Tâm sự của cô giáo 9X lên miền ngược
“Mỗi ngày xa con, em chỉ biết khóc, cứ nhìn học sinh ở lớp lại nhớ đến con mình”, cô giáo trẻ Phùng Thị Huyền vừa nói vừa khóc.
Thiếu thốn vật chất, tinh thần
Chỉ vào sách tiếng Việt vẽ nhiều loại trái cây của học sinh lớp 4, cô Lê Thị Hằng (giáo viên tiểu học ở huyện nghèo Lang Chánh, Thanh Hóa) hỏi: Các em có biết loại quả gì không? Học sinh ngơ ngác, không em nào biết. Cô giáo tiếp tục hỏi: Đã em nào được ăn phở chưa? Học sinh tròn mắt, không biết phở là thứ gì.
Sau nhiều năm công tác ở vùng cao, cô Lê Thị Hằng vẫn nhớ như in những hình ảnh đó khi mở đầu câu chuyện về lớp học vùng khó khăn, thiếu thốn.
Mỗi lần có dịp lên huyện, nữ giáo viên này dùng số tiền chắt chiu được mua vở, bút, vài vỉ thuốc sẵn sàng sơ cứu cho học sinh. Với những giáo viên trẻ như cô Hằng, tình yêu học sinh là động lực lớn giúp họ bám lớp, bám trường.
Cô giáo Phùng Thị Huyền là một trong 64 giáo viên tiêu biểu được vinh danh tại Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên.
Cũng trong hoàn cảnh dạy học khó khăn như cô Hằng, lớp của cô Phùng Thị Huyền (25 tuổi, giáo viên mầm non ở Huổi Lếch, Mường Nhé, Điện Biên) nằm ở lưng chừng con dốc, chênh vênh giữa núi rừng. Một mình cô giáo trẻ chăm sóc 25 trẻ mầm non.
Lớp học thuộc dạng bán kiên cố, chưa có điện lưới, nằm cách ly với các điểm trường lẻ khác 5 km. Muốn mua sắm, cô Huyền phải đi xa 20 km. Mùa mưa, cô và trò thường xuyên nhịn đói vì không thể ra đường quốc lộ lấy lương thực. Vùng này thiếu nước ngọt, cô phát cho mỗi học sinh một chai 1,5 lít để các em mang nước từ nhà đến lớp.
Học trò của cô Huyền, nhiều em không có quần áo mặc, không có dép đi. Ngày đầu, cô giáo trẻ muốn trò chuyện cùng học sinh nhưng các em không hiểu tiếng phổ thông. Hơn nữa, nhận thức của phụ huynh nơi đây còn nhiều hạn chế, cô Huyền phải đến từng nhà vận động trẻ đến trường.
Người miền núi cả ngày đi làm nương rẫy nên buổi tối, cô giáo trẻ mới vượt đường rừng tối tăm để đến nhà dân vận động. Nhiều lần, cô trở về lúc nửa đêm. Có những gia đình phải đến lần thứ ba thuyết phục, họ mới đồng ý cho con đi học.
Không chỉ khó khăn vật chất, nữ giáo viên cắm bản còn chịu nhiều thiếu thôn về tinh thần. Trường cách nhà khoảng 700 km, cô giáo sinh năm 1990 này phải sống xa con 3 tuổi. Nhớ con, là những lúc cô Huyền nản lòng nhất.
“Xuống Hà Nội mấy ngày nhưng em chỉ ngủ với con được một đêm, lúc chia tay không dám nhìn cháu vì sợ không đi nổi. Mỗi ngày xa con, em chỉ biết khóc, cứ nhìn học sinh ở lớp lại nhớ đến con mình”, cô Huyền vừa nói vừa khóc trong buổi lễ Chia sẻ cùng thầy cô được tổ chức tại Hà Nội.
Video đang HOT
Chia sẻ tâm sự với cô Huyền, cô Nguyễn Thị Thêu, dù đã 19 năm cắm bản tại các trường tiểu học ở Đồng Văn, Hà Giang, nhưng vẫn không thể quen cảnh sống xa con.
Cô Nguyễn Thị Thêu khóc nấc khi nhắc đến cảnh sống xa con. Ảnh: Quyên Quyên.
“Những người thiệt thòi nhất không phải là giáo viên vùng cao mà là thế hệ con cái của chúng tôi. Lúc nào, tôi cũng cảm thấy mình có lỗi với con, không bao giờ bù đắp được những thiếu thốn khi sống xa cha mẹ”, cô Thêu nói.
