Tạm dừng thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ vì phát hiện hàng loạt sai phạm
Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng vừa ký văn bản gửi Cục Quản lý Chất lượng, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 và 10 đơn vị được giao tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ.
Trong văn bản này, lý do được bộ đưa ra là dựa vào kiến nghị của Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT sau kết luận thanh tra về ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại trường Cao đẳng Công nghệ (CĐCN) Bắc Hà.
Trong kết luận này, Thanh tra bộ cho biết từ ngày 13/4 đến 16/4, ĐH Vinh đã tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ năng lực tiếng Anh cho 827 người tại CĐCN Bắc Hà.
Thanh tra Bộ khẳng định Sở GD&ĐT Bắc Ninh, ĐH Vinh tổ chức ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho các địa phương theo nhu cầu xã hội là không đúng đối tượng và không phải do Đề án Ngoại ngữ 2020 giao. Bởi, phần lớn thí sinh đều thuộc diện hợp đồng ngắn hạn trong các cơ quan, đơn vị và học viên sau đại học; nhiều phiếu đăng ký dự thi ghi ngày 4/4, thiếu thông tin thí sinh.
Sai phạm nữa của trường CĐCN Bắc Hà là thông báo, tuyển sinh trước khi ký hợp đồng liên kết đào tạo với ĐH Vinh; chưa công khai thông tin về tuyển sinh, ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên website của Trường CĐCN Bắc Hà và Trường ĐH Vinh theo quy định.
Việc thu lệ phí, trường CĐCN Bắc Hà giao cho 7 cán bộ tuyển sinh thu lệ phí. Hồ sơ lưu tại Trường CĐCN Bắc Hà có 33 Giấy nộp tiền mặt, mỗi giấy có một người đại diện nhóm học viên ký nộp tiền.
Giấy nộp tiền mặt chỉ ghi tổng số tiền nộp, không ghi đầy đủ thông tin về người nộp tiền. Một số trường hợp thí sinh dự thi bậc A2 đã nộp số tiền là 3.400.000 đồng/người qua trung gian cao hơn số tiền đã ký xác nhận trong hồ sơ lưu của Trường CĐCN Bắc Hà và hợp đồng giữa ĐH Vinh và trường CĐCN Bắc Hà.
Một sai phạm nữa đó là thời gian tổ chức ôn tập ít hơn thời gian quy định. Sổ theo dõi giảng dạy có ghi nhận việc ôn tập của 11/12 lớp, thời gian dạy của 7/12 lớp mỗi ngày từ 6,5 giờ đến 7 giờ, không kể thời gian nghỉ giải lao (khoảng 8 đến 9 tiết), chưa đủ so với quy định; số học viên dự ôn tập trên lớp rất ít so với danh sách đăng ký.
Cán bộ in sao đề thi làm việc trong giờ hành chính, không cách ly; không thanh tra việc in sao đề thi; mỗi môn chỉ có một mã đề thi; số lượng đề thi trong ngân hàng đề thi ít (bậc năng lực nhiều nhất có 15 đề); phần thi Đọc – Hiểu của mỗi trình độ chỉ có mộtmã đề thi nên chưa đánh giá được khách quan về năng lực của thí sinh.
Thanh tra Bộ GD&ĐT phát hiện nhiều sai phạm về việc ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà. Ảnh: Tiền Phong.
Video đang HOT
Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng khẳng định thiết bị phục vụ coi thi chưa đủ, còn có cán bộ coi thi chưa thực hiện đúng quy định về coi thi, bố trí mỗi cán bộ giám sát một tầng từ 5 đến 7 phòng thi không liền nhau chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ giám sát, còn có tình trạng thí sinh trao đổi bài, chép bài của nhau.
Có 6/18 cán bộ chấm thi kỹ năng Nói chưa đảm bảo theo yêu cầu. Thời gian hỏi thi dành cho mỗi thí sinh trung bình khoảng 4 phút là không đúng so với quy định về tổ chức chấm thi môn Nói của Bộ GD&ĐT; chưa trang bị đủ máy ghi âm cho các phòng thi môn Nói, không có phiếu chấm thi môn Nói. Làm phách một lần và không cách ly cán bộ làm phách trong suốt thời gian chấm thi chưa đúng hướng dẫn của Bộ về việc làm phách bài thi viết.
