vào nhau ríu rít chuyện trò. Từ xa, cô đã gọi rất to: “Anh Quýnh ơi, Hương, Nga đến này”.
(Hương, Nga nhé! Bao nhiêu lứa học sinh đã qua tay thầy cô. Nhưng cô và thầy vẫn nhớ đến chúng tôi nên câu mách bảo không kèm theo khóa học, lớp học. Lời cô gọi thật sự làm tôi run lên cảm động). Thầy bước ra từ căn bếp, mái tóc và dáng người thầy đã bị thời gian làm cho xọm xuống. Thầy tôi đã thật sự già rồi.
Tôi còn nhớ như in, cô là người hướng dẫn chúng tôi làm khóa luận tốt nghiệp. Còn thầy chỉ dạy tôi duy có một học trình. Nhưng thầy cô vẫn theo bước chân chúng tôi. Thầy vui vẻ nhắc tới kỉ niệm ngày tôi đến mời thầy cô dự đám cưới, thầy dụ tôi uống rượu để sau này sinh con trai. Nhưng giờ tôi chỉ có một cháu gái.
Những kỉ niệm đơn giản của một cô học trò mà thầy vẫn nhớ mãi. Điều này khiến tôi vừa cảm động vừa ân hận vì đã không dành được nhiều thời gian hơn để đến thăm thầy cô.
Ngồi vào bàn, cô bạn gái của tôi cắm hoa cho thầy cô. Bạn tôi giờ đã là Trưởng đại diện một công ty hoa rất lớn. Nhìn cách bạn làm, tôi biết bạn ấy hiểu về hoa như tôi hiểu về “lũ” sinh viên của mình vậy.
Trong lúc thầy say sưa tâm sự với tôi những tâm huyết trong ngành giáo dục, những điều thầy nghĩ nên làm cho lũ trẻ con, cô lại mang hết bánh kẹo, hoa quả trong nhà ra mời chúng tôi. Căn phòng giản dị nhưng đầy ấm cúng đã trào lên trong tôi một niềm vui thật nhẹ nhàng. Đúng rồi, cảm giác đó đây, cảm giác đầm ấm mà thầy cô đã trao cho chúng tôi 20 năm về trước.
Đã 20 năm rồi. Tôi vẫn nhớ cảm giác bơ vơ khi bảo vệ xong khóa luận tốt nghiệp. Sống bên thầy cô 4 năm, chúng tôi cảm giác như những đứa con trong gia đình, được thầy cô chăm lo từng tí một. Không chỉ có kiến thức Ngọc học, Địa chất, Địa lý, thầy cô đã dạy chúng tôi biết bao nhiêu kĩ năng cần thiết để sống, để đi xin việc, để làm tốt trong mọi môi trường.
Để giờ đây, sau 20 năm nhìn lại, thầy cô có một lứa sinh viên thành công trong đủ các ngành nghề: Giảng viên, Cán bộ quản lý, kinh doanh,… cả giám đốc công ty xây dựng và cả Bầu Sô ca nhạc nữa. Nếu ngày đó không có sự dạy dỗ rất cẩn thận của các thầy cô, chắc chắn chúng tôi không dễ dàng gì thành công, thậm chí là ở những lĩnh vực hoàn toàn trái ngược với những nội dung được đào tạo trong nhà trường.
Chào thầy cô ra về, tôi vẫn thấy ánh mắt hai người lưu luyến mãi nhìn theo. Hình ảnh hai giáo sư giản dị đứng cạnh cánh cổng đã phong sương có lẽ là hình ảnh đẹp nhất mà tôi đã lưu giữ được sau những ngày thu Hà Nội này.
Thầy cô ơi, năm sau chúng em sẽ lại tới. Thầy cô mạnh khỏe nhé, chúng em còn rất nhiều điều muốn nói. Và một điều mà chúng em muốn nói, luôn luôn muốn nói, ngày xưa, bây giờ và mãi mãi: “CHÚNG EM VÔ CÙNG BIẾT ƠN THẦY CÔ!”
