Tám nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực ở TP HCM
Theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, mỗi năm, TP HCM cần thêm 270.000 – 300.000 nhân lực thuộc 8 nhóm ngành nghề.
Việt Nam vừa gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền kinh tế đang hội nhập mạnh, dẫn theo việc trao đổi nguồn lao động giữa các nước trong khu vực và nhu cầu nhân lực của nhiều công ty tăng mạnh.
Thí sinh sau giờ thi THPT 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Nên theo nghề mình thích
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng, đây là cơ hội tạo thị trường lao động tự do. Nhân lực của chúng ta có thể ra nước ngoài làm việc và ngược lại. Khi Việt Nam là thị trường lao động mở, năng động, người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần có những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm, công nghệ thông tin, tác phong công nghiệp…
Theo vị thạc sĩ này, không phải cứ học đại học ra trường là được tham gia nhóm ngành nghề cao, không phải bằng loại giỏi là ra trường làm được việc, không phải học cao đẳng, trung cấp là khó tìm việc…
“Hàng năm, chúng ta có nhiều cử nhân kinh tế nhưng các công ty vẫn thiếu người làm kinh tế giỏi. Vì thế, các em phải vừa học giỏi chuyên môn, vừa rèn kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm làm việc, năng động sáng tạo”, ông Tuấn nói thêm.
Vậy học sinh chọn ngành nghề trên cơ sở nào và những nghề nào sẽ “hot” trong 3 – 5 năm tới?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tư vấn, tùy vào sở thích, năng lực, sở trường của mỗi người, học sinh lựa chọn ngành học mình đam mê, yêu thích. Khi ấy, các bạn mới có hứng thú để học, nghiên cứu và theo đuổi công việc trong tương lai.
Cũng theo thầy Dũng, hàng năm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) có khoảng 500 sinh viên nghỉ học, chủ yếu do không còn hứng thú với ngành học, thi lại trường khác để theo đuổi đam mê.
Dự đoán về những ngành “hot” trong tương lai, ông Trần Anh Tuấn thông tin, từ nay đến 2025, mỗi năm TP HCM cần thêm 270.000 đến 300.000 nhân lực thuộc 8 nhóm ngành nghề.
Đó là các nhóm ngành nghề: Công nghệ – Kỹ thuật (chiếm 35% nhu cầu nhân lực); Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (chiếm 30% nhưng tỷ lệ cạnh tranh nhóm ngành này cực kỳ cao do lượng sinh viên học nhóm ngành này cao); Kiến trúc – Xây dựng – Môi trường – Cấp thoát nước; nhóm ngành xã hội như Tâm lý học, Xã hội học, Quản trị du lịch – Khách sạn; nhóm ngành Sư phạm (Sư phạm giáo dục, Quản lý giáo dục); nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe như Bác sĩ, Y tá, Điều dưỡng, Dược; nhóm ngành Công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao.
Video đang HOT
Trong 8 nhóm ngành đó, có những ngành rất cần nhu cầu nhân lực mà các em nên chú ý như Kỹ sư nông nghiệp cao (Bác sĩ thú y, Kỹ sư nông lâm nghiệp – Thủy sản, Công nghệ sinh học), Du lịch (Quản trị nhà hàng khách sạn, Lữ hành), Luật (Luật thương mại, Luật quốc tế), Cơ điện tử (Lập trình, Công nghiệp ôtô), Môi trường …
“Tuy nhiên, các em không nên chạy theo những ngành ‘hot’ mà phải xác lập mục tiêu, ước mơ, sở thích, đam mê của mình thì khi ấy mới dễ thành công”, ông Tuấn nói.
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn tư vấn cho học sinh tại ngày hội tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 28/2 tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Bình.
Cần xây dựng được giá trị sức lao động
Cũng liên quan lựa chọn ngành nghề, nhiều học sinh băn khoăn: Vì sao hiện nay số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp lớn, trong khi học trung cấp, cao đẳng dễ xin việc?
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng, nền giáo dục nước ra hiện nay, mỗi cấp bậc đào tạo có những đặc thù riêng. Bậc đại học đào tạo sinh viên mang tính hàn lâm, kiến thức chuyên sâu, nghiên cứu nhiều hơn. Bậc trung cấp và cao đẳng thiên về đào tạo thực hành. Tùy năng lực, hoàn cảnh của mỗi người mà học sinh chọn cho mình hướng đi. Dù học bậc thấp, các bạn vẫn có thể liên thông lên bậc cao hơn.
