Tấm lòng nhân hậu của một cô giáo với học sinh và cộng đồng
Gần 15 năm dạy học, cô Lê Thanh Hải, giáo viên trường THCS Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội không chỉ trau dồi năng lực, kiến thức cho bản thân mà còn là tấm gương, người truyền nhiệt huyết, tạo động lực cho nhiều thế hệ học sinh vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trưởng thành trong cuộc sống.
Luôn bận rộn với công việc giảng dạy và hoạt động thiện nguyện, nhưng điều cô Hải muốn nhắn nhủ các phụ huynh là cần dành thời gian chia sẻ và đồng hành cùng con
Điều học sinh cần không chỉ là sách vở
Nói về thực trạng học sinh ở trường THCS Nhân Chính, cô Lê Thanh Hải – giáo viên dạy Hóa cho biết, trường có nhiều học sinh bố mẹ đi làm xa không có điều kiện quan tâm con cái. Chính vì không có sự sát sao ấy nên các con đều phải tự chủ trong sinh hoạt dẫn tới đôi lúc sao nhãng học tập. Lớp 9A2 do cô Hải chủ nhiệm có 38 thành viên, trong đó có 2 em hoàn cảnh rất đặc biệt là bố mẹ ở rất xa, không liên lạc được với con. Cả 2 đều phải ở với bác ruột và kinh tế gia đình khá khó khăn. Có lẽ vì hoàn cảnh như vậy nên cả các em chỉ đạt sức học ở mức trung bình, vậy nên cô Hải càng phải đặc biệt quan tâm để động viên học trò của mình nỗ lực.
“Tôi rất mừng vì so với đầu năm, hiện nay 2 bạn này đều có sự trưởng thành về suy nghĩ, chín chắn hơn rất nhiều, chủ động giúp đỡ gia đình. Những tiến bộ đó đều được người nhà các em phản ánh lại kèm theo lời cảm ơn. Thậm chí, ngay cả các giáo viên các bộ môn cũng nhận xét, 2 bạn đều có chuyển biến tích cực, ý thức học tốt. Đây là điều tôi yên tâm nhất bởi không ai có thể theo sát các con mãi mà phải do các con tự ý thức phấn đấu thay vì đổ tại hoàn cảnh” – cô Hải chia sẻ.
Nói về biện pháp giúp các học trò có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực học tập, cô Hải cho biết, cần có sự kiên trì trong việc tiếp lửa, truyền cảm hứng cho các con hàng ngày hay mỗi khi có cơ hội bằng những câu chuyện đời thực. Tôi thường kể cho các con biết đến những khát khao của các em nhỏ bị khuyết tật được đến trường học. Kể về sự háo hức, hạnh phúc của những trẻ mồ côi khi đón nhận một vòng tay ôm… Tôi muốn các con cùng chia sẻ cảm nhận rằng, cuộc sống còn nhiều mảnh đời khó khăn, thiệt thòi hơn mình rất nhiều. Vậy thì mình phải nỗ lực để sống có trách nhiệm hơn với bản thân và có trách nhiệm với cộng đồng” – cô giáo Lê Thanh Hải tâm sự.
Gần 10 năm vừa dạy vừa học
Không chỉ kể cho học sinh những câu chuyện về cuộc sống, cô Lê Thanh Hải còn lấy chính bản thân mình dẫn chứng cho sự thành công từ việc kiên trì theo đuổi con đường học tập. Cô Hải có 2 con nhỏ, trong hơn 10 năm vừa qua, cô đã dành hơn 8 năm để vừa đi làm vừa đi học. “Học sinh thường phàn nàn chán nản, mệt mỏi vì học tập liên miên, nhất là áp lực trước các cuộc thi vượt cấp. Tôi lại kể cho các em khoảng thời gian 8 năm nay tôi đã vất vả thế nào để có được tấm bằng cử nhân rồi thạc sĩ. Sáng đi dạy, tối đi học, trong suốt thời gian đó vẫn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ của gia đình riêng. Tôi hy vọng các em thấy được rằng, khi bản thân mình nỗ lực không ngừng thì sẽ đến ngày được gặt hái thành quả” – cô Hải chia sẻ.
Năm học 2018-2019, cô Hải đã đạt giải Nhất tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp quận, là thành viên tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Ngoài ra, cô còn đóng góp tích cực trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần tô đậm thêm thành tích của học sinh nhà trường. Hai năm học gần đây, đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa do cô giáo Hải phụ trách đã đem về 7 giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quận. Không chỉ đầu tư học tập, nâng cao trình độ, cô Lê Thanh Hải luôn có ý thức nâng cao chuyên môn sư phạm từ kinh nghiệm chia sẻ của đồng nghiệp. “Quá trình giảng dạy đòi hỏi giáo viên phải tích lũy kiến thức lâu dài. Năm nào cũng có chuyên đề các cấp và tôi đều ghi chép tỉ mỉ, chắt lọc thành kinh nghiệm rồi vận dụng linh hoạt vào thực tế giảng dạy. Chính nhờ vậy mới có sự trưởng thành về chuyên môn. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế cũng là thứ quan trọng. Chính các giờ dạy thực tế của tổ, của trường, quận, thành phố sẽ tạo ra những kinh nghiệm quý báu. Khi được các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm đánh giá, nhận xét thì giáo viên sẽ học hỏi, tích luỹ được rất nhiều” – cô Hải nói.
