Tại sao nghề Sư phạm bị “chê”?
Nghề dạy học đang ngày càng trở nên giảm sức hấp dẫn. Thậm chí khi em học sinh nào đó, nhất là những em lực học khá giỏi, chọn thi Sư phạm còn bị xem là “có vấn đề”.
Không “có vấn đề” sao được khi một trường học có hàng ngàn em học sinh thì chỉ có vài bộ hồ sơ đăng ký vào ngành Sư phạm. Việc chọn nghề của số hồ sơ ít ỏi này cũng đâu suôn sẻ, ít nhiều đều có “uẩn khúc”.
Có em thẳng thừng bảo do lực học của mình kém quá, chẳng “đấu nổi” vào các ngành khác nên “chọn đại” thi Sư phạm theo lời khuyên của người bố là “Cứ học đi, kém nhất thì cũng thành… thầy giáo”.
Có em nộp hồ sơ vì yêu thích nghề giáo thực sự nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt, bảo con học hành đến nỗi nào mà phải đi dạy, dại dột vậy. Đến ngày đi thi, em quyết định “rẽ” sang trường khác, bỏ ngang đam mê của mình. Em đã tìm hiểu kỹ, đồng lương dặt dẹo thì cống hiến, tâm huyết với nghề thế nào được.
Giáo viên đang cần một “liều thuốc” cấp cứu để có tiếp tục sống với nghề.
Trong các buổi tư vấn mùa thi, thắc mắc về ngành Sư phạm trở thành “của hiếm” trước sự lấn át của các ngành thời thượng như Kinh tế, Ngân hàng. Học trò nào hỏi về nghề giáo được nhìn như “vật thể lạ”. Chưa nói đến ở học trò ở thành phố, ngay cả học trò ở quê chọn nghề giáo cũng là bất đắc dĩ. Có thể vì khả năng có hạn, không “đọ” nổi các ngành khác hoặc vì điều kiện gia đình học Sư phạm để đỡ tốn tiền học phí, sau này học xong tính tiếp.
Chuyện “tính tiếp” này nhìn đâu cũng có thể thấy. Có những giáo viên (GV) chỉ đi dạy để “giết thời gian”, không bận tâm đến kết quả, thành tích, thoải mái nhận kỷ luật… Bởi họ chỉ tạm “dừng chân” ở trường học trong khi chờ học xong ngành này, ngành nọ để mau chóng “thoát” nghề GV.
Họ dạy tạm bợ vì đang sống tạm bợ. Thử hỏi ai đứng vững ở bục giảng khi đồng lương một ngày chỉ hơn bát phở, tô hủ tiếu? Người trong thiên hạ đi làm để tính chuyện có tiền mua nhà, ô tô, tiền cho con đi du học… Với nhiều GV không có chỗ dựa kinh tế từ người thân trong gia đình thì chỉ lo sao cho con có tiền ăn sáng, tiền học phí, hay các chi tiêu cơ bản nhất. Có tin nổi không khi một GV đang dạy mầm non ở Q.3 (TPHCM) ngượng ngùng nói rằng mỗi lần có việc đi đâu thì 3.000 đồng gửi xe cũng làm cô lấn cấn vì sẽ ảnh hưởng đến tiền ăn trong ngày.
Với đồng lương đó mà ngày ngày phải “cúi trên luồn dưới”, thực thi đủ mọi yêu cầu, đổi mới từ các cấp đổ xuống rồi không chỉ việc học hành mà đến sức khỏe, tâm lý, ăn chơi… của học trò cũng đến tay GV.
Mọi chuyện rõ mồn một như thế mà người ta cứ phải đặt câu hỏi sao nghề giáo ngày càng thiếu người giỏi phải chăng là thừa thãi khi mà người “chưa giỏi” còn chẳng mặn mà với công việc này. Mọi đổi mới, chấn hưng giáo dục sẽ không thể nào thực hiện hiệu quả nếu ngành thiếu người tài. Không quá khi nói nghề giáo đang rất “ốm yếu” trước nhu cầu đời sống, rất cần có ngay “liều thuốc” cấp cứu đội ngũ này, để chí ít họ cũng được sống với đồng lương tương xứng với công sức của mình. Nếu không, con số 40% GV mong muốn được chọn lại nghề được đề cập tại hội thảo “Cải cách giáo dục đào tạo giáo viên phổ thông” mới đây ai dám đảo bảo sẽ dừng lại?
Hoài Nam
Theo dân trí
'Một nửa giáo viên hối hận vì nghề đã chọn'
"Chưa bao giờ phương tiện thông tin đại chúng lại bôi nhọ nghề giáo như bây giờ", PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục) chia sẻ.
Video đang HOT
Hình minh họa
"Mỗi giáo viên phổ thông phải làm tới 10 đầu việc, thời gian lao động 60-70 giờ/tuần, trong khi có đến 50% giáo viên được hưởng lương dưới mức bình quân". Đó là một trong những công bố của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam về đề tài nghiên cứu "Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông".
Chán nghề, suy thoái đạo đức
- Qua kết quả nghiên cứu, ông có suy nghĩ gì về thực trạng của đội ngũ giáo viên?
- Chúng tôi đã điều tra về nhân cách và năng lực nghề nghiệp của giáo viên tại 7 tỉnh, thành. Kết quả là tuyệt đại bộ phận có phẩm chất tư tưởng đạo đức tốt, gắn bó với nhà trường. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ sa vào tệ nạn xã hội và suy thoái về đạo đức. Nguyên nhân chính của sự thoái hóa đạo đức là lương thấp, chịu nhiều áp lực, lao động căng thẳng. Một bộ phận đáng kể chán nghề, chưa nhận thức đầy đủ chức năng nhiệm vụ của người giáo viên.
- Phải chăng ông muốn nói chất lượng giáo dục hiện nay thấp là do đội ngũgiáo viên?
- Nói chung, đội ngũ giáo viên hiện nay còn rất nhiều bất cập. Đó là một trong những nguyên nhân chính. Chất lượng của nền giáo dục không bao giờ vượt quá chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên thấp, kết quả giáo dục thấp là do đâu? Ta đã coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa?
- Vậy hệ quả sẽ là?
- Chất lượng giáo dục thấp thì làm sao tạo ra được những học sinh giỏi được. Cơ sở vật chất có thể rất hiện đại, sách giáo khoa, chương trình rất hay nhưng đội ngũgiáo viên năng lực hạn chế thì không thể có nền giáo dục tốt được.
Mọi thứ đều đổ lên đầu giáo viên cả!
- Nhiều người nghĩ rằng giáo viên là một nghề nhàn nhã, bởi thế thu nhập không cao cũng là điều dễ hiểu?
- Người ta cứ nghĩ là giáo viên nhàn, nhưng ngoài thời gian lên lớp, họ còn dành thời gian soạn bài, chấm bài... Một khảo sát do chính tôi làm, điều tra trên 526 giáo viên phổ thông ở 27 trường thuộc 5 tỉnh cho thấy, thời lượng lao động của giáo viênphục vụ cho giáo dục là rất kinh khủng. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (nhà nước quy định 40 giờ/tuần), cấp THCS là gấp 1,7 lần, THPT là 1,8 lần.
- Khảo sát dựa trên những tiêu chí nào thưa ông?
- Tôi đưa cho giáo viên bảng hỏi thống kê một ngày làm việc bình thường, từ lúc đi làm đến lúc trước khi đi ngủ. Sau đó tôi lấy ra giờ làm việc trung bình.
- Ý ông đó không phải là một nghề nhàn nhã?
- Lao động của người giáo viên chịu rất nhiều áp lực. Áp lực từ phía học sinh, cha mẹ các em, cán bộ quản lý giáo dục, xã hội... Mọi thứ đều đổ lên đầu giáo viên cả!
- Làm việc vất vả như vậy, thu nhập của họ thì sao thưa ông?
- Một sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học ra trường có mức lương trung bình khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng, gồm cả tiền đứng lớp. Đối với giáo viên trẻ mới ra trường, tiền lương chưa chắc đã đủ tiền xăng xe, điện thoại, nhậu nhẹt với bè bạn... Còn ăn uống, nhà cửa, là hoàn toàn nhờ bố mẹ. Lương thấp không đủ sống, áp lực cao, dẫn đến những bệnh nghề nghiệp mà nhiều người không có điều kiện chữa trị. Nhưng cái quan trọng nhất là nó không làm cho người ta yêu nghề.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ.
Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo
- Ông thấy số giáo viên yêu nghề hiện nay có nhiều không?
- Tôi đã hỏi hơn 500 giáo viên ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Thế là có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo. Một bộ phận đáng kể đang chán nghề.
- Vì đâu mà lại có nông nỗi đó thưa ông?
- Đơn giản vì chế độ chính sách đãi ngộ với họ chưa thỏa đáng, không tốt. Nghề không nuôi sống được bản thân, gia đình. Vì không sống được bằng nghề nên họ phải tìm cách khác, phải dạy thêm, làm thêm ruộng, buôn bán, đưa hàng, chạy chợ, nhờ cậy vào sự trợ giúp của gia đình...
- Ông nói thế liệu có thuyết phục không khi mà trước đây cũng khó khăn, vất vả mà giáo viên vẫn yêu nghề?
- Trước đây điều kiện xã hội nó khác. Chúng tôi sống trong thời bao cấp, tất cả mọi người đều giống nhau. Không ai trách móc, suy bì, tất cả vì một lý tưởng cao cả. Giờ đã khác. Không yêu nghề thì họ sẽ không có động lực để dạy học. Người nào tốt lắm thì làm tròn trách nhiệm. Còn số người có tâm huyết thì ít lắm.
Thầy cầm phong bì, nó sẽ coi thầy là gì?
- Ông vừa nói, một trong những tồn tại của giáo viên hiện nay là đa số giáo viên chưa nhận thức đầy đủ chức năng nhiệm vụ của người giáo viên?
- Chức năng của người giáo viên là giáo dục và dạy học. Nhưng hiện mới chỉ dừng lại vai trò dạy học, mà vai trò giáo dục của người giáo viên được nhận thức chưa đầy đủ. Giáo viên phải là nhà giáo dục đã chứ không phải là thợ dạy. Nhưng giờ mới chú ý tới dạy chữ, chưa chú ý nhiều tới dạy người.
- Ông bảo giáo viên phải là một nhà giáo dục?
- Nghĩa là giáo viên phải bằng chính nhân cách của mình để giáo dục học sinh. Đó là đặc thù của nghề dạy học, nó cao quý là ở chỗ đó. Giờ thầy cầm của bố mẹ nó một cái phong bì rồi chữa điểm cho nó, nó biết chứ. Thế thì nó sẽ coi thầy giáo là gì? Thầy sẽ giáo dục nhân cách cho nó như thế nào?
- Theo kết quả điều tra thì đa số giáo viên không nhận thức điều đó?
- Đúng vậy. Phần đáng kể chỉ lo việc dạy học, truyền thụ kiến thức thôi. Họ thiếu ý thức và kỹ năng về giáo dục. Họ không để ý đến điều đó, dù trong nhà trường sư phạm cũng có dạy.
- Vậy chúng ta phải làm gì?
- Phải cải cách đội ngũ giáo viên, thay đổi cách đào tạo giáo viên. Chứ cứ như đội ngũ hiện nay thì chắc không thể thực hiện được đổi mới giáo dục, không thể tạo ra sự đột phá.
Thi nhau bôi nhọ nghề giáo
- Người Việt vốn có truyền thống tôn sự trọng đạo, đến nay truyền thống ấy có còn nguyên vẹn không?
- Cô thử đọc trên báo chí hiện nay xem hình ảnh người thầy thế nào. Họ chọn những câu chuyện giật gân, làm xã hội nhìn nhà giáo bằng con mắt khác. Còn đâu truyền thống tôn sư trọng đạo. Bao nhiêu tấm gương người tốt việc tốt thì không thấy đưa. Thế mà toàn chỗ này thầy giáo đánh học sinh, chỗ kia lạm dụng tình dục học sinh... Chưa bao giờ phương tiện thông tin đại chúng lại bôi nhọ nghề giáo như bây giờ.
- Đó là những chuyện có thật, không phải chuyện bịa. Nhưng người ta đưa lên để làm gì?
- Hiện có 800.000 giáo viên, trong đó chỉ cần 1.000 ông mất dạy, mà chỉ đưa tin về 1.000 ông đó đã kinh khủng rồi. Nhưng nó có là gì so với 800.000? Trường nào, chỗ nào chẳng có một hai giáo viên không tử tế, không làm đúng tư cách thầy giáo. Thế mà chỉ rình rình đưa những thông tin đó thì người ta sẽ nhìn nhận nghề giáo như thế nào? Tôi thấy rất chán với điều đó.
- Nhưng rõ ràng giáo viên phải là người giữ được chuẩn mực, ít nhất là chuẩn mực đạo đức. Khi họ không giữ được, thì buộc xã hội phải lên án?
- Đúng thế. Nhưng nếu chỉ nhìn vào một bộ phận để đánh đồng đội ngũ nhà giáo thì tôi thực sự thấy buồn.
Giáo viên hiện nay không được coi trọng, từ chính sách đến cách xã hội nhìn nhận. Vấn đề tiền lương, vấn đề chế độ tuyển giáo viên. Sinh viên sư phạm ra trường rất khó khăn mới kiếm được việc làm. Thậm chí có người phải "chạy" hàng trăm triệu đồng mới có được chỗ dạy ở một tỉnh lẻ. Xã hội như thế thì làm sao đòi hỏi giáo dục phải có chất lượng cao được. Mình không thể trách giáo viên, vì mình phải hiểu cái gì dẫn đến như thế? Họ chỉ là nạn nhân, vì xã hội thế nào thì nhà trường như thế.
Theo Kiến Thức
40% giáo viên không muốn theo nghề Công tác đào tạo giáo viên phổ thông hiện nay đang chồng chéo, kém hiệu quả, mạnh ai nấy làm - đó là vấn đề được nhiều ý kiến bức xúc nêu lên tại hội thảo khoa học "Cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông" diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngày 2/8. Hội thảo do bà Nguyễn...