Tại sao ai cũng thích khoe con?
Nhân đọc bài “Vẫn tích cực khoe bảng điểm của con” của tác giả Lê Đăng Đạt đăng trên Dân trí, tôi thấy sao mà đúng với thực tế bây giờ quá. Dường như việc khoe con trên mạng đang trở thành “mốt” của các phụ huynh.
Những ngày này, lướt “phây” ta sẽ thấy hàng loạt hình ảnh phụ huynh khoe thành tích của con sau một năm học. Nào là bảng điểm, nào là giấy khen và các phần thưởng được trao. Ai cũng hồ hởi vui vẻ thông báo về những thành tích mà con mình đã đạt được sau khi tổng kết năm học.
Đúng như tác giả viết, các bố mẹ phấn khởi chia sẻ những thành tích của con mình đâu có nghĩ đến tâm trạng của nhiều phụ huynh khác khi con họ không đạt được thành tích như thế. Từ đây kéo theo rất nhiều hệ lụy khác như tâm lí hơn thua giữa các bậc phụ huynh. Cha mẹ có con học tập chưa tốt sẽ về nhà chì chiết con mình hoặc so sánh con mình với con người ta. Rồi chưa kể họ lao vào cuộc chạy đua học thêm để cho bằng bạn, bằng bè…
Cuối năm học, bảng điểm của con lại được bố mẹ tích cực khoe lên mạng xã hội (ảnh minh họa)
Người ta bây giờ thường đổ tại bệnh thành tích là do ngành Giáo dục mà ra. Ai cũng nghĩ trường học mới cần các con số đẹp, chứ phụ huynh thì mong muốn con học thật, thi thật. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Chính cha mẹ luôn mong con phải học giỏi. Ngoài việc động viên con học hành để có tương lai thì cha mẹ còn muốn con đạt thành tích để còn hãnh diện với mọi người.
Dường như thành tích của con luôn là niềm vui bất tận của các bậc phụ huynh. Khi con không đạt danh hiệu học sinh giỏi, phụ huynh buồn ra mặt. Thậm chí chính phụ huynh còn điện cho giáo viên để xin điểm cho con… Với họ, điểm số của con trẻ quan trọng hơn thực chất chúng học rất nhiều. Nhiều người luôn bắt con học ngày, học đêm để kiếm cái giấy khen mà hãnh diện với bạn bè. Họ luôn sợ con người ta đều giỏi cả mà con mình thì học dở. Mang tâm lí hơn thua như vậy nên nhiều người thường đổ áp lực lên chính những đứa con của mình.
Việc coi trọng điểm số có hai mặt rất rõ ràng. Ưu điểm là cha mẹ sẽ khuyến khích, động viên con cái nỗ lực phấn đấu vươn lên. Các em sẽ vì nó mà cố gắng phấn đấu để học tốt. Nhưng nhược điểm thấy rõ nhất là trẻ dễ có tư tưởng trọng điểm số rồi có gắng học vì điểm để vừa lòng bố mẹ. Khi không đạt được thành tích ấy, nhiều trẻ sợ dẫn đến các hành động tiêu cực mà phụ huynh không thể lường trước được.
Video đang HOT
Ngày nay cha mẹ hầu hết đều chơi Facebook nên điểm số còn quan trọng hơn xưa rất nhiều. Nhìn qua Facebook, con người ta ai cũng giỏi cả, được khen, được tâng bốc lên mây ai mà chẳng thích. Chỉ cần đăng lên là ai cũng biết con mình giỏi, người ta sẽ khen con thông minh học giỏi. Xem những lời bình, phụ huynh nào chẳng thích. Nói chung là cảm giác thật tuyệt vời.
Xin kể một câu chuyện mới xảy ra ở xóm tôi cách đây mấy ngày. Hai cô bé nhà chỉ cách nhau có vài bước chân. Từ bé hai đứa đều học giỏi, chăm ngoan. Thành tích học tập của chúng luôn đứng tốp đầu. Cả xóm luôn được nghe những lời ca ngợi con của hai bà mẹ. Nhiều người thường lấy gương hai chị để giáo dục con mình. Năm nay hai bé đang học lớp 9. Chẳng hiểu sao một bé cuối năm môn Sử bị điểm kém. Thế là rớt danh hiệu học sinh giỏi. Khỏi phải nói mẹ bé tức tối như thế nào. Mấy ngày liền bé bị chì chiết, so sánh rồi mắng nhiếc… Quá uất ức, bé đã bỏ nhà đi. Cả nhà được một phen náo loạn. Rất may bé chỉ trốn đến nhà bạn một ngày vì buồn tủi. Chẳng biết qua chuyện này mẹ bé có rút được kinh nghiệm cho mình.
Bản thân là giáo viên nên tôi hiểu rõ phụ huynh bây giờ trọng điểm số như thế nào. Vì hầu hết các gia đình đều đăng kí sổ liên lạc điện tử nên các phụ huynh sẽ biết điểm ngay khi giáo viên đăng. Gần đến ngày thi là phụ huynh lại gọi điện cho cô giáo để xin điểm cho con. Có người còn nói thẳng vì làm cơ quan nhà nước nên nếu con không giỏi thì rất ngại với đồng nghiệp. Ngày họp phụ huynh thì cha mẹ có con học khá và giỏi mới đi. Khi tôi điện trao đổi hỏi xem lí do vì sao mà phụ huynh không tới thì họ bảo rằng “đi làm gì cho nhục mặt”. Rồi họ cúp máy cái rụp. Thật chẳng biết nói sao nữa.
Mong rằng các bậc phụ huynh hãy đồng hành cùng con trên chặng đường dài. Mỗi đứa trẻ sẽ có những thế mạnh khác nhau, đừng bao giờ vì điểm số mà biến con trở thành rô bốt.
Loát Trần
Theo Dân trí
Đến khi nào tôi mới được cho học sinh lưu ban?
Trong đời cầm phấn của mình, không dưới năm lần tôi muốn cho học sinh được lưu ban. Nhưng tất cả những lần đó, tôi đều thất bại.
Gần kết thúc năm học, là một cô giáo, tôi vẫn cảm thấy trăn trở khi biết không ít em đang "ngồi nhầm lớp" mà chẳng biết làm sao để thay đổi, không đủ quyền để thay đổi.
Tôi là cô giáo một trường cấp 2 tại Hà Nội. Là người đứng lớp nên tôi hiểu học lực của học sinh. Bởi thế, mỗi khi kết thúc học kỳ hay năm học, tôi luôn mang nặng một nỗi niềm một thứ mang tên: GIẤY KHEN.
Tôi chỉ mong thầy cô được trao quyền thực sự, tức là không "tô hồng" chất lượng học sinh. Nhưng ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi thầy cô hết lòng vì học trò, kèm cặp, bổ túc cho học trò yếu kém bất cứ lúc nào có thể để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Bởi vì trường tôi là trường chuẩn nên không thể có chuyện để học sinh ở lại lớp, phải tăng tỉ lệ học sinh giỏi lên... Nhưng có một điều khiến tôi khổ tâm nhất đó là, học sinh lẽ ra bị lưu ban vẫn phải lên lớp.
Năm nào tôi cũng có bức xúc của riêng mình, nhưng đồng nghiệp khuyên tôi nên vâng lời cấp lên. Tức là, nếu học sinh học yếu thì phải hết lòng kèm cặp. Nếu học sinh thi chưa qua thì phải tạo điều kiện để các em thi qua, thi đến lúc nào đạt mới thôi. Và một thầy giáo còn nói: "Để học sinh ở lại lớp tức là bỏ rơi các em".
Tôi không nghĩ thế, mà tôi cho rằng các em cứ phải chèo chống, cứ phải bơi mỏi mệt, quá sức là một môi trường giáo dục phản khoa học, thiếu nhân văn. Nếu không phân loại rõ ràng, không mạnh tay cho trò ở lại lớp chẳng khác gì hại các em.
Nói là nói thế, nghĩ là nghĩ vậy nhưng bản thân những thầy cô giáo như chúng tôi có quyền gì?
Trong đời cầm phấn của mình, không dưới năm lần tôi muốn cho học sinh được lưu ban. Nhưng tất cả những lần đó, tôi đều thất bại. Để rồi, tự khi nào, tôi như đồng lõa với việc "nói không với ở lại lớp".
Tôi như bị lạc trong vòng vây của lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh. Không quá khi nói rằng có lúc tôi thấy mình lực bất tòng tâm bởi cái quyền nhỏ nhoi cho trò ở lại lớp cũng không nằm trong tay mình.
Chúng tôi vẫn nói đùa, dù chua chát nhưng thực tế rằng cho "khống" học trò giấy khen thì dễ chứ chuyện đặt bút cho học sinh lưu ban rất khó.
Chúng tôi hằng ngày giảng dạy, nên nắm rất rõ lực học của từng em, đến việc phê bình thẳng thật cũng không được vì những lý do tế nhị. Rồi không thể để lớp có quá ít giấy khen và rất nhiều điều lệ khác.
Bản thân giáo viên chúng tôi chẳng phải ai cũng chạy theo thành tích, nhiều khi xót xa, thậm chí dằn vặt vì phải "vâng lời" cấp trên mà làm ngơ cho học sinh yếu kém lên lớp.
Và cho đến bây giờ, tôi luôn ám ảnh, day dứt với lời nói của cô hiệu trưởng từng nói với mình: "Chúng ta không thể phá hoại hình ảnh của trường mình được".
Chúng tôi đâu thể trái lời của cấp trên? Những lúc ấy, tôi thấy thân giáo viên của mình chẳng khác gì con chạch trong giỏ cua, bất lực trước một thực tế muốn được sống với cái tâm của nhà giáo cũng khó.
Tôi cũng thấy thương học trò khi cố gắng nhồi nhét các em trong những buổi tranh thủ bổ túc kiến thức. Tôi cũng thấy xấu hổ với lương tâm khi đều như vắt chanh hằng năm cho học trò lên lớp trong khi biết rõ em sẽ cứ trượt dài trong cuộc đua của người lớn.
Có em được tôi kèm cặp suốt thời gian rảnh rỗi trong năm học, đánh vật, miệt mài với bài vở là vậy nhưng cũng tiến bộ chẳng được bao nhiêu. Lúc nào em cũng kêu chán. Tôi hiểu nỗi khổ của em nhưng tôi chẳng biết làm gì để giúp các em cả.
Tự lúc nào việc cho học sinh lưu ban lại khó khăn đối với chúng tôi đến như vậy?
Theo tuoitre.vn
Hà Tĩnh: Khen thưởng 2 học sinh nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất Sáng 19/4, Huyện đoàn Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã trao giấy khen, phần thưởng cho hai học sinh trên địa bàn huyện vì có hành động đẹp nhặt được tiền trả lại cho người đánh mất. Hai học sinh được Huyện đoàn Hương Sơn tuyên dương là em Nguyễn Tuấn Nghĩa, học sinh lớp 6B và Trần Nhật Nam, lớp 7B, Trường THCS...