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân – Hiệu trưởng trường THCS Nhân Chính cho biết: “Cô Hải được phân công làm chủ nhiệm nhiều năm, nhưng hiện chuyên trách chủ nhiệm lớp 9. Với khối này, thầy cô chủ nhiệm rất quan trọng bởi đòi hỏi bám sát học sinh, làm sao để các con bứt phá, tập trung, có ý thức học tập. Thường giáo viên chủ nhiệm là dạy Văn hoặc Toán bởi các thầy cô chính là người thường xuyên lên lớp, còn giáo viên bộ môn thì chỉ có 2 tiết/tuần. Tuy nhiên chọn giáo viên chủ nhiệm không chỉ dựa vào chuyên môn mà cần phải có năng lực tổng hợp, kỹ năng sư phạm tốt. Cô Hải là tuy là giáo viên bộ môn, nhưng lại đáp ứng được tiêu chuẩn đó”.
Hoạt động thiện nguyện, kết nối cộng đồng
Video đang HOT
Không giới hạn mình trong phạm vi trường lớp, cô Hải có sự kết nối chặt chẽ với nhiều nhóm thiện nguyện, từ đó có thêm nhiều mối quan hệ xã hội giúp cô làm phong phú thêm kiến thức, thông tin chia sẻ với học trò. Cô Hải kể, bất cứ lúc nào sắp xếp được thời gian cô đều sẵn lòng lên đường, đem theo hành trang là tấm lòng nhân hậu và bất cứ thứ gì dành dụm được để có thể chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Dù tham gia với bất cứ nhóm thiện nguyện nào thì cô luôn là một thành viên tích cực, nỗ lực vì mục tiêu chung là đem đến tiếng cười và sự sẻ chia với những mảnh đời cơ cực.
Cứ vào tối thứ tư hàng tuần, cô Hải lại cùng nhóm thiện nguyện đi phát quà cho những người vô gia cư. Địa điểm mà các thành viên của nhóm thường có mặt là ga tàu, bến xe, bệnh viện, vườn hoa… Những món quà tuy nhỏ nhưng hết sức cần thiết cho những ai còn khó khăn chưa thể đảm bảo cho bản thân hay gia đình một mức sống tối thiểu. Điều đó khiến cô và đồng nghiệp cảm thấy ấm lòng về trách nhiệm bản thân với cộng đồng. Nhóm thiện nguyện cô Hải tham gia đã tặng 10 chiếc xe đạp, 44 chiếc chăn và hàng trăm suất quà cho học sinh nghèo của trường Tiểu học Phú Đô II (tỉnh Thái Nguyên); tặng 99 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh); thăm hỏi, tặng hơn 100 suất quà cho các cụ già, em nhỏ tại Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh)…
Luôn bận rộn với công việc, học tập, hoạt động thiện nguyện, nhưng điều cô Hải muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh chính là việc cần dành thời gian chia sẻ, đồng hành cùng con cái. “Học sinh hiện nay có điểm tích cực là rất năng động, sáng tạo, thể hiện bản thân. Tuy nhiên cùng với sự bùng nổ thời đại CNTT, các con rất dễ tiếp cận với những cám dỗ, đặc biệt là với những học sinh được thoải mái sử dụng mạng xã hội, chơi game… Dần dần các con sẽ mất dần thói quen giao lưu bạn bè, gia đình, xã hội. Giao tiếp gia đình bị thu hẹp dẫn đến tâm tư tình cảm không được giãi bày chia sẻ, những tích tụ tiêu cực không được nắm bắt kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn thay đổi nhiều về tâm sinh lý. Điều đó dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường” – cô Hải nhấn mạnh.
Tôi muốn các con cùng chia sẻ cảm nhận rằng, cuộc sống còn nhiều mảnh đời khó khăn, thiệt thòi hơn mình rất nhiều. Vậy thì mình phải nỗ lực để sống có trách nhiệm hơn với bản thân và có trách nhiệm với cộng đồng”.
Cô Lê Thanh Hải, giáo viên trường THCS Nhân Chính
Theo anninhthudo
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi thư khen cậu bé vùng cao vượt 100km đi học tiếng Anh
Sau khi đăng tải bài viết trên báo điện tử Dân trí "Cảm động bé lớp 2 vùng cao cùng mẹ vượt hơn 100km để học tiếng Anh", ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư khen bé Nguyễn Thành Đạt, học sinh lớp 2 Trường tiểu học & THCS Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh). Dân trí xin đăng nội dung bức thư.
Thư khen!
Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh yêu quý!
Qua báo chí, thầy được biết em đã cố gắng học tiếng Anh, đã nói được khá lưu loát mặc dù mới đang học lớp 2. Thầy cảm động khi biết rằng, hằng tuần, em cùng mẹ vượt hàng chục cây số từ xã Đồng Sơn - một xã vùng cao khó khăn của huyện Hoành Bồ về thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để học tiếng Anh. Nỗ lực và ý chí của em là tấm gương cho bạn bè cùng trang lứa phấn đầu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để học tập tốt, rèn luyện tốt, trở thành những công dân có ích cho đất nước.
