‘Tai nạn giao thông TP.HCM giảm nhưng chưa thể mừng’
UBND TP vừa tổ chức hội nghị giao ban công tác ATGT với các ngành chức năng và lãnh đạo 24 quận, huyện trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục quyết liệt các giải pháp kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông.
Tại nạn giảm
Theo Ban ATGT TP, trong 5 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn xảy ra 288 vụ TNGT (riêng TNGT đường bộ đã chiếm tới 282 vụ), làm chết 259 người (đường bộ chết 253 người) và bị thương 126 người (toàn bộ số người bị thương đều thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ). So với cùng kỳ năm 2011, TP kéo giảm được 29,58% số vụ TNGT, giảm 24,93% số người chết và giảm 43,24% số người bị thương.
Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm nay, các tiêu chí về số vụ TNGT và số người chết đều giảm hơn 40%. Tuy nhiên do tháng 4 và 5, tình trạng TNGT gia tăng đã đẩy chỉ số giảm bình quân của 5 tháng lên cao.
Cụ thể, trong tháng 5/2012, toàn TP xảy ra 61 vụ TNGT (-24,69%), làm chết 54 người (-20,59% so với cùng kỳ năm 2011). Đáng lưu ý là số người chết vì TNGT đường thủy nội địa 5 tháng đầu năm 2012 tăng tới 100%…
Dù số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM có giảm nhưng còn nhiều việc phải làm.
Trong tháng 5, toàn địa bàn có 10/24 quận, huyện giảm được số người chết vì TNGT; 8/24 quận, huyện tăng số người chết; riêng quận 4 và 8 không có người thiệt mạng vì TNGT.
Thời gian qua, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP đã phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện tăng cường lực lượng và áp dụng nhiều biện pháp, tích cực tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng chống đua xe trái phép… nên đã hạn chế đáng kể số vụ vi phạm về trật tự giao thông đô thị.
Video đang HOT
159 tuyến đường đảm bảo trật tự lòng lề đường (mà các quận huyện đã ký kết từ đầu năm), đến nay đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt là các tuyến mới triển khai như đường Trường Chinh (quận Tân Bình), Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) duy trì trật tự đậu xe, buôn bán ổn định; tuyến Trường Sa, Hoàng Sa (qua các quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình) có nhiều chuyển biến tương đối tốt.
Vẫn lo…
Theo báo cáo của ban ATGT, nhiều tuyến đường trên địa bàn có thông nhưng chưa thoáng. Điển hình như tình trạng sử dụng phương tiện thô sơ, tự chế buôn bán hàng rong trên đường Hoàng Minh Giám (khu vực công viên Gia Định), đường Nguyễn Văn Nghi (trước cổng trường Đại học Công Nghiệp), đường Nguyễn Thái Sơn (khu vực chợ Gò Vấp) gây nên cảnh lộn xộn và rất mất trật tự.
Đường Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh (quận 10), Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè còn khá phổ biến; đường An Dương Vương (quận 5), Hồ Văn Huê (Phú Nhuận), Lý Thái Tổ (quận 3 và 10) nhiều hộ kinh doanh buôn bán phụ tùng ôtô, sử dụng lòng đường để làm “gara” làm cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT…
Ùn tắc giao thông là chuyện thường ngày “ở huyện” tại TP.HCM.
Khẳng định về hiệu quả từ chương trình các dự án cấp bách để kéo giảm ùn tắc và TNGT trong năm ATGT theo Quyết định 187 của UBND TP, ông Lê Toàn – Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, trong 37 dự án đã và đang được Sở GTVT trực tiếp triển khai theo chương trình 187 thì dự án lắp dải phân cách (mức vốn 44/105 tỷ đồng) có tác dụng làm giảm số vụ ùn tắc, đặc biệt là TNGT rất rõ rệt.
Thống kê cho thấy năm 2011, trên 23 tuyến đường trọng điểm, số vụ TNGT chiếm tới 36%. Sở đã chọn 11/23 tuyến phức tạp để triển khai lắp đặt dải phân cách, kết quả giảm được gần 53% số vụ TNGT và số người chết vì TNGT so với mức giảm bình quân hơn 15% trên toàn địa bàn”.
Ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng, 5 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm ngoái giảm cả ùn tắc và TNGT, kết quả đó mừng nhưng cũng lo. Lo vì 3 tháng đầu năm, TP kéo giảm tới trên 40% số vụ TNGT và số người chết nhưng tính trong 5 tháng chỉ còn giảm ở mức khoảng 25%.
TNGT tuy có giảm nhưng đang có dấu hiệu tăng lên nên Ban ATGT, Sở GTVT, Công an thành phố và các địa phương, đơn vị phải xác định rõ nguyên nhân tăng, giảm để điều chỉnh cho sát hợp.
Cùng với việc tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp cho năm ATGT 2012, các ngành chức năng và các quận, huyện phải làm rõ nguyên nhân để có giải pháp kịp thời và hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh.
Mã Phong
Theo Infonet
Kéo giảm 10% TNGT và UTGT tại TPHCM: Cần 400 tỉ đồng
Đó là kinh phí được Sở GTVT TPHCM dự tính để thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP trong năm 2012
Chiều 15-2, Sở GTVT TPHCM đã tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP trong năm 2012 cho các đơn vị trực thuộc. Nhiều giải pháp được ngành giao thông đưa ra tuy nhiên nỗi lo canh cánh vẫn là kinh phí thực hiện.
Chú trọng xử lý "điểm đen"
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Toàn khẳng định việc giảm 10% tai nạn giao thông (TNGT) trên cả ba mặt (số vụ, số người chết, bị thương) và 10% ùn tắc giao thông (UTGT) là chỉ tiêu không dễ thực hiện, cần phải tập trung làm ngay từ đầu năm bằng nhiều giải pháp mới có thể đạt được. Trong ba nhóm giải pháp mà sở này đưa ra, bên cạnh những giải pháp mới, nhiều giải pháp cũ được ưu tiên hàng đầu.
Cụ thể là điều chỉnh các vị trí cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, giữ xe; phối hợp với UBND quận, huyện mở rộng các hẻm nối thông các tuyến đường có mật độ giao thông cao... Trong tháng 2-2012, các đơn vị phải thống kê và phân tích xong 24 điểm đen về TNGT của năm 2011 và trước ngày 10-3-2012 phải xây dựng kế hoạch xóa điểm đen để đến hết quý II/2012 hoàn tất việc khắc phục các vị trí trên. Cũng vào thời gian này, Sở GTVT sẽ lắp đặt xong dải phân cách trên 31 tuyến đường để tách làn xe hai bánh và ô tô, hạn chế nguy cơ xảy ra TNGT.
Vòng xoay Cây Gõ (quận 6) sẽ được Sở GTVT TPHCM tổ chức lại giao thông trong năm 2012 nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc. Ảnh: Tấn Thạnh
Trong thời gian tới, Sở GTVT cũng sẽ tổ chức lại giao thông, phân làn giao thông một chiều tại 30 khu vực có nguy cơ xảy ra UTGT. Song song với việc phân luồng một chiều, 17 giao lộ cũng sẽ được các khu quản lý giao thông đô thị cải tạo để tăng diện tích mặt đường, tạo hướng rẽ phải nhằm giải thoát xe, tránh dồn ứ tại các ngã tư. Theo ông Toàn, để đạt mục tiêu đề ra, phải tập trung xử lý 24 điểm đen và 23 tuyến đường đen vì các vị trí này có giảm TNGT thì TNGT của toàn TP mới giảm. Ngoài các giải pháp trên, Sở GTVT còn chú trọng nghiên cứu xây dựng một số cầu vượt có kết cấu thép lắp ghép (dành cho xe tải trọng dưới 3 tấn) tại một số trục đường quan trọng; đề xuất các phương án xã hội hóa khi đầu tư cầu vượt cho người đi bộ trên đường Điện Biên Phủ, Quốc lộ 22 (trước Bến xe An Sương), Công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám), Kinh Dương Vương.
TP chi hơn 100 tỉ đồng
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1, nhận định kế hoạch rất cụ thể và khả thi nhưng cái khó là tiền vốn lấy đâu ra. Thống kê của Sở GTVT cho thấy tổng chi phí để thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kế hoạch này lên đến hơn 400 tỉ đồng. Ông Toàn cho biết hiện tại UBND TP mới "rót" 105 tỉ đồng để lắp đặt dải phân cách, gắn đinh phản quang, đèn tín hiệu giao thông, phần tiền còn lại vẫn phải đợi UBND TP tìm vốn bố trí sau. "Chính vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu vận dụng đồng vốn hiện có (gồm vốn duy tu, vốn bảo đảm giao thông và vốn ủy quyền - PV) một cách hiệu quả. Việc nào cấp bách, quan trọng hơn thì làm trước" - ông Toàn nhắc nhở.
Bên cạnh kinh phí, cơ chế cũng là vấn đề quyết định thành - bại của kế hoạch này. Vì vậy, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, kiến nghị Sở GTVT rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, tránh tình trạng các khu quản lý giao thông đô thị đồng loạt nộp mấy chục dự án về sở rồi cùng nhau ngồi... chờ. Để tránh tình trạng trên, ông Toàn yêu cầu các khu quản lý giao thông đô thị trình ngay các dự án về sở, khi tiền vốn "chạy" về sở này thì dự án cũng đã được phê duyệt xong. Ngoài ra, Sở GTVT cũng chấp thuận cho các đơn vị áp dụng cơ chế vừa thiết kế vừa thi công để nhanh chóng thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm nay.
Mở rộng Quốc lộ 1A cũng cần vốn
Sáng 15-2, Ban Pháp chế HĐND TPHCM đã giám sát việc thực hiện kế hoạch kéo giảm TNGT và UTGT năm 2012 trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận 12.
Làm việc với huyện Bình Chánh, đoàn giám sát nhất trí chương trình hành động mà địa phương này đề ra nhằm kéo giảm 10,7% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT và giảm 30% số điểm mất cắp thiết bị, vật tư, dây chiếu sáng. Đoàn giám sát thống nhất sẽ kiến nghị UBND TP bố trí vốn để mở rộng tuyến Quốc lộ 1A, sửa chữa, gắn đèn tín hiệu, gờ giảm tốc trên một số tuyến đường "đen" như: Đoàn Nguyễn Tuấn, Hương lộ 11, giao lộ Quốc lộ 1A - Hưng Nhơn...
Huyện Bình Chánh là địa bàn cửa ngõ của TP, năm 2011 xảy ra 125 vụ TNGT làm 130 người chết và 24 người bị thương, số người chết do TNGT của huyện Bình Chánh cao nhất TPHCM.
Theo Người Lao Động