Tại sao học sinh học lên cao dễ thui chột?
Theo PGS Văn Như Cương, càng học cao, học sinh càng bị tách rời khỏi cuộc sống, trong khi giáo dục đại học không tạo ra những người làm được việc.
Trong buổi giao lưu tại ĐH Vinh ngày 14/12, GS Ngô Bảo Châu nhận xét học sinh Việt Nam có kiến thức phổ thông tốt nhưng lại đuối dần vào năm thứ hai đại học và càng kém ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Học sinh Việt Nam có tiềm năng nhưng dễ thui chột.
Quan sát của GS Ngô Bảo Châu thực ra chỉ xới lại một hiện tượng của giáo dục Việt Nam mà không ít người đã chỉ ra trước đó.
Càng lên cao càng đuối
Khả năng của học sinh phổ thông không chỉ là tự công nhận với nhau, mà đã có những minh chứng quốc tế.
Lần đầu tiên tham gia chương trình khảo sát PISA năm 2012, các học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã đạt được hạng 17 về toán học, hạng 8 về khoa học và hạng 17 về đọc hiểu trong số 65 nước hay vùng lãnh thổ tham gia, đặt Việt Nam ở mức cao hơn chuẩn mực trung bình của toàn khối OCDE.
Kết quả PISA của Việt Nam đặc biệt ấn tượng nếu dựa trên khía cạnh bất lợi xã hội đối với học sinh. Theo chuyên gia Andreas Schleicher, điều phối viên PISA, “gần 17% số học sinh 15 tuổi thuộc dạng nghèo nhất Việt Nam nằm trong số 25% học sinh hàng đầu của 65 quốc gia hay lãnh thổ tham gia thi PISA”…
Nhìn chung, năng lực của học sinh Việt Nam ngang ngửa các bạn cùng tuổi ở Hàn Quốc, dù điều kiện xã hội khác biệt.
Theo khảo sát của đề án Young Lives của cơ quan Oxfam, trong số 20 trẻ em 10 tuổi tại Việt Nam, khoảng 19 em có thể làm phép cộng 4 chữ số, trong khi 85% có thể trừ phân số. Nếu so sánh với Ấn Độ, nước có thu nhập bình quân đầu người tương tự, có đến 47% học sinh lớp 5 không làm được toán trừ với 2 chữ số!
Còn đối với những học sinh ưu tú nhất, hàng năm, trong các kỳ thi Olympic quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực Toán học, Vật lý, học sinh Việt Nam đều đứng thứ hạng cao.
Năm 2015, Việt Nam cử 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Toán học, Tin học với 28 học sinh tham gia 37 lượt thi, tất cả các em đều đoạt giải. Đặc biệt, đây là năm có tỷ lệ học sinh đoạt HCV Olympic quốc tế cao nhất từ trước đến nay.
Video đang HOT
“Học là một quá trình gây mê không hồi sức”
Điều gì khiến cho sức học của người Việt Nam càng lên cao càng đuối: Thời phổ thông học rất giỏi, nhưng thường không thể duy trì thành tích đó khi đặt chân vào giảng đường đại học?
Với câu hỏi này, thạc sĩ Trịnh Văn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM trong một bài viết của mình đã cho rằng: “Cách dạy, cách học, cách thi hiện nay rất khó phát huy khả năng sáng tạo cho người học. Thời học sinh còn nhỏ – giai đoạn não phát triển rất mạnh – lẽ ra nó phải tự do bay bổng, tư duy sáng tạo thì lại nhường chỗ cho học thuộc bài vì lối dạy đọc chép của thầy cô, từ đó tạo đường mòn cho học sinh tiếp thu theo kiểu ghi âm tri thức”.
Học sinh Việt Nam phải vất vả trải qua kỳ thi căng thẳng để vào đại học, nhưng chất lượng đào tạo của bậc học này lại không được đánh giá cao. Ảnh: VietNamNet.
Ông Trịnh Văn Anh kể lại câu chuyện, “một số sinh viên truyền miệng nhau rằng: “Học là một quá trình gây mê không hồi sức?”. Khi được hỏi tại sao lại có khái niệm kỳ quặc thế, câu trả lời là “Suốt thời sinh viên, chúng tôi được thầy đọc cho chép, vào lớp thầy ru cho ngủ mệt muốn chết, lên cao học tưởng khác, ai ngờ cũng gặp toàn sư phụ năm xưa của mình, họ chuyển từ “đọc chép” sang “chiếu chép”.
“Câu nói có hơi quá, song phản ánh phần nào thực trạng và học thi hiện nay. Học với mục đích chỉ để đối phó với thi cử, học máy móc góp phần thui chột sự sáng tạo tự nhiên của sinh viên” – ông Văn Anh kết luận.
PGS Văn Như Cương thì nhận xét càng học cao, học sinh càng bị tách rời khỏi cuộc sống, trong khi đó, giáo dục đại học không tạo ra những người làm được việc.
Trong báo cáo “Nâng cao tay nghề cho Việt Nam: Chuẩn bị nguồn lực cho một nền kinh tế thị trường thời hiện đại”, Ngân hàng Thế giới cảnh báo về tình trạng thiếu hụt các kỹ năng tư duy phê phán trong nhóm và kỹ năng giao tiếp của sinh viên đã tốt nghiệp.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, môi trường học tập của Việt Nam quá thiếu những kỹ năng này vì lớp học chỉ thường tập trung vào việc đơn thuần tiếp thu kiến thức và “học gạo”.
GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT nhận định: “Học càng lên cao càng đòi hỏi tư duy tổng hợp mà tư duy này ở Việt Nam không được rèn luyện nhiều lắm. Đây là cái khó khăn của ta hiện nay, thiếu cái này thì khó đi xa được”.
Để “hạt mầm” không thui chột: Mấu chốt ở giáo dục đại học
Cần phải đổi mới ở tất cả các bậc học là ý kiến chung của các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục. Ông Trịnh Văn Anh cho rằng, “có nhiều yếu tố bất cập kìm hãm sự sáng tạo trong học tập của học sinh, sinh viên khiến họ đuối sức khi học lên cao”.
PGS Lê Trọng Thắng, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Mỏ – Địa chất cũng cho rằng, phải thay đổi cách đào tạo và giáo dục ở tất cả các bậc học.
Trở lại buổi giao lưu tại ĐH Vinh, GS Ngô Bảo Châu giải thích thêm về hiện tượng “tiềm năng của học sinh Việt Nam bị thui chột” như sau: Năng lực của sinh viên bắt đầu đuối từ năm thứ hai bậc ĐH; lên đến thạc sĩ, tiến sĩ thì khoảng cách so với quốc tế “không thể nào san lấp”.
“Việt Nam có tiềm năng về con người nhưng không xây dựng được nền tảng tri thức, hệ thống trường đại học ’sánh vai cùng các cường quốc năm châu’ như lời Bác Hồ căn dặn”.
Trong dịp về nước đầu năm 2015, khi trao đổi với một số phóng viên, GS Ngô Bảo Châu nói, “trong năm qua, điều hơi tiếc là trọng tâm cải cách giáo dục đáng ra giáo dục đại học là khâu yếu nhất lại không ai đả động gì. Rõ ràng, đây là mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội”.
“Khách quan mà nói, giáo dục đại học hiện có vô cùng nhiều vấn đề. Chuyện bỏ quên giáo dục đại học, tập trung vào giáo dục phổ thông là điểm cần xem lại” – những quan sát được đặt ra từ đầu năm 2015 đến nay vẫn còn giá trị thời sự.
Theo Ngân Anh/VietNamNet
Trình độ tiếng Anh người Việt vượt Thái Lan, Nhật Bản?
Theo bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ 2015 của một tổ chức quốc tế, Việt Nam vượt qua các nước như Nhật Bản, Thái Lan... Điều này khiến nhiều người nghi ngờ kết quả chỉ để "tham khảo".
Tổ chức giáo dục EF Education First (Thụy Sỹ) vừa công bố Bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ 2015 của EF (EF EPI). Theo bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ EF (EF EPI) năm 2015, Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia về khả năng tiếng Anh, trên Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... So với năm ngoái, mức độ thạo tiếng Anh của Việt Nam đã tăng 3 bậc.
Báo cáo dựa trên các kết quả phân tích đã chỉ ra xu hướng học tiếng Anh hiện nay ở những khu vực, vùng lãnh thổ và trên toàn cầu, đồng thời phân tích mối tương quan giữa mức độ thông thạo tiếng Anh của các quốc gia và tính cạnh tranh của các nền kinh tế.
Báo cáo của EF EPI năm 2015 cho thấy Việt Nam xếp 29/70 quốc gia xếp hạng về năng lực tiếng Anh.
Báo cáo của EF EPI xếp hạng 70 quốc gia từ nguồn dữ liệu của 910 nghìn người trưởng thành học tiếng Anh trên toàn thế giới. Trình độ tiếng Anh của người Việt Nam đứng thứ 5 châu Á với 53,81 điểm, sau Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Cũng theo EF EPI, phụ nữ nói tiếng Anh tốt hơn nam giới ở phần lớn các nước được đánh giá, nhưng khoảng cách liên quan giới tính này không đáng kể ở các nước thuần thục tiếng Anh khu vực Bắc Âu. Trong những năm gần đây, ở châu Á, Việt Nam và Ấn Độ có xu hướng học tiếng Anh tăng lên. Các nước như Thái Lan, Trung Quốc có xu hướng giảm nhu cầu học ngoại ngữ này.
Theo giải thích của một cán bộ của EF EPI khu vực châu Á, người Việt Nam học ngữ pháp rất tốt nên có thể hiểu phần nào trình độ tiếng Anh của người Việt xếp trên Thái Lan. Thời gian tới, EF EPI sẽ thêm phần nói và hướng tới kiểm tra toàn bộ 4 kỹ năng thì chắc thứ hạng sẽ khác.
Bên cạnh đó, chất lượng tiếng Anh của Việt Nam tăng lên là kết quả ban đầu của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.
Đối với những người dạy và học ngoại ngữ, đây có thể là "tin sốc". Theo dõi các bảng xếp hạng của EF EPI những năm gần đây, chúng ta sẽ thấy mức xếp hạng của Việt Nam ngày càng ổn định và tăng nhẹ, trong khi một số quốc gia của châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan vẫn luôn bị Việt Nam "vượt mặt". Điều này có thể khiến nhiều người nghi ngờ bởi trình độ tiếng Anh của chúng ta bộc lộ nhiều bất cập.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện nay còn thấp, trình độ, năng lực của học sinh ở vùng sâu, xa chênh lệch so với thành phố. Hơn nữa, cách thức thi cử môn ngoại ngữ lạc hậu, bằng trắc nghiệm cũng chỉ đánh giá học sinh về từ vựng, ngữ pháp.
Nhiều chuyên gia nhận xét, việc đào tạo ngoại ngữ trong nước đã lỗi thời so với nhiều nước trên thế giới. Đội ngũ giáo viên trình độ năng lực chưa đạt chuẩn, thiếu thốn về các phương tiện bổ trợ, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, việc học môn tiếng Anh còn nhiều bất cập.
Theo đó, năng lực tiếng Anh ở Việt Nam dẫu có được cải thiện từng năm, nhưng đánh giá xếp hạng vượt xa các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực sẽ chỉ mang tính "tham khảo", khác xa so với năng lực thực tế giữa các quốc gia. Nhất là trong bối cảnh báo cáo của EF EPI chỉ dựa trên các bài kiểm tra ngẫu nhiên, số lượng người tham gia không lớn.
Theo Quang Anh/Báo Gia đình và Xã hội
Trường đại học sẽ không được đào tạo trình độ cao đẳng? Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây là điểm mới quan trọng của dự thảo thông tư, sẽ có tác động mạnh đến hoạt động đào tạo của nhiều trường. Quy định này được đặt ra trong dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (sẽ thay thế...