Tấm lòng cô giáo vùng biên
Nách Chan Nên (sinh năm 1987) người dân tộc Khmer, sinh ra và lớn lên ở miền biên giới nghèo Kà Ốt (tỉnh Tây Ninh) nên thấu hiểu hoàn cảnh của nhiều trẻ em không được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô đã chọn ngành Sư phạm Tiểu học, quyết tâm mang chữ về cho trẻ em quê nhà, nhất là chữ Khmer.
Luôn gần gũi và tận tụy dạy dỗ học trò
Tận tâm với học trò
Xã Tân Đông (huyện Tân Châu, Tây Ninh) có 9 ấp, trong đó có 3 ấp Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm tập trung nhiều bà con dân tộc Khmer sinh sống. Hai ấp Kà Ốt và Tầm Phô có điểm trường phụ của Trường Tiểu học Tân Đông B, chủ yếu dạy cho con em bà con dân tộc Khmer.
Năm 2011, cô giáo Nách Chan Nên được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Tân Đông B. Những ngày mới về, vì trường thiếu giáo viên nên cô phải dạy ở cả 3 điểm. Đối với một ngôi trường vùng sâu, địa bàn trải rộng, đa phần học sinh là người dân tộc thì đó là điều hết sức khó khăn. Điểm “đặc trưng” của vùng này là hầu hết các em học sinh Khmer trước khi vào lớp 1 đều chưa từng học qua trường mầm non hay mẫu giáo nên các em còn nhiều bỡ ngỡ với trường lớp; có nhiều em chưa hiểu nhiều hoặc chưa biết nói tiếng Việt. Vì vậy, khó khăn chồng chất khó khăn.
Để khắc phục, ngoài việc sử dụng phương pháp giảng dạy bình thường, cô Chan Nên phải dùng nhiều hình ảnh trực quan sinh động phụ trợ cho lời giảng, cũng có nghĩa là cô phải nghiên cứu, tốn thời gian làm đồ dùng dạy học cũng như soạn giáo án sao cho phù hợp. Có những bài tương đối khó, cô Chan Nên phải kết hợp cả tiếng Khmer với tiếng Việt để dẫn dắt học sinh từng bước tiếp cận. Đã mang tâm nguyện đến với trẻ ngay từ thời còn đi học nên cô luôn cố gắng và cố gắng, từ đó cô quen dần và thích ứng với công việc. Ngoài giảng dạy, cô còn tranh thủ giờ ra chơi để cắt móng tay, tỉa tóc cho các em. Chính vì sự tận tình và gần gũi đó mà học sinh thương yêu, coi cô như người mẹ thứ hai của mình vậy.
Video đang HOT
Cô giáo Nách Chan Nên
Giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Khmer
Mặc dù có đông đồng bào Khmer sinh sống nhưng ở xã Tân Đông rất hiếm người mở lớp dạy tiếng Khmer. Không muốn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình bị mai một, cô Chan Nên đã không ngại vất vả, xin vào chùa học với các sư, đồng thời mua thêm tài liệu để tự học, tự rèn luyện kỹ năng về tiếng Khmer. Nhờ đó, cô được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tân Đông B giao phụ trách dạy bộ môn tiếng Khmer ở hai điểm Kà Ốt và Tầm Phô (8 lớp, hơn 200 học sinh).
Ngoài công việc giảng dạy, cô Chan Nên còn luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Cô vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và các tổ chức xã hội ủng hộ những vật dụng như quần áo, giày dép, thực phẩm, sách vở, bút viết, truyện tranh, đồ chơi… cho người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xóm ấp.
Cô chia sẻ: “Vì cuộc sống còn quá nhiều khó khăn mà bà con ở đây ít ai quan tâm đến việc đi học của con em; đa số các em học hết tiểu học sang cấp hai thì “rụng” dần, hiếm lắm mới có nhà cho con em học tới nơi tới chốn. Tình trạng bỏ học sớm để đi làm kiếm sống rất phổ biến, nhưng cứ như vậy thì đến bao giờ mới thoát nghèo thực sự? Cho nên tôi muốn giúp các em và cả người lớn phần nào chút vật chất mà mình vận động được”.
Xuất phát từ tình yêu quê hương, cô Chan Nên luôn tìm hiểu bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho các em nhỏ. Nhà gần chùa Kiri Satray Menchey nên cô thường xuyên tìm đến để học hỏi ngôn ngữ cũng như văn hóa truyền thống từ các nhà sư. Vào các dịp lễ lớn của đồng bào Khmer như Chol Chnam Thmay, Sel Donta, Ooc Om Bok, Kathina…, cô đều tham dự để trải nghiệm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình, kết nối tình cảm với đồng bào…
Cô giáo Nách Chan Nên với học sinh
Đào Thái Sơn
Theo giaoducthoidai
Bạn đọc viết: Khởi động "kéo" học trò đến trường sau Tết
Sáng qua, tôi đang dọn dẹp nhà cửa thì chuông điện thoại báo có tin nhắn đến. Là của cô chủ nhiệm cậu con trai thứ hai. Vừa mở tin nhắn, tôi ngạc nhiên, ngỡ ngàng vì dòng tin gửi đến: "Nhờ quý phụ huynh thông báo dùm. Ngày mai các trò đến đông đủ trước 6h45 nha. Cô sẽ lì xì lấy hên đầu năm. Mong các trò có mặt đầy đủ."
