Tâm sự ‘học đại học để làm gì’ của 8X Việt gây bão
Quan điểm cá nhân của Lê Hải Sơn – một người trẻ đang làm thiết kế và marketing về việc học đại học nhận được nhiều ý kiến đa chiều.
Lê Sơn sinh năm 1987, quê Thanh Hóa hiện làm kinh doanh trong lĩnh vực thiết kế và marketing. Mới đây, bài viết trên Facebook cá nhân của anh về chuyện “học đại học để làm gì?” nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng mạng.
Theo Lê Sơn, nhiều bạn học đại học chỉ để… giống như bao người bình thường khác, chứ không có mục đích cho cuộc đời mình. Thậm chí, gia đình anh cũng đã tính dồn hết tiền tiết kiệm và vay thêm họ hàng để xin việc cho Lê Sơn với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhưng cậu đã gạt ngay đề nghị này vì cho rằng đây là “sự đầu tư cực kỳ sai lầm”.
Chia sẻ gây sốt của Lê Hải Sơn trên Facebook cá nhân.
Lê Sơn thừa nhận thời sinh viên của bản thân đã phí phạm cả trăm triệu vì đi học chuyên ngành mà “chẳng có tương lai gì nhưng vẫn đi học”.
Nói như vậy không phải khuyên các bạn đừng học đại học nhưng theo Sơn mỗi cá nhân nên suy nghĩ, định hướng kỹ nghề nghiệp của bản thân, đừng nghĩ tới chuyện may rủi khi ra trường.
Bài viết trên trang Facebook cá nhân của Sơn về chuyện “học đại học để làm gì?” hiện nhận hơn 11.000 lượt thích và hơn 1300 bình luận, hàng nghìn lượt chia sẻ.
Sơn cho hay: “Lý do chính khi có tâm sự này là do trước đây không xác định rõ ràng khi vào ĐH. Thêm nữa hồi đó ở quê khá lạc hậu, các thông tin cũng được cập nhật như bây giờ. Mình nghĩ học ĐH, được ra thủ đô là sẽ có cơ hội. Hiện tại, mình thấy nhiều bạn, nhiều em xung quanh đi học không có mục đích – chỉ đơn giản là không phải ở quê, hoặc bố mẹ đỡ xấu hổ vì mình cũng đỗ ĐH”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến trái chiều cho rằng, từ xưa tới nay, học hết cấp nhỏ, lên cấp lớn hơn đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, chưa kể tới việc khi ở ngưỡng 17, 18 tuổi bạn chưa thể suy nghĩ sâu sắc như hiện tại.
Video đang HOT
Trước ý kiến này, Sơn cho rằng: “Đúng là tầm tuổi 17-18 chưa thể suy nghĩ chín chắn được. Nhưng sự tác động định hướng của gia đình lúc này là yếu tố rất quan trọng. Như bài viết đã đề cập, mình không nói là không nên học ĐH, rất nhiều người đã thành tài và gây dựng được sự nghiệp to lớn từ tấm bằng. Ý mình ở đây chỉ dám gói gọn trong việc xác định và định hình nghề nghiệp cho bản thân mà thôi”.
Nội dung tâm sự của Lê Sơn
Học đại học để làm gì?
Đây cũng là câu hỏi mà sau khi ra trường hơn 5 năm rồi tôi vẫn chưa tự trả lời được cho bản thân. Tôi tốt nghiệp đại học chính quy 1 trường khá nổi tiếng ở Hà Nội. Sau khi ra trường, tôi về quê ít tháng chứ không xin đi làm ngay, về để có thời gian định hình lại rằng tôi sẽ làm gì, làm như thế nào và ở đâu?
Thật sự thời gian này, tôi bị mất phương hướng, tôi không biết sẽ làm gì dù cầm tấm bằng loại khá trên tay. Nếu lựa chọn giữa việc an phận theo ngành mình học, tôi sẽ có cuộc sống đều đều nhàm chán cả về công việc lẫn tiền bạc, còn chấp nhận ném bỏ tấm bằng đó đi? Liệu tôi có đủ can đảm? Bạn có đủ can đảm?
