Tại sao người Đan Mạch khuyến khích trẻ trèo cây, nghịch lửa?
Giáo viên sẽ không bị phạt khi để trẻ về nhà với vết bầm tím do chơi đùa, bởi đó được xem là cách để trải nghiệm cuộc sống.
Heidi Vikkels Nielsen cần tìm một hình ảnh để mô tả về “tuổi thơ” ở đất nước cô. Cựu giáo viên và hiện là giáo sư giáo dục ở Đan Mạch ngừng lại ở một bức ảnh trong đó có cô bé cầm cái cưa rất sắc, vẻ mặt đầy hân hoan. “Tôi nghĩ nó tái hiện một cách hoàn hảo cách chúng tôi nghĩ về thời thơ ấu”, cô nói.
Người lớn đánh giá cao việc trẻ em nên học bằng cách thực hành chứ không phải bằng cách nghe lý thuyết, cô chia sẻ với tờ Quartz. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh sẵn sàng né qua một bên để trẻ thoải mái làm những gì chúng yêu thích: chạy, nhảy, leo trèo, đào, trốn, chạy, thậm chí một số kỹ năng làm mộc đơn giản như gọt, đẽo.
Tại một sân chơi trong rừng ở vùng ngoại ô Copenhagen, những đứa trẻ được khuyến khích nhóm lửa. Trong sân chơi ở trung tâm thành phố, học sinh đạp xe loanh quanh trên làn đường dành cho xe đạp trẻ em, dưới dãy đèn đường be bé và bên cạnh lối đi bộ nhỏ xinh. Một hiệu trưởng giải thích với Nielsen: “Chúng tôi đang cố gắng đặt trẻ em vào thế giới người lớn”.
Trẻ Đan Mạch được phép leo trèo, đối mặt với nhiều rủi ro khi chơi đùa. Ảnh: Quartz
Giáo dục sớm ở Đan Mạch gây ấn tượng nhờ trao quyền quyết định cho trẻ. Nhiều lãnh đạo trường học, nhà cải cách giáo dục và phụ huynh thậm chí đang kêu gọi cho trẻ chơi tự do nhiều hơn. Sự độc lập của mỗi đứa trẻ được coi trọng hơn “học tập”, sự chăm sóc được nhấn mạnh hơn “dạy dỗ”, và sự giám sát thái quá bị xem là chướng ngại ngăn trẻ nắm bắt những kỹ năng sống cần thiết.
“Chúng tôi tập trung cao vào lợi ích của việc chơi đùa, đặc biệt là chơi tự do”, Nielsen nói. Ở trường mẫu giáo, giáo viên ít khi lên sẵn kế hoạch cho các hoạt động trong ngày và khuyến khích trẻ tự khám phá nhiều hơn. Điều này khác với hệ thống giáo dục sớm của Anh và Mỹ, thường ưu tiên chuẩn bị kiến thức để trẻ sẵn sàng cho việc đi học. Như vậy, trẻ phải ngồi ở bàn để học thuộc chữ cái và đếm số, ít có thời gian làm những việc mình thích.
“Ở Đan Mạch, việc học tập của học sinh mẫu giáo gần như không được chú trọng. Chúng tôi không muốn làm xáo trộn cuộc sống của trẻ”, Nielsen nói.
Thiên nhiên đóng vai trò quan trọng đối với giáo dục. Vật liệu tự nhiên xuất hiện khắp nơi trong các sân chơi của Đan Mạch, thay vì nhựa và cao su như ở nhiều nơi khác. Các trò chơi tiềm ẩn rủi ro được khuyến khích, và chấn thương gần như nằm trong dự kiến.
Tuy nhiên, người Đan Mạch có sự phân biệt giữa bị thương và bị thương nghiêm trọng. “Tôi nghĩ rằng gãy tay là bị thương nghiêm trọng. Còn các vết bầm tím được xem là cách bạn trải nghiệm cuộc sống. Bạn bị ngã, rồi phải học cách đứng dậy”, Nielsen giải thích. Giáo viên sẽ không bị phạt hay bị kiện vì đã để một đứa trẻ về nhà với những vết bầm tím.
Tim Gill, tác giả cuốn “No Fear: Growing up in a risk averse society” (Không sợ hãi: Lớn lên trong xã hội ngại rủi ro) là người ủng hộ phương pháp giáo dục khuyến khích trẻ chơi đùa ở Anh. Ông nhận xét Copenhagen và các thành phố khác của Đan Mạch đang dẫn đầu thế giới trong việc tạo ra các sân chơi công cộng và sân trường đầy thử thách cho trẻ em.
“Nước, cây đổ, đồi, mương và các yếu tố rủi ro khác là thành phần phổ biến trong sân chơi”, ông nói. Cách tiếp cận giáo dục này phản ánh tình yêu thiên nhiên của người Đan Mạch và mong muốn trẻ em tương tác với nó. Họ tin vào trẻ em và biết chúng có thể chịu trách nhiệm với bản thân ngay từ khi còn nhỏ, do đó tạo không gian thôi thúc chúng khám phá thiên nhiên, nuôi dưỡng tính kiên cường và tự lực.
Video đang HOT
Ở một số sân chơi có nhân viên giám sát, họ sẽ hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị. Kiến trúc sư Jeff Risom, giám đốc sáng tạo của công ty Gehl Architects tại Copenhagen nhận xét “có yếu tố giảng dạy ở đó”, chẳng hạn trẻ sẽ được học cách dùng dao để gọt đẽo hay dùng rìu để đốn gỗ.
Điểm khởi đầu của nền giáo dục Đan Mạch là hoạt động chơi đùa, do đó các trường học và chính phủ luôn tìm cách mở rộng không gian cho trẻ. Chăm sóc sau giờ học cũng tập trung vào sự tự do, giáo viên không cố uốn nắn trẻ học bài để đạt mục tiêu vào đại học hoặc tìm một công việc lương cao trong tương lai. Một số CEO hiện nay cho rằng chơi tự do chính xác là những gì trẻ em cần để tồn tại và phát triển trong thời đại AI (trí tuệ nhân tạo), khi máy móc thực hiện hết những phép tính phức tạp và con người nên thoải mái là chính mình.
Phúc lợi dành cho bố mẹ
Không chỉ áp dụng triết lý giáo dục độc đáo, chính phủ Đan Mạch còn mang lại cho người dân những phúc lợi tốt nhất để nuôi dạy con. Hàng quý, phụ huynh có con sẽ được chu cấp một khoản nhất định, số tiền giảm dần khi tuổi đứa trẻ tăng lên và sẽ kết thúc khi tròn 17 tuổi.
Thời gian nghỉ thai sản ở Đan Mạch bắt đầu bốn tuần trước khi sinh, tiếp tục kéo dài 14 tuần sau khi sinh và sau đó thêm 32 tuần có thể chia sẻ giữa bố hoặc mẹ. Y tá được cử đến kiểm tra ngay tại nhà và hỗ trợ những bà mẹ gặp khó khăn trong việc cho con bú.
Khi tròn một tuổi, hầu hết trẻ em sẽ đi nhà trẻ với chi phí rất phải chăng, gần nhà và chất lượng cao. Mức phí này thậm chí còn rẻ hơn nữa nếu bạn đang gặp khó khăn về tài chính hoặc phải nuôi dạy con một mình. Ngay cả trường tư cũng trợ cấp khoảng 71% chi phí.
Kết quả, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động ở Đan Mạch cao bậc nhất thế giới (76,1%), theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nielsen cho biết, do chính sách nghỉ thai sản tốt, khái niệm bà mẹ ở nhà nội trợ không thực sự tồn tại ở Đan Mạch.
Trẻ có thể đăng ký các câu lạc bộ sau giờ học để chờ bố mẹ tan làm. Tuy nhiên, thay vì trau dồi kỹ năng piano, Toán hoặc tiếng Quan Thoại, các câu lạc bộ này cũng đơn giản là cho trẻ em chơi.
Vào một buổi chiều thứ hai đầy gió tại một sân chơi bên ngoài trường Guldberg thuộc Nrrebro, một trong những khu dân cư nghèo ở Copenhagen, trẻ em đang nhảy trên những tấm bạt lò xo và hỏi chuyện những người lạ rằng đang nhìn gì, tại sao lại ở đây, và có muốn thấy chúng đạp xe hết tốc lực?
Bọn trẻ leo lên các thiết bị vui chơi và hầu hết không mặc áo khoác. “Chúng biết rõ khi nào bản thân cảm thấy lạnh”, Nielsen nói. Không có người lớn ở xung quanh. Tòa nhà tổ chức câu lạc bộ sau giờ học nằm ở góc sân chơi và Nielsen nói rằng người lớn đang ở trong đó.
