Tâm sự của chủ nhân HC Vàng Toán quốc tế “hụt” du học Mỹ
Phạm Đức Hùng, chủ nhân Huy chương vàng toán quốc tế năm 2009, vừa bị “hụt” chuyến du học tại Mỹ do đề án 322 bị dừng với lý do hết chỉ tiêu. Hùng đang buồn và thất vọng vì bao nhiêu dự định trong tương lai bỗng chốc tan biến.
Năm 2009, Phạm Đức Hùng tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế tại CHLB Đức, khi đó Hùng đang là học sinh lớp 11 chuyên toán, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng và đã đoạt Huy chương Vàng. Với thành tích này, Hùng đã trúng tuyển đề án du học 322 của Nhà nước. Do quy định ở Việt Nam, để du học bằng ngân sách nhà nước ứng viên phải đang theo học tại một trường đại học nên Hùng đã lựa chọn ĐH Ngoại thương và theo học tại đây 1 năm. Sau đó Hùng đã bảo lưu đại học, tập trung học ngoại ngữ theo kế hoạch của Bộ để đi du học. Hiện Hùng đã hoàn tất, được trường ở Mỹ gửi phản hồi đồng ý cho theo học. Việc thông báo dừng giải quyết du học của Bộ đã làm Hùng hụt hẫng buồn và thất vọng bởi bao nhiêu dự định trong tương lai đã bị tan biến.
Phạm Đức Hùng, chủ nhân Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2009.
Tâm sự với Dân trí, Hùng cho biết: “So với nhiều bạn khác cũng đi theo học bổng 322 của chính phủ, tôi tự nhận tôi là người may mắn hơn. Ngay từ khi ra khỏi trường cấp 3, tôi đã có một cơ sở tiếng Anh khá tốt, giúp cho việc học tiếng của tôi cũng không đến nỗi quá vất vả. Quê tôi – Hải Phòng- ở ngay gần Hà Nội khiến cho việc tôi lên thủ đô học tập không phải quá vất vả, hơn nữa khả năng tài chính của gia đình cũng có thể tạm trang trải được chi phí của việc tôi đi học xa nhà. Và thành tích của tôi – Huy chương vàng toán quốc tế năm 2009 – giúp cho tôi có nhiều cơ hội hơn hầu hết mọi người trong việc xin học và đăng ký nhận học bổng ở nước ngoài.
Cũng chính vì có xuất phát điểm như thế, nên tôi càng đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân mình. Sống, học tập và làm việc tại Hà Nội là cơ hội cho tôi rèn luyện cả kiến thức lẫn con người. Tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm của một thời vất vả mà yêu thương ấy. Nhớ những ngày mưa tầm tã, guồng chân hối hả trên chiếc xe đạp băng qua 8km đường “Hà Lội” để có thể đến kịp buổi học tiếng Anh. Nhớ những đêm sắp đến khi thi chứng chỉ, cố gắng ngồi “cày cuốc” mong tăng thêm chỉ một chút điểm, để rồi ngủ gục trên quyển sách từ lúc nào không biết. Nhớ những hôm cuối tuần bố mẹ cùng nhau bắt xe lên Hà Nội mang đồ ăn cho con vì sợ con ngại khó ăn uống bên ngoài không đảm bảo, mặc dù vẫn biết là “thế này làm sao mà rèn tính tự lập được mẹ ơi…”.
Trải qua gần 1 năm rưỡi chuẩn bị ngoại ngữ và hồ sơ, rốt cuộc tôi cũng hoàn thành việc xin học của mình, được trường nhận và chỉ còn chờ ngày khởi hành. Đan xen trong tôi là niềm vui về thành quả của công sức 1,5 năm trời của mình, cùng với nỗi lo về trách nhiệm của mình, lo về việc mình sẽ trở thành 1 thành phần trong số những con người đại diện đất nước Việt Nam đi ra thế giới, lo về việc làm sao để có thể học tập thật tốt để mang lại cho đất nước nhiều cống hiến nhất.
Nhiều lúc, tôi mơ ước rằng mình có thể biết trước tương lai.
Nếu như biết trước tương lai thì tôi đã cố gắng đi sớm 1 năm để không lâm vào hoàn cảnh bế tắc đến thế. Ngày 12/5/2012 quả là 1 ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi, khi tôi nhận được thông báo của Cục nói rằng học bổng 322 bị dừng lại đối với những người còn ở lại Việt Nam. Bao nhiêu hy vọng, trong giây phút ấy, như đổ sập ngay trước mắt tôi. Tìm hiểu sâu thêm, tôi mới biết được rằng do chúng tôi nằm ngoài 2.000 chỉ tiêu đã tuyển nên không được cấp học bổng tại nước đăng ký nữa, và nếu như muốn tiếp tục du học thì chúng tôi sẽ phải chuyển qua học bổng hiệp định mà chính phủ Việt Nam ký với một số nước khác, những nước như Cuba, Maroc, Srilanka, những nước mà ngôn ngữ khác với những gì tôi theo đuổi.
Video đang HOT
1/6/2012 – tức 1 tuần nữa – là thời hạn chúng tôi phải hoàn tất hồ sơ đăng ký mới nếu như đồng ý, và trong trường hợp được nhận, chúng tôi sẽ chỉ có 3 tháng để chuẩn bị mọi thứ khác đồng thời sẽ không còn có thể quay lại học bổng 322 nữa. Quả thật điều này gần giống như một “nhiệm vụ bất khả thi” đối với tôi cũng như đối với bất kỳ ai trong số những người ở lại chúng tôi.
Nếu như biết trước tương lai, chắc chắn tôi đã có thể có cho mình phương án dự phòng. Đến khi tôi biết tin, ngay lập tức tôi đã tìm và liên hệ với các trường, quỹ học bổng khác, nhưng đều nhận được câu trả lời không chấp thuận. Lý do rất đơn giản, thời điểm tôi nhận được thông báo thì chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến năm học mới, và kỳ hạn xin học của các trường tốt có học bổng thì phần lớn đã qua được nửa năm.
Nếu như biết trước tương lai, thì tôi thậm chí có lẽ đã không xin học bổng 322 này. 2 năm qua tôi đã nhận được nhiều điều, nhưng những thứ tôi đã mất thì còn nhiều hơn. Đó là tiền bạc và công sức của bố mẹ tôi bỏ ra trong 2 năm, là những cơ hội mà tôi đã bỏ lỡ trong 2 năm, là tuổi trẻ và những nhiệt huyết trong 2 năm, và còn là niềm tin và hy vọng đã mai một.
Giờ đây, nguyện vọng duy nhất của tôi là học bổng 322 có thể được giải quyết dứt điểm cho tôi và những người như tôi đúng như nguyện vọng ban đầu của mỗi người, chứ không phải là chuyển qua học bổng hiệp định, hay là chờ thêm 1 năm nữa để học bổng mới được thông qua – 2 năm mất đi đã là quá đủ. Còn nếu không, có lẽ tôi sẽ đành phải quay về Việt Nam chuyên tâm học đại học, cùng bắt đầu lại với những người kém mình 2 tuổi. Nhưng, quả thực, sự lựa chọn này … thật là không mong muốn!”.
Hồng Hạnh (ghi)
Theo dân trí
Tâm sự nhân tài bị cắt học bổng vì dừng đề án 322
Thủ khoa đạt 3 điểm 10 duy nhất năm 2010 đã đặt cọc tiền ở trường Clark University, nhận giấy mời nhập học, mọi thủ tục đã xong, chỉ đợi tiền học bổng từ nhà nước thì nhận được tin dừng đề án 322.
Sau buổi làm việc ngày 21/5 giữa các học viên và Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) thì phía Cục đưa ra hai hướng giải quyết của đề án 322:
Thứ nhất, ứng viên nghiên cứu thông tin tuyển sinh trên các website: www.vied.vn và www.moet.gov.vn để xác định và đăng ký chuyển sang chương trình học bổng cụ thể do Bộ GD&ĐT (Cục Đào tạo với nước ngoài) chủ trì tuyển sinh, đi học theo diện học bổng hiệp định, học bổng nước ngoài cấp cho Việt Nam năm học 2012 - 2013 phù hợp với nguyện vọng đi học của mình.
Thứ hai, đối với ứng viên tiến sĩ đang là giảng viên ĐH, CĐ hoặc người được xét tuyển đi học tiến sĩ về làm giảng viên ĐH, CĐ, ứng viên thạc sĩ có học lực ĐH loại giỏi là giảng viên ĐH, có văn bản của cơ sở đào tạo nước ngoài đồng ý tiếp nhận đào tạo thẳng chương trình tiến sĩ, sẽ đăng ký để được xem xét chuyển sang xử lý trúng tuyển theo diện học bổng Đề án 911 đi học chương trình tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước năm 2012 - 2013.
Tuy nhiên, các học viên, vì nhiều lý do đã không đồng tính với các phương án trên. Dưới đây là những tâm sự của các nhân tài đã được nhà nước lựa chọn để đưa ra nước ngoài đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực cao cấp cho nước nhà.
Nếu như có thông báo sớm hơn thì không dang dở
Thủ khoa điểm tuyệt đối Tăng Văn Bình.
Tăng Văn Bình, thủ khoa đạt điểm tuyệt đối duy nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 là một trong số học viên của đề án 322. Và Bình cũng đang nằm trong tình thế nan giải khi đầu tháng 5 Bộ Giáo dục và Đào tạo bất ngờ thông báo dừng đề án 322.
Chiều 23/5, Bình cho biết: "Em cũng như các bạn khác, vào tháng 2/2011 em nhận được học bổng của đề án 322, sẽ đi du học Mỹ. Theo đề án này, thí sinh nộp hồ sơ lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi Bộ duyệt, em được cấp học bổng trị giá 29.400 USD/năm. Trong đó có 15.000 USD là tiền học phí, 1.200 USD là phí sinh hoạt hàng tháng. Em sẽ tự tìm hiểu, liên hệ để chọn trường ở Mỹ.
Tới nay, em đã liên hệ và hoàn thành được mọi thủ tục vào trường Clark University. Vì hạn của trường là ngày 1/5 nên vào cuối tháng 4 em đã đặt cọc 500 USD (hơn 10 triệu đồng) ở Clark University. Ngoài ra, em cũng bỏ khá nhiều chi phí trong suốt hơn một năm qua để học tiếng Anh, tìm hiểu các trường ĐH.... Và giờ thì tất cả thủ tục của em đã hoàn tất, nhà trường đã gửi giấy mời nhập học, hộ chiếu đã xong, giờ chỉ còn làm visa và học bổng của nhà nước nữa thôi, nhưng bây giờ thì....".
"Điều đáng nói là nếu như em nhận được quyết định này từ khoảng tháng 2 thì có thể đã không lâm vào tình thế dở dang như bây giờ. Học bổng của em không chỉ là 29.400 USD/năm mà nhà nước cấp theo đề án, mà em đã xin ở trường 25.000 USD/năm. Nếu bị dừng dự án sớm, em sẽ tìm cách xin thêm học bổng hoặc có phương án khác, nhưng giờ thì trường đã chốt dự toán, các trường khác cũng vậy" - Bình chia sẻ.
Không chọn đi nước khác, ở lại Việt Nam thì "tụt hậu"
Nguyễn Thanh Tú cùng nhận được học bổng theo đề án 322 như Bình, ở diện chính sách. Theo đề án đào tạo nhân tài này, Tú sẽ được đi du học chuyên ngành kinh tế tại Pháp. Nếu không có gì thay đổi, vào cuối tháng 9 tới, Tú sẽ sang Pháp nhập học. Thế nhưng, hiện tại Tú cũng như các học viên trong đề án này đang ở tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
"Tháng 2/2011, em nhận được học bổng đi Pháp theo đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lúc đó em vừa hoàn thành học kỳ 1 tại trường ĐH Ngoại thương. Để tập trung cho việc học ngoại ngữ, em đã xin bảo lưu kết quả tại ĐH Ngoại thương. Từ đó đến nay, em chỉ chuyên tâm học tiếng Pháp để đạt chứng chỉ và sẽ lên đường vào cuối tháng 9 tới" - Tú nói.
Khoảng giữa tháng 4, Tú cùng các học viên đã liên lạc với Cục Đào tạo với nước ngoài để hỏi về tiến trình thủ tục tiếp theo thì nhận được thông báo của họ là nhà nước đang xem lại đề án và tới tháng 6 mới có thông tin cụ thể về việc này.
"Lúc đó em cũng đã có chút lo lắng, nhưng không hề ngờ rằng vào ngày 11/5 lại nhận được tin qua báo chí, rồi tới ngày 15/5 thì mới nhận được thông báo chính thức của Bộ qua email. Thực sự thì em cũng như các bạn đều rất bất ngờ. Chúng em đã bảo lưu kết quả đại học một năm rồi, trong suốt thời gian qua đã tập trung cho việc học ngoại ngữ, rèn luyện các kỹ năng khác để đi Pháp, Mỹ, cuối cùng khi các trường ở nước ngoài đã "chốt" thời hạn nhận hồ sơ thì có tin không được đi nữa" - Tú chia sẻ.
Về hai phương án mà đại diện Bộ Giáo dục đưa ra trong buổi làm việc với các học viên vào sáng 21/5, Tú cho biết: "Em cũng không đi Marốc, Srilanka, hay Cuba được, vì bọn em chủ yếu là học về kinh tế, mà theo em những nước trên đều không có chất lượng đào tạo ngành này, ngoài ra, trong số các nước Bộ đưa ra thì chỉ có Marốc là sử dụng tiếng Pháp. Còn nếu chọn đi Nhật, Trung Quốc... thì phải học lại một ngôn ngữ khác, sẽ mất thêm một khoảng thời gian tương tự như vừa qua".
Nếu sắp tới, Bộ và nhà nước vẫn giữ nguyên quyết định dừng đề án 322 thì Bình, Tú và nhiều học viên khác (tổng số 47 sinh viên được cấp học bổng đi nước ngoài trong năm nay, chưa kể khoảng 100 ứng viên đang công tác tại các cơ quan, ban ngành) sẽ quay trở lại làm sinh viên năm thứ nhất, muộn 2 năm so với các bạn cùng trang lứa. Chính vì thế, hi vọng (dù là mong manh) của các học viên là sẽ được Bộ giải quyết cho đi du học trong năm nay như cam kết ban đầu.
Các học viên cũng cho biết, ngoài tâm thư gửi lên Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong thời gian tới các bạn sẽ có thêm cuộc gặp gỡ với nhau để tiếp tục lên tiếng về vụ việc này.
THỦY NGUYÊN
Theo Infonet
Được tuyển đi học tại Pháp, Mỹ, Anh, cuối cùng lại thành Cuba, Marốc Các ứng viên đề án 322 đã cùng nhau thống nhất viết một lá đơn gửi lên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Bộ GD-ĐT để trình bày nguyện vọng. Theo quyết định 815 của Bộ GD-ĐT, nhiều sinh viên được tuyển chọn đi học ĐH ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322) năm 2011 học tại...