Tám năm, giá sách giáo khoa vẫn ‘đứng im ‘
“Qua trao đổi với Bộ Tài chính, đã 8 năm nay, sách giáo khoa “đứng im”, giá vẫn duy trì mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục. Tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần. Giấy in tăng 20%, điện tăng 41% nhưng giá SGK vẫn như 8 năm về trước”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến về vấn đề giá sách giáo khoa, tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các ý kiến còn khác nhau của dự án Luật GD (sửa đổi), trong đó, có nội dung liên quan đến sách giáo khoa (SGK).
Để lỗ, ai chịu trách nhiệm?
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, SGK được xã hội rất quan tâm, nếu với cả nước thì đây là khoản chi không lớn, nhưng với từng gia đình, nhất là những người nông dân, người nghèo thì cũng là một khoản chi đáng kể, nên phải có cách để sử dụng SGK tiết kiệm.
Liên quan đến vấn đề giá sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Mặc dù cũng tuân theo quản lý giá của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và kê khai nhưng SGK là mặt hàng rất nhạy cảm. Trước đó, Quốc hội đã yêu cầu giải trình về SGK và giá SGK độc quyền. Qua thực tiễn cho thấy sự bất cập, 8 năm qua giá SGK chưa tăng mà vẫn theo định mức cũ. Khi nhà xuất bản Giáo dục đưa ra đề nghị, Bộ GD&ĐT thống nhất về chủ trương và xin ý kiến của Ủy ban điều chỉnh giá và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu điều chỉnh giá, trước hết phải tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch. Đồng thời phải thực hiện truyền thông tốt, trước, trong và sau khi tăng giá vì đây là mặt hàng rất nhạy cảm, nếu không chuẩn bị kỹ sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn.
Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm, có yêu cầu nhà xuất bản dừng lại khâu xin chủ trương và tự kê. “Chúng tôi không đặt vấn đề, không tăng hay có tăng mà nhà xuất bản phải rà soát các chi phí hiện nay theo hướng tính đúng, tính đủ và không độc quyền. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xem xét và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, lúc đó thực hiện theo đúng quy trình và chủ trương. Sau đó, sẽ xin ý kiến Chính phủ để thực hiện theo đúng Luật Giá và các quy định” – Bộ trưởng cho hay.
Phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ xem xét về việc quản lý điều hành giá cả thị trường theo quy luật chung, không thể phi thị trường vì điều đó không hợp lý. “Nếu trường hợp không điều chỉnh thì với những khoản dự kiến sẽ lỗ, Chính phủ xử lý như thế nào? Nên chăng chúng ta cũng phải trao đổi, Chính phủ có biện pháp chỉ đạo để có cho tốt. Giá bất hợp lý với thị trường, để lỗ thì ai chịu trách nhiệm” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Mỗi môn học có một hay một bộ SGK?
Góp ý về nội dung SGK, ông Hà Ngọc Chiến – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc trao đổi: Điều 31 dự thảo Luật có nêu: “Mỗi môn học có một hoặc một số SGK”. Ông Chiến cho rằng, cần thảo luận thêm về quy định này.
Lo lắng có xu hướng “chạy” để bộ sách của mình được dạy ở trường này, tỉnh nọ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Nghị quyết của Quốc hội có nêu, Bộ GD&ĐT thực hiện biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn theo quan điểm xã hội hóa. Dạy bộ SGK của Bộ GD&ĐT hay của tổ chức, cá nhân nào khác là lựa chọn của trường sau khi tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có những môn học không thể có nhiều SGK, chỉ có thể có sách tham khảo để minh họa. Ví dụ Lịch sử Việt Nam từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, tiền Lê, hậu Lê… không thể biên soạn khác được hay Địa lý Việt Nam với núi non, sông ngòi…, làm sao có nhiều SGK được… Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn về quy định SGK ở Điều 31 của dự thảo Luật và đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT giải thích thêm.
Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới chương trình GDPT lần này khác căn bản so với lần trước. Lần trước đổi mới từ SGK nên mọi người mới nghĩ SGK là cơ sở pháp lý để tất cả các việc phải đi theo, thậm chí giáo viên dựa vào SGK để giảng dạy và tiếp cận kiến thức. Còn lần này là chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó soạn các chương trình môn học chi tiết là nội dung quan trọng.
“Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và của Chính phủ, chúng tôi chỉ đạo các chuyên gia bám sát và xây dựng khung để 80% thống nhất toàn quốc, đây là pháp lệnh, còn 20% có tính linh hoạt ở các địa phương. Như vậy chương trình tổng thể, chương trình môn học đã được bàn soạn xin ý kiến kỹ” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, đồng thời cho biết, cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình GDPT mới. Cho đến nay, chương trình này đã được các địa phương và các cơ sở GD bắt đầu triển khai.
Video đang HOT
“Điểm mấu chốt của đổi mới chương trình GDPT là khuyến khích đổi mới phương pháp dạy và học. Giáo viên dạy theo chương trình mới không nhất thiết phải bám chặt vào SGK mà còn nhiều tài liệu khác. Khi biên soạn SGK là cả một công nghệ rất chi tiết và huy động lực lượng các nhà khoa học, các nhà giáo có kinh nghiệm qua các quy trình từ biên soạn, thử nghiệm, biên tập, chế bản, đồ họa, in ấn, phát hành rất công phu, khác hẳn với phát hành sách thông thường – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Trong quá trình biên soạn phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục, trình tự theo quy định. Khi có bản thảo phải được Hội đồng thẩm định quốc gia thống nhất chung cho toàn quốc, để tạo sự bình đẳng giữa cuốn sách mà Bộ chỉ đạo với các cuốn sách của các tổ chức, cá nhân. Trong việc biên soạn, Bộ cũng đã có hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự của những người tham gia, không phải ai viết cũng được. Trong quá trình chọn SGK, dù sách của Bộ chỉ đạo hay sách của tổ chức, cá nhân thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vẫn phải ký để ban hành sách đó, như vậy thống nhất trong toàn quốc.
Chính phủ xem xét về việc quản lý điều hành giá SGK thị trường theo quy luật chung, không thể phi thị trường
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn trên nguyên tắc là khoa học và thực tiễn. “Cho đến bây giờ, chúng tôi đang thực hiện đúng theo Nghị quyết 88 là biên soạn một bộ sách để sớm đáp ứng được tiến độ. Chúng tôi đang tập trung các nhà khoa học, trí tuệ trong toàn quốc. Do vậy được hiểu bộ sách này là bộ sách chung, không phải bộ sách của Bộ” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù ai biên soạn SGK thì vẫn có Hội đồng quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải quyết định phê duyệt có cho sử dụng SGK đó hay không. Về bản chất, tất cả SGK sau này đều chính thống và có tầm quốc gia, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Phó Thủ tướng đề nghị, phần lớn các nước trên thế giới không ấn định chỉ có một bộ SGK. Điều này tương tự như chúng ta hiểu sáng tạo ra một bài văn, chúng ta chỉ duyệt đề cương chi tiết, còn lời lẽ bài văn tùy từng nơi, nhưng cuối cùng vẫn có người duyệt bài văn đó. Ví dụ như Lịch sử, chương trình quy định rất chi tiết là phải dạy như thế nào, người ta có thể sắp xếp thứ tự dạy người này trước, người này sau. Hay về một nhân vật, người ta có thể chọn nhiều câu chuyện khác nhau nhưng vẫn thể hiện đúng bản chất của nhân vật đó.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, tất cả các nội dung về chương trình SGK sẽ được đưa ra thảo luận, báo cáo trước Hội nghị đại biểu chuyên trách, nhưng yêu cầu chung là phải có chương trình thống nhất trong toàn quốc. Còn các loại sách tham khảo do các nhóm biên soạn và các nhóm tác giả tiếp tục biên soạn phục vụ quá trình giảng dạy và phải qua thẩm định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, phải quy tụ được những người có trình độ sư phạm, có năng lực chuyên môn, đã qua thực tiễn giảng dạy, tham gia điều hành. Đồng thời, phải công khai hội đồng viết SGK và dù đa dạng thế nào nhưng cũng phải bảo đảm đúng định hướng chính trị của nền giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, cần tránh độc quyền và phải minh bạch. Nội dung khi đã được biên soạn, phát hành phải bảo đảm đúng Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, đây là vấn đề kiến thức và tri thức.