Thấy tôi vò đầu bứt tai, bố mẹ ban đầu động viên lắm nhưng dần dần cũng tỏ ra sốt ruột khi tôi ra trường được nửa năm mà chưa có ý định đi làm. Bố mẹ đã định dồn hết tiền tiết kiệm và vay thêm họ hàng để “xin” việc cho tôi ở quê, một công việc lương khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng khi mới vào.
Tôi đã gạt ngay đề nghị đó và tính toán cho bố mẹ tôi hiểu rằng bỏ ra hàng trăm triệu để xin được việc lương hơn 3 triệu là điều không hợp lý chút nào. Tính ra tôi sẽ mất gần chục năm không ăn uống, không chi tiêu thì mới hoàn lại được số tiền đó.
Theo tôi nó là 1 sự đầu tư cực kỳ sai lầm mà rất nhiều các bác, các mẹ ở quê đã chạy việc cho con cái của họ theo cách như vậy. Tất cả cũng chỉ vì cái “danh” rằng con mình ra trường đã có việc làm hoặc muốn cho con cái mình được “ổn định” có công có việc như bao người.
Tất nhiên suy nghĩ và quan điểm này của tôi sẽ không áp dụng được với các gia đình có điều kiện, coi công việc chỉ đơn thuần là “công việc” mà không bị gánh nặng về tiền bạc.
Quay trở lại thời còn là sinh viên, tôi đã tiêu phí phạm hàng trăm triệu trong 4 năm đi học. Tôi học chuyên ngành mà chẳng nghĩ có tương lai gì với cá nhân mình, nhưng tôi vẫn đi học, vì dù sao tốt nghiệp cấp 3 xong và đỗ đại học cũng là bước ngoặt của mỗi đời người. Rất đáng trân trọng nhưng sau này tôi mới thấy đó thật sự sai lầm.
Những gì tôi học được lại không thật sự phù hợp với các công việc mà tôi đam mê, thực sự theo đuổi. 4 năm đi học, nếm đủ vui buồn, đắng cay của cuộc sống sinh viên tỉnh lẻ xa nhà, nếp nhăn vất vả của bố mẹ tôi xuất hiện rất nhiều chỉ vì bốn chữ “được là sinh viên” của tôi.
Suy cho cùng, tấm bằng đại học chẳng có trách nhiệm gì với bạn cả. Nó không phải là tấm vé lên “chuyến bay vinh quang”. Nó chỉ chứng minh bạn là con người bình thường như bao người khác! Nếu bạn không có đam mê hoặc không có cơ sở để sử dụng, hãy cất nó đi hoặc treo lên như 1 bức tranh kỷ niệm.
Tôi nói vậy không phải khuyên các bạn đừng học đại học, mà muốn nói với các bạn rằng hãy chọn nghề thật kỹ. Học gì? Sau này ra trường có hướng đi tiếp theo hay không? Đừng nghĩ tới chuyện may rủi rằng ra trường biết đâu xin được việc, vì cuộc đời không bao giờ có chuyện “giá như”.
Nếu ngay từ đầu các bạn có định hướng khác, kinh doanh, buôn bán hoặc làm bất cứ gì ra tiền mà không phạm pháp thì hãy cân nhắc việc đi học đại học. Suy cho cùng, học đại học cũng chỉ để có công việc và có tiền nuôi sống bản thân, báo hiếu gia đình, vậy thì tại sao phải tốn thêm 3-4 thậm chí 5-6 năm để đi học mà ngay bây giờ các bạn có thể làm được điều đó?
Nếu được chọn lựa lại, tôi sẽ đi học thiết kế ngay từ đầu chứ không phải học xong đại học mới học tiếp như thế này, một công việc đúng với đam mê và sở thích của tôi. Tôi tin với số tiền tiêu trong 4 năm học đó, nếu dùng vào việc đầu tư đúng chuyên ngành thì chắc giờ tôi đã khác rất nhiều.
Đời người ngắn lắm. Tại sao cứ phải đi theo lối mòn cơ chứ? Mạnh mẽ lên, hãy đi theo con đường mình đã chọn và về đích nhanh nhất. Hãy luôn luôn tin vào bản thân mình. Quan trọng nhất: Hãy làm những việc đúng với đam mê, đam mê nhưng không hão huyền…
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn định hình được thực sự mình muốn gì và cần gì?