Tạm dừng thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ
Không chỉ liên kết với ĐH Vinh, trường CĐCN Bắc Hà còn liên kết với ĐH Sư phạm TP.HCM để cấp chứng chỉ ngoại ngữ và cũng có những sai phạm tương tự. Kết luận của thanh tra bộ cho thấy trong những sai phạm nêu trên đều có trách nhiệm của trường CĐCN Bắc Hà, ĐH Vinh và ĐH Sư phạm TP.HCM.
Trước đó, trong năm 2016, báo Tiền Phong có nhiều bài phản ánh về tình trạng liên kết tổ chức ôn tập, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu tại một số đơn vị. Trong đó, ĐH Thái Nguyên cũng đã phải yêu cầu trung tâm ngoại ngữ dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ để đánh giá kiểm tra lại toàn bộ các khâu tổ chức thi.
Trước kiến nghị của Thanh tra Bộ GD&ĐT sau khi có kết luận thanh tra trường CĐCN Bắc Hà, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu đối với Cục Quản lý Chất lượng, tham mưu hoàn thiện và trình bộ trưởng ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam theo hướng quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn đối với đơn vị tổ chức thi, tránh độc quyền.
Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia cần ra soát tổng thể 10 đơn vị được bộ giao tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường trong vòng 3 năm qua. Đồng thời, 10 đơn vị này, bộ cũng yêu cầu tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ cho đến khi Bộ có quy định cụ thể.
Theo Zing
Chứng chỉ ngoại ngữ: Món nợ khó trả!
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chuyên ở nhiều trường ĐH hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên năm cuối gần như bất lực trước thời hạn xét tốt nghiệp.
Thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, nhiều trường ĐH đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ bậc 3 (tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu) đối với sinh viên (SV) năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp.
Tuy nhiên, chuẩn đầu ra giữa các trường mạnh ai nấy làm. Nhiều SV vẫn bị treo bằng tốt nghiệp ĐH vì chưa đạt chứng chỉ ngoại ngữ tương đương.
Chật vật với chứng chỉ ngoại ngữ
Dù đã hoàn thành 4 năm ĐH nhưng L.Q.Đ, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp vì còn nợ chứng chỉ ngoại ngữ.
"Trong thời gian chờ thi lại, mình đã đăng ký ôn luyện ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để nâng cao kiến thức. Vì bắt đầu học tiếng Anh quá muộn nên giờ mình phải chật vật, thi lần hai rồi vẫn thiếu điểm", Q.Đ phân trần.
T.T, sinh viên năm cuối ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng bỏ lỡ một đợt xét tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. T. cho biết đã hoàn thành học phần ngoại ngữ bắt buộc trong trường nhưng đợt thi đầu ra vừa rồi vẫn chưa đạt.
Nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, giảm tỷ lệ sinh viên ra trường không có việc làm vì trình độ ngoại ngữ thấp, những năm gần đây, nhiều trường ĐH tại TP.HCM như Nông Lâm, Ngân hàng, Luật, Mở, Sư phạm Kỹ thuật đã đồng loạt áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra trình độ bậc 3 hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương đối với sinh viên tốt nghiệp.
Đây là một trong những lý do khiến nhiều sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn. Mỗi khóa tại ĐH Mở TP.HCM, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn chỉ 40%-50%, khoảng 20% sinh viên chưa tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ.
Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết nhằm tăng khả năng xin việc của SV sau khi ra trường, từ năm 2008, trường áp dụng thêm chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chuyên tương đương trình độ bậc 3 đối với SV khi xét tốt nghiệp bậc ĐH hệ đào tạo chính quy.
"Đối với chuẩn này, số SV không đạt được chuẩn đầu ra ngoại ngữ nhiều hơn trước đây. Điều đó kéo theo tỷ lệ SV tốt nghiệp ra trường thấp hơn so với trước khi áp dụng chuẩn đầu ra này", thầy Tuyên giải thích.