Thầy rất vui khi biết em sớm có ước mơ sau này được đến nước Anh học tập. Đây là ước mơ lớn nhưng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu em tiếp tục cố gắng, phấn đấu ngay từ ngày hôm nay. Ngoài tiếng Anh, thầy cũng mong em dành thời gian cho các môn học khác để học tập, rèn luyện toàn diện, là con ngoan của bố mẹ, là trò giỏi của thầy cô.
Qua em, cho thầy gửi lời cảm ơn tới cha mẹ em, những người đã nuôi dưỡng, tạo động lực cho em được học tập, phấn đấu ngay từ những bước đi đầu tiên. Thầy tin rằng, với sự nỗ lực của em và gia đình, em sẽ đạt được ước mơ của mình.
Thân mến!
Phùng Xuân Nhạ
Bà Vũ Thị Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh tặng giấy khen cho em Nguyễn Thành Đạt.
Được biết sáng nay (12/3), bà Vũ Thị Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT, bà Hoàng Hồng, Phó Ban Khuyến học tỉnh Quảng Ninh, cùng đoàn cán bộ đã đến Trường tiểu học & THCS Đồng Sơn, thăm và tặng quà em Nguyễn Thành Đạt.
Sở GD&ĐT tác đã tặng giấy khen, trao học bổng trị giá 5 triệu đồng; Ban Khuyến học tặng quà trị giá 2 triệu đồng đến bé Nguyễn Thành Đạt.
Tin chính thức từ tập đoàn Giáo dục Egroup - đơn vị chủ quản của Trung tâm Anh ngữ Apax english, nơi em Đạt theo học, sẽ tặng học bổng toàn phần cho học sinh Nguyễn Thành Đạt từ nay đến lớp 12.
Tổng giám đốc tập đoàn Giáo dục Egroup cho biết, đơn vị quyết định tặng thưởng vì tinh thần hiếu học của học sinh Thành Đạt chứ không phải vì hoàn cảnh khó khăn.
Ông hy vọng, học sinh này cố gắng và nỗ lực học tập hơn nữa để trở thành công dân có ích cho đất nước.
Trong bài viết trước đó, Dân trí đưa tin câu chuyện bé lớp 2 ở vùng cao Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh cùng mẹ vượt hơn 100km để được học tiếng Anh.
Ban đầu không đủ học phí, hai mẹ con xin trung tâm đóng dần trong quá trình học.
Chỉ mới học được 13 tháng, trong đó có 7 tháng bé phải ở nhà tự học do bị ngã gãy chân nhưng Thành Đạt nói tiếng Anh rất lưu loát nhờ nỗ lực tự học qua sách vở và điện thoại.
Những lúc mẹ phải đi dạy ở điểm lẻ, không bắt được Internet, Đạt tự học tiếng Anh qua sách.
Học sinh Thành Đạt tại nhà riêng
Mẹ bé, cô Lê Thị Năm, là giáo viên Trường tiểu học & THCS Đồng Sơn cho hay, bé tâm sự với mẹ: "Cho dù phải đi xa đến bao nhiêu, con cũng sẽ theo đuổi niềm đam mê tiếng Anh. Ước mong của con là được học tập tại nước Anh. Con sẽ cố gắng để làm được và hi vọng nhiều người cũng làm được".
Được biết nơi Đạt sinh sống có 100% dân tộc Dao. Nhiều học sinh nói tiếng Kinh chưa sõi, chưa nói đến tiếng Anh.
Thành Đạt là học sinh giỏi trong 2 năm liền, liên tục 2 năm làm lớp trưởng. Em cũng là học sinh duy nhất khối tiểu học của trường này có biết tiếng Anh.
Trao đổi với PV Dân trí trước đó, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho hay, nhờ bài viết của Báo Dân trí, đơn vị này nắm được thông tin và ngay lập tức tìm hiểu sự việc để có hình thức khen thưởng kịp thời.
Như vậy, chỉ 3 ngày sau khi bài viết do Dân trí đăng tải, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã đến trường tặng thưởng kịp thời cho học sinh.
Cũng theo bà Thúy, gần đây có một số sự việc ảnh hưởng chưa tốt đến ngành Giáo dục nói chung, do đó câu chuyện về cậu bé lớp 2 là tấm gương thắp lửa cho nhiều bạn trẻ noi gương, nỗ lực học tập.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Trẻ có biểu hiện này chứng tỏ hiệu quả giáo dục của bố mẹ, cần tiếp tục phát huy để con lớn lên thành người tài giỏi Nếu con cái có những biểu hiện này thì bố mẹ có thể phần nào yên tâm cách nuôi dạy của mình đang phát huy hiệu quả. Trong trường hợp con vẫn thiếu một vài biểu hiện thì phụ huynh cần rà soát lại phương pháp dạy con của mình. Sinh con ra trách nhiệm của bố mẹ không chỉ đơn giản là...