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), giải thích, câu chuyện cử nhân thất nghiệp hiện nay phần lớn do chính năng lực của mỗi sinh viên sau khi ra trường. Dù học ngành nào, khi ra trường với một tấm bằng trên tay, các em muốn xin việc phải có kiến thức và kỹ năng tốt. Cơ hội việc làm một phần do chính chúng ta tạo ra. Phải chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng, khi ấy các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng mới đánh giá cao.
Cũng nhắc đến vấn đề cơ hội việc làm sau khi ra trường, ông Trần Anh Tuấn nói thêm, điều cốt lõi là các em phải xây dựng giá trị sức lao động của mình (năng lực, kỹ năng, đạo đức) chứ không quan trọng bằng cấp. Vì nền giáo dục đang phát triển mạnh, chúng ta có thể học và nâng cao trình độ bằng cấp liên tục, rất đơn giản.
Thị trường lao động luôn đón nhận bốn cấp bậc lao động: Đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Bất cứ lao động ở cấp bậc nào cũng có thể thất nghiệp nếu không xây dựng được giá trị sức lao động và ngược lại.
Còn TS Lê Thị Thanh Mai chia sẻ, những bạn học đơn ngành như ngoại ngữ, cần phải học thêm kiến thức chuyên môn khác mới có thể cạnh tranh với người học chuyên ngành khác nhưng giỏi ngoại ngữ.
“Từng nhóm ngành nghề có sự liên kết, nên các em phải trang bị sẵn kiến thức, kỹ năng thì cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ rộng hơn rất nhiều. Ví dụ, học Ngôn ngữ Anh cần thêm những khóa học ngắn như sư phạm để sau đi dạy, nghiệp vụ xuất nhập cảnh để làm ở các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia, truyền thông để làm đối ngoại ở các tập đoàn…”, TS Lê Thị Thanh Mai nhắn nhủ.
Theo Zing
'Ngành công nghiệp ôtô hút nhân lực'
Đó là chia sẻ của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trong ngày hội tư vấn tuyển sinh 2016 tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM).
Ngày hội do Bộ GD&ĐT phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 28/2 có sự góp mặt của nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT; chuyên gia đến từ trường đại học lớn; chuyên gia tư vấn tâm lý, sức khỏe... tư vấn cho học sinh.
Hầu hết ý kiến thắc mắc của phụ huynh, học sinh đều tập trung những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh các trường trong năm nay và cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Nhiều học sinh hỏi sâu về hướng ra đề thi, cách ôn tập, cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển, những quy chế ưu tiên đối với thí sinh...
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc cho học sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh . Ảnh: Hoàng Bình.
Những điểm mới cần lưu ý
Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Thí sinh, phụ huynh cần nắm rõ thông tin về kỳ thi, cũng như thông tin về ngành nghề dự kiến đăng ký xét tuyển, trường đăng ký để việc xét tuyển hiệu quả nhất.
Giải đáp những thắc mắc về quy chế mới mà Bộ GD&ĐT áp dụng mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT thông tin, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào các ngày 1 đến 4/7. Trong bốn ngày thi đó, mỗi buổi thi một môn, không có môn nào trùng nhau.
Học sinh chưa tốt nghiệp THPT phải đăng ký thi tối thiểu bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn trong số Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Nếu chọn các ngành tuyển sinh khối A, thí sinh phải thi thêm hai môn Vật lý, Hóa học.
Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, đề thi THPT quốc gia chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Các môn khoa học tự nhiên có một số câu yêu cầu liên hệ kiến thức lớp trước. Hướng ra đề, cấu trúc đề giống các năm. Đề thi các môn đều có câu hỏi khó để phân loại học sinh.
Ở khu vực tư vấn về các lĩnh vực kỹ thuật, nông lâm, môi trường, khoa học tự nhiên..., TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, thông tin thêm, năm nay, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển một lần chứ không được quyền rút hồ sơ như năm ngoái. Học sinh được đăng ký xét tuyển hai đợt.
Đợt đầu, các em có quyền đăng ký xét tuyển tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành. Ở đợt tiếp theo, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Hạn cuối cùng xét tuyển với hệ đại học là 20/10 và cao đẳng là 15/11.
Năm nay, học sinh được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi và kèm một mã để xét tuyển. Khi xét tuyển, thí sinh chỉ điền mã kết quả thi mà không phải nộp bản chính như mọi năm.
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn. Ảnh: Hoàng Bình
Cơ điện tử, môi trường, luật rất cần nhân lực
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân sự và thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết: "Kinh tế nước ta đang phát triển, mức thu nhập bình quân đang tăng lên, đặc biệt sau khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên dự đoán ngành công nghiệp ôtô rất phát triển. Hiện sinh viên học các ngành cơ khí, cơ điện tử, công nghiệp ôtô ra trường đều có việc làm. Kể cả những sinh viên theo học các trường cao đẳng ở khối ngành này, cơ hội việc làm cũng rất lớn".
Cũng theo ông Tuấn, vì thị trường kinh tế hội nhập, các công ty trong nước, cũng như tập đoàn quốc tế, đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Luật (Luật thương mại, Luật quốc tế) nên sinh viên ra trường không sợ thất nghiệp.
Trả lời câu hỏi của một học sinh về cơ hội nghề nghiệp của ngành cơ khí ôtô ở Việt Nam và trường đào tạo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nói: Hiện ở TP HCM có ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Công nghiệp TP HCM và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM... đào tạo chuyên ngành công nghiệp ôtô. Học ngành này tốt vì nhu cầu mở thị trường, đại lý của các hãng ôtô vào Việt Nam tăng lên rõ rệt. Lượng xe của các thành phố lớn cũng đang tăng mạnh.
"Học công nghiệp ôtô cơ hội việc làm rất rộng, chúng ta có thể làm ở xưởng lắp ghép, các đại lý ôtô, xưởng gara, khách sạn 5 sao, trung tâm du lịch... Vì thế, các em cứ yên tâm, ở mỗi trường có mức điểm chuẩn khác nhau, tùy vào năng lực các em mà lựa chọn xét tuyển hợp lý", ông Dũng tư vấn.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên ĐH Quốc gia TP HCM nhắn nhủ các học sinh, trong xu thế nền kinh tế hội nhập, đất nước gia nhập nhiều tổ chức kinh tế, cơ hội việc làm lớn, nhất là những người giỏi, có năng lực chuyên môn và kỹ năng làm việc cao (như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, làm việc nhóm). Vì thế, dù học ngành nào, các bạn phải luôn nỗ lực học tập và rèn luyện, sẽ có nhiều cơ hội khi ra trường.
Ở khu vực tư vấn khối ngành tự nhiên, khoa học, kỹ thuật, môi trường..., TS Tăng Hữu Tân, Trưởng ban tuyển sinh, ĐH Tôn Đức Thắng giải đáp vấn đề liên quan môi trường. Hầu hết công ty, xí nghiệp, tập đoàn nào cũng cần tuyển nhân sự trong lĩnh vực này. Thậm chí, các công ty lớn chuyên sản xuất lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư có cả một phòng, ban môi trường. Chính vì thế, cơ hội cho lĩnh vực này rất lớn.
Hiện ở TP HCM có rất nhiều trường đào tạo lĩnh vực này như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Khoa học Tự nhiên ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Công nghệ TP HCM...
Khu vực tư vấn khối ngành quân đội, công an thu hút nhiều quan tâm của các học sinh, phụ huynh. Dù chương trình đã kết thúc, nhưng rất nhiều học sinh tìm đến các thầy hỏi kỹ hơn về ngoại hình, thị lực, lý lịch bản thân.
Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Phó đội trưởng Đội đào tạo, Phòng tổ chức cán bộ Công an TP HCM chia sẻ, các khối trường trong ngành Công an hàng năm thường có điểm chuẩn rất cao, đặc biệt với thí sinh nữ. Trước khi xét tuyển vào ngành, các em phải nộp đơn và sơ tuyển ở Công an các huyện, quận địa phương mình đang thường trú. Năm nay, các trường khối Công an tiếp tục xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia ở 4 khối: A, A1, C và D.
"Các em phải cân nhắc thật kỹ khi đăng ký thi vào ngành Công an, đặc biệt là các bạn nữ vì năm nào điểm chuẩn cũng rất cao, kể cả các trường trung cấp", thiếu tá Trường nhắn nhủ.
Theo Zing
Nhiều cơ hội khi học liên thông Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ muốn học lên cao. Xu hướng phát triển của ngành giáo dục và nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ kinh tế hội nhập đòi...