Khó vẫn không bỏ nghề
Cô giáo Phùng Thị Huyền tốt nghiệp hệ trung cấp, ĐH Hùng Vương, Phú Thọ, đã tình nguyện xin công tác tại một huyện nghèo ở cực Tây đất nước. Ngày ấy, cô gái tròn 20 tuổi bỏ lại nơi có cuộc sống đủ đầy, nhiều cơ hội, để lên với trẻ em vùng cao. Nghĩ về ngày cầm tờ quyết định công tác, cô Huyền chỉ có duy nhất một ước mơ được trở thành cô giáo. Tình yêu và tuổi trẻ không làm cô nản lòng, dù gia đình phản đối quyết liệt vì sợ con gái vất vả.
Nữ giáo viên tâm niệm, bọn trẻ khổ như thế này mà giáo viên không kiên trì bám trụ thì có lỗi với dân, với học trò. Cô giáo trẻ cho rằng, một trong số những may mắn nhất đó là tình yêu “sét đánh” với người chồng cùng quê hương, cùng nơi công tác. Yêu và làm thủ tục cưới chỉ trong một tuần, người chồng sinh năm 1985, là giáo viên cấp 1, đã dìu dắt cô từ ngày mới vào nghề.
“Có những năm tháng chỉ là thời gian trôi, có những vùng đất chỉ là nơi ta đặt chân đến, có những còn người chỉ gặp gỡ vì phải tiếp xúc và có những nghề chỉ là kế sinh nhai… Nhưng tất cả sẽ thay đổi khi con ngưới có tình yêu và nhiệt huyết”, cô giáo trẻ nói.
Cô giáo Đàm Thị Thủy gặp nhiều khó khăn ngày mới nhận công tác. Ảnh: Quyên Quyên.
Một cô giáo 9X khác là Đàm Thị Thu Thủy, đang dạy học ở Bắc Hà, Lào Cai, cũng từng rất hoang mang khi lên vùng cao.
Cô Thủy đảm nhiệm lớp 100% học sinh là người Mông, dạy ghép ba trình độ. Nữ giáo viên 9X chia sẻ, nếu không kiên trì và không có tình cảm thực sự sẽ không thể nào trụ lại được nơi còn nhiều gian khó.
Theo Zing
Chuyện thầy Nay Lít
Khi học sinh chưa tới trường, thầy Nay Lít, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1 Trường tiểu học Ea Sol (xã Ea Sol, huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk), đã cặm cụi quét dọn, vệ sinh lớp đón các em.
Đến giờ học sinh vào lớp, sau khi kiểm tra sĩ số, nếu thấy vắng em nào, thầy Nay Lít lại vội vã đi khắp các buôn... tìm học sinh đưa về lớp.
Hầu như hôm nào cũng vậy, tiết học đầu tiên thầy phải nhờ tới bạn lớp trưởng quản lớp để thầy đi đón những học sinh còn vắng mặt. Bữa nào lớp chỉ vắng 1 - 2 em, thầy thấy phấn khởi lắm vì thời gian đi tìm các em nhanh hơn thường lệ.
Giờ ra chơi thầy Nay Lít thường ở lại lớp chơi đùa cùng các em. Ảnh: Tuổi Trẻ.
"Tài xế" đưa đón học sinh
"Cái khó là phụ huynh quá nghèo, chỉ lo kiếm cái ăn cái mặc nên phó mặc con cái hoàn toàn cho nhà trường. Vì vậy, nếu thầy cô không nỗ lực đưa các em đến trường thì cái nghèo, cái lạc hậu còn đeo bám mãi"
Thầy Nay Lít
Là giáo viên người dân tộc Ê Đê, thầy Nay Lít rất buồn lòng khi đồng bào nơi mình đang sinh sống còn rất nghèo, và việc học của con em không hề được họ coi trọng. Chính vì vậy việc thầy cô ở đây phải tới từng nhà để vận động phụ huynh cho con em tới trường phải diễn ra quanh năm, bất kể mùa mưa hay nắng.
Trường tiểu học Ea Sol có gần như 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cái nghèo khiến đa số học sinh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Thấy người lạ đến trường, các em nơi đây chạy tán loạn, sợ hãi nép mình vào góc tường trốn. Phải đợi đến lúc thầy cô dỗ dành mãi, các em mới dám chạy ra khỏi chỗ nấp, mạnh dạn cười đùa với chúng tôi.
Thầy Nay Lít cho biết điều thuận lợi trong công tác giảng dạy của thầy chính là thầy có cùng ngôn ngữ với các em. "Tôi không bị bất đồng ngôn ngữ như các thầy cô ở trường, vậy mà việc nói chuyện, vận động phụ huynh, học sinh vẫn còn rất khó khăn. Nhưng để nâng cao dân trí, cải thiện cái nghèo cho đồng bào mình, tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm và động lực nhiều hơn khi mang cái chữ đến cho các em học sinh" - thầy Nay Lít mỉm cười nói.