Lê Nguyễn
Theo tbdn
Nên bỏ dòng khuyến cáo "vô duyên" trên sách giáo khoa
Với nội dung và chất lượng sách hiện nay thì việc in dòng chữ "Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" cũng rất khó thực hiện.
Câu chuyện độc quyền sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục trở thành chủ đề nóng trên các mặt báo và ngay cả nghị trường Quốc hội trong một khoảng thời gian dài của năm 2018.
Và, bước vào những ngày đầu năm 2019 này thì Nhà Xuất bản Giáo dục đã dự kiến tăng giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 nhưng bất thành sau cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục vào ngày 6/3 vừa qua.
Điều khác biệt của sách giáo khoa trong năm học tới là sẽ có dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" trên trang 1 của mỗi cuốn sách.
Đây cũng là điều đáng trân quý bởi dòng chữ này rất nhân văn và đầy trách nhiệm nhưng... giá như dòng chữ này được in sớm hơn có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều cho phụ huynh học sinh.
Sách giáo khoa hiện nay màu sắc rất đẹp nhưng chất lượng lại thường không cân xứng - (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Thực tế, dòng chữ này có ý nghĩa nhưng trong thời điểm này mới đưa vào e rằng nó cũng chỉ mang tính tượng trưng là chủ yếu. Nếu như, ngay từ khi áp dụng đại trà sách giáo khoa hiện hành từ năm 2002 thì dòng chữ này được in vào.
Thời điểm này mới đưa vào thì có lẽ dòng chữ này cũng chỉ mang tính trấn an dư luận nhiều hơn là giá trị của việc "giữ gìn" sách giáo khoa của học sinh.
Bởi, từ năm học 2020-2021 là áp dụng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng ở lớp 1. Năm học 2021-2022 là áp dụng sách giáo khoa mới cho lớp 2 và lớp 6.
Năm học 2022- 2023 là áp dụng sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7 và lớp10. Như vậy, thực tế các bộ sách giáo khoa hiện hành đang chuẩn bị được thay thế dần vào các năm học tới đây.
Định tăng giá nhưng...Bộ không cho
Theo phản ánh thì từ cuối tháng 1, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có công văn gửi tới các đơn vị thành viên thông báo về dự kiến giá bìa sách giáo khoa phục vụ năm học 2019 - 2020, kèm theo là danh mục cụ thể từng cuốn sách giáo khoa gồm có giá cũ, giá mới.
Theo dự kiến, sách giáo khoa phổ thông hiện hành gồm 158 từ lớp 1 đến lớp 12, đều dự kiến điều chỉnh giá tăng.
Trong đó, chỉ có 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành. Những cuốn còn lại đều tăng từ 10 - 40%.
Như vậy, nếu tính theo dự kiến của Nhà Xuất bản Giáo dục thì tất cả các bộ sách đều tăng trên 10%. Bộ sách mà tỷ lệ tăng ít nhất là sách giáo khoa lớp 4 (9 cuốn) cũng đã tăng 12%.
Việc Bộ không cho tăng giá sách giáo khoa trong năm tới cũng là điều phù hợp. Bởi tăng giá sẽ kéo theo rất nhiều những hệ lụy mà có thể sẽ đón nhận sự phản đối lớn của dư luận.
Thực tế, sách giáo khoa những năm qua đã cố định về giá. Mỗi bộ sách giáo khoa truyền thống không phải là quá cao, chỉ dao động trong khoảng 200 nghìn trở lại.
Nhưng, trớ trêu ở chỗ là những loại sách bài tập, sách bổ trợ lại rất cao và giá cả thường thay đổi trong từng năm.
Các loại sách này cũng được sử dụng song hành cùng với sách giáo khoa, nhất là đối với cấp Tiểu học thì gần như học sinh đều phải mua tất cả các loại sách bài tập cho từng môn học.
Trong khi, các loại sách bài tập và bổ trợ này lại có giá cao hơn nhiều lần sách giáo khoa? Đó là chưa kể bộ sách VNEN đang được triển khai trên một diện rộng trong nhiều năm qua.
Sách VNEN về cơ bản giống nội dung của sách giáo khoa truyền thống (sách năm 2000) nhưng được làm khác đi theo từng chủ đề và chỉnh sửa hàng năm.
Đây là bộ sách có giá cao khác thường, gấp 3-4 lần sách giáo khoa truyền thống và đầu mối cũng là sách của Nhà Xuất bản Giáo dục.
Chính vì vậy, việc tăng hay không tăng giá sách giáo khoa cũng không phải là trở ngại quá lớn đối với phụ huynh và học sinh bởi thực tế mỗi bộ sách giáo khoa có tăng giá thì mỗi bộ sách cũng chỉ tăng lên một vài chục nghìn đồng.
Vấn đề mấu chốt là sách bài tập và sách bổ trợ, sách VNEN có lên giá hay không mà thôi. Bởi vì những loại sách này mới là điều mà dư luận đặt sự hoài nghi nhiều nhất.
Dòng chữ khuyến cáo có ý nghĩa nhiều không?
Việc có thêm dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" trong thời điểm giao thời này chợt mất đi ý nghĩa thực tế.
Bởi, mấu chốt của vấn đề là sách bài tập của cấp phổ thông- những cuốn sách có giá gấp nhiều lần sách giáo khoa đa phần là chỉ học một lần.
Và, chắc chắn những năm còn áp dụng chương trình hiện hành thì những cuốn sách này vẫn được giữ nguyên về nội dung.
Nghĩa là vẫn chỉ dùng 1 lần rồi vứt bởi không dại gì mà Nhà Xuất bản Giáo dục lại đi biên soạn lại các loại sách này.
Đó là chưa kể một số địa phương đã bắt đầu sử dụng một số sách giáo khoa phát triển theo năng lực như ở một số môn Tin học, Mỹ thuật, tiếng Anh...cũng chỉ có thể dùng được 1 lần rồi thôi.
Nói thật, với nội dung và chất lượng sách hiện nay thì việc in dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" cũng rất khó thực hiện.
Bởi, nhiều cuốn sách chỉ học được một vài tháng đã bắt đầu bong, rách, giấy cong queo thì rất khó có thể học được vào những năm tiếp theo.
Chúng tôi hy vọng, những bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây sẽ được các nhà xuất bản chú trọng vào khâu nội dung, không phải chỉnh sửa, bổ sung hành năm.
Chú trọng vào chất lượng giấy, chất lượng in, đóng cuốn. Và, khi đó thì dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" mới thực sự ý nghĩa.
Bộ sách giáo khoa hiện hành gần như đã an bài và sắp hết sứ mệnh của mình rồi thì thêm một vài chữ vào để khuyến cáo học trò cũng đâu có giải quyết được vấn đề gì nữa.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net.vn
Bị "tuýt còi" tăng giá sách: Nhà Xuất bản GD trần tình kêu lỗ đã nhiều năm? Vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục đã bị Bộ GD&ĐT "tuýt còi " chỉ đạo tạm dừng việc điều chỉnh giá sách giáo khoa. Vì sao lại tăng giá sách giáo khoa, trong khi sách 100% là tái bản? Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, tám...