Ảnh minh họa
Ngay khi nghe tôi thông báo, con trai tôi nhảy lên và reo hò không ngớt. Con bảo: Cô giáo của mình là số 1. Ngay đầu năm đã được cô lì xì rồi. Cô tâm lí quá thôi. Nhất định mai con phải đến trường sớm. Nhìn con hào hứng, mong ngóng mà tôi thấy rất vui.
Nhớ năm ngoái, con trai tôi cũng rất hào hứng đến lớp sau Tết vì chiêu "dụ" độc đáo của cô chủ nhiệm. Ngày đầu đến trường, cô mang rất nhiều bánh kẹo mời cả lớp liên hoan. Sau đó cô phát động cuộc thi "Hoa điểm 10 - Giờ học tốt". Nếu bạn nào đạt được nhiều hoa điểm 10 cô sẽ có thưởng. Phần thưởng chỉ là cây bút, cuốn tập thôi.
Ngoài ra, ai đạt nhiều phần thưởng sẽ được ghi tên vào "bảng vàng danh dự" trước lớp. Chỉ có như vậy thôi mà cả lớp đều rất vui và hăng hái. Ai cũng cố gắng nỗ lực hết mình trong học tập. Thật bất ngờ là lớp con cuối năm đầu toàn khối về phong trào học tập.
Cô bạn tôi dạy Mầm non ở một trường vùng sâu thì tâm sự: Sau Tết các cô rất sợ trò ngại đến lớp sau kì nghỉ Tết dài ngày. Vì thế, buổi đầu tiên các cô phải đến sớm để đón trẻ. Các cô mang theo rất nhiều quà để tặng các em. Chủ yếu là tự làm. Đó là những chiếc vòng tay và dây chuyền xinh xắn. Ngoài ra, cô cũng phải tổ chức nhiều trò chơi để các em hứng thú khi đến trường. Nói chung là làm sao để các em cảm thấy đến trường rất là vui.
Bản thân là giáo viên, tôi cũng từng "đau đầu" vì học sinh lơ là trong học tập sau Tết. Những ngày đầu năm các em thường không tập trung chú ý nghe giảng. Nhiều khi vừa dạy mà vừa bực mình. Năm ngoái, tôi bắt đầu đổi chiến thuật để "dụ" trò có hứng khởi trong học tập. Ngày đầu tiên đến trường, tôi chuẩn bị sẵn vài phong bao lì xì màu đỏ rất đẹp. Trong đó tôi bỏ vào đó các tờ tiền mới với mệnh giá 10 ngàn, 20 ngàn khác nhau. Khi đến trường, tôi sẽ kiểm tra bài cũ các trò. Nếu trò nào trả lời đúng hoặc đúng khoảng 80% sẽ được nhận một phong bao. Chỉ như vậy thôi mà không khí lớp học vô cùng hào hứng sôi nổi. Các em hò reo không ngớt khi có bạn được nhận phong bao. Tiết học sau đó cũng thật vui và thoải mái.
Thực ra các cách dụ trò này không phải ai cũng được ủng hộ. Nhiều thầy cô lớn tuổi trách chúng tôi làm hư học trò. Các em là học sinh thì phải học tập và tuân thủ đúng nguyên tắc. Ai hư sẽ bị phạt và hạ hạnh kiểm. Nguyên tắc trường đã quy định cứ thế mà làm. Tại sao các cô cứ đội trò lên đầu vậy. Các em được voi sẽ đòi tiên. Tốt nhất là không chiều bọn trẻ quá.
Mặc dầu vậy, tôi vẫn thích làm mấy trò "dụ" trẻ này. Tôi luôn nghĩ, các trò là những đứa trẻ hồn nhiên, dễ thương. Các em luôn thích cái mới, cái lạ. Dụ các em một chút để tạo hứng khởi trong học tập đâu có sao. Chỉ mong các em đều vui vẻ, thoải mái ngày đầu năm. Từ đó mà tình cảm cô trò cũng được gắn kết.
Năm nay, trong buổi đầu đến lớp, tôi lại tiếp tục làm vậy để động viên các em.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Kiên Giang: Cảm phục thầy giáo trẻ một mình "bám đảo" dạy chữ cho con em ngư dân "Các em ở đây thấy thương lắm, người dân trên đảo chân tình, những điều này đã giúp tôi vững bước với nghề "gõ đầu trẻ" nơi đảo xa hơn 5 năm qua" - thầy giáo trẻ Lê Văn Khải Em - giáo viên trường phổ thông cơ sở Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương) chia sẻ. Thầy giáo trẻ "cắm...