Chúc các bạn thành công và định hướng được cuộc sống của mình ngay từ bây giờ để không phải bỏ lỡ nhiều cơ hội giống như tôi.
Theo Đăng Duy/Vietnamnet
Nếu được chọn lại, tôi không học đại học
33 tuổi đầu, tôi thấy mình quá kém cỏi so với bạn bè cùng trang lứa ở quê, nếu được chọn lại, tôi không học đại học...
Tôi sinh năm 1981, năm nay 33 tuổi, cử nhân đại học và đang có một công việc với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/ tháng. So với mức thu nhập trung bình hiện nay, mức thu nhập tôi đạt được không phải là quá thấp, với mức thu nhập này, chi tiêu tiết kiệm tôi có thể lo cho cuộc sống của bản thân mình và cùng vợ lo cho các con.
Song tôi vẫn nghĩ, nếu được chọn lại, tôi sẽ không chọn con đường vào giảng đường đại học.
33 tuổi đầu, tôi thấy mình quá kém cỏi so với bạn bè cùng trang lứa ở quê, nếu được chọn lại, tôi không học đại học (Ảnh minh họa)
Tôi dám khẳng định như vậy và thấy rất ân hận khi so sánh bản thân mình với đám bạn ở quê học cùng tôi hồi cấp 2, cấp 3, tôi thật sự thấy mình quá kém cỏi. 33 tuổi đầu, vẫn đôi bàn tay trắng, không bằng mấy người bạn ở quê của tôi bỏ học từ hồi cấp 2, cấp 3.
Họ chẳng cần học đại học, họ cũng chẳng cần có bằng cử nhân như tôi, nhưng bây giờ họ có đủ mọi thứ, nhà cửa khang trang, con cái đã lớn. Trong khi tôi vẫn đang ở nhà thuê, mà chẳng biết thuê đến bao giờ, con thì mới có một đứa hơn 2 tuổi, cuộc sống vẫn nheo nhóc và vất vả trăm bề.
Cũng đúng thôi, bởi tôi mới có gia đình riêng và bước vào cuộc sống gia đình 3 năm nay, trong khi đó đám bạn tôi đã đi trước đó hàng hơn chục năm, khi tôi vẫn còn là một thằng sinh viên nghèo, ngày ngày cắp sách đến giảng đường và ăn bám bố mẹ thì họ đã bươn trải và làm quen với cuộc sống. Nên khi tôi tốt nghiệp đại học, bắt đầu làm quen với cuộc sống bên ngoài thì đám bạn của tôi đã yên bề gia thất, có một số vốn kha khá để ổn định cuộc sống.
Bây giờ, sau hơn 10 năm học hành và làm việc ở thành phố, tôi đã 33 tuổi đầu, đi được đời người nhưng nhìn lại vẫn chưa có gì trong tay ngoài một người vợ và một đứa con mới lên 2 tuổi. Cuộc sống tạm bợ không biết bao giờ mới kết thúc với tôi.
Nhớ ngày mới ra trường, đin việc khắp nơi không được, tôi đã từng nghĩ mình sẽ về quê làm kinh tế, nhưng sự sĩ diện, tư tưởng học đại học rồi trở về quê làm ruộng như những người chẳng học hành gì đã kéo tôi ở lại, bám trụ lấy mảnh đất Thủ đô. Và 10 năm nhìn lại, vẫn là một sự hối hận, nhưng vẫn không dám từ bỏ công việc hiện có để trở về quê...
Theo Đất Việt
Đi tìm bí mật của cuộc hôn nhân thành công Kết hôn khi bạn 25 tuổi, không sinh con trong năm đầu tiên sau đám cưới, có thu nhập ổn định, tốt nghiệp đại học, luôn tôn trọng và ngưỡng mộ bạn đời... là điều kiện cần để đảm bảo hôn nhân thành công. Đó là những đúc kết của hai chuyên gia tình yêu và hôn nhân người Mỹ, tiến sĩ Charles...