Theo infonet.vn
Những người thầy đặc biệt trong ký ức của một giảng viên trường y
Khi xưa, ký ức về thầy cô giáo chỉ là những mảng màu bé nhỏ. Cho tới khi được đi giảng, được gần nhiều hơn với công việc và cuộc sống của những người thầy, tôi mới hiểu thế nào là "giáo viên"...
Hai năm về trước, vào một buổi sáng, cũng là vào mùa thu, khi đang lọ mọ dọn dẹp tủ sách của Bộ môn, tôi đã bị xúc động sâu xa khi bắt gặp lời đề tựa trong một cuốn từ điển chuyên ngành:"Thân tặng các đồng nghiệp Giải phẫu học, những chiến sỹ mở đường, mà niềm vinh dự nằm trong sự thầm lặng xây dựng tương lai cho ngành Y".
Một buổi học giải phẫu não ở trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Lê Mạnh Thường
Tác giả của cuốn sách là một người thầy lớn. Những gì ít ỏi tôi biết về thầy là qua bộ sách chuyên ngành 3 tập mà thầy vừa hoàn thành khi tuổi đã gần 80. Bìa của 3 cuốn sách lần lượt là: Giải phẫu của chi dưới, Lồng ngực, và Minh họa các vùng não bộ của Brodmann. Chỉ đến khi tập 3 ra mắt, tôi mới được biết đến thông điệp mà thầy gửi gắm trong bộ sách của mình: "Đôi chân đã bước, trái tim đã đập, khối óc không thể ngừng suy tư".
Tôi đã kể những cảm giác ấm áp ấy với người bạn lúc bấy giờ đang làm việc trong một bảo tàng mỹ thuật của Pháp, để nhận thêm nhiều sự chia sẻ. Bởi khi đấy, bạn cũng rất phấn khích vì vừa tận mắt ngắm nhìn bút tích của những danh họa bậc thầy mà bạn từng học về tranh của họ.
Đó là những ấn tượng tuyệt đẹp, khi người trẻ được chạm vào thứ mạch ngầm đã thôi thúc các bậc thầy lao động và sáng tạo. Lúc đấy, các bậc thầy không còn chỉ tồn tại trong những con chữ, những trang sách khô khan, mà bước ra, thấm đẫm thứ hơi thở đầy say mê, nhiệt huyết, thậm chí, còn có phần mơ mộng, bất chấp thực tế khó khăn của giai đoạn lịch mà sử họ đã trải qua.
Lúc còn là học sinh lớp 2, trong bài tập xếp tên riêng theo thứ tự, bằng một kỹ năng tư duy nào đó, tôi hoàn thành bài tập theo một bảng chữ cái cũng rất khác thường nốt. Kết quả, cô giáo cho tôi điểm 1 đầu tiên trong đời, kèm bài thơ:" Bài làm sạch đẹp/Chữ viết chân phương/Cô Liệu thấy thương/Cho mười điểm ngược".
Hơn hai mươi năm trôi qua, đến bây giờ cô vẫn chưa lập gia đình. Mỗi năm, thường thì một lần, tôi ghé thăm cô. Cô có chai rượu nếp cất trong tủ, nút lá giấy bìa các-tông. Tôi đến là cô lôi chai rượu ra, cười hà hà và rót cho tôi một chén. "Lâu lâu mất ngủ cô mới uống một chén", rồi nói thêm vài câu, cô lại mếu máo... Bằng nhiều cách, người ta đã chuyển cô từ giáo viên chính, rồi thành phụ, rồi thành cấp dưỡng, và lặng lẽ xin nghỉ hưu non...
Cô chủ nhiệm lớp 8 và lớp 9 của tôi tính nóng như lửa. Lối giảng bài sang sảng, mạch lạc, và thường giỏi khích tướng bọn học trò. Hồi đó, vào mỗi giờ sinh hoạt cuối tuần, lúc nào cô cũng có chuyện để mắng, rồi quát tháo cho bao nhiêu cái tĩnh mạch trên mặt trên cổ của cô có lẽ đều phồng tướng lên cả. Cô hùng hùng hổ hổ:"Thằng Phương, mày như hươu như vượn", thì học trò đã nhao nhao: "Không! Hơn hươu hơn vượn cô ạ!"... Giờ sinh hoạt nào cũng vừa tức vừa buồn cười.
Có năm, vào ngày 20/11, cả lũ đến nhà cô chơi, tôi đến sau, thấy cô cầm sào chọc thằng bạn đang rối rít bứt quả trên cây roi nhà cô: "Xuống! Xuống ngay! Gãy cây. Với để phần cho thằng Mạnh nữa". Mạnh ở đây là "thái tử". Cô có một "thái tử" và một "cách cách".
Giờ đã là mười năm kể từ lúc tôi bước chân vào trường đại học. Thỉnh thoảng, hôm nào đi ngoài lạnh về, tôi lại nhớ lời nhắc của cô giáo tiếng Pháp, một người lạ mới mẻ, và khi đó năm học chỉ mới bắt đầu được dăm tuần:" Mặc ấm vào em ạ!". Quả là tôi không bị xúc động lắm, nhưng không hiểu sao lại rất nhớ, như một vết đinh trong tâm trí.
Tôi cũng nhớ năm học thứ năm, một thầy giáo đã nhiều tuổi ở Bộ môn Nhi gọi giật cả lũ lại: "Sinh viên, Tổ trưởng đâu? Ai khóa cửa phòng sinh viên?". Cả lũ biết có chuyện gì rồi, nên líu ríu hết cả. Thầy bảo lại quên khóa cửa phòng, rồi mắng cho một tràng. Sau có bạn nhanh nhảu bảo để em đi khóa. Thầy lẩm bẩm:" Thôi không cần! Tôi khóa cho rồi. Thế này thì trộm nó khoắng hết". Nói rồi thầy quay lưng đi.
Bộ môn Nhi cũng là nơi đầu tiên mà cô thầy "đấu tranh" để sinh viên có suất cơm tối trong giờ trực bệnh viện...
Những người thầy người cô trong trong tâm trí, vẫn là những mẩu ký ức bé nhỏ. Cho tới khi về làm việc ở trường Đại học Y Hà Nội, tôi mới được gần nhiều hơn với công việc và cuộc sống của những người thầy.
Ba năm làm giáo viên, đó là một quãng đẹp, khi đã phải qua nhiều tối muộn ôm sách, lục lọi học hành trong cơ thể những người thầy không bao giờ giảng: các thi thể. Hay khi cười một mình, xem những người thầy biện luận quan điểm và đề xuất trong sách, rồi phê bình một quan điểm khác, vừa nhiệt thành, vừa trẻ trung (hay có chút trẻ con), vừa tỉ mỉ, vừa tận tụy.
Cũng đôi khi, tôi còn được bất chợt nhìn thấy một người thầy hoặc một đàn anh làm việc, ánh mắt sáng, chỗ ấn đường nhíu khẽ lại, chăm chú vào tài liệu, hoặc một chi tiết phẫu tích, bình lặng, trầm tĩnh,...
Ngày Nhà giáo Việt Nam đến gần. Nhớ về những niềm say mê, lòng tận tụy, và những tình cảm chân thật của các thầy các cô, đã có nhiều ngọn lửa được thắp và chuyền tay, nhiều tình yêu thương đã được giữ lại và lan tỏa: Tri ân các cô, các thầy. Lúc đó, tôi cũng nghĩ đến một quãng đèm đẹp của mình, những ngày đi giảng.
Nhớ lần chị bán nước trước cổng Bộ môn hỏi: "Hôm nay có dạy không?", tôi bèn nhắc chị: "Hỏi hôm nay có giờ hoặc giảng không thôi. Em là cái gì đâu mà đòi dạy".
Vẫn không mong được làm thầy, chỉ mong là một "thợ giảng" tốt, vì thế đã bước vào một hành trình mới. Hi vọng một ngày, có thể tự tin trao những nhúm lửa nhỏ của mình cho bọn đàn em...
Theo infonet.vn
20/11: Thầy cô vùng cao - tự mua hoa tặng mình cho có không khí! Tiếp mạch những câu chuyện đáng nhớ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo điện tử Infonet xin chia sẻ những nỗi niềm của thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa Đã hơn 5 năm công tác ở vùng cao biên giới của xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu...