Tác hại của thuốc lợi tiểu
Nếu dùng thuốc lợi tiểu không đúng có thể dẫn đến nhiều rối loạn trong cơ thể, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm người uống thuốc đi tiểu nhiều hơn. Nếu dùng thuốc lợi tiểu không đúng có thể dẫn đến nhiều rối loạn trong cơ thể, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh tự kê đơn
Bà V.N.T. – 65 tuổi, nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM – bị bệnh tăng huyết áp, được bác sĩ kê toa thuốc lợi tiểu indapamid 1,5mg uống mỗi ngày/viên và hẹn tái khám sau hai tuần thử máu kiểm tra chất điện giải.
Thấy trong người khỏe nên bà tự ý mua thuốc uống liên tục ba tháng mà không đi tái khám.
Vài ngày trước khi nhập viện, người nhà thấy bà T. mệt mỏi nhiều, chán ăn, tri giác tệ dần và nằm mê man, sau đó co giật. Bà T. vào viện cấp cứu, được chẩn đoán là hôn mê do hạ natri máu.
Mặc dù thuốc lợi tiểu được dùng chủ yếu để chống ứ nước trong cơ thể, nhưng thầy thuốc sẽ căn cứ vào bệnh, tình trạng từng người mà có chỉ định thích hợp.
Thuốc lợi tiểu thường được bác sĩ dùng điều trị bệnh tăng huyết áp và kiểm soát triệu chứng phù do các bệnh suy tim, xơ gan, suy thận. Theo quy chế kê đơn, thuốc lợi tiểu thuộc nhóm chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.
Người bệnh không nên đơn giản chỉ biết đến tính chống phù mà tự ý dùng, quên mất các tác dụng phụ khác, đó là chưa kể cần phải biết phù là do nguyên nhân gì.
Một trường hợp khác là ông N.D.Đ. – 60 tuổi, nhà ở Q.11, TP.HCM – gần đây bỗng thấy hai chân sưng húp. Ông không đi khám bệnh mà nghe lời bạn bè mua thuốc lợi tiểu uống.
Mấy ngày đầu chân có bớt sưng nhưng sau đâu vẫn hoàn đấy. Tuy nhiên, ông vẫn cố uống thêm một thời gian nữa cho đến khi bị chuột rút và tay co quắp mới đi khám bệnh.
Kết quả thử máu cho thấy nguyên nhân gây chuột rút và co quắp tay của ông là do hạ canxi máu – tác dụng phụ do thuốc lợi tiểu gây ra. Còn nguyên nhân gây phù chân là do suy van tĩnh mạch hai chân.
Dùng thuốc lợi tiểu là muốn lấy bớt nước thừa ra khỏi cơ thể, tuy nhiên nếu dùng quá mức có thể gây giảm thể tích dịch cơ thể dẫn đến tụt huyết áp làm chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc hôn mê.
Video đang HOT
Đối với người bệnh đái tháo đường, nếu lợi tiểu quá mức có thể dẫn đến rối loạn các chất điện giải trầm trọng, làm đường huyết tăng lên rất cao, dễ đưa đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.
Phải theo chỉ định của bác sĩ
Người bệnh cần biết triệu chứng phù là biểu hiện do nhiều bệnh gây ra. Có thể do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, xơ gan, suy thận, suy dinh dưỡng đạm.
Phù có thể do dị ứng, viêm, giãn tĩnh mạch, tắc mạch bạch huyết, do có thai chèn ép, tác dụng phụ của thuốc kháng viêm giảm đau… Vì thế, nhất thiết phải có sự chỉ định của bác sĩ mới được dùng thuốc.
Trong điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc do bác sĩ chỉ định, không được tự ý ngưng thuốc dù cảm thấy khỏe hơn.
Có người cho rằng dùng thuốc lợi tiểu đi tiểu nhiều làm yếu thận và liệt dương nên không tuân thủ điều trị.
Điều này không nên, chỉ có spironolacton dùng liều cao và lâu ngày có thể gây tình trạng yếu sinh lý, khi ngưng thuốc sẽ hồi phục.
Người bệnh nên báo cho thầy thuốc biết tác dụng ngoài ý muốn để thầy thuốc xử trí bằng cách thay thuốc khác, chứ không nên tự ý bỏ thuốc.
Trong cơ thể, chất điện giải natri và kali đồng hành khăng khít với nhau. Các thuốc lợi tiểu thông dụng (nhóm thiazid và nhóm lợi tiểu quai) có tác dụng thải natri đồng thời làm mất kali.
Kali rất quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt. Vì vậy, người dùng thuốc lợi tiểu nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để bổ sung kali.
Hoặc khi dùng thuốc lợi tiểu mà thấy xuất hiện các triệu chứng như: vọp bẻ, yếu cơ, mệt mỏi, buồn nôn, khát nhiều, bất an, mạch nhanh… thì phải đến bác sĩ khám ngay.
Khi sử dụng thuốc lợi tiểu có thể gặp tác dụng phụ:
- Mất cân bằng điện giải: hạ natri, tăng hoặc giảm kali quá mức, hạ canxi và magiê máu.
Các chất này rất cần thiết cho cơ thể, nhất là cho hệ thần kinh – cơ. Khi bị rối loạn nặng có thể dẫn đến yếu cơ, tê, co quắp chân tay, rối loạn nhịp tim, hôn mê, co giật hoặc gây chết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Tăng lượng mỡ trong máu.
- Nhiễm độc tai gây điếc.
- Tăng axit uric gây bệnh gút.
BSCK1 Nguyễn Thanh Hải (Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương)
Theo Tuổi Trẻ
Việc gì phải kiêng trái cây!
Vào thập niên trước, thầy thuốc hầu như chủ trương kiêng hết. Khuyên kiêng trái cây cơ bản cũng không sai vì nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, mít, mứt... làm tăng đường huyết một cách đột ngột.
Bệnh nhân có lượng đường trong máu chưa ổn định tất nhiên phải né các loại trái cây quá ngọt.
Đây lại chính là vấn đề vì một số không ít người bệnh tiểu đường vẫn quan niệm là trái cây không có đường. Do đó, muốn ăn trái cây phải biết canh cho đúng lúc, chẳng hạn đừng ăn trái cây như món tráng miệng ngay sau bữa ăn có nhiều tinh bột (cơm, bánh mì), vì đường huyết chắc chắn sẽ càng tăng cao.
May cho người bệnh là quan điểm kiêng cữ trái cây hiện nay không còn quá khắt khe nhờ thầy thuốc hiểu nhiều hơn về bệnh tiểu đường.
Người bệnh không cần kiêng cữ tất cả hoa quả, vì:
- Trái cây nếu dùng đúng cách, nghĩa là với lượng nhỏ hay dưới dạng sấy khô, là nguồn cung ứng chất xơ cần thiết cho tiến trình biến dưỡng chất béo trong bệnh tiểu đường.
- Trái cây là dạng thực phẩm tiếp tế sinh tố cho người bệnh tiểu đường. Theo một số nhà nghiên cứu, lượng sinh tố trong trái cây vừa ở dạng dễ hấp thu vừa có tác dụng an toàn hơn thuốc đa sinh tố, vì nhiều người bệnh tiểu đường dễ bị dị ứng với chất phụ gia trong dược phẩm tổng hợp.
- Đường huyết nếu không ổn định thường do nguyên nhân khác (dùng thuốc trị tiểu đường không đúng cách, bữa ăn quá nhiều tinh bột, ít vận động, lo lắng thái quá, dùng thuốc khác đi kèm có tác dụng tăng đường huyết, rối loạn tuyến giáp, đang lúc mang thai...) chứ không chỉ vì ăn trái cây, trừ khi ăn quá lố mỗi ngày và nhiều ngày liên tục.
Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường, người bệnh có thể yên tâm dùng trái cây với điều kiện:
- Đường huyết trong giai đoạn ổn định.
- Không dùng một lượng nhiều hơn 150 g mỗi lần.
- Khoảng cách giữa hai lần ăn trái cây phải tối thiểu 6 giờ.
- Tránh trái cây đúng mùa vì quá ngon ngọt dễ làm xiêu lòng người.
- Dùng hoa quả sau khi vận động đến đổ mồ hôi.
- Uống nhiều nước ngay sau khi ăn trái cây.
Khéo hơn nữa là khi người bệnh tiểu đường kết hợp trái cây với một loại rau cải hay mễ cốc nào đó trong lúc ăn, để:
- Mau có cảm giác no bụng nhằm tránh tình trạng quá mạnh miệng với trái cây.
- Lượng đường trong hoa quả được hấp thu vào máu hòa hoãn hơn.
Trái cây không còn là món ăn cấm kỵ của người bệnh tiểu đường, nếu bệnh nhân và thân nhân hiểu cách áp dụng hợp lý.
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
(Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TPHCM)
NLD
Ăn nhiều vải mùa nóng lợi hay hại? Vải thiều có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2, C. Ngoài việc dùng ăn tươi, vải có thể phơi khô ăn thay đường cũng rất bổ dưỡng. Các sách thuốc cổ có ghi: "Thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới...