Tác động của Brexit tới EU và Việt Nam dưới góc nhìn chuyên gia Đức
Thời điểm chính xác để Liên minh châu Âu sắp xếp lại những xáo trộn do cuộc trưng cầu Brexit gây ra chưa rõ, nhưng có ba nhân tố cần xem xét.
Nhiều người dân Anh đang nỗ lực ngăn Brexit trở thành hiện thực. Ảnh minh họa:AFP
“Việc nói chính xác rằng bao lâu để châu Âu và thế giới ổn định lại trở lại rất khó. Tuy nhiên có ba nhân tố cần xem xét, thứ nhất là hiện chưa xác định Anh có thực sự rời khỏi EU hay không. Thủ tướng Scotland đã nêu lên những quan ngại mạnh mẽ và đe dọa một cuộc trưng cầu thứ hai về độc lập của khu vực này, có thể dẫn tới sự tan rã liên hiệp giữa Scotland với Anh”, Tiến sĩ Enrico Fels, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Bonn, Đức, trao đổi với VnExpress.
Ông Fels lưu ý cuộc trưng cầu Anh rời EU (Brexit) mới đây không phải là một ràng buộc về mặt pháp lý với chính phủ nhưng nếu các lá phiếu ủng hộ Anh không còn là thành viên của EU bị bỏ đi, chắc chắn sẽ tạo nên một sự rối loạn chính trị trong nội địa Anh ở quy mô lớn.
Theo ông Fels, nếu Liên hiệp tan rã, chắc chắn sẽ gây nên làn sóng chấn động ở châu Âu khi các khu vực khác của các nước có thể dễ dàng đòi độc lập.
Điều thứ hai, với việc Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức, Anh cần một lãnh đạo mới được bầu ra bởi đảng Bảo thủ càng sớm càng tốt. Lãnh đạo mới sau đó phải quyết định có rời khỏi EU hay không.
Thứ ba, quá trình rút lui của Anh mất bao lâu chưa rõ ràng và các lãnh đạo EU dường như chưa thống nhất về một quá trình nhanh hay chậm thì tốt hơn.
“Tôi không vui với thực tế Anh rời khỏi EU nhưng tôi tin một quá trình nhanh chóng có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên hơn là chậm vì điều đó khiến các lãnh đạo EU dành thời gian vào các cuộc khủng hoảng cần giải quyết. EU cần tái cấu trúc lại bản thân. Chẳng hạn, hệ thống bỏ phiếu ở Hội đồng châu Âu (EC) phải tái cân bằng khi 29 phiếu của Anh sẽ mất đi và 73 nghị sĩ sẽ rời Nghị viện EU. Điều này có thể dẫn tới cải cách Nghị viện”, ông Fels nói.
Chuyên gia người Đức cho rằng nếu Anh nhanh chóng chấp nhận tình hình nội địa, ông trông đợi một quá trình đàm phán vững chắc hơn sau đó. Thêm nữa, các lãnh đạo châu Âu sẽ phải cải thiện cả đầu vào và đầu ra về các quy định của EU, nhằm đưa toàn khối trở nên vững chắc hơn, dân chủ và có trách nhiệm giải trình. Nếu không có cải cách, các chiến dịch rời khỏi EU của các nước thành viên có thể tăng trong tương lai, khi Anh có thể khôi phục sau Brexit và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn EU. Điều này có thể ngăn EU ổn định và ảnh hưởng tới cả các khu vực khác.
Sau khi các lãnh đạo Anh quyết định thúc đẩy thông qua Brexit, họ phải khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon và cần thông báo chính thức đến EC về quyết định rút khỏi EU của mình. Sau đó cả hai bên cần bắt đầu các đàm phán về thỏa thuận rút lui. Các thương lượng nên bắt đầu nhanh, vì toàn bộ EU hiện bị ảnh hưởng bởi tình trạng không chắc chắn do Brexit gây ra, làm tăng thêm nhiều thách thức của châu Âu.
Về mặt kinh tế, Anh sẽ phải chịu tác động trong một khoảng thời gian ngắn hoặc trung hạn, vì sự bấp bênh sẽ có tác động tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư. Thương mại chắc chắn sẽ khôi phục trong tương lai gần, dù vậy Anh có thể sẽ gặp khó khăn trong quá trình đàm phán lại vào Thị trường chung EU vì Brussels, nơi đặt trụ sở EU, sẽ đảm bảo chắc chắn để làm nản lòng với các thành viên khác nếu muốn rời EU.
Video đang HOT
Sự bất mãn gia tăng trong dân số các nước, rằng EU không mang lại lợi ích cho quốc gia họ, chắc chắn sẽ có tác động đến các thảo luận này.
Theo Pew, hai nước có quan điểm không ủng hộ EU cao hơn cả Anh là Hy Lạp với tỷ lệ chiếm tới 71%, Pháp là 61%, trong khi Anh có 48%. Kết quả ở các nước khác như Đức là 48%, Tây Ban Nha 49%, Hà Lan 46% hoặc Thụy Điển 44% gần với những con số mà mọi người thấy ở Anh.
Ông Fels bác bỏ lo ngại rằng Anh rời khỏi EU phản ánh một trật tự thế giới mới. Dù hiện có cơn hỗn loạn kinh tế, Anh nếu thực sự rời khỏi EU, vẫn là thành viên của NATO và một đối tác chính trị, kinh tế quan trọng với nhiều thành viên EU. Do đó các tác động với tình hình an ninh khu vực sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, các kế hoạch về hội nhập hơn nữa của lực lượng vũ trang các nước thành viên có thể được tăng cường vì London về truyền thống rất do dự trong thiết lập một lực lượng vũ trang EU, trong khi các thành viên khác, như Đức, ủng hộ.
Tác động đến Việt Nam
“Khó xác định các hệ quả với quan hệ Anh với Việt Nam nếu như Anh không còn là thành viên của EU. Về thương mại song phương, Anh và Việt Nam chỉ có hợp tác quy mô nhỏ khoảng 5,4 tỷ USD năm ngoái, gần bằng lượng Đức nhập khẩu từ Anh riêng trong tháng 4 năm nay”, ông Fels nhận định.
Việt Nam cũng có thặng dư thương mại lớn với Anh trong thời gian dài, khoảng 4,8 tỷ USD trong năm ngoái. Việc giảm giá đồng Bảng Anh sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam đắt đỏ hơn ở Anh, trong khi sản phẩm của Anh lại có lợi thế trên thị trường toàn cầu.
Tác động lớn nhất có thể là London sẽ không được hưởng lợi từ Hiệp định tự do thương mại (FTA) mới đạt được giữa EU với Việt Nam. Khi cả Việt Nam và Anh đều là thành viên WTO hai nước sẽ không phải chịu thuế quá cao. Có thể Anh sẽ bắt đầu thương lượng thương mại với Việt Nam và các nước khác càng sớm càng tốt khi nước này thực sự rời khỏi EU. Việt Nam có thể thực sự hưởng lợi từ tình hình này và đạt được vị thế tốt với chính phủ tương lai của Anh, nếu là nước đầu tiên hoàn tất FTA với Anh sau Brexit. Quan hệ thương mại ổn định hiện đều mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Về phương diện EU với Việt Nam, ông Fels cho rằng thách thức chủ yếu là sự không chắc chắn. EU hiện phải chấp thuận cuộc trưng cầu Brexit, các lãnh đạo phải quyết định cách tốt nhất để thực hiện bước tiếp theo. Sự không chắc chắn về mặt chính trị này, cùng với thực tế Anh là nền kinh tế lớn thứ hai của EU có thể rời đi sẽ ảnh hưởng tới kinh tế các nước thành viên, có thể tác động đến quan hệ thương mại với các nước ngoài khối như Việt Nam. Các công dân EU có thể quyết định trì hoãn việc mua bán và các công ty EU có thể đình lại các kế hoạch đầu tư.
Liên hệ tình hình EU với ASEAN, Fels cho rằng, “nếu sự chia rẽ về các vấn đề quan trọng như tranh chấp Biển Đông hoặc vai trò khu vực của Trung Quốc gia tăng trong tương lai, sự rút lui khỏi ASEAN có thể xảy ra, nhưng không xảy ra sớm. Hơn thế, các nước thành viên không phải đối diện với lượng đáng kể dân số trong nội địa có quan điểm chống ASEAN, một sự khác biệt lớn với nhiều nước EU”, ông Fels nói.
Việt Anh
Theo VNE
'Kẻ bên lề' có thể trở thành thủ tướng Anh hậu Brexit
Một nghị sĩ đảng Bảo thủ xuất thân từ tầng lớp lao động đang có cơ hội trở thành tân thủ tướng Anh thay thế cho ông David Cameron sau cuộc bỏ phiếu Brexit.
Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Stephen Crabb. Ảnh: Independent
Chỉ trong vài tháng, Stephen Crabb, nghị sĩ đại diện khu vực Preseli Pembrokeshire, từ ghế Bộ trưởng phụ trách xứ Wales đã nhanh chóng được đề bạt vào vị trí Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Anh. Hiện tại, ông có triển vọng lớn trở thành tân thủ tướng Anh nếu được bầu làm chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền, theo Independent.
Việc Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau khi cử tri nước này lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 đã tiếp thêm động lực cho cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Thông điệp vận động tranh cử của Crabb rất rõ ràng: cuộc trưng cầu dân ý với kết quả ủng hộ Anh rời EU cho thấy người dân đang hoang mang lẫn giận dữ bởi họ cảm thấy bị nền chính trị và những lãnh đạo cấp cao bỏ rơi. Đảng Bảo thủ cần một người dẫn dắt hiểu cách xây dựng cuộc sống mới trong điều kiện không có nhiều thuận lợi nhằm đưa đất nước gắn kết trở lại.
