Taliban chi nửa tỉ ‘đô’ trả lương công chức, kể cả phụ nữ
Chính quyền Taliban vừa phê duyệt kế hoạch ngân sách đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền với phần lớn dành để chi trả lương cho công chức – những người đã không nhận được đồng nào kể từ tháng 8 năm ngoái.
Thành viên Taliban xem một trận bóng đá ở Kandahar ngày 13-1 – Ảnh: AFP
“Lần đầu tiên trong hai thập kỷ, chúng tôi đã tự tổ chức và thông qua ngân sách hoàn toàn không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Đó là một thành tựu rất lớn đối với chúng tôi”, người phát ngôn Bộ Tài chính của Taliban, Ahmad Wali Haqmal tỏ ra đầy tự hào.
Ngân sách mà chính quyền Taliban thông qua ngày 13-1 trị giá 53,9 tỉ afghani (khoảng 508 triệu USD) và chỉ dành cho quý đầu tiên của năm 2022.
Theo Hãng thông tấn AFP, gần như toàn bộ ngân sách sẽ dùng cho việc duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước, trả lương cho công chức.
Video đang HOT
Phát ngôn viên Haqmal cho biết các công chức nhà nước, với nhiều người đã không được trả lương trong nhiều tháng qua, sẽ bắt đầu nhận lương vào cuối tháng 1 này.
Phụ nữ, những người phần lớn bị ngăn cản không cho trở lại công sở, cũng sẽ được trả lương. “Chúng tôi vẫn tính họ đang làm việc. Chúng tôi không sa thải họ”, đại diện Bộ Tài chính Afghanistan nhấn mạnh.
Khoảng 4,7 tỉ afghani sẽ được chi cho các dự án phát triển bao gồm hạ tầng giao thông. “Đó là số tiền nhỏ nhưng là những gì chúng tôi có thể làm bây giờ”, ông Haqmal nói.
Viện trợ quốc tế từng chiếm 40% GDP của Afghanistan và 80% ngân sách của nước này khi chính quyền do Mỹ hậu thuẫn còn kiểm soát Afghanistan.
Khi chính quyền này sụp đổ vào tháng 8 năm ngoái và Taliban lên nắm quyền, các cường quốc phương Tây đã đóng băng hàng tỉ USD viện trợ và tài sản của Afghanistan ở nước ngoài. Điều này dẫn tới việc Afghanistan trải qua “cú sốc tài khóa chưa từng có”, theo Liên Hiệp Quốc.
Số tiền cho ngân sách quý 1-2022 lấy từ nguồn thu thuế, thương mại và khai thác tài nguyên ở Afghanistan. Chính quyền Taliban dự kiến công bố ngân sách hằng năm vào tháng 3 tới, theo AFP.
Tình hình tại Afghanistan vẫn đang hết sức khó khăn với hơn một nửa dân số đối mặt nguy cơ thiếu ăn.
Hôm 13-1, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tiếp tục kêu gọi Mỹ và Ngân hàng Thế giới dỡ bỏ lệnh đóng băng các tài sản của Nhà nước Afghanistan để ngăn “cơn ác mộng đang diễn ra” trở nên tồi tệ hơn.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc hy vọng hơn 1,2 tỉ USD từ Quỹ Tín thác tái thiết Afghanistan (ARTF) sẽ được giải ngân để giúp người dân Afghanistan sống sót qua mùa đông.
“Nhiệt độ đóng băng và tài sản bị đóng băng là sự kết hợp gây chết người đối với người dân Afghanistan”, ông Guterres nêu lo ngại.
Chính quyền Taliban lập kế hoạch ngân sách mới không có nguồn viện trợ nước ngoài
Bộ Tài chính Afghanistan dưới sự quản lý của chính quyền Taliban đang lập dự thảo ngân sách quốc gia và đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ dự thảo ngân sách này không có nguồn viện trợ của nước ngoài.
Trẻ em Afghanistan chờ nhận thực phẩm hỗ trợ của một tổ chức từ thiện tư nhân tại thành phố Jalalabad. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp) ngày 17/12, người phát ngôn Bộ trên, Ahmad Wali Haqmal không tiết lộ quy mô ước tính của dự thảo ngân sách có thời hạn đến tháng 12/2022, song cho biết sẽ trình dự thảo này lên Nội các để thông qua trước khi công bố chính thức.
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Haqmal nhấn mạnh rằng cơ quan chức năng Afghanistan đang nỗ lực lập dự thảo ngân sách dựa trên nguồn thu nội địa, đồng thời bày tỏ tin tưởng có khả năng để thực hiện được điều này.
Việc lập dự thảo ngân sách mới được thực hiện trong bối cảnh Afghanistan đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế và đối mặt với thảm họa nhân đạo trầm trọng. Các nhà tài trợ toàn cầu đã đình chỉ viện trợ khi Taliban lên nắm chính quyền tại quốc gia Tây Nam Á này.
Các cường quốc phương Tây cũng đóng băng quyền tiếp cận các tài sản trị giá hàng tỷ USD được Afghanistan gửi ở nước ngoài. Ngân sách năm 2021, được chính quyền tiền nhiệm tổng hợp theo hướng dẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến thâm hụt cho dù đã có thêm 1,98 tỷ USD tiền viện trợ và viện trợ không hoàn lại, cũng như 1,97 tỷ USD đến từ nguồn thu nội địa.
Trong diễn biến cùng ngày, Điện Kremlin đã hối thúc các nhà lãnh đạo phương Tây ngừng phong tỏa khối tài sản bị đóng băng của Afghanistan để chi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và ngăn chặn làn sóng di cư đến châu Âu từ khi Taliban tiếp quản đất nước hồi tháng 8 vừa qua.
Trả lời phỏng vấn hãng RIA Novosti, Đặc phái viên của Nga về Afghanistan, ông Zamir Kabulov, cho biết Moskva đã cảnh báo phương Tây rằng việc đóng băng tài sản của Afghanistan sẽ khiến hàng nghìn gia đình Afghanistan "chạy sang châu Âu vào mùa Đông này". Do đó, ông kêu gọi phương Tây dỡ bỏ biện pháp đóng băng này vì có như vậy, hàng trăm nghìn gia đình Afghanistan không phải rời bỏ đất nước.
Hiện Mỹ đã đóng băng gần 9,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Theo LHQ, hơn 50% trong tổng dân số 38 triệu người tại Afghanistan đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong khi mùa Đông sẽ buộc hàng triệu người phải lựa chọn giữa di cư ra nước ngoài hoặc chết đói.
Taliban cam kết tăng cường an ninh sau vụ tấn công thánh đường Hồi giáo Chính quyền Taliban cam kết tăng cường an ninh tại các thánh đường Hồi giáo theo dòng Shiite, sau vụ tấn công đẫm máu khiến trên 100 người thương vong tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar của Afghanistan ngày 15/10. Người dân tập trung tại hiện trường vụ nổ tại Thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar, Afghanistan....