Tài năng trẻ băn khoăn về chảy máu chất xám trong giáo dục
Trong khi “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, du học sinh Việt Nam tại Mỹ, đề xuất cải cách sách giáo khoa và đổi mới dạy học, một số đại biểu khác quan tâm vấn đề chảy máu chất xám hiện nay.
Trong số hơn 300 đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ năm nay, có 50 người là học sinh, sinh viên. Tại tọa đàm Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt chung tay xây dựng đất nước, được tổ chức tại Bộ GD&ĐT chiều 12/12, nhiều học sinh, sinh viên thể hiện quan điểm, đề xuất về đổi mới giáo dục.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa
“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam (14 tuổi, du học sinh tại Mỹ) cho rằng, bộ sách giáo khoa hiện nay còn những khiếm khuyết. Sách giáo khoa của Mỹ, mặc dù không hoàn hảo, nhưng có nhiều điều đáng ghi nhận, học hỏi.
Đại biểu này mong muốn, bộ sách giáo khoa có ngữ liệu thân thiện và cập nhật, ví dụ bài học nên về về chính đối tượng được học sinh yêu thích, thần tượng. Ngoài ra, sách giáo khoa nên chú trọng tính thực hành. Nhật Nam dẫn ví dụ môn Sinh học ở Mỹ, học sinh được tự tay làm thí nghiệm và viết báo cáo riêng.
Đỗ Nhật Nam chia sẻ những trải nghiệm với hai nền giáo dục Việt Nam và Mỹ. Ảnh: Quyên Quyên.
Du học sinh này cũng cho rằng, chương trình tại Việt Nam nên khuyến khích khả năng tự học của học sinh. Trên lớp, thầy cô có thể đưa ra danh sách câu hỏi nâng cao, được tính theo số điểm cao hơn. Dưới mỗi bài đọc nên có phần gợi mở về những cuốn sách cần đọc. Đồng thời, các trường nên tăng cường hệ thống thư viện, dù có thể phải đầu tư tốn kém.
“Thầy cô nên hạn chế bài tập chỉ yêu cầu phần học thuộc lòng, thay vào đó là các mô hình dự án để học sinh làm việc theo nhóm. Ở Mỹ, điểm dự án quan trọng nhất, thậm chí hơn cả điểm thi. Việc học kết hợp thực hành đã được áp dụng ở nhiều nước phương Tây”, Nhật Nam nói.
Video đang HOT
Cũng theo đại biểu Tài năng trẻ nhỏ tuổi này, môn ngoại ngữ cần chú trọng nhiều hơn, phải có sự thay đổi mạnh mẽ về nội dung và phương pháp. Hiện nay, sách giáo khoa ngoại ngữ quá chú trọng ngữ pháp nên học sinh kém kỹ năng nghe nói.
Cùng với đó, việc định hướng nghề nghiệp nên thực hiện sớm và chuyên nghiệp hơn trong chương trình sách giáo khoa. Tại Mỹ, luôn có người định hướng nghề nghiệp trong trường, giúp học sinh hiểu biết và tránh lãng phí thời gian vì không xác định được mình nên theo học ngành nào.
Về đánh giá học sinh bằng điểm số, Nhật Nam nêu ý kiến, bảng điểm không nên công khai. Ở Mỹ, học sinh phải có đăng nhập tài khoản mới có thể xem được điểm và lời phê của giáo viên. Điều này giúp học sinh biết được điểm mạnh, yếu, người đạt điểm cao không kiêu căng và học sinh kém không tự ti.
Băn khoăn về chảy máu chất xám
Tại tọa đoàm, sinh viên Đào Thị Trúc Ngân – Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM quan tâm vấn đề chảy máu chất xám. Trúc Ngân kể lại câu chuyện về TS Nguyễn Cúc – giảng viên tại Đại học Melbourne, Australia trăn trở du học sinh đi hay ở?
Sinh viên Đào Thị Trúc Ngân. Ảnh: Quyên Quyên.
Theo đó, môi trường công tác tại Australia tuyệt vời cho học sinh mới tốt nghiệp khi áp dụng được những điều đã học vào công việc. Nhiều người khi về nước, họ không thể áp dụng được những gì đã học. Nguyên nhân là những kiến thức đó quá mới mẻ tại Việt Nam.
TS Cúc từng nỗ lực quay trở về quê hương. Nhưng ngay cả khi đó, bà cũng nhận ra những người con của mình không thể thích nghi với môi trường học tập tại quê nhà. Điều này khiến bà định cư lâu dài tại Úc.
“Những trường hợp như TS Cúc đã không còn là câu chuyện hiếm ở Việt Nam, khi các số liệu gần đây cho thấy, 70% du học sinh lựa chọn ở lại nơi mình học tập, thay vì quay về nước phục vụ. Mới đây, con số 12/13 quán quân của Đường lên đỉnh Olympia đang ở nước ngoài làm nóng dư luận”, Trúc Ngân cho biết.
Nữ sinh viên cho rằng, thực tế, người Việt luôn có khát vọng cống hiến và đóng góp. Để giữ được nguồn nhân lực đầy tiềm năng này, vấn đề đặt ra là “đặt đúng người vào đúng chỗ”.
Vấn đề việc làm cũng được Bùi Thu Trang – cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trăn trở. Trang chia sẻ, sinh viên thường thường truyền tai nhau câu: “Cổng trường ĐH Cao vời vợi/ Đồng ruộng mênh mông đón em về”. Phía sau câu thơ tưởng như vui đùa ấy có rất nhiều nỗi đau sót.
Từ đó, Trang nêu chất lượng giáo dục phải cân bằng ba yếu tố: Đảm bảo quyền học tập cho nhân dân, đảm bảo mức sống và chất lượng việc làm.
Đại hội Tài năng trẻ lần thứ hai năm 2015 do T.Ư Đoàn tổ chức, diễn ra trong 3 ngày (từ 11-13/12) tại Hà Nội, với sự tham dự của 364 đại biểu. Đại hội lần này tôn vinh những người trẻ xuất sắc, có cống hiến to lớn cho xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Với chủ đề “Tài năng trẻ Việt Nam chung tay dựng xây đất nước”, Đại hội là thông điệp thể hiện lòng quyết tâm của đội ngũ tài năng trẻ Việt Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng dựng xây và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo Zing
Ba 'thần đồng' là đại biểu tài năng trẻ Việt Nam
Đỗ Nhật Nam, Quách Hoàng Nhi, Lê Quang Liêm được xem là những thần đồng thuộc thế hệ 10X, 9X, có nhiều thành tích xuất sắc trong nước và quốc tế.
Với chủ đề "Tài năng trẻ Việt Nam chung tay dựng xây đất nước", Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ hai do Trung ương Đoàn tổ chức, diễn ra tại Hà Nội từ 11 đến 13/12, hội tụ nhiều gương mặt học sinh.
Trong đó, Đỗ Nhật Nam là du học sinh tại Trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ) và là tổng biên tập Creative Melange - tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á.
Năm 7 tuổi, cậu bé được gọi là thần đồng này từng lập kỷ lục "Dịch giả nhỏ tuổi nhất" với 2 cuốn sách khoa học cho tuổi thiếu nhi.
Năm 2012, với việc xuất bản Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?, Nhật Nam tiếp tục xác lập kỷ lục "Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản" khi 11 tuổi.
"Thần đồng" Đỗ Nhật Nam dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh.
Ở lĩnh vực âm nhạc, mới 10 tuổi nhưng Quách Hoàng Nhi, học sinh lớp 5B, Trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) đã sở hữu gần chục giải thưởng danh giá tại các cuộc thi Piano trong nước và quốc tế.
Hoàng Nhi giành giải nhất bảng B cuộc thi Âm nhạc quốc tế Val-Tidone lần thứ 27 tại Italy năm 2014; giải nhất bảng A cuộc thi quốc tế Mozart lần thứ ba tại Thái Lan năm 2013; giải vàng cuộc thi Piano quốc tế châu Á tại Hàn Quốc năm 2012.
Một người khác được xem là "thần đồng 9X" là Lê Quang Liêm cũng có tên trong danh sách 30 người xuất sắc dự Đại hội Tài năng Trẻ Việt Nam năm 2015.
Quang Liêm vô địch giải khu vực 3.3 Cờ vua Thế giới; Á quân giai Millionaire Chess tại Las Vegas, Mỹ (năm 2015); xêp thư 19 tai Giải vô địch cờ nhanh và cờ chớp thế giới năm 2014 diễn ra tại Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (năm 2014); đứng thứ hai trong danh sách 10 vận động viên Việt Nam tiêu biểu năm 2013.
Ngoài ra, danh sách này còn có nhiều gương mặt nổi bật khác như Vũ Thanh Trung Nam - chàng trai đạt kỷ lục 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc Olympic Vật lý; Nguyễn Thế Hoàn - hai lần giành huy chương vàng Toán học quốc tế; Đinh Thị Hương Thảo - huy chương vàng Vật lý quốc tế 2015...
Theo Zing
Đỗ Nhật Nam làm thơ về cuộc chiến tuổi dậy thì Đỗ Nhật Nam viết về tâm trạng của cậu bé khi bước vào tuổi mới lớn với những khát vọng, ước mơ lớn lao. Trong bài thơ mới viết về lứa tuổi này, Nhật Nam lấy cảm hứng từ bức tranh mà người bạn Vũ Tuấn Kiệt minh họa cho cuốn sách Cuộc chiến tuổi dậy thì - tác giả Nguyễn Phương Hoa....