Nhà của 23 học sinh lớp 1A1 thầy Nay Lít đã thuộc làu, thậm chí thầy còn biết luôn địa chỉ của các em ở lớp khác thường xuyên bỏ học. "Phải nhớ rõ thì lúc đi đón các em tới lớp dễ dàng hơn. Rồi phải nhớ những nơi các em thường xuyên lui tới chơi để còn biết đường mà đi tìm" - thầy Lít chia sẻ.
Rồi thầy nhìn xa xăm, buồn bã nói: "Cái khó là phụ huynh quá nghèo, chỉ lo kiếm cái ăn cái mặc nên phó mặc con cái hoàn toàn cho nhà trường. Vì vậy nếu thầy cô không nỗ lực đưa các em đến trường thì cái nghèo, cái lạc hậu còn đeo bám mãi".
Trong chiếc cặp cũ kỹ của thầy Nay Lít bao giờ cũng có cả nắm... bút bi, bởi khi tới lớp, nhiều học sinh lại nhao nhao lên: "Thầy ơi, em không có bút...". "Những lúc đó mà không có bút cho các em, mình lại phải mất thời gian đi mua nữa" - thầy Lít cười.
Sắp đến mùa... bỏ học
Đang nói chuyện vận động từng học sinh tới lớp, thầy Nay Lít ngừng lại, ngồi im lặng trầm tư. Sau một khoảng lặng, thầy chia sẻ: "Sắp tới là mùa thu hoạch cà phê, hàng loạt học sinh lại bỏ học theo cha mẹ lên rẫy. Những em nhỏ hơn không phải đi làm thì lại rủ nhau đi lượm, đi mót cà phê để kiếm tiền. Cái đó hấp dẫn các em hơn việc học rất nhiều. Thế nên mùa cà phê cũng là mùa... bỏ học!".
Thầy cho biết, mặc dù nhà trường đã tích cực vận động bà con đừng để con em đi vào các rẫy mót cà phê vì dễ bị người ta bắt rồi đánh đập, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. "Những năm trước đã có một số trường hợp học sinh bỏ học đi mót cà phê bị người ta bắt lại vì cho là ăn trộm" - thầy Lít lo lắng.
Rồi như chợt nhận ra điều gì, đôi mắt thầy nheo lại, nhìn ra xa. Thầy nói, giọng thật buồn: "Vẫn còn một em học sinh chưa có giấy khai sinh. Đến nhà nhắc phụ huynh đi làm giấy khai sinh cho con mà người ta cứ ậm ờ, hứa bao nhiêu lần mà đến nay vẫn không thực hiện".
Thầy Lít cho biết cả trường có bốn học sinh chưa có giấy khai sinh, vận động mãi đã làm được cho ba em. Thầy Nay Lít đến từng nhà nhỏ nhẹ, "nhờ cậy" gia đình bớt chút thời gian đi làm giấy khai sinh cho con mãi, người ta mới chịu làm.
"Giấy khai sinh này trường mình có thể đi làm cho các em. Nhưng khổ nỗi là bố mẹ những học sinh này lại chưa có giấy đăng ký kết hôn. Chúng tôi đã nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ làm giấy đăng ký kết hôn và khai sinh cho con, nhưng bố mẹ các em chỉ mải mê lên rẫy.
Đến nhà họ nhiều lần nhưng vẫn cứ phải nhẹ nhàng, kiên trì thì mới được. Phải làm giấy khai sinh cho các em trước mùa thu hoạch cà phê, nếu không cuối năm các em lại phải nghỉ học" - thầy Nay Lít nói thêm.
"Ngóc ngách buôn làng nào thầy cũng biết"
Thầy Ngô Văn Bảy - hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Sol - cho biết tại trường, công tác duy trì sĩ số học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, lớp 1A1 do thầy Nay Lít làm chủ nhiệm có sĩ số học sinh thường đông đủ nhất. Thầy Nay Lít là người đã gắn bó với mái trường vùng sâu này từ ngày thành lập đến nay, và hầu như mọi ngóc ngách trong các buôn làng thầy đều nắm rõ.
"Chỉ cần không thấy học sinh tới trường, thầy liền chạy đi tìm. Nếu biết các em bị đau ốm, hết giờ dạy, chưa kịp ăn uống, nghỉ ngơi gì thầy Nay Lít đã vội vã đến tận nhà thăm hỏi ngay" - thầy Bảy chia sẻ.
Theo Lĩnh Hồng/Tuổi Trẻ
Chuyện về những thầy cô giáo kỳ lạ ở vùng đất '5 không' Điểm trường Đắk Bối (xã Mường Hoong-Đắc Glei-Kon Tum) nằm biệt lập, đường lên hiểm trở và khó khăn, nhưng vẫn có những thầy cô ngày ngày "thắp sáng" cho mầm non tương lai. Kỳ lạ niềm đam mê với nghề Những ngày này, núi rừng Tây Nguyên đón cơn mưa nặng hạt, khiến cho con đường lên điểm trường làng Đắk Bối...