Tám lợi ích từ việc cho trẻ chơi video game
Trò chơi điện tử không chỉ dạy trẻ sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm lãnh đạo mà còn truyền cảm hứng tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Phụ huynh thường tập trung vào những rủi ro, nguy hiểm tiềm tàng hơn là lợi ích tiềm năng mà video game (trò chơi điện tử) mang lại. Dù thế nào, cha mẹ vẫn phải thừa nhận game là một phần tuổi thơ của lớp trẻ hiện đại.
Nếu bạn biết tìm video game phù hợp cho con, nó có thể trở thành công cụ đắc lực giúp trẻ phát triển kỹ năng sống. Chúng cũng có thể giúp phụ huynh gắn bó hơn với con, giúp các nhà giáo dục tìm ra phương pháp mới hỗ trợ việc giảng dạy và giúp các nhà làm game tạo ra trò chơi mang tính giáo dục cao.
Gần đây, TS Cheryl Olson, nhà tâm lý học công tác tại trường Y của Đại học Harvard đã viết một báo cáo liên quan đến động lực chơi game của trẻ, được đăng trên tạp chí Review of General Psychology. Báo cáo gồm các kết quả nghiên cứu do TS Cheryl Olson chỉ đạo thực hiện ở trường Y Harvard và dữ liệu khảo sát từ việc phỏng vấn trên 1.000 trẻ em ở lứa tuổi đi học. Nghiên cứu chỉ ra tám lý do cho thấy video game tốt cho sự phát triển của trẻ.
Ảnh: Mdemulher
Dạy trẻ kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề
Trò chơi điện tử có thể giúp trẻ phát triển trí não. Khi quan sát con trai chơi một tựa game, TS Cheryl nhận ra con phải tìm kiếm, thương lượng, lập kế hoạch và thử các cách tiếp cận để vượt qua nhiều màn chơi trong game.
Hiện có nhiều game liên quan đến việc lập kế hoạch và giải quyết vấn đề, cũng có những game yêu cầu người chơi tùy chỉnh diện mạo của nhân vật và tự phát triển màn chơi mới, qua đó cho phép trẻ thể hiện sự sáng tạo dựa trên những tìm hiểu kỹ lưỡng về luật chơi, cấu trúc trò chơi cũng như những cách thức mới để làm bật lên sở thích, cá tính bản thân.
Video game không cứ phải gắn nhãn “giáo dục” thì mới giúp trẻ học được cách đưa ra quyết định, sử dụng chiến lược, dự đoán kết quả và thể hiện cá tính.
Truyền cảm hứng tìm hiểu về văn hóa, lịch sử
Nội dung của một số trò chơi nhất định có thể khuyến khích trẻ đọc và nghiên cứu. Một số game khiến trẻ quan tâm hơn đến lịch sử thế giới, địa lý, văn hóa cổ đại và quan hệ quốc tế. Với các game dạng này, trẻ còn học được thêm nhiều ngôn ngữ, nội dung, những thứ tốt cho việc học tập trong tương lai.
Giúp trẻ kết bạn
Trái ngược với cha mẹ, hầu hết trẻ xem trò chơi điện tử như một hoạt động xã hội chứ không đơn thuần là trò chơi độc lập. Video game tạo sân chơi chung cho những đứa trẻ kết bạn, cho phép chúng đi chơi và tạo ra khoảng thời gian mang tính xây dựng. Trong nghiên cứu của TS Cheryl, các bé trai thích chơi game với nhóm bạn có cùng sở thích và chúng thích trò chuyện với nhau về game hơn.
Trong nghiên cứu của TS Cheryl, người chơi game (đặc biệt là nam) hay nói về những bước đi mới, chiêu thức mới trên sân bóng rổ, ở môn trượt ván… học được từ trò chơi điện tử về thể thao rồi đâm ra thích chơi thể thao ngoài đời thực.
Một cậu bé đã tiết lộ với nhóm nghiên cứu: “Trong các game mô phỏng thể thao, bạn thấy các nhân vật chơi rất điêu luyện. Nếu bạn thử chơi thật ở ngoài đời và cứ tập đi tập lại, bạn có thể chơi tốt hơn”.
Video đang HOT
Nghiên cứu cho thấy chơi các trò điện tử về các môn thể thao thực tế sẽ giúp tăng thời gian chơi thể thao và tập thể dục trong cuộc sống thực.
Cho phép trẻ chia sẻ niềm vui và sự cạnh tranh
Cạnh tranh để có được sự công nhận, tưởng thưởng là bình thường và lành mạnh với trẻ, đặc biệt là bé nam. Trong cuộc khảo sát của TS Cheryl cùng nhóm nghiên cứu với những nam sinh tuổi teen, hầu hết thừa nhận thích cạnh tranh với người khác và giành chiến thắng. Đó là lý do phổ biến nhất để chơi game.