Theo PGS.TS Lê Sỹ Đồng, Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP.HCM, chuẩn đầu ra quy định mức TOEIC đạt 530 điểm cũng gây khó khăn cho nhiều sinh viên, học để thi với chi phí khá đắt đỏ. Do đó, tỷ lệ SV thiếu chứng chỉ khi xét tốt nghiệp là đáng kể.
Sinh viên ĐH Văn Hiến tìm cơ hội thực hành ngoại ngữ với du khách nước ngoài. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Dạy học ngoại ngữ vẫn xa chuẩn đầu ra
Thực tế cho thấy muốn nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường ĐH không phải là điều dễ dàng. Trong nhiều năm gần đây, quá trình đổi mới đào tạo ngoại ngữ vẫn là một bài toán nan giải. Việc giảng dạy trong các trường ĐH không chuyên ngữ chưa thể đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
Các doanh nghiệp vẫn phàn nàn thời lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường không đủ để 100% sinh viên tốt nghiệp có trình độ mà xã hội yêu cầu. Trên thực tế, nhiều SV năm nhất có điểm bình quân ngoại ngữ chưa đạt đến 350 điểm TOEIC.
Với mức điểm này, SV cần hơn 400 tiết đào tạo để đáp ứng được chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở mức 400 đến 500 điểm TOEIC. Chương trình đào tạo trong trường ĐH chỉ giúp giảm khoảng cách với chuẩn đầu ra nhưng khó đạt chuẩn.
Thạc sĩ Đào Đức Tuyên cho hay chương trình chính khóa của ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện nay áp dụng học 7 tín chỉ ngoại ngữ, tương đương 105 tiết học trên lớp. Việc học tín chỉ này chỉ giúp SV giảm bớt khoảng cách với chuẩn đầu ra.
"Chương trình mới đòi hỏi nội dung tăng lên nhưng thời lượng đào tạo giảm đi, như vậy phải cân nhắc bớt và tăng nội dung gì khi thời gian chương trình đào tạo giảm xuống. Ngoài việc dạy ngoại ngữ cơ bản, nhà trường yêu cầu chỉ đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu với điều kiện sinh viên phải có trình độ căn bản tương đương TOEIC 350", PGS.TS Lê Sỹ Đồng nêu thực tế.
Ông cho rằng việc học ngoại ngữ như mưa dầm thấm lâu, không chỉ học một số tiết trên giảng đường mà sinh viên phải học đều đặn và có mục tiêu.
Theo đại diện các trường, một trong những lý do khiến sinh viên không đạt được chuẩn ngoại ngữ đầu ra khi chương trình dạy trong nhà trường được đổi mới là do ý thức học tập và tự giác chưa cao. Nhiều bạn có tâm lý chủ quan, đợi nước đến chân rồi mới nhảy.
Để tạo điều kiện cho SV đạt được chuẩn đưa ra, hầu hết trường thực hiện việc kiểm tra, phân loại đầu vào ngoại ngữ đối với SV năm nhất chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Qua kiểm tra, phân loại, trường sẽ tiếp tục đào tạo và tư vấn cho SV ngay từ khi vừa bắt đầu.
Không nên áp dụng một loại chứng chỉ
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở TP.HCM, cần cho sinh viên tiếp cận chuẩn đầu ra ngay từ năm nhất để họ có sự chuẩn bị từ đầu; khuyến khích SV theo học các khóa tại những trung tâm song song với học các lớp đào tạo trong trường.
PGS.TS Lê Sỹ Đồng cũng cho rằng không nên chỉ áp dụng một loại chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu SV đã đạt được một loại chứng chỉ nào đó ở trình độ nhất định thì đối chiếu xem có tương đương với chuẩn ngoại ngữ của trường không, chỉ cần SV sau khi ra trường có vốn ngoại ngữ để áp dụng tốt cho công việc.
Theo Châu Đoan / Người Lao Động
Bộ Giáo dục sẽ chú trọng hơn đến khảo thí tiếng Anh Việc khảo thí tiếng Anh ngày càng quan trọng, giúp xây dựng niềm tin của người dân đối với hệ thống giáo dục và bằng cấp. Hiện nay, Bộ GD&ĐT trong quá trình hoàn thành cải cách khảo thí giáo dục. Điều đó được thể hiện rõ qua những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia cũng như công tác xét tuyển...