Chính phủ Đan Mạch chú trọng việc tạo không gian cho trẻ chơi đùa. Ảnh: Quartz
Nhiều nghiên cứu ủng hộ phương pháp tiếp cận của Đan Mạch. Meghan Talarowski, một nhà thiết kế cảnh quan người Mỹ, đã khảo sát việc sử dụng sân chơi ở Mỹ và Anh. Cô theo dõi hoạt động của 18.000 người ghé thăm sân chơi qua video.
So sánh các sân chơi tương tự về quy mô (một phần tư đến ba phần tư mẫu Anh) và mật độ dân số (50.000 đến 175.000 người trong khu vực một dặm vuông) ở London, San Francisco, Los Angeles và New York, cô phát hiện rằng các sân chơi ở London có lượng khách đến tham gia hoạt động thể chất nhiều hơn 55%. Cô kết luận, lý do chính là chúng sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên hơn và thúc đẩy chơi mạo hiểm hơn.
“Họ sử dụng vật liệu đa dạng và cấu trúc linh hoạt. Chi phí dành cho các sân chơi ở London và cả tỷ lệ chấn thương đều thấp hơn so với các sân chơi ở Mỹ, vốn quá chú trọng đến an toàn”, Meghan viết trong báo cáo.
Theo cô, “mức an toàn cao nhất” mà các sân chơi ở Mỹ xây dựng trong nhiều thập kỷ qua khiến không gian vui chơi trở nên quá đắt đỏ và nhàm chán. Trong nghiên cứu của Meghan, khoảng một nửa số trẻ em chỉ tham gia bốn trò cơ bản: leo trèo, xích đu, chơi trên cát hoặc bãi cỏ.
Việc tôn vinh hệ thống giáo dục sớm và phúc lợi xã hội ở một nước nhỏ, giàu có, đồng nhất như Đan Mạch có thể mang lại những bài học ý nghĩa cho thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia phải xem xét điều kiện thực tế và áp dụng phương pháp phù hợp nhất.
Về phần mình, Nielsen cho rằng cách tiếp cận thực tiễn của Đan Mạch trong những năm đầu đời của trẻ có thể tiềm ẩn một số vấn đề. Cô lập luận, nhóm trẻ trải qua hoàn cảnh nghèo khó, ít được quan tâm sẽ không phát triển được kỹ năng xã hội nếu không có hướng dẫn cụ thể.
Hệ thống giáo dục của Đan Mạch cũng hiếm khi được coi là đi đầu thế giới như Phần Lan hay Estonia. Chính phủ chi nhiều tiền cho giáo dục nhưng kết quả các bài thi quốc tế rất bình thường. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của OECD cho thấy khả năng dịch chuyển xã hội của nền giáo dục Đan Mạch tương đối cao, có nghĩa những đứa trẻ nghèo nhất cũng có cơ hội nhận được nền giáo dục tốt. Trong khi đó, ở nhiều nơi khác, việc học tập và số phận của trẻ em phụ thuộc phần lớn vào khu vực sinh sống. Lợi thế quan trọng khác mà trẻ Đan Mạch có được trong thời thơ ấu là thời gian và không gian chỉ để chơi đùa.
Thùy Linh
Theo VNE
Sinh viên phàn nàn thực tập ít, học lý thuyết nhiều
Bộ trưởng Giáo dục cho rằng chương trình học ở nhiều trường chưa bám sát nhu cầu doanh nghiệp, sinh viên chưa chủ động nên việc thực tập khó khăn.
Chiều 11/12, trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam khóa X, gần 700 sinh viên đã đối thoại với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành. Trong đó, các vấn đề liên quan đến học tập, thực hành nghề nghiệp được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Bùi Tuấn Kiệt đến từ Bình Định chia sẻ vấn đề sinh viên bị hạn chế thực hành, thực tập. Trong khi sinh viên, kể cả học khối ngành kỹ thuật, vẫn chủ yếu học lý thuyết, ít thời gian thực tập thì nhiều cơ quan, doanh nghiệp không muốn nhận kiến tập, thực tập, tham quan, tìm hiểu dây chuyền công nghệ mới.
"Như thế, chúng ta sẽ đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân xa rời thực tế và sẽ mất thời gian tương đối dài để đáp ứng được yêu cầu công việc", Kiệt nói và đặt câu hỏi liệu sắp tới, Bộ Giáo dục có cơ chế gì giúp sinh viên được thực hành và tiếp xúc thực tiễn sản xuất.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối thoại với sinh viên chiều 11/12. Ảnh: D.T
Trước câu hỏi của Tuấn Kiệt, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho rằng có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên. Việc đào tạo ở nhiều đại học hiện nay chưa sát, chưa trúng với nhu cầu doanh nghiệp. Điều này bắt nguồn từ việc dự báo thị trường chưa tốt, thông tin mang tính chất dự báo trung và dài hạn chưa nhiều.
Bộ trưởng khẳng định không phải cứ đào tạo đại học ra là làm việc được ngày, kể cả sinh viên của Harvard. "Kiến thức trong trường là nền tảng, mỗi doanh nghiệp lại có văn hóa, công nghệ riêng nên họ phải mất công sức đào tạo lại cũng không phải điều lạ", ông Nhạ nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng cứ phải đào tạo lại như hiện nay thì quá lãng phí. Hiện, các trường đã được tự chủ, cần có trách nhiệm trong việc thiết kế chương trình và có trách nhiệm với người học. Ba yếu tố là nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên cần liên kết với nhau, giúp đào tạo đi sâu vào thực tiễn.
"Chúng ta cần thay đổi, nhúng mình vào doanh nghiệp chứ không phải chỉ thực tập theo kiểu xuân thu nhị kỳ, hai tuần một tháng như hiện nay", ông Nhạ nói.
Một khó khăn khác được Bộ trưởng Giáo dục chỉ ra là sinh viên đi thực tập chủ yếu để nghiên cứu khảo sát, làm quen với công việc. Phía doanh nghiệp lại có những quy trình, bí quyết riêng không thể chia sẻ với sinh viên - những người không mang lại lợi ích cho họ.
Nguyên nhân cuối cùng được đưa ra bắt nguồn từ chính sinh viên. Ông Nhạ cho rằng các bạn trẻ phải tự học, tự tìm hiểu bằng nhiều công cụ, phải tự chuẩn bị trước khi đi thực tập. "Rất nhiều bạn không để ý, không tìm hiểu trước mà cứ tới kỳ thực tập là đi. Khi đến đó, các bạn không giúp đỡ được gì cho doanh nghiệp khiến họ không thấy có lợi ích gì, từ đó không mặn mà nhận", ông nói.
Đại biểu đối thoại với lãnh đạo các bộ. Ảnh: D.T
Trường cao đẳng thay đổi, tăng thời gian thực hành
Trước câu hỏi của Lê Thảo Vy (Đăk Lăk) về những khó khăn của sinh viên cao đẳng nghề khi chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, ông Lê Quân, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, khẳng định các trường cần quan tâm hơn đến việc dự báo thị trường và tăng thời gian thực hành cho người học.
Ông Quân thông tin hơn một năm nay, hệ thống trường cao đẳng, trung cấp đã chuyển đổi. Một số ít ngành nghề thực hành chiếm tối thiểu 30% thời gian đào tạo, còn lại hầu hết có tối thiểu 50% và tối đa 70% thời gian thực hành. Bộ Lao động cho phép các trường có 40% tổng thời gian do doanh nghiệp giảng dạy thực hành và giảm thiểu số môn học chung ở trường.
"Khi chúng ta đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp thì kỹ năng làm việc, khả năng thích ứng và cơ hội việc làm của người học tăng lên", ông Quân nói và cho biết với sự chuyển đổi này, nhiều ngành như du lịch hay công nghệ thông tin ở các trường luôn trong tình trạng không cung cấp đủ nhân lực cho doanh nghiệp đến trường tuyển dụng.
Dương Tâm
Theo VNE
Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức thi thông qua video clip Trường đại học Y Hà Nội vừa khánh thành hệ thống thi trên máy tính bảng. Kể từ kỳ thi tháng 12-2018, sinh viên y Hà Nội sẽ thi trắc nghiệm cả lý thuyết và thực hành trên máy tính bảng, thông qua ngân hàng câu hỏi, các video. Trường ĐH Y Hà Nội khánh thành hệ thống thi trên máy tính bảng...