Tạm biệt câu hỏi ‘Hôm nay con được mấy điểm’
Năm học này, học sinh tiểu học sẽ không nhận sự đánh giá thường xuyên bằng điểm số, mà thay vào đó là những lời nhận xét của thầy cô. Hãy xem phụ huynh và giáo viên nói gì.
Phụ huynh mừng
“Tôi thấy như thế là hơn, vì điểm số hay gây áp lực cho trẻ. Trước đây đi học tôi đã từng phải nghĩ kiểu trả lời “8 điểm 3 chỗ” để “thông báo” cho bố mẹ về 3 điểm 8 của mình. Đến lượt con trai bây giờ đi học, mỗi lần được 7, 8 điểm nó hay nói lảng khi bị hỏi hôm nay mấy điểm. Mà câu “hôm nay mấy điểm?” nhiều lúc chỉ là câu cửa miệng, mình hỏi theo thói quen” – anh Nguyễn Sơn bày tỏ ý kiến.
Ảnh: Văn Chung.
Chị Mai Hương cho biết từ đầu năm học tới giờ cô con gái học lớp 2 chưa mang về một “con” điểm nào. Trên các bài tập về nhà cô giáo chỉ đóng dấu đỏ “Đã kiểm tra”. Đoán rằng trường sẽ phổ biến phương pháp mới vào buổi họp phụ huynh đầu năm sắp tới, nhưng chị Hương chia sẻ luôn quan điểm “Con số thuần túy không có chỗ cho lời động viên. Mà tôi cũng không mấy tin vào thang đánh giá ở trường công. Chương trình tiểu học nói chung nằm trong trình độ của bố mẹ, nên không khó, không cần phải lo lắng quá mức về việc nếu không cho điểm bố mẹ sẽ không nắm được con học ở mức độ nào”.
“Tôi thấy nhận xét hay hơn điểm ở chỗ linh hoạt hơn trong ứng xử, còn điểm hơi cứng nhắc. Ví dụ như trường hợp một bé làm bài kiểm tra ở mức độ 7 điểm. Nếu như chỉ chấm điểm đơn thuần phụ huynh sẽ không thể biết được điểm 7 này là sự tiến bộ hay thụt lùi của bé. Trong khi đó, nếu nhận xét với bé học giỏi mà chỉ làm được bài như thế cô giáo có thể ghi “con cần cố gắng hơn”, nhưng với bé có sức học trung bình cố có thể ghi nhận, động viên ngay”.
Đã có con học lớp 4, chị Hà Thuỷ cho rằng “Với các trường công lập hiện nay ở Hà Nội thì… còn khuya giáo viên mới nhận xét tỉ mỉ được. Việc nhận xét hơi vất vả cho các cô công lập, cho điểm đỡ mất thời gian hơn.
“Nhưng tôi thấy bây giờ có kiểu nhận xét bằng con dấu sẵn nên cũng nhanh, như “Con cần cố gắng hơn”, “Bài làm tốt”… Tôi thấy không nên cấm giáo viên tiểu học sử dụng những mẫu nhận xét này vì về cơ bản, trò tiểu học mắc những lỗi giống nhau, cá tính chưa quá rõ ràng như với trẻ lớn hơn. Quan trọng bắt viết tay nhiều quá là làm mất thời gian không đáng của giáo viên, nên để cho các cô để dành sức cho bao nhiêu việc khác”.
Video đang HOT
Cho rằng nhận xét kỹ càng là lý tưởng nhất, nhưng theo chị Thuỷ, trong một số trường hợp đặc biệt mới nên, “như với học sinh xuất sắc, học sinh cá biệt, học sinh vừa qua một trận ốm nặng, hay biến cố gia đình gây sốc… thì lúc đó, rất cần lời động viên mang dấu ấn riêng”.
“Nói cho cùng, nhận xét ở các lớp lớn còn quan trọng hơn, nhất là với tuổi mới lớn, cá tính hình thành mạnh, cái tôi cá nhân muốn được người khác để ý hơn bao giờ, nhất là thầy, và cũng đủ trình độ để hiểu hơn. Và phù hợp hơn trong các môn xã hội” – anh Sơn bình luận.
Giáo viên: Hãy để chúng tôi làm theo cách riêng
“Ấm ức” vì đã phải miệt mài ghi tay nhận xét cho học sinh suốt một năm qua, một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở Hà Nội tha thiết mong muốn được áp dụng những cách thức nhận xét khác để vừa tạo hứng thú cho trẻ, vừa đỡ mất thời gian và công sức một cách không cần thiết cho cô.
“Nên để cho chúng tôi sử dụng con dấu, đôi khi linh hoạt bằng các hình dán như ngôi sao, bông hoa, mặt cười, nhân vật hoạt hình thay cho lời nhận xét. Làm như vậy các con sẽ thích hơn nhiều so với vài chữ viết tay của cô giáo, vì nói với trẻ nên bằng ngôn ngữ của trẻ. Khi nào cần thiết chúng tôi sẽ ghi chú cẩn thận để phụ huynh và học sinh cùng biết”.
Đón nhận tin sẽ phải nhận xét thay cho cho điểm thường xuyên, cô Thanh Hà, giáo viên lớp 3 một trường tiểu học ở Hà Nội, khẳng định “Khi nhận xét thay thế con điểm, nếu cô làm tỉ mỉ, thì những cuốn sổ liên lạc và các quyển vở bài tập sẽ là kỷ vật đáng giữ lại cho con và bố mẹ. Đồng thời tạo sợi dây tình cảm giữa cô và trò, phụ huynh và nhà trường hơn.
Tuy nhiên, với một lớp có sĩ số đông việc nhận xét kỹ lưỡng hàng ngày là khó thực hiện. Cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, làm sao để vừa có hiệu quả thiết thực nhất, vừa hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng cả về thời gian và sức lực của giáo viên”.
Tán đồng việc có thể dùng con dấu, cô Hà nghĩ rằng “có thể mỗi cô giáo nên tự nghĩ ra các mẫu câu cho mình, thể hiện cá tính của mình hơn. Nó sẽ như một thứ danh thiếp để cô tự giới thiệu bản thân mình trước học sinh và phụ huynh”.
“Và nếu dùng con dấu thì nên có một đoạn ngắt quãng để cô đề tên trò vào. Một chút viết tay, dấu ấn cá nhân rất có lợi về tâm lý với học sinh tiểu học mà không làm mất thời gian của cô quá nhiều. Ví dụ con dấu “cần cố gắng hơn con nhé!” cô giáo chỉ việc viết tay tên của học sinh lên đầu câu “Ngọc Anh cần cố gắng hơn con nhé!”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội tâm lý Hà Nội cũng chia sẻ, việc hàng ngày phải nhận xét một lượng học sinh lớn sẽ dẫn tới tình trạng giáo viên sẽ ngại việc. “Đây là hướng đổi mới rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ. Thầy cô phải vượt khó, cha mẹ phải quan tâm, có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô để giúp đỡ con, được như vậy mới có chuyển biến thực sự”.
Theo Chi Mai/Báo Vietnamnet
Không chấm điểm học sinh tiểu học
Từ việc áp dụng không cho điểm đối với học sinh lớp 1 thực hiện năm học trước, dự kiến năm học 2014-2015 Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đổi mới đánh gá đối với học sinh tiểu học hướng này.
Ông Phạm Ngọc Định, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã biên soạn quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, sau khi tham vấn ý kiến, dự định sẽ ban hành chính thức để thực hiện từ năm học tới. Trước khi xây dựng quy định này, Bộ GD-ĐT đã có một năm thực hiện thí điểm và trưng cầu ý kiến của nhiều giáo viên tiểu học, cán bộ quản lý các địa phương và lắng nghe dư luận xã hội.
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM.
Nhiều kênh đánh giá thường xuyên
Giảm áp lực chạy đua, đối phó
Nhóm chuyên gia xây dựng quy định này của Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT nhận định việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học sẽ hạn chế áp lực chạy đua, đối phó với việc kiểm tra để đạt điểm 9, 10 nhưng xao nhãng việc giúp đỡ học sinh rèn luyện trong quá trình học tập. Theo đó, học sinh dần dần sẽ phát triển năng lực qua quá trình trải nghiệm, phát triển các năng lực tự quản, tự tin trong giao tiếp, hợp tác, tự học, tự giải quyết vấn đề, tự chịu trách nhiệm, trung thực...
Theo dự thảo quy định, việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học sẽ không sử dụng phương thức cho điểm. Giáo viên căn cứ vào mục tiêu bài học, hoạt động giáo dục để quan sát, theo dõi, đối thoại, phỏng vấn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh. Giáo viên nhận xét trực tiếp bằng lời hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về mức độ hiểu biết, khả năng thao tác, vận dụng, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp giúp học sinh khắc phục nhược điểm, khuyến khích sự tiến bộ trong quá trình học của học sinh.
Việc đánh giá thường xuyên, ngoài kênh nhận xét của giáo viên có kênh nhận xét của học sinh với học sinh, cha mẹ học sinh với con cái. Hằng tuần hoặc tháng, giáo viên tổng hợp nhận xét của mình gửi cha mẹ học sinh để cùng phối hợp giúp đỡ, khích lệ học sinh.
Việc đánh giá học sinh phải toàn diện thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, qua thái độ, phẩm chất học sinh... Ông Định nhấn mạnh trong đánh giá thường xuyên không được so sánh học sinh này với học sinh khác, giáo viên không được tạo áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh. Nhà trường không tạo áp lực cho giáo viên theo hướng chạy theo thành tích.
Bỏ kiểu giáo dục "đồng loạt"
Ông Định cũng cho hay việc đổi mới đánh giá sẽ không áp dụng các tiêu chí mang tính "đồng loạt" với mọi học sinh mà thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải theo sát và khuyến khích, khen ngợi học sinh theo khả năng từng em. Ví dụ có em giỏi toán, có em giỏi tiếng Việt, có em giữ gìn vệ sinh tốt, tham gia biểu diễn văn nghệ... Việc "không chấm điểm, tăng nhận xét" sẽ giúp giáo viên có cơ hội khích lệ và có những nhận xét, góp ý cụ thể với mỗi học sinh.
Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định kỳ, Bộ GD-ĐT vẫn dự kiến quy định cho điểm bài kiểm tra định kỳ theo thang điểm 10, nhưng không cho phép cho điểm 0 và điểm thập phân. Bài kiểm tra định kỳ cũng vẫn phải nhận xét kỹ lưỡng, góp ý cho học sinh, nghiêm cấm bài kiểm tra chỉ cho điểm, không có nhận xét. Hiệu trưởng phải chỉ đạo giáo viên tổ chức tổng hợp đánh giá quá trình phát triển năng lực, phẩm chất, ý thức của học sinh vào cuối học kỳ, cuối năm theo mức "đạt" và "chưa đạt"
Về tình trạng nhiều trường THCS ở thành phố đặt ra quy định "năm năm học sinh giỏi" trong tuyển sinh là nguyên nhân chính gây áp lực chạy theo danh hiệu ở tiểu học, ông Phạm Ngọc Định cho biết Vụ Giáo dục tiểu học sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo để có những quy định đổi mới ở cấp học tiếp theo, nhằm thay đổi đồng bộ, tránh tình trạng "gây áp lực về thành tích, danh hiệu" như thực tế đã có ở nhiều địa phương.
Giảm lưu ban
Dự thảo quy định cũng nêu rõ giáo viên sau khi đánh giá học sinh phải có bàn giao về tình hình, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cho giáo viên khác sau mỗi năm học và có kiến nghị với hiệu trưởng để có biện pháp giúp đỡ những học sinh đặc biệt... Với quy định này, Bộ GD-ĐT "hạn chế việc cho học sinh lưu ban" mà áp dụng giải pháp bổ sung dần những thiếu hụt của học sinh theo quá trình, qua các năm học, với phương thức "bàn giao" giữa giáo viên phụ trách mỗi thời điểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về băn khoăn việc bàn giao học sinh chưa đạt yêu cầu, hạn chế lưu ban liệu có xảy ra tình trạng gia tăng học sinh "ngồi nhầm lớp" như từng xảy ra không, ông Phạm Ngọc Định cho biết: "Những học sinh quá yếu sau khi đã được hỗ trợ tích cực mà không tiến bộ sẽ vẫn phải lưu ban. Nhưng tỉ lệ cho phép lưu ban sẽ giảm đi, tăng cường việc hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong quá trình để hoàn thành yêu cầu của bậc học"
Theo Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ
Đỗ tốt nghiệp THPT 100%: Bộ GD-ĐT lên tiếng Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quản lý điểm và đánh giá học sinh bằng phần mềm và sẽ xử lý nghiêm những sai phạm. Từ ngày 2-4/6 sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Trước lo ngại của dư luận về việc xét tốt nghiệp THPT năm nay có thể dẫn đến tỷ lệ học...