Tài liệu bổ trợ bán kèm sách giáo khoa: Phụ huynh có quyền từ chối
Dù Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở GD để xảy ra tình trạng bán tài liệu bổ trợ kèm sách giáo khoa (SGK), tuy nhiên, tình trạng bán sách kiểu “combo” vẫn diễn ra.
Theo các chuyên gia, nhà trường cần rạch ròi, minh bạch không bán sách kiểu “nhập nhèm”; phụ huynh cần tỉnh táo khi lựa chọn.
Phụ huynh có quyền lựa chọn sách và nơi bán sách cho con. Ảnh minh họa
Chỉ cần mua SGK
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, phụ huynh nên mua đúng bộ sách được nhà trường lựa chọn sử dụng trong năm học này.
Đối với các nhà xuất bản, họ có quyền xuất bản các sách bài tập, sách bổ trợ, tham khảo. Tuy nhiên, khi đơn vị phát hành giới thiệu đến nhà trường cần có sự thống nhất chung: Đâu là SGK, đâu là sách bổ trợ, tham khảo; đồng thời tư vấn, hướng dẫn phụ huynh lựa chọn đăng ký mua.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, không phải có sách tham khảo, sách bổ trợ, học sinh học tốt hơn. Nếu muốn bổ trợ kiến thức cho học sinh, giáo viên có nhiều cách để hỗ trợ học trò của mình, không nhất thiết hoặc không bắt buộc phải mua những quyển sách này. Vì thế, các đơn vị phát hành sách và các nhà trường cần rạch ròi giữa SGK và sách bổ trợ, tham khảo.
“SGK và sách tham khảo là hai mục riêng biệt và phải bán riêng; không được đánh đồng khái niệm và càng không được ép buộc dưới mọi hình thức. Thậm chí, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT nên có chỉ đạo: Nhà trường chỉ nên bán SGK, không bán các loại sách khác và các thiết bị, đồ dùng học tập” – TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, sở GD&ĐT địa phương cần vào cuộc không để tình trạng bán sách kèm tài liệu bổ trợ tái diễn, gây khó khăn cho phụ huynh.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm: Với lớp 1 chỉ cần mua những cuốn SGK như Bộ GD&ĐT đã công bố, chưa cần thiết mua sách tham khảo, hay sách bổ trợ. Phụ huynh cần mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong việc lựa chọn sách cho con, chỗ nào chưa rõ thì hỏi và có quyền từ chối.
Video đang HOT
Bộ sách chính đủ dung lượng kiến thức cho học sinh. Ảnh minh họa
Bị ép buộc, phụ huynh có quyền tố cáo
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm lớp 1 – trao đổi: Việc viết SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới. Việc đầu tư vào cuốn sách (giấy tốt hơn, màu sắc rõ nét hơn) cũng tốn kém hơn trước. Điều này khiến cho giá thành 1 quyển sách sẽ cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, giá sách vẫn nằm trong phạm vi mà Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã phê duyệt.
Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, trước đây, học sinh có thể tương tác vào SGK. Sau khi có khuyến cáo không được viết vào SGK; khi viết sách các tác giả thường có kèm theo vở bài tập, ngay như môn Hoạt động trải nghiệm cũng có quyển này. Mục đích là để học sinh thực hiện các nhiệm vụ của bài học tốt hơn, thao tác nhanh hơn và dễ hiểu nội dung bài học hơn.
“Tuy nhiên, mỗi môn học có bao nhiêu cuốn bổ trợ thì tôi không biết. Nhưng với hoạt động trải nghiệm có một quyển vở bài tập đi kèm. Nếu như được tương tác vào SGK, không cần thêm quyển vở bài tập này” – PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định, đồng thời cho rằng: Kể cả SGK cũng không thể bắt buộc phụ huynh phải mua. Vì thế, càng không thể bắt phụ huynh mua quyển bổ trợ này, sách tham khảo kia. Tương tự như vậy, cuốn vở bài tập cũng không thể bắt buộc; có chăng chỉ là khuyên họ nên mua để hỗ trợ các con trong quá trình học tập. Còn mua hay không tùy thuộc vào nhu cầu và quyết định của phụ huynh.
Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, có rất nhiều cuốn sách mang tính đặc thù, giá thành cao, thậm chí lên đến vài trăm nghìn/cuốn, chẳng hạn như sách tiếng Anh. Vì thế, nếu nhà trường và các đơn vị phát hành tách riêng theo từng mục dễ được xã hội chấp nhận hơn.
“Nếu nhặt những cuốn sách thiết thực cho việc học của học sinh hết khoảng 300 – 400 nghìn. Việc đưa “combo” SGK kèm tài liệu bổ trợ đẩy giá thành lên cao là việc khác, không thể đổ lỗi hoặc đánh đồng SGK đắt hoặc tăng giá. Như thế là không công bằng” – PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, các trường và đơn vị phát hành cần minh bạch, rạch ròi theo từng hạng mục: SGK; sách bổ trợ, tham khảo; thiết bị đồ dùng dạy học… để phụ huynh dễ theo dõi. Không nên gửi cho phụ huynh theo kiểu “combo” trọn gói. “Thuận mua, vừa bán”, nên phụ huynh có quyền chọn mua sách này và không mua sách kia. Nếu nhà trường ngăn cản hoặc làm khó, phụ huynh có thể phản hồi đến các cấp có thẩm quyền.
Cha mẹ học sinh nếu thấy khúc mắc, thông tin chưa rõ ràng, minh bạch cần có ý kiến, thậm chí có quyền tố cáo nếu bị nhà trường ép buộc mua trọn gói “combo”. Muốn vậy, các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT cần thiết lập đường dây nóng để phụ huynh có thể phản ánh kịp thời. - TS Nguyễn Tùng Lâm
'Trộn chung' SGK và sách tham khảo là sai quy định, hiệu trưởng chịu trách nhiệm
Theo ông Thái Văn Tài, trường nào thông báo không rõ ràng mà liệt kê danh mục các sách cần mua, trong đó để kèm cả SGK lẫn sách tham khảo thì trường đó làm sai.
Vấn đề sách giáo khoa luôn là chủ đề nóng mỗi năm học mới, như vừa qua sự việc trường Tiểu học An Phong (Quận 8, TP.HCM) giới thiệu tới phụ huynh bộ sách giáo khoa lớp 1 có giá 807.000 đồng khiến dư luận bức xúc. Cho đến nay, phụ huynh vẫn đặt câu hỏi đơn vị phải nhận trách nhiệm về việc tăng giá không kiểm soát và chế tài xử lý ra sao?
Nhà trường làm trái quy định
Trao đổi với VTC News, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên do những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 các nhà xuất bản,Sở GD&ĐT, trường học, nhà phát hành cùng thoả thuận và chọn ra cách phát hành sách giáo khoa trực tiếp đến tay học sinh nhằm tiết kiệm thời gian trong đầu năm học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số trường tiểu học không thông báo cụ thể đâu là sách tham khảo, đâu là sách giáo khoa bắt buộc phải mua để phục vụ cho việc học khiến phụ huynh bức xúc.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.
Nếu nhà trường làm đúng trách nhiệm thì sẽ chỉ phối hợp phát hành đủ 8 đầu sách giáo khoa bắt buộc và 1 cuốn sách tự chọn (tiếng Anh). Cơ sở giáo dục nào không thông báo rõ ràng mà chỉ liệt kê danh mục các sách cần mua, trong đó để kèm cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo thì trường đó làm sai.
Về hành lang pháp lý và chế tài xử phạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo về thực hiện nghiêm túc nội dung liên quan tới sách giáo khoa lớp 1.
Trong đó các văn bản đều quy định rõ, cơ quan quản lý giáo dục, trường không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ. Các đơn vị có liên quan phải thông báo đầy đủ, chính xác cho phu huynh học sinh tham khảo để trang bị cho học sinh, phù hợp với nhu cầu.
Đặc biệt, trong Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28 quy định rõ: "Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo".
Tương tự, Thông tư số 21/2014/BGDĐT quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục quy định trình tự lựa chọn sách tham khảo. Theo đó các giáo viên sẽ đề xuất; tổ chuyên môn tổng hợp và báo cáo lên lãnh đạo cơ sở giáo dục; hiệu trưởng là người quyết định cuối cùng việc lựa chọn tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
Thông tư nêu rõ trách nhiệm từ giáo viên, tổ bộ môn và hiệu trưởng tuyệt đối không gây sức ép đến phụ huynh và học sinh trong việc mua sắm sách vở, tài liệu tham khảo.
Như vậy, việc nhà trường chưa thông tin rõ ràng khiến cho phụ huynh hiểu nhầm tài liệu tham khảo là bắt buộc là sai với quy định của Bộ.
Mặt khác, ông Tài cho rằng chúng ta cần nhìn nhận từ hai phía, một phần là do nhà trường chưa cung cấp đủ đẩy thông tin qua các kênh; phần khác rất mong phụ huynh có thông tin nào chưa nắm rõ nên hỏi trực tiếp trường để tăng cường sự trao đổi, tránh những sự việc hiểu lầm.
Bộ GD&ĐT đang yêu cầu Sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nếu phát hiện các trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 20/9.
Sai ở đâu xử lý nghiêm ở đó
Để khắc phục được tình trạng nhập nhèm bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng, mỗi phụ huynh hãy là nhà tiêu dùng thông thái, trang bị đầy đủ cho con em những tài liệu đúng theo quy định của Bộ.
Giáo viên trao đổi về sách giáo khoa lớp 1 mới.
Với những thông tin chưa nắm rõ, phụ huynh cần tìm hiểu, kịp thời trao đổi lại với nhà trường. Qua quá trình trao đổi, phản ánh nếu nhà trường vẫn khẳng định số sách tham khảo đó là bắt buộc phải mua thì phụ huynh hoàn toàn có quyền phản ánh đến các cơ quan nhà nước để xử lý nghiêm.
Chỉ có như vậy chúng ta mới xử lý triệt để được vấn đề "nhập nhèm" mua sách giáo khoa kèm sách tham khảo đầu năm học.
Trong khi đó nhà trường cần chủ động tốt hơn trong cung cấp thông tin và nội dung đến phụ huynh. Cần công tâm thông báo rõ ràng sách giáo khoa là bắt buộc, tài liệu tham khảo là phụ đạo, những đối tượng nào nên và chưa nên dùng sách tham khảo hay sử dụng sách này trong thời gian, không gian nào để phụ huynh nằm được tự nguyện trang bị.
Đồng thời, rất cần vai trò giám sát, phản biện của các phụ huynh, báo chí phản ánh để cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ xử lý nghiêm. Các cơ quan chức năng ở địa phương phải kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Nếu thực hiện được vậy thì câu chuyện này sẽ được xử lý dứt điểm.
Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT có đầy đủ hành lang pháp lý cụ thể và quy định trách nhiệm rõ ràng. Việc nhập nhèm bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa hoàn toàn là vi phạm của trường. Ở đâu sai phạm thì ở đó cơ quan chức năng của địa phương phải xử lý nghiêm.
Những đầu sách giáo khoa lớp 1 bắt buộc phải có trong năm học 2020- 2021 Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD-ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Năm học mới 2020-2021 đã chính thức bắt đầu, nhiều phụ huynh đang còn băn khoăn, nhà trường gửi danh mục sách giáo khoa và sản phẩm giáo...