Tại sao nhiều lãnh đạo được phong nhà giáo ưu tú?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Qúy trao đổi với PV về kết quả xét tặng các danh hiệu nhà giáo ưu tú (NGƯT), nhà giáo nhân dân (NGND) năm 2012 và dự kiến thay đổi trong thời gian tới.
Thưa Thứ trưởng, trong đợt vinh danh các nhà giáo Việt Nam năm nay, có một thắc mắc là tại sao tỷ lệ các nhà quản lý giáo dục lại chiếm áp đảo. Điều này có nguyên nhân từ đâu?
Thứ trưởng Trần Quang Quý: Lần xét tặng này, Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đã thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về Thi đua – Khen thưởng để xem xét các hồ sơ từ Hội đồng xét tặng các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành trong cả nước.
Trong quá trình triển khai, thẩm định và xử lý hồ sơ, Hội đồng luôn quan tâm đến đội ngũ nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Thông tư 07 của Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn xét tặng, đặc biệt với quan điểm chỉ đạo là ưu tiên cho các đối tượng là giáo viên, giảng viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy và các nhà giáo công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đó là: “Về sáng kiến kinh nghiệm yêu cầu đối với cán bộ quản lý giáo dục phải chủ trì ít nhất 2 sáng kiến kinh nghiệm hoặc giải pháp được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, Bộ đánh giá xếp loại B (loại Khá) hoặc Hội đồng khoa học ngành giáo dục đào tạo xếp loại A (loại Tốt)”.
Ngoài ra, cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình xét tặng, thành tích cá nhân phải gắn với thành tích của đơn vị do cán bộ đó quản lý chỉ đạo là đơn vị có 3 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, trong đó có 1 năm đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.
Đối với giáo viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy ở bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, “sáng kiến kinh nghiệm chỉ cần Hội đồng khoa học cấp huyện hoặc ngành giáo dục tỉnh xếp loại B (loại Khá) trở lên”.
Bên cạnh đó, cán bộ quản lý giáo dục phải có 20 năm công tác trong ngành, trong đó, 10 năm trực tiếp tham gia giảng dạy. Đối với giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp thì thời gian theo quy định chỉ có 15 năm.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đối với cán bộ quản lý giáo dục là cao hơn so với giáo viên, giảng viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Cụ thể, cán bộ quản lý phải có thời gian công tác trong ngành nhiều hơn 5 năm, đơn vị do cán bộ quản lý giáo dục phải là đơn vị có 3 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến và tập thể Lao động xuất sắc; Sáng kiến kinh nghiệm phải cao hơn về cấp công nhận và xếp loại; thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy đối với danh hiệu NGND là 15 năm, NGƯT là 10 năm.
Thứ trưởng Trần Quang Quý: “Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT đối với cán bộ quản lý giáo dục là cao hơn so với giáo viên, giảng viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy”
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT có hướng dẫn hoăc chỉ đạo gì về việc đánh giá thỏa đáng đối tượng giáo viên, nhất là các thầy cô ở vùng khó khăn?
Thông tư 07 có một số quy định ưu tiên đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là: “Thời gian công tác và thời gian giảng dạy được nhân hệ số 1,33; số năm đạt “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” giảm hơn với quy định chung là 2 năm; sáng kiến kinh nghiệm chỉ cần Hội đồng khoa học ngành giáo dục huyện công nhận (không cần xếp loại).
Chính vì vậy, năm 2012, có 10 nhà giáo là người dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu NGƯT, trong đó, có 3 nhà giáo là giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Ngoài ra, trong chỉ đạo xuống cơ sở cũng như tại các phiên họp của hội đồng, luôn có lưu ý quan tâm và ưu tiên các nhà giáo là người dân tộc thiểu số, công tác tại vùng sâu, vùng xa, trực tiếp là giáo viên, giảng viên, đặc biệt là giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học; các nhà giáo sắp nghỉ hưu theo chế độ; các nhà giáo là thương binh.
Trong số 40 NGND có 19 giáo viên, giảng viên chiếm 47,5%; trong 570 NGƯT có 264 giáo viên, giảng viên chiếm 46,3%. Nhiều nhà giáo là giáo viên, giảng viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy có tuổi đời mới ngoài 30 cũng được phong tặng NGƯT.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà giáo chưa quan tâm tới việc xét tặng này. Theo ông, nguyên nhân từ đâu?
Thông qua việc phân tích tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy được xét phong tặng năm 2012, Bộ GD – ĐT nhận thấy còn có vấn đề cần lưu ý là: trong số 294 NGƯT thuộc các địa phương, chỉ có 69 nhà giáo là giáo viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy đạt 23,4%. Tỷ lệ này còn thấp so với số lượng và sự đóng góp của đội ngũ giáo viên.
Mặc dù Bộ đã đăng tải Thông tư 07 trên mạng, báo Giáo dục và Thời đại và đã có nhiều văn bản hướng dẫn trong quá trình xét tặng, yêu cầu hội đồng các cấp cần quan tâm tới các giáo viên trực tiếp giảng dạy, nhà giáo đang công tác ở vùng có hoàn cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng hội đồng cơ sở chưa có những biện pháp linh hoạt để phát hiện và động viên các nhà giáo có đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách đề nghị hội đồng cấp trên xem xét.
Bên cạnh đó, bản thân các nhà giáo còn chưa tích cực tìm hiểu các quy định về việc xét tặng và mạnh dạn làm hồ sơ đề nghị.
Tỷ lệ phiếu bầu của hội đồng các cấp thực hiện theo quy định tại thông tư số 02 ngày 24/01/2011 của Bộ Nội vụ quy định phải đạt 90% số phiếu bầu tính trên tổng số thành viên hội đồng xét duyệt NGND, NGƯT trong quyết định thành lập là quá cao, vì phạm vi ảnh hưởng của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học thường hẹp hơn so với cán bộ quản lý cùng cấp.
Những vấn đề trên ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ lệ giáo viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy được phong tặng ở các địa phương.
Thưa ông, liệu Bộ GD-ĐT có điều chỉnh gì để việc xét tặng này thực sự có ý nghĩa và giá trị với đội ngũ giáo viên?
Việc xét tặng NGND, NGƯT được làm thường xuyên 2 năm 1 lần, số lượng nhà giáo không hạn chế miễn là các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hội tụ đủ tiêu chuẩn quy định. Tiêu chuẩn xét tặng đòi hỏi nhà giáo phải phấn đấu không ngừng trong thời gian tối thiểu là 15 năm. Vì vậy, phát hiện, bồi dưỡng để các nhà giáo giỏi về chuyên môn, có uy tín trong ngành hội tụ đủ điều kiện khi xét tặng là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, cần được các cấp ủy Đảng, các cơ sở giáo dục quan tâm, có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà giáo phấn đấu…
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xin ý kiến các cơ sở giáo dục, các bộ, ban, ngành, địa phương và điều chỉnh các văn bản trong việc xây dựng Nghị định xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT được Chính phủ giao và thực hiện năm 2013.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hạ Anh (Vietnamnet)
Nhà giáo và danh hiệu
Ngày 20/11 đã đi qua nhưng âm hưởng vẫn còn đó. Một dân tộc với truyền thống tôn sư trọng đạo thì nghề dạy học tự nó đã là cao quí, là vinh quang. Không cần phải tô vẽ, thầy giáo bao giờ cũng là thầy giáo với tất cả ý nghĩa của ngôn từ.
Tái hiện cảnh thi Đình xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh minh họa, nguồn: Mytour.vn)
Có lẽ 2 trong những nghề được công nhận sớm nhất trong lịch sử phát triển của loài người mà người ta có thể kể ra ngay, đó là nghề dạy học và nghề chữa bệnh, với danh xưng thầy giáo, thầy thuốc. Và càng không lạ khi trong lịch sử đã có không ít người bỏ chốn quan trường về quê gõ đầu trẻ hoặc bốc thuốc cứu người. Cao quílà thế.
Danh hiệu hay hư danh
Từ 1991 bắt đầu biết đến những danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGUT), trước đó là Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi (cấp huyện, tỉnh...)
Dịp 20/11 vừa rồi, như mọi năm (có người đã gọi là mùa, mùa danh hiệu), ngành Giáo dục có thêm 40 NGND, 570 NGUT. Sau 21 năm phong tặng và được phong tặng chúng ta đã có nhiều trăm NGND, nhiều nghìn NGUT (người viết bài chưa kịp cập nhật thêm). Đó là niềm kiêu hãnh của ngành Giáo dục, của các cơ sở đào tạo, của cá nhân được phong tặng. Chắc thế.
Còn nhớ năm 1991, ở một khoa của một trường đại học khá nổi tiếng trong "làng" đại học Hà Nội mà người viết bài có may mắn là giảng viên ở đó, chúng tôi đã tôn vinh 3 thầy - những thầy của rất nhiều thầy. Đề nghị Nhà nước phong tặng 2 thầy là NGND, 1 thầy là NGUT. Cả 3 thầy cứ khăng khăng không nhận đề cử. Các thầy bảo: Những gì đã làm là nghề. Nghề dạy học là thế thôi. Nói cống hiến, to tát quá. Chúng tôi nhất quyết không chịu. Cứ đề cử. Và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cho 3 thầy như sự tôn vinh, đề cử của cả khoa. Từ đấy cho đến mãi bây giờ và còn mãi mãi, các thầy là niềm tự hào và kiêu hãnh của chúng tôi.