Video game là nơi an toàn để thể hiện khao khát cạnh tranh, ganh đua và có thể cung cấp cho những đứa trẻ không có thể chất, khả năng chơi thể thao tốt có cơ hội cạnh tranh và giải trí với bạn bè.
Trao cho trẻ cơ hội làm lãnh đạo
Khi chơi game theo nhóm, trẻ thường thay phiên nhau đảm nhận vị trí lãnh đạo tùy thuộc vào kỹ năng cụ thể cần thiết trong trò chơi đó. Trong nghiên cứu của Nick Yee thuộc Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto, những thanh thiếu niên đã chơi video game theo nhóm cảm thấy đã đạt được các kỹ năng lãnh đạo như thuyết phục, động viên người khác và hòa giải.
Cung cấp cơ hội giảng dạy
Khoảng 1/3 trẻ em được khảo sát nói rằng chơi game một phần vì thích dạy cách chơi cho người khác. Một số trẻ được bạn khen ngợi vì thường xuyên tự tìm ra cách để vượt qua đoạn khó trong game và dạy lại cho mọi người. Việc giảng dạy này giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội cũng như sự kiên nhẫn.
Giúp bố mẹ và con cái gần lại với nhau hơn
TS Cheryl kể lại câu chuyện gần đây, bà thấy một cô bé 10 tuổi dạy mẹ cách chơi game âm nhạc với dụng cụ hỗ trợ là chiếc điều khiển giống hệt chiếc guitar thật. Tình cờ, game lại có một số bài hát yêu thích từ thời tuổi teen và những năm tháng học đại học của bà mẹ. Nó khiến cô thấy tò mò và bị thu hút bởi game này.
Điều tuyệt vời nhất là bà mẹ thấy con gái trở thành một tay chơi game guitar sành sỏi rồi chia sẻ lại những kỹ năng chơi game cho mình – một sự thay đổi vị trí giữa cha mẹ và con cái.
Hiện, một số tựa game và hệ thống game đã trở nên thân thiện hơn với người chơi mới làm quen. Thế nên, cha mẹ và con cái có thể chia sẻ thời gian chơi game cùng nhau nhiều hơn. Điều này giúp việc tâm sự, trò chuyện giữa cha mẹ và con cái trở nên tự nhiên, dễ dàng hơn.
Dương Tâm
Theo Vnexpress
'Robot giáo dục' đang làm cha mẹ thay phụ huynh Trung Quốc
Ở trường mẫu giáo, Seven Kong, 3 tuổi chơi cùng các bạn, còn ở nhà, bạn thân nhất của cậu là một con robot hình bầu dục, màu vàng chanh có tên là BeanQ.
Seven Kong, 3 tuổi đang chơi cùng robot có tên là BeanQ
Chúng có thể chơi cùng nhau hàng giờ với một loạt những câu hỏi được đặt ra liên tục bởi Seven: "Chuyện gì vậy BeanQ? Cậu đã ăn chưa? Tớ muốn xem phim hoạt hình!"
BeanQ có thể trả lời bằng những từ và cụm từ đơn giản cùng với nhiều biểu cảm khuôn mặt khác nhau trên một màn hình hiển thị.
Được một người bạn của gia đình giới thiệu, giờ đây BeanQ được coi là một nhà giáo dục sớm, giúp chia sẻ một số gánh nặng của phụ huynh.
"Khi chúng tôi bận, BeanQ có thể chơi với thằng bé" - chị Liu Qian, 33 tuổi, một bà mẹ làm việc ở nhà chia sẻ.
Ngoài việc thỉnh thoảng bị trục trặc trong việc nhận dạng giọng nói, chị Liu cho biết, con robot này không có bất cứ vấn đề gì trong việc tương tác với cậu con trai 3 tuổi hiếu động của chị.
Nhắm tới những phụ huynh có hiểu biết về công nghệ, các sản phẩm giáo dục sớm như BeanQ đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và dự kiến sẽ mang tới sự thay đổi cho tương lai.
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "robot giáo dục" trên trang Tmall - một website giống như Amazon của Trung Quốc, bạn có thể nhận được 65 trang sản phẩm.
Phụ huynh cho biết, những lợi ích của các thiết bị trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như BeanQ còn có chức năng "trông trẻ từ xa", tức là chúng có thể phục vụ như một vú em, tự động chụp ảnh và gửi chúng cho phụ huynh nhìn.
Yuan Wen, một bà mẹ 32 tuổi, cho biết chị sử dụng chức năng này rất nhiều để chụp lại những khoảnh khắc quan trọng của con trai, và cũng để nói chuyện với cậu bé khi ở xa.
"Với BeanQ, tôi có thể trò chuyện video với con trai khi tôi cần làm việc muộn ở cơ quan".
Phục vụ thị trường trung lưu
Mặc dù vẫn có những ý kiến trái chiều về chức năng của BeanQ cũng như những lo ngại về tính riêng tư và an toàn của nó, song với mức giá 300 USD, BeanQ đang âm thầm làm theo cách của mình để bước chân vào hàng triệu gia đình trung lưu ở Trung Quốc.
"Trong ngành công nghiệp này, chỉ từ 3-5 năm nữa, mọi món đồ chơi sẽ đều được kỹ thuật số. Sẽ không còn món đồ chơi nào vô tri giác nữa" - ông James Yin, chủ tịch của Roobot, nhà sản xuất BeanQ chia sẻ với CNN.
Roobot chỉ là một trong số những công ty AI của Trung Quốc đang sử dụng khái niệm giáo dục sớm để thương mại hoá công nghệ của mình.
"Robot cho trẻ em là một lĩnh vực mà AI có thể tham gia ở những giai đoạn sớm nhất" - Yin nói. Ông cho rằng, trẻ em là đối tượng ít cầu kỳ về mức độ thông minh của robot, miễn là những món đồ chơi trông giống như hoạt hình và có khả năng tương tác.
Thị trường bùng nổ
RoBoHon đang được sử dụng cho trẻ tự kỷ ở một bệnh viện nhi của Trung Quốc
Nếu tính cả những thiết bị kỹ thuật số có chức năng trông trẻ, ước tính năm nay có khoảng 30 triệu robot giáo dục được bán ở Trung Quốc. Và năm tới, con số này được dự đoán sẽ lên tới 100 triệu, theo nghiên cứu của Turing Robotics, một nhà cung cấp đồ chơi AI lớn ở nước này.
Turing là một trong số nhiều công ty công nghệ đang phát triển những sản phẩm có thể sử dụng được ở bên ngoài ngôi nhà, như ở trường học hay trong bệnh viện.
Sản phẩm RoBoHon trị giá 2.000 USD của công ty này đang được sử dụng ở Bệnh viện Nhi Harbin cho những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ.
"Nó có cảm xúc, vui vẻ, cứng đầu và tinh nghịch. Nó có thể bắt chuyện, thay đổi chủ đề trò chuyện và có khả năng học tập" - ông Li Huaining, phó giám đốc bệnh viện cho biết.
Ưu điểm của RoBoHon so với con người khi tiếp xúc với trẻ em tự kỷ là sự kiên nhẫn và khoan dung, bởi vì đặc tính của đối tượng này là hiếu động thái quá và hay lặp đi lặp lại hành động của mình.
"Gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng"
Những con robot giáo dục được bán trong một cửa hàng điện tử ở Trung Quốc. Có những sản phẩm chỉ ở mức giá 100 USD.
Nhu cầu về các thiết bị robot công nghệ cao dẫn đến sự gia tăng các sản phẩm tự xưng là có chức năng AI.
Theo ông Christian Grewell, giáo sư về nghệ thuật truyền thông tương tác và kinh doanh, ĐH New York, bất cứ thiết bị gì có thể thực hiện được một số thuật toán học máy thì đều có thể được gọi là thiết bị AI.
"Hầu hết những robot giáo dục mà tôi nhìn thấy bán trên thị trường ở Trung Quốc đều gần với một chiếc điện thoại thông minh cấp thấp" - ông nói.
Mặc dù đồ chơi AI có thể khiến cuộc sống của cha mẹ trở nên đơn giản hơn, nhưng chúng cũng mang đến những rủi ro về tính bảo mật thông tin cá nhân.
BeanQ, giống như nhiều đồ chơi AI phổ biến khác trên thị trường này, có khả năng xây dựng hồ sơ chi tiết về một đứa trẻ qua vài giờ tương tác với chúng, cho phép phụ huynh phân tích sự phát triển của trẻ.
Giáo sư Grewell chia sẻ, điều mà ông lo lắng nhất về thị trường cấp thấp này là các nhà sản xuất đang tập trung nhiều hơn tới khả năng "ba hoa" của những thiết bị, thay vì tính an toàn của chúng.
"Phụ huynh có thể chi tiền cho một chiếc máy tính bảng có thể có những chức năng tương tự" - ông cho hay.
Nguyễn Thảo
Theo CNN
Tiếng Việt công nghệ giáo dục: tranh cãi vì đâu? Dư luận mấy ngày nay xôn xao về một clip dạy đánh vần 'lạ' thật ra là của chương trình công nghệ giáo dục đã tồn tại mấy mươi năm qua. Tài liệu dạy tiếng Việt lớp 1 của công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đến nay tròn 40 năm ra đời nhưng chỉ tính riêng 5 năm gần đây, dưới hai thời bộ...