Tại sao người dùng không mặn mà với app gọi xe của hãng taxi truyền thống?
Chỉ có khoảng 30% người dùng tiếp cận ứng dụng của các hãng taxi truyền thống, điều gì khiến những app gọi xe này chưa hút khách?
Chị Mai Trang (Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại mời cài đặt ứng dụng gọi xe của hãng taxi G7 để có những trải nghiệm mới thay vì chỉ gọi xe theo cách truyền thống. Là người thường xuyên di chuyển bằng các phương tiện công cộng, chị Trang tò mò cài thử ứng dụng trên điện thoại. “Giao diện của ứng dụng khá sơ sài, đồ họa đơn giản và không có nhiều tùy chỉnh. Người dùng có thể sử dụng nút vẫy nhanh hoặc nhập điểm đến để kiểm tra giá cước phải trả rồi mới đặt xe giống như các ứng dụng gọi xe khác. Tuy nhiên, hầu như không có khuyến mại, kể cả cho người dùng mới”, Mai Trang chia sẻ.
Năm 2014, các ứng dụng gọi xe (Grab, Uber) hoạt động tại Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ thị trường vận tải tuyền thống. Mặc dù cùng được triển khai đề án thí điểm với các hãng gọi xe công nghệ (năm 2015) nhưng hầu hết những doanh nghiệp taxi chưa đầu tư cho công nghệ mới. Sau đó, sức ép cạnh tranh khiến các hãng taxi phải thay đổi, ứng dụng công nghệ để giữ chân khách hàng và tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp.
Hãng xe truyền thống làm ứng dụng để kết nối người dùng. (Ảnh: Duy Vũ)
Sau “cơn địa chấn” mà ứng dụng gọi xe công nghệ tạo ra, năm 2017, các hãng taxi truyền thống đổ tiền vào phát triển ứng dụng đặt xe. Từ những doanh nghiệp lớn như G7, Mai Linh, Vinasun… đến hãng taxi nhỏ đều đầu tư phát triển ứng dụng phục vụ khách hàng. Nhưng việc này chưa thực sự hiệu quả khi các ứng dụng không thu hút được người dùng trong thời kỳ đầu. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ một số ít hãng xe có tiềm lực duy trì các app như một kênh tăng thêm.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã tự phát triển và xây dựng các ứng dụng công nghệ, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác điều hành trong 2 năm đại dịch. Song ứng dụng gọi xe của các doanh nghiệp taxi chỉ thu hút được khoảng 30% khách hàng sử dụng. Còn lại khách hàng vẫn gọi xe chủ yếu qua các kênh truyền thống.
Lý giải về nguyên nhân người dùng không mặn mà với những ứng dụng này, ông Hùng cho biết phần lớn các hãng taxi không đốt tiền để tặng mã khuyến mại cho khách hàng, trong khi các doanh nghiệp gọi xe công nghệ có nguồn vốn bơm tiền cho khuyến mại và thưởng cho tài xế.
Nhiều người sử dụng app gọi xe của hãng taxi cho hay, các phần mềm hiện nay đã được cải thiện với giao diện thân thiện hơn, có liên kết thanh toán không dùng tiền mặt khá tiện dụng. Nhưng mức độ trải nghiệm người dùng chưa thể so sánh với Grab, Gojek hay be. “Tôi có thể gọi đồ ăn thức uống, giao hàng hay thanh toán tiền điện chỉ trên 1 ứng dụng. Chúng cung cấp hầu như đủ các nhu cầu phát sinh chứ không chỉ đặt xe”, Phương Thu, một nhân viên văn phòng cho biết.
Trong khi đó, Mai Trang cho rằng, ngoài trải nghiệm người dùng thì ít khuyến mại cũng là một điều khiến chị phải cân nhắc khi sử dụng các app của hãng taxi truyền thống. “Giá cả và khuyến mại luôn là cuộc chiến của ứng dụng gọi xe, kể cả app của hãng taxi bởi người dùng luôn ưu tiên những dịch vụ giá rẻ”.
Chị Mai Trang cho biết thêm, dù cài tới 3 ứng dụng gọi xe nhưng gần đây chị quay lại sử dụng taxi truyền thống bởi mức giá ổn định và dễ chịu hơn nhất là vào giờ cao điểm. “Các hãng taxi giờ đây có nhiều đổi mới, sau khi tài xế nhận chuyến, hệ thống sẽ gửi xác nhận số điện thoại và biển số xe vào tin nhắn. Gọi qua ứng dụng cũng không phải chờ đợi quá lâu, dù vẫn cần cải tiến”.
Các hãng taxi truyền thống giảm cước gây áp lực lên taxi công nghệ
Theo dự kiến, nhiều hãng taxi sẽ giảm giá cước trong vài ngày tới. Điều này sẽ gây thêm các áp lực giảm giá đối với hãng xe công nghệ
Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, một số hãng taxi tại Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước. Các hãng xe còn lại đang đợi cơ quan quản lý phê duyệt mức giá cước mới khi giá xăng đã hạ nhiệt.
Trước đó, ngày 12/8, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp đề nghị giảm giá cước từ 500 - 1.000 đồng/km, nhằm thực hiện theo văn bản của Sở GTVT Hà Nội. Theo dự kiến, các hãng xe công bố điều chỉnh giảm giá trong vài ngày tới.
Nói về việc chậm điều chỉnh cước dù xăng đã giảm vài lần, ông Hùng cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá cước cần có thời gian khi các hãng phải thông báo và chờ cơ quan quản lý phê duyệt giá. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần mất thêm một khoản chi phí do phải kiểm định lại đồng hồ, in ấn các bộ nhận diện giá dán bên ngoài xe.
Đó là chưa kể, giá xăng sau nhiều lần điều chỉnh vẫn ở mức 24.600 đồng, tức là cao hơn thời điểm tháng 1/2022 khoảng 1.400 đồng. Trong khi đó, giá xăng hiện chỉ chiếm khoảng 30% so với cơ cấu thành giá của các hãng taxi, trong khi còn rất nhiều chi phí khác.
Nhiều tài xế công nghệ cho biết gặp áp lực khi giá xăng tăng cao. Ảnh: Duy Vũ
Theo tính toán, giá cước xe taxi giảm khoảng 5 - 10%, đưa mức giá về bằng với thời điểm đầu năm nay. Một số nguồn thông tin của ICTnews cho thấy, các hãng xe công nghệ đang theo dõi diễn biến giá xăng nhưng vẫn chưa có động thái giảm giá. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm giá của các hãng xe taxi truyền thống sẽ tạo thêm áp lực cho các hãng xe công nghệ trong bối cảnh hiện nay.
Hồi tháng 3, các hãng xe công nghệ là Grab và Gojek phải công bố tăng giá cước nhiều dịch vụ trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng cao. Giá dịch vụ GrabCar tăng thêm 2.000 cho 2km đầu tiên và thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá GrabBike tăng tương ứng là 1.000 và 300 đồng.
Gojek cũng tăng giá GoRide thêm khoảng 1.000 đồng cho 2km đầu tiên và 500 - 900 đồng với mỗi km tiếp theo. Dịch vụ GoFood tăng khoảng 1.000 đồng.
Trao đổi với ICTnews về vấn đề liên quan tới giá cước, đại diện Gojek cho biết kể từ thời điểm xăng liên tục tăng giá (từ tháng 3 tới nay), Gojek thực hiện điều chỉnh giá duy nhất 1 lần cho dịch vụ GoRide và GoFood vào hồi tháng 3. Hãng gọi xe cho biết, giá được điều chỉnh chủ yếu bởi tình hình cung - cầu trên thị trường.
Các chính sách giá và ưu đãi của Gojek được thay đổi linh hoạt tùy vào tình hình thực tế của thị trường để mang lại thu nhập xứng đáng cho tài xế, đồng thời nhằm khuyến khích các tài xế duy trì hoạt động với hiệu suất ổn định để đảm bảo nguồn cung.
Về việc hãng liệu có điều chỉnh giảm cước khi giá xăng hạ nhiệt hay không, Gojek cho biết: "Chính sách giá và các chương trình ưu đãi dành cho tài xế sẽ được linh hoạt thay đổi phù hợp với các thay đổi của thị trường và được cân nhắc điều chỉnh bởi nhiều yếu tố khác nhau mang tính chất dài hạn, nhằm mang lại thu nhập xứng đáng, ổn định cho tài xế, đồng thời nhằm khuyến khích các tài xế duy trì hoạt động với hiệu suất ổn định để đảm bảo nguồn cung".
Trong khi mức giá taxi truyền thống - taxi công nghệ đang tiệm cận nhau, các hãng xe truyền thống hiện cũng đang đẩy mạnh phát triển các ứng dụng cũng như kênh trực tuyến cho người dùng ứng dụng. Theo thống kê, người dùng ứng dụng chiếm khoảng 30% bên cạnh các phương thức gọi xe truyền thống. Điều này cũng khiến áp lực cạnh tranh với xe công nghệ ngày càng tăng.
App cho vay nặng lãi 'tái xuất giang hồ" dồn dập tấn công người thân con nợ Ông Lê Minh Hải, CEO Tienngay.vn cho hay, dịp cận Tết, app tín dụng đen đang quay trở lại dội bom cuộc gọi vào con nợ và người thân của họ để đòi tiền. Các App tín dụng đen sử dụng thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền online lãi suất thấp hoặc mạo danh các tổ chức ngân hàng có uy tín....