Tự hào về nguồn gốc xuất thân
Bình luận viên Charlie Cooper từ Independent nhận định nội dung bài phát biểu Crabb đưa ra hôm 29/6 nhằm thông báo việc ông tranh cử ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ đã tận dụng một cách triệt để nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp lao động của ông.
"Tôi thụ hưởng nền giáo dục tuyệt vời ở một ngôi trường tốt toàn diện phía bên kia con đường từ khu nhà xã hội nơi tôi sống. Tôi có một tấm gương mẫu mực là mẹ tôi, người đã vượt qua vô vàn khó khăn và làm việc cật lực vì anh em chúng tôi. Bà đưa chúng tôi đến thư viện công mỗi dịp cuối tuần, nơi tôi đắm chìm trong những cuốn sách để trau dồi kiến thức. Tôi lao động mỗi ngày từ năm 12 tuổi, bắt đầu với việc bán hàng ở một cửa hiệu địa phương rồi dần chuyển lên bán hàng cho một siêu thị của Tesco. Tôi đã làm việc tại các công trường trên khắp cả nước để trang trải chi phí học đại học", ông Crabb nói.
Hãy tưởng tượng nếu Thủ tướng David Cameron cũng kể một câu chuyện tương tự về nguồn gốc của ông. "Tôi nhận được sự giáo dục tuyệt vời ở một ngôi trường công có nhiều đặc quyền nhất nước, nơi mà từ đó, tôi thỉnh thoảng trở về nhà của người cha giàu có làm nghề môi giới chứng khoán. Trong năm nghỉ ngơi trước khi vào đại học, tôi đã làm việc tại một công ty lớn ở Hong Kong, sau đó trở về học tại Oxford và tham gia một câu lạc bộ xã hội mà các thành viên phải mang đồng phục có giá đến 3.500 bảng (104 triệu VNĐ). Đây cũng là nơi để các thành viên uống bia rượu vô độ và quậy phá", Cooper viết.
Chính vì xuất thân giàu có, ông Cameron đã không nhận được nhiều cảm tình từ các cử tri tầng lớp lao động, Cooper đánh giá.
Dù đảng Bảo thủ giành thắng lợi với đa số ghế tại Quốc hội trong hai cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, ông Cameron chưa bao giờ giành chiến thắng một cách thuyết phục trong nội bộ đảng. Những lời kêu gọi Thủ tướng Anh đưa ra nhằm cải cách đảng Bảo thủ theo thuyết chủ nghĩa bảo thủ một quốc gia nhằm xây dựng dân chủ và công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội luôn phản tác dụng bởi câu chuyện xuất thân của ông. Câu chuyện này đeo bám ông dai dẳng. Đối với một bộ phận lớn cử tri, đây là lý do chính khiến họ không ủng hộ những người phe Bảo thủ.
Xóa bỏ định kiến bảo vệ nhà giàu
Stephen Crabb xuất hiện, không mang theo những định kiến nặng nề đối với quá khứ của ông. Điều này sẽ góp phần nâng cao cơ hội ông giành chiến thắng trong cuộc đua tranh ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Cựu thủ tướng Anh John Major từng đưa đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1992 bằng một chiến dịch vận động chủ yếu khai thác nguồn gốc xuất thân của ông từ tầng lớp lao động ở Brixton, London.
Lúc bấy giờ, một áp phích ấn tượng của cuộc vận động đã chạy dòng chữ: "Điều gì mà đảng Bảo thủ mang lại cho một cậu bé tầng lớp lao động đến từ Brixton? Họ chắc chắc sẽ đưa cậu lên làm thủ tướng".
Crabb hoàn toàn có thể đưa ra thông điệp tương tự, chỉ thay đổi chữ West Wales, nơi ông sinh trưởng, cho chữ Brixon, Cooper nhận xét. Đây là thời điểm quan trọng để đảng Bảo thủ sử dụng chiến thuật này nhằm dập tắt tất cả những đòn công kích từ Công đảng đối lập khi nói rằng đảng Bảo thủ xem trọng đặc quyền và bảo vệ cho tầng lớp giàu có.
Lập trường của Crabb về việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến Brexit cũng cho thấy cuộc vận động của ông sẽ nhắm vào tầng lớp lao động. Ông nhấn mạnh rằng kiểm soát nhập cư, mối lo lắng lớn nhất khiến nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, là "lằn ranh đỏ" đối với ông. Ông cam kết sẽ "không còn biên giới mở" nữa nhưng tiếp tục duy trì khả năng tiếp cận của Anh với thị trường chung EU. Ông cũng cam kết quan tâm đến những trăn trở chính đáng của người dân về vấn đề việc làm.
Cựu thị trưởng London Boris Johnson (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, hai ứng viên hàng đầu cho ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ảnh: Open Europe
Hiện tại, Crabb được xem như kẻ đứng bