Tài sản NFT có thể tồn tại lâu dài không?
Khác với những vật chất hữu hình, hiện không có hệ thống nào đảm bảo rằng các tài sản số dưới dạng NFT có thể còn nguyên vẹn trong nhiều năm.
Khi nhắc tới địa điểm cần tới để chiêm ngưỡng kiệt tác Mona Lisa của Leonardo da Vinci, gần như ai cũng tự biết phải đến Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp), nơi bức tranh đang được trưng bày. Nhưng nếu bạn muốn biết nơi lưu trữ thực sự của một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số dưới dạng NFT, câu trả lời phức tạp hơn rất nhiều.
NFT cho phép các nhà sưu tầm chứng minh quyền sở hữu đối với một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số thuần túy. Điều đó có nghĩa là NFT có thể là một trải nghiệm, một tweet, một bản nhạc điện tử, hoặc thậm chí một video được livestream trên Internet.
NFT được hứa hẹn sẽ trở thành một trong những nền tảng tiềm năng nhất giúp các nghệ sĩ bán tác phẩm của mình trực tuyến. Tất cả những điều tuyệt vời này có được đều nhờ vào sức mạnh của blockchain, một sổ cái công khai cho phép người mua chứng minh một lần và mãi mãi rằng họ là chủ sở hữu của tài sản, bất chấp sự tồn tại của hàng nghìn bản sao trực tuyến.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới một câu hỏi quan trọng: Người mua NFT thực sự nhận được gì? Liệu tác phẩm nghệ thuật có một không hai họ vừa mua có tồn tại nếu một ngày sàn giao dịch NFT sập?
Trong nhiều trường hợp, câu trả lời có thể là không. Vấn đề là bản thân các tài sản kỹ thuật số trên không thực sự là NFT. Mã thông báo NFT chỉ đơn giản ghi lại vị trí chính xác của tài sản được lưu trữ. Cụ thể hơn, NFT chỉ là một bản ghi được lưu trữ trên blockchain của Ethereum, có chứa một URL chỉ dẫn tới một máy chủ nơi lưu trữ tài sản. Bởi nếu lưu trữ nó trên chính blockchain Ethereum, sẽ rất cồng kềnh và tốn kém.
Hình ảnh hoặc video mà chủ sở hữu NFT nhận được không thực sự tồn tại trên blockchain, mà nằm ở một nơi khác trên web.
William Entriken, một trong những lập trình viên xây dựng lên tiêu chuẩn ERC-721 cho token trên Ethereum, thừa nhận ERC-721 hiện chưa cân nhắc tới việc người tạo NFT sẽ lưu tài sản kỹ thuật số ở đâu và độ tin cậy của máy chủ lưu trữ như thế nào. Điều này vẫn nằm ngoài phạm vi của tiêu chuẩn.
Kỹ sư phần mềm Jonty Wareing đang làm việc tại Anh cho biết: “NFT hoàn toàn được xây dựng bởi những người bán. Nói cách khác, nếu một startup nơi bạn vừa mua NFT phá sản, các tệp đó sẽ biến mất cùng công ty này”.
Một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho vấn đề này là giao thức lưu trữ phân cấp IPFS (InterPlanetary File System). Cũng giống một sổ cái blockchain công khai, IFPS cố gắng phi tập trung địa điểm được sử dụng để lưu trữ nội dung. Tuy nhiên, thay vì trỏ tới file như cách trình duyệt điều hướng trên địa chỉ http, IFPS sẽ trỏ đến một số bản sao khác nhau của tác phẩm được lưu trữ khắp thế giới. Nếu chủ nhân của tài sản muốn truy cập file, họ sẽ được kết nối với bản sao trên máy chủ gần nhất.
Ngay cả như vậy, “IPFS chỉ có tác dụng khi có ít nhất một máy thành viên trong mạng tiếp tục lưu trữ nó. Điều đó có nghĩa là khi công ty bán NFT cho bạn bị phá sản, các tệp nội dung có thể cũng sẽ biến mất khỏi IPFS”, Jonty Wareing lập luận. Trên thực tế, đã có không ít NFT sử dụng giao thức IPFS nhưng không còn được lưu trữ ở bất kỳ máy tính nào.
NFT cũng chỉ là một token trên một blockchain nhất định, có nghĩa là nếu toàn bộ blockchain biến mất, NFT sẽ biến mất cùng nó. Điều đó có thể không phải là vấn đề đối với các blockchain được thiết lập tốt như Ethereum, nhưng hiện đã xuất hiện rất nhiều loại hình NFT dựa trên các blockchain mới, ít người dùng.
Tóm lại, hiện không có hệ thống blockchain nào đảm bảo rằng NFT có thể tồn tại trong nhiều năm. Tuy nhiên, các sàn giao dịch NFT cũng đang hướng tới xây dựng một “chứng chỉ bền vững” chung trên quy mô toàn cầu, cho phép người mua nhanh chóng nhận biết tình trạng và thời gian tồn tại của một vật phẩm NFT nhất định.
Kyle Tut, CEO công ty Pinata, nói với CoinDesk: “Một tiêu chuẩn đảm bảo sự tồn tại của dữ liệu NFT cần phải được tìm ra, nhằm cung cấp sự đảm bảo cho các chủ sở hữu NFT, cho dù điều đó được quyết định bởi các nền tảng, người tạo ra NFT hay người sưu tập. Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm tạo ra được điều gì đó nhất quán và có thể áp dụng trên quy mô rộng”.
Trong khi đó, William Entriken cho rằng người chơi NFT chỉ nên coi đây là một mô hình sưu tầm đồ hiếm thuần túy. Ông nói: “Cơn sốt xung quanh NFT hiện vẫn rất lớn, nhưng khi nhắc tới việc sở hữu một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, điều quan trọng người mua hướng tới nên là niềm tự hào khi có thể ủng hộ nghệ sĩ mình yêu thích”.
Những tài sản NFT kỳ lạ giá hàng triệu USD
Nhiều người nổi tiếng đang tham gia vào cơn sốt NFT với những tài sản kỳ lạ, từ album nhạc cho đến một câu nói truyền cảm hứng.
Nhân vật công nghệ nổi tiếng đầu tiên tham gia vào cuộc chơi NFT là CEO Twitter, Jack Dorsey. Ngày 6/3, Dorsey đã bán tweet đầu tiên của mình với giá 2,5 triệu USD dưới dạng NFT. Sau đó CEO của Tesla cũng đăng bán một đoạn nhạc điện tử dưới dạng mã hoá tương tự. Bạn gái của Musk - ca sĩ Grimes - cũng đã kiếm được hàng triệu USD từ bộ sưu tập tranh NFT.
Đoạn nhạc điện tử dưới dạng NFT được Elon Musk rao bán hôm 16/3.
Trên chợ ảo NFT, người ta còn phát hiện tỷ phú kiêm ngôi sao truyền hình Mark Cuban bán một câu nói truyền cảm hứng của mình với nội dung: "Không ai thay đổi thế giới bằng cách làm việc mọi người đang làm".
Shawn Mendes, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Canada đã hợp tác với Genies, công ty sản xuất avatar 2D để tạo ra phiên bản kỹ thuật số cây đàn guitar và nhẫn vàng của mình rồi bán chúng dưới dạng NFT. Rapper Ja Rule cũng bán đấu giá một bức tranh sơn dầu dưới dạng NFT và đề nghị được ký tặng cho người mua. Kings of Leon là ban nhạc đầu tiên bán một album hoàn toàn mới, có tựa đề When You See Yourself, dưới dạng NFT.
Trong thế giới thể thao, Rob Gronkowski, cầu thủ bóng đá Mỹ thông báo sẽ tung ra bộ sưu tập NFT của riêng mình, gồm bốn tác phẩm nghệ thuật kỷ niệm chiến thắng của đội tuyển anh đã gắn bó. Tiền vệ Patrick Mahomes của đội bóng Kansas City Chiefs đã bán được một tác NFT trị giá hàng triệu đôla chỉ trong vài phút.
Bức tranh NFT giá 17.000 USD của Paris Hilton.
Doanh nhân, ngôi sao truyền hình trực tuyến của Mỹ, Paris Hilton bán một bức tranh con mèo dưới dạng NFT với giá 17.000 USD. Diễn viên Lindsay Lohan đã bán NFT "Lightning" của mình với giá 50.000 USD và hứa sẽ quyên góp cho các tổ chức chấp nhận tiền điện tử.
NFT giống một chứng chỉ xác thực. Trong thế giới thực, chứng chỉ có thể là một tờ giấy. Trên Internet, chứng chỉ này là một chuỗi ký tự được kết nối với blockchai. Do tính chất của blockchain là một mạng lưới máy tính lớn trên khắp thế giới, kết nối với nhau để tạo ra sổ cái kỹ thuật số dùng chung. Mỗi máy tính sẽ cần thực hiện các phép tính phức tạp cho mỗi lần ghi, vì vậy, không ai có thể gian lận được. Từ đó, tạo ra tính an toàn, duy nhất, và dễ dàng kiểm chứng của NFT. Ngày càng nhiều người có ảnh hưởng trên Internet tham gia vào cơn sốt NFT. Nhiều ngôi sao YouTube như Logan Paul, Zach "ZHC" Hsiehn cũng bắt đầu thử nghiệm công nghệ mới này.
Mặc dù được nhiều người nổi tiếng ủng hộ, NFT cũng đang bộ lộ nhiều lỗ hổng. Không ít nghệ sĩ phát hiện các tác phẩm nghệ thuật của mình bị "đánh cắp" và rao bán công khai trên các nền tảng giao dịch NFT. Trên OpenSea và Rarible, hai nền tảng giao dịch phổ biến của NFT, người bán không cần xác minh mình là sở hữu thật sự của tác phẩm. Quy trình định danh thành viên trên các trang web này cũng rất đơn giản. Khuyến nghị duy nhất trang web đưa ra cho những giao dịch NFT là "Hãy tự tìm hiểu".
Người mua NFT sẽ nhận được gì Người mua NFT sẽ nhận được sản phẩm dưới dạng kỹ thuật số, chuỗi mã chứng nhận và "sự tự hào" khi sở hữu tác phẩm gốc. Trước khi gây sốt với mức giá 69,3 triệu USD, bộ sưu tập ảnh NFT Everdays: The First 5000 days của họa sĩ Beeple xuất hiện đơn giản trên website của nhà đấu giá Christies. Sản...