Còn bây giờ, những danh hiệu ấy, tiêu chí vẫn thế, có phần còn cao hơn, nhưng người được phong tặng hình như kém ấn tượng. Hầu hết những người được phong tặng đều có chức sắc, nhiều người đã rời bục giảng từ lâu. Thậm chí không ít người chưa bao giờ là giáo viên, giảng viên cơ hữu của một cơ sở giáo dục. Trớ trêu thật.
Xã hội đang truyền tai nhau: liệu có chuyện "chạy" các danh hiệu trên như ở một lĩnh vực khác cũng trong ngành giáo dục? Ấy là "chạy" Tiến sĩ, "chạy" Phó giáo sư, Giáo sư. Hay rộng hơn mà hơn một lần làm nóng nghị trường Quốc hội về chuyện "chạy" quyền "chạy" chức... Đến mức người đứng đầu Chính phủ khi trả lời chất vấn phải dõng dạc khẳng định "Tôi không chạy, không xin..."
Mọi danh hiệu đều cao quí, nhưng phải là thật. Làm sao đừng để phía sau tấm huân chương quá nhiều tì vết.Và nên chăng, nhìn ra bên ngoài tại nhiều quốc gia phát triển hình như họ không có, không cần những thứ danh hiệu như ở ta và một số quốc gia XHCN. Nào là Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn X; GS. Bộ trưởng Trạch Văn Y; Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Công huân...đến NGND, NGUT... Thế mà đất nước họ cứ liên tục phát triển. Tại sao?
Danh hiệu, phẩm hàm và chất lượng sản phẩm
Thật nghịch lí khi càng nhiều GS, Phó GS, càng nhiều NGND, NGUT thì chất lượng giáo dục càng tụt giảm, khoa học công nghệ hầu như chưa có gì để khoe với thiên hạ. Với hơn 9.000 GS, Phó GS, trăm nghìn Tiến sĩ, Thạc sĩ thì vô thiên lủng mà từ 2006 đến 2010 chỉ có 5 bằng sáng chế đăng ký tại Hoa Kỳ. Năm 2011 không một bằng sáng chế nào đăng ký từ Việt Nam trong khi đội ngũ GS, Phó GS, TS điệp điệp trùng trùng.
Cũng không thể không ngạc nhiên với 5 vạn nghiên cứu viên (NCV) đủ ngạch, bậc làm việc trong hơn 1001 viện, cơ sở nghiên cứu đủ loại mà một ốc vít (đúng nghĩa) cho Canon chưa làm nổi. Lại tại sao...và câu trả lời hẳn ai cũng biết.
Và nay, hàng năm Thủ khoa các trường đại học lại về Văn Miếu - Quốc Tử Giám báo công và thăm quan trường đại học đầu tiên của VN (ảnh minh họa: Mytour.vn)
Và các anh Hai Lúa
Thật khó tin, nhưng lại là sự thật. Sự thật trần trụi, giản dị. Nhiều Hai Lúa học chưa hết phổ thông, thậm chí mới hết tiểu học trường làng lại đã sáng chế nhiều máy móc đủ loại phục vụ sản xuất ngay trên cánh đồng của mình. Cao hơn, xa hơn còn cả gan làm được máy bay đã lượn trên trời để thực hiện giấc mơ dùng máy bay tự chế làm phương tiện tưới cây, phun thuốc trừ sâu. Kinh thật.
Mới đây, ngày 13/9/2012 anh Nguyễn Kim Chính, nông dân (chân có đi dép) ngụ tỉnh Bình Định công bố máy tuốt đậu phộng (chưa từng có ở ViệtNam). Trước đó anh đã làm máy tuốt lúa, đã bán hơn 200 chiếc, trong đó có bán cho cả nước ngoài. Các anh Hai Lúa không cần, không nghĩ đến bất kỳ loại danh hiệu gì. Họ cần lao động, muốn cho người lao động đỡ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Họ muốn sống có chất lượng hơn, có ích hơn...Thế đấy.
Dịp 20/11 vừa rồi, cùng một số bạn học, chúng tôi tới thăm một số thầy đã vượt xa cái tuổi thất thập. Các cụ bảo danh hiệu, học hàm học vị nhiều mà vô duyên. Nếu có thì chỉ nên ít thôi cho thật xứng. Và hãy dành nhiều cho các thầy các cô đang dạy học ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo - những người đã quên tuổi thanh xuân vì đồng bào dân tộc, những người đang sống trong các lều công vụ (chữ của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân) và bữa cơm có thịt với họ... vẫn còn xa...lắc.
Đinh Việt Bình
Theo dân trí
20/11, ngày hội tôn vinh những "chiến sĩ thầm lặng" Hôm nay 20/11, cả nước tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong dịp này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những lời động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo cả nước. Đây cũng là dịp học trò tri ân các thế hệ thầy cô giáo. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo Việt Nam tính...