Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có Luật Nhà giáo?
Luật Nhà giáo sẽ có ý nghĩa luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo, đặc điểm nghề giáo…
Phóng viên: Thưa bà, vấn đề xây dựng Luật Nhà giáo được đề cập đến từ khá lâu rồi nhưng vì sao, có những vướng mắc gì mà đến nay Luật này vẫn chưa thể ra đời?
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Đúng là trong Chỉ thị số 40 CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư khoá IX về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã giao Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì cùng các bộ, ngành hữu quan “nghiên cứu chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Luật Giáo viên”.
Nhưng cho đến nay, sau 13 năm, việc luật này vẫn chưa thể ra đời cũng có những căn nguyên của nó.
Thực ra, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XII dự kiến xây dựng Luật Nhà giáo vào năm 2009 (theo Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội); tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Quốc hội đang chuẩn bị Luật Viên chức.
Có nhiều ý kiến cho rằng nhà giáo cũng là viên chức, và chỉ cần được điều chỉnh bằng Luật Viên chức là đủ; do vậy, Luật Nhà giáo bị rút khỏi chương trình.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy có không ít vướng mắc liên quan tới hoạt động của nhà giáo mà các luật hiện có không thể giải quyết được:
Nghề giáo có nên coi là một nghề đặc thù, khi sản phẩm của nhà giáo là con người, là thế hệ tuơng lai?
Và nếu coi nghề giáo là nghề đặc thù, thì nhà giáo có phải là viên chức như tương tự như viên chức của các ngành nghề khác?
Có thể dẫn lại câu chuyện về biên chế nhà giáo khiến dư luận dậy sóng vừa qua để thấy những bất cập trong ứng xử đối với nhà giáo.
Họ không là công chức hay viên chức theo nghĩa thông thường; họ là nhà giáo, vì thế, việc dùng Luật Công chức, Luật Viên chức để điều chỉnh họ đã làm nảy sinh nhiều điều bất hợp lý, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đãi ngộ.
Chính vì vậy, gần đây, việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được khởi động trở lại, phản ánh yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Video đang HOT
Được biết, từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khởi động kế hoạch đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Còn trong năm 2017, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chính sách Nhà giáo;
Từ đó tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh những năm tiếp theo.
Vậy thưa bà, những nội dung cơ bản của dự thảo Luật này là gì và sẽ có điểm gì khác so với những quy định trước đây với giáo viên?
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Cho đến thời điểm này, Chính phủ chưa trình hồ sơ đề nghị xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo sang Quốc hội; do vậy, tôi chưa có cơ hội tiếp cận nội dung dự thảo Luật.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, chắc chắn dự thảo Luật Nhà giáo phải có những quy định phù hợp hơn đối với giáo viên, nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang diễn ra do sự bất hợp lý của hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành.
Theo kết quả giám sát về chính sách nhà giáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đến hết năm 2016, có 168 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục và đội ngũ nhà giáo đang có hiệu lực;
Nhưng thực tế cho thấy đã bộc lộ sự bất hợp lý trên hầu hết các khâu: từ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, sàng lọc đội ngũ đến những chính sách đặc thù về chuẩn nghề nghiệp, lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên…
Riêng trong hệ thống luật pháp, Luật Viên chức chỉ đề cập tới viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù của nghề giáo;
Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đều có các chương quy định về nhà giáo song còn chung chung, mang tính nguyên tắc.
Nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được thay thế;
Hay tình trạng thiếu các quy định liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Do vậy, tôi nghĩ, Luật Nhà giáo sẽ có ý nghĩa luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo, đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới;
Đồng thời, giải quyết những bất cập mà thực tiễn đã và đang đặt ra.
Theo quan điểm của bà, khi ra đời Luật Nhà giáo sẽ có tác động như thế nào đến giáo viên và học sinh và có ý nghĩa như thế nào trong quá trình đổi mới giáo dục?
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ, giáo viên và học sinh sẽ là những đối tượng chịu sự tác động nhiều nhất bởi Luật Nhà giáo.
Hy vọng, Luật Nhà giáo sẽ được xây dựng theo hướng quy định rõ vị trí, quyền và nghĩa vụ, các chính sách tác động tới giáo viên;
Những đặc thù nghề nghiệp sẽ được tính hết và nhà giáo sẽ được hưởng đãi ngộ tương xứng với sự cống hiến.
Đây cũng là sự thể hiện quan điểm tôn vinh nghề dạy học và tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo (cả trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập);
Đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ và người thầy là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục.
Nghề giáo sẽ được tôn vinh; nhà giáo sẽ có vị thế xứng đáng, yên tâm với công việc cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Từ đó, hy vọng sẽ có tác động tích cực tới việc nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh của ngành sư phạm, thu hút học sinh giỏi, có năng khiếu sư phạm vào ngành để bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo GDVN
Thầy giáo Anh bỏ nghề chỉ sau một học kỳ vì quá căng thẳng
Tuần thứ ba đi dạy, Eddie căng thẳng đến mức liên tục khóc với mẹ, hoang mang không biết nên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hay không.
Eddie Ledsham (Wallasey, Merseyside, Anh) vừa tốt nghiệp sư phạm, đi làm chỉ một học kỳ và quyết định bỏ nghề trong nước mắt, theo Liverpool Echo ngày 5/11.
Trước đó, anh được các giảng viên tại trường đại học cảnh báo rằng năm đầu tiên đi dạy sẽ vô cùng khó khăn. Tìm được công việc dạy học sinh tám tuổi ở Wirral, Eddie nhanh chóng gặp khủng hoảng do số giờ làm việc nhiều không tưởng và những mục tiêu phi thực tế.
Eddie quyết định bỏ nghề giáo chỉ sau một học kỳ đi dạy.
Trường chỉ có một lớp dành cho học sinh độ tuổi này, có nghĩa Eddie phải lên kế hoạch cho mọi bài giảng một mình, không có đồng nghiệp cùng san sẻ công việc trong năm như ở các trường khác. Mặc dù đã học cách chuẩn bị giáo án, Eddie cho rằng kiến thức đó không phục vụ được cho công việc thực tế.
"Tại trường, chúng tôi được dạy rằng mỗi bài học tương ứng với giáo án dài ba trang A4. Tuy nhiên, bạn hãy thử nghĩ đến việc tôi phải soạn nội dung cho bảy bài học mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần. Đó là việc quá sức", Eddie nói.
Thầy giáo trẻ sống cùng bố và thường về nhà lúc 18h30. Dù là người tan làm sau cùng, anh thức dậy lúc 5h30 mỗi sáng để chấm điểm hoặc hoàn thiện giáo án trước khi ngày mới bắt đầu.
Thay vì kết thân với các thầy cô khác trong giờ ăn trưa, Eddie phải ở lại lớp để đuổi kịp công việc. Anh mô tả cảm giác bị cô lập khi đi làm: "Hầu hết giáo viên ở trường chỉ nói chuyện với tôi khi thông báo lỗi sai nào đó, và thường không ai chú ý nếu tôi làm đúng".
Trong suốt tuần thứ ba đi dạy, anh thường đến nhà mẹ, khóc và hoang mang: "Con không biết liệu mình có thể làm được không".
Khối lượng công việc của giáo viên gây khủng hoảng cho chàng trai 22 tuổi.
Được mẹ động viên, Eddie quyết định tiếp tục cố gắng để vượt qua những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, anh cảm thấy khó tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.
"Thậm chí lúc trên tàu đến trường hoặc về nhà, tôi cũng cảm thấy tội lỗi vì đang không làm việc. Nếu đi xem bóng đá với bạn bè, tôi phải nhanh chóng ra về khi trận đấu kết thúc vì việc vẫn còn dang dở. Khi gặp bạn gái, tôi ngồi chấm bài của học sinh trong khi cô ấy nấu ăn", Eddie tâm sự.
Chàng trai 22 tuổi yêu trẻ con nhưng áp lực khi nhận thấy những kỳ vọng lớn lao đối với nghề giáo. Eddie nghĩ sinh viên sư phạm cần được trải nghiệm việc giảng dạy nhiều hơn trước khi lấy bằng, bởi anh dường như chưa hề chuẩn bị kỹ tâm lý để đối mặt.
Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEU) vừa tiếp tục kêu gọi tăng lương cho giáo viên nhằm đảm bảo mức sống, khắc phục tình trạng thiếu nhân sự trong ngành giáo dục. Tiến sĩ Mary Bousted, tổng thư ký NEU cho biết khủng hoảng đang lan rộng, với quá ít người tham gia vào đội ngũ giảng dạy và con số bỏ nghề ngày càng gia tăng.
"Chúng tôi biết khối lượng công việc là yếu tố lớn nhất khiến giáo viên muốn bỏ nghề. Chính phủ cần nghiêm túc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này", bà nói.
Theo VNE