Tâm sự của thủ khoa ĐH Ngoại thương
Là thủ khoa cao điểm nhất của ĐH Ngoại thương, Lê Cao Nguyên (chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) từng giành nhiều giải quốc gia môn Tin học nhưng lại thi kế toán vì muốn nối nghiệp bố.
Vẫn còn nguyên niềm vui sướng khi nhận được tin đỗ thủ khoa, Lê Cao Nguyên cho biết, bố là người báo tin cho em sau khi đọc báo. “Trước đó em từng giành giải nhì quốc gia môn Tin năm lớp 11, giải 3 môn Tin năm lớp 12, nhưng đây là thành quả lớn nhất mà em từng có”, Nguyên cười nói.
Đi thi với sự tự tin vì nắm chắc kiến thức, Nguyên hoàn thành khá tốt cả ba môn thi. Em cũng tự chấm và biết mình không dành được điểm tuyệt đối ở môn nào vì Toán câu 5 chỉ làm được một nửa, Lý có một câu về dao động điều hòa làm không chắc chắn và Hóa do thiếu thời gian nên một câu đánh dấu khi mới đọc lướt qua.
Lê Cao Nguyên và thầy chủ nhiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nguyên tâm sự, lúc đầu em dự định thi vào công nghệ thông tin, nhưng bố và thầy chủ nhiệm Nguyễn Hồng Thái phân tích ngành này vất vả, nên đi theo Kế toán thì tốt hơn. Nguyên đã suy nghĩ và cuối cùng quyết định thi vào khoa Kế toán ĐH Ngoại thương để theo nghiệp bố (hiện đang công tác ở Công ty kiểm toán Hạ Long).
“Em rất biết ơn bố và thầy đã cho em những lời khuyên chân thành nhất. Thầy Thái cũng là thầy đã dạy em hai môn Toán, Tin”, Nguyên cho hay.
Phần thưởng đầu tiên mà tân thủ khoa ĐH Ngoại thương nhận được là một chiếc máy tính xách tay do bố tặng. Ông Lê Chí Linh (bố Nguyên) cho biết, rất tự hào về đứa con trai. “Từ khi biết tin cháu thủ khoa, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn chúc mừng. Các đồng nghiệp ở cơ quan cũng vui vẻ hỏi han. Ngay tối qua, gia đình đã có buổi liên hoan để chúc mừng Nguyên”, ông Linh nói.
Video đang HOT
Năm nay, ĐH Ngoại thương có 8 thủ khoa ở tất cả các khối. Khối A có Lê Cao Nguyên đạt cao nhất 29 điểm (Toán 9,5; Lý 9,75; Hóa 9,75) và Nguyễn Duy Hải 28,75 điểm (9,25; 9,5; 10).
Đặc biệt, trong số 8 thủ khoa ĐH Ngoại thương năm nay có đến 4 thủ khoa là học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ. Đó là các em Nguyễn Kim Lâm, Lê Ngọc Trâm, Trần Thị Mai Ly và Chu Thị Phương Thảo.
Theo VNE
Thủ khoa ĐH Ngoại thương: Vượt qua cái nghèo để học giỏi
"Em không nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa. Em vô cùng bất ngờ, xin dành tặng niềm vui này cũng như lòng biết ơn đến cha mẹ, thầy cô, bạn bè đã yêu thương, dìu dắt em suốt những năm qua" - tân thủ khoa ĐH Ngoại thương Nguyễn Duy Hải chia sẻ.
Thủ khoa Nguyễn Duy Hải cùng bố mẹ.
Bố thợ nề, con trở thành thủ khoa
Người dân xóm 5 xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) vốn chẳng lạ gì gia cảnh anh Nguyễn Duy Bốn, nên khi chúng tôi tìm đến hỏi thăm, ai cũng tranh nhau chỉ dẫn, trả lời: "Nhà chú Bốn thợ nề phải không, đúng là nhà có phúc, nghèo thế mà con cái đứa mô cũng học giỏi lắm. Năm nay cu Hải nhà chú Bốn đỗ đại học điểm cao lắm đó, bà tui trông có được đứa con như chú Bốn thì tuyệt vời biết mấy".
Sinh ra trong cái nghèo, gia đình làm nông với vẹn vẹn 4 sào đất ruộng, từ nhỏ Nguyễn Duy Hải đã quen với cảnh thiếu thốn. Bố Hải cứ sau mỗi vụ mùa lại tranh thủ xin đi làm thợ xây, kiếm thêm ít tiền về nuôi con ăn học. Thấm thía nỗi khó khăn của sự nghèo đói, Hải luôn quyết tâm phải học thật giỏi. Em tận dụng mọi thời gian để học. Sự chăm chỉ chịu khó đã giúp em luôn đạt kết quả cao trong học tập.
Năm lớp 5, Hải đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh trong niềm vui của bố mẹ. 4 năm sau đó, Hải đạt giải nhì toàn tỉnh môn Hóa, và kết thúc lớp 9 với một thành tích đáng khâm phục: đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện trong suốt chín năm liền. Đó là hành trang để em tự tin vào học ở Trường THPT Đô Lương 1, ngôi trường vốn có truyền thống hiếu học. Những năm cấp 3, dù mưa hay nắng, cậu học trò nghèo Nguyễn Duy Hải vẫn đều đặn đạp xe vượt gần 10km đến trường.
"Hải là học sinh có năng lực lại rất khiêm tốn. Tôi luôn đánh giá cao khả năng cũng như sự cần cù chăm chỉ nơi em. Tôi tin tưởng vào đại học em sẽ làm nên điều kỳ diệu và học giỏi hơn nữa" - thầy giáo chủ nhiệm Trần Huy Hưng chia sẻ.
Biết hoàn cảnh Hải khó khăn, nhà trường đã có nhiều sự động viên giúp đỡ, như việc tạo điều kiện cho em mượn nhiều tài liệu học tập. Nhờ đó, Hải tiếp tục duy trì được thành tích học tập xuất sắc từ nhỏ của mình, mà tiêu biểu là giải nhất toàn tỉnh Nghệ An môn Toán với số điểm tuyệt đối 20/20. Từ lớp 10 đến lớp 12, Hải luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện, là tấm gương tiêu biểu vượt khó học giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến, tin tưởng.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Hải cho biết: "Em luôn cố gắng tập trung tối đa trong các giờ học ở lớp để tiếp thu cặn kẽ bài giảng. Sau đó về nhà làm thật nhiều bài tập để rèn luyện. Những gì chưa hiểu hoặc chưa rõ em gặp ngay thầy cô để hỏi hoặc trao đổi với bạn bè, nhờ đó em dễ dàng hơn trong việc tiếp thu".
Nguyễn Duy Hải (ngồi giữa) cô hiệu trưởng và thầy giáo chủ nhiệm.
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hương - Hiệu trưởng trường Đô Lương 1 tâm sự: "Hải là một học sinh tiêu biểu của trường. Em xuất sắc trên tất cả các mặt, từ học tập đến đạo đức lối sống. Ngoài việc học, em cũng là cá nhân tham gia tích cực vào các hoạt động do trường tổ chức, và cũng có nhiều thành tích xuất sắc".
Chông chênh một ước mơ
Hải chia sẻ thật lòng: "Khi xem đáp án đề thi cũng như trao đổi với thầy cô, bạn bè, em biết mình sẽ đạt điểm cao nhưng không nghĩ sẽ thành thủ khoa. Vì từ trước tới giờ thủ khoa Ngoại thương thường đạt điểm tuyệt đối. Vì thế nên em rất bất ngờ và sung sướng với thành tích này. Em xin gửi tặng niềm vui và lòng biết ơn tới bố mẹ và thầy cô, những người đã hết lòng yêu thương và dìu dắt em suốt những năm qua".
Anh Nguyễn Duy Bốn - bố Hải không giấu nổi sự tự hào với kết quả của con trai mình, dù biết rằng vợ chồng anh sẽ vất vả hơn nhiều lần: "Cả nhà tui đều rất bất ngờ và vui mừng. Hải là đứa chăm chỉ, cần cù, hiếu học nên thành tích này cũng là xứng đáng và đã không phụ lòng mong mỏi của vợ chồng tui. Nhưng cái khó khăn sắp tới khi Hải vào học đại học sẽ tốn kém lắm. Dù có khó khăn, gia đình sẽ tạo điều kiện hết sức để cháu học tốt!".
Ước mơ của Hải là được du học.
Khi chúng tôi hỏi tới việc gia đình sẽ làm gì để có thêm tiền nuôi 2 đứa con học ĐH (gia đình anh Bốn có 2 đứa, chị gái Hải là sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế quốc dân), anh Bốn và chị Lê Thị Hà đều im lặng. Dù vui mừng đấy nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo, gẵng hỏi mãi chị Hà bùi ngùi: "Trước mắt gia đình sẽ nương nhờ vốn vay sinh viên, còn sau ni cũng chưa biết thế nào. Nói thật nhà tui có 4 sào ruộng, bố cháu làm nghề thợ nề nên mỗi ngày chỉ kiếm được dăm chục (50 ngàn đồng) có đáng là bao đâu. Sau ni rồi sẽ tính đến việc vay anh em chòm xóm, có thể vay ngân hàng, nhà tui có sổ hộ nghèo chắc lãi suất ít...".
Còn với tân thủ khoa Nguyễn Duy Hải, em cũng lường trước được khó khăn: "Bố mẹ và cả em sẽ gặp nhiều vất vả hơn khi em bước vào giảng đường đại học sắp tới. Trước mắt sẽ là số tiền vài ba triệu cho em nhập trường, sau đó là tiền sống hàng tháng, thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt và các chi tiêu ở Hà Nội... cái đó với gia đình em sẽ vất vả lắm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để dành được học bổng, như thế bố mẹ sẽ đỡ vất vả hơn. Mơ ước của em là được du học nước ngoài, trở thành một doanh nhân thành đạt để có thể giúp đỡ gia đình và quê hương, trả ơn những người đã nuôi dưỡng và nâng đỡ dìu dắt em...".
Chúng tôi đọc được những quyết tâm và khao khát trong mắt cậu học trò nghèo xứ Nghệ, nhưng cũng thấy rõ những ưu tư trên khuôn mặt em và cả gia đình. Con đường thực hiện mơ ước của em sẽ chông chênh với nhiều trở ngại. Đâu đó trong ánh mắt của người cha - bị dị ứng xi măng nhưng vẫn phải đi xây hằng ngày - là nỗi lo cơm áo, tiền bạc cho đứa con trai sắp xa nhà. Và chúng tôi mang cả những nỗi niềm đó gửi lên trang báo này, với một hi vọng nhỏ... Xin mọi người cùng chia sẻ với Hải, gia đình trong lúc này.
Theo Dân Trí
Gặp thủ khoa đầu tiên của mùa tuyển sinh ĐH 2011 Lê Cao Nguyên hơi tiếc về bài làm môn Hóa, tuy nhiên em vẫn là một trong hai thủ khoa khối A của ĐH Ngoại thương. Phần thưởng bố dành cho Cao Nguyên là một chiếc laptop. Phần thưởng là một chiếc laptop Tại trường THPT chuyên Hạ Long, (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) thì Lê Cao Nguyên là một cái...