Tại sao Ngoại trưởng Philippines bác đề xuất của ông Vương Nghị?
Thay vì đưa ra “điều kiện tiên quyết”, Trung Quốc nên đề xuất nội dung đàm phán song phương cụ thể, cũng như cơ chế pháp lý nào để hai bên có thể lựa chọn.
The Straits Times ngày 19/7 đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm nay cho biết, nước ông đã từ chối đề nghị của Trung Quốc bắt đầu một tiến trình đàm phán song phương vì Bắc Kinh đặt điều kiện tiên quyết: Không được thảo luận về phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông mà PCA công bố hôm 12/7.
Ông Perfecto Yasay đã gặp người đồng cấp Vương Nghị bên lề hội nghị thượng đỉnh Á – Âu tại Mông Cổ cuối tuần qua.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ảnh: EPA / The Straits Times.
“Họ nói rằng, nếu các ông nhấn mạnh vào phán quyết, thảo luận vấn đề theo mạch phán quyết thì chúng ta chỉ có thể đi đến đối đầu. Nhưng tôi thực sự cảm thấy rằng, có những thứ họ phải công khai nói như vậy, nhưng tôi vẫn tin là có không gian để chúng tôi có thể nói chuyện với nhau một cách thầm lặng qua kênh riêng.” Ngoại trưởng Philippines cho hay.
Ông Vương Nghị đã đề xuất vấn đề đàm phán song phương với ông Perfecto Yasay, nhưng chỉ xoay quanh các vấn đề “bên ngoài phán quyết trọng tài”. Tuy nhiên Ngoại trưởng Philippines đã từ chối, vì như vậy không thể đảm bảo lợi ích quốc gia của Philippines.
Video đang HOT
Ông Yasay hy vọng, phán quyết trọng tài sẽ khiến các nước ASEAN ra một tuyên bố chung, đồng thời phán quyết có thể giúp các nước láng giềng cũng đang phải đối mặt với tranh chấp từ Trung Quốc.
“Chúng tôi chưa thể tham gia vào các cuộc đàm phán song phương với bất cứ ai. Nhưng tôi muốn tìm hiểu xem làm thế nào chúng ta có thể theo đuổi các dàn xếp tạm thời nhất định, từ đó nó sẽ mở lối cho những cam kết cần thiết, song phương hoặc đa phương.” Ngoại trưởng Philippines cho biết.
Manila muốn thực thi từng bước các nội dung của phán quyết, nhưng ưu tiên trước hết là đàm phán với Trung Quốc cho ngư dân của mình quay trở lại đánh bắt ở Scarborough mà không bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc quấy rối.
Cá nhân người viết cho rằng, từ chối của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay với “điều kiện tiên quyết” ông Vương Nghị đưa ra là hoàn toàn chính xác. Bởi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa là tranh chấp đa phương, thì không thể đàm phán song phương mà có thể giải quyết.
Còn các tranh chấp khác liên quan đến việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 thì có thể có những tranh chấp hoàn toàn có thể giải quyết thông qua đàm phán song phương. Tuy nhiên Trung Quốc đòi gạt bỏ phán quyết trọng tài PCA công bố hôm 12/7 về ứng dụng và giải thích công ước thì còn gì có thể đàm phán?
Có thể Philippines không nhất thiết đòi hỏi Trung Quốc phải ngay lập tức chấp nhận và tuân thủ hoàn toàn phán quyết trọng tài, nhưng hầu hết các nội dung có thể đàm phán mà không làm ảnh hưởng tới yêu sách của mỗi bên đều liên quan đến việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, trong đó có quyền đánh cá ở Scarborough mà Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã có phán quyết rõ ràng.
Nếu Trung Quốc đòi gạt hết phán quyết trọng tài sang một bên, không được đưa bất kỳ nội dung nào trong phán quyết trọng tài lên bàn đàm phán, e rằng cũng chẳng khác gì điều kiện tiên quyết vô lý lâu nay, thừa nhận “chủ quyền Trung Quốc” trước, rồi đàm phán sau.
Điều này một lần nữa chỉ cho thấy thói hành xử cá lớn nuốt cá bé rất lạc hậu, lạc lõng với nhân loại văn minh ngày nay. Thay vì đưa ra “điều kiện tiên quyết”, Trung Quốc nên đề xuất nội dung đàm phán song phương cụ thể, cũng như cơ chế pháp lý nào để hai bên có thể lựa chọn làm căn cứ để đàm phán.
Chỉ có như thế hoạt động đàm phán mới đi vào thực chất và có khả năng đạt được hiệu quả. Còn nếu không, vẫn chỉ là những lời thiện chí “chót lưỡi đầu môi”, thậm chí là một cái bẫy pháp lý giăng sẵn chờ đối phương bước vào. Hành xử khôn lỏi như thế sẽ chẳng một quốc gia nào chấp nhận được.
Theo Giáo Dục
Ngoại trưởng TQ Vương Nghị lên tiếng về phán quyết của PCA
Sau khi Bộ ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo phản ứng với phán quyết của PCA về vụ kiện biển Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp tục tỏ thái độ.
Theo Tân Hoa Xã, tiếp nối tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc vào chiều nay (12/7), ông Vương Nghị chỉ trích vụ kiện biển Đông "từ đầu đến cuối chỉ là một trò hề chính trị khoác áo pháp luật".
Ngoại trưởng Trung Quốc cáo buộc tòa án quốc tế "có hàng trăm lỗ hổng về chứng cứ và đánh giá thực tế", đồng thời ngang nhiên tuyên bố nước này "không chấp nhận, không tham dự trọng tài mới chính là gìn giữ pháp trị quốc tế và quy tắc khu vực theo đúng luật pháp".
Ông Vương "khoe" đã có hơn 60 nước công khai bày tỏ cảm thông và ủng hộ lập trường, chủ trương của Bắc Kinh.
"Với những tiếng nói chính nghĩa như vậy, xã hội quốc tế nhất định sẽ ngả theo [Trung Quốc]," Vương Nghị lớn tiếng.
Lặp lại quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Vương nói "chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc tại biển Đông đã có cơ sở pháp lý và lịch sử vững chắc, không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của cái gọi là tòa trọng tài".
Trong phán quyết chiều nay, Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã chính thức bác bỏ hoàn toàn giá trị pháp lý cũng như căn cứ lịch sử của yêu sách chủ quyền "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt trên biển Đông.
Kết thúc tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn "hùng hồn" khẳng định Trung Quốc là nước bảo vệ hòa bình khu vực và đóng góp xây dựng trật tự quốc tế, cũng như nhấn mạnh "phát triển quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng là phương châm không đổi của Trung Quốc".
"Vụ kiện biển Đông cũng như những xuyên tạc ác ý và &'chơi khăm' chính trị từ đó sẽ đẩy vấn đề biển Đông vào tình trạng đối đầu nguy hiểm, hoàn toàn không có lợi cho hòa bình ổn định khu vực, không phù hợp lợi ích chung của Trung Quốc-Philippines, các nước trong khu vực và cả xã hội quốc tế.
Lúc này, trò hề đã kết thúc, đã đến lúc phải trở lại quỹ đạo đúng đắn rồi," ông Vương tỏ thái độ hung hăng.
Trong khi đó, người đồng cấp Philippines của ông Vương, Perfecto Yasay, kêu gọi các bên "kiềm chế và tỉnh táo" sau phán quyết của PCA.
Theo Soha News
Vương Nghị "bật lại" Tổng thư ký LHQ về giải pháp Biển Đông Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên tránh bất kỳ leo thang hiểu lầm có thể khiến an ninh và phát triển trong khu vực bị nguy hiểm. Song Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng chính Philippines mới là bên làm leo thang tranh chấp và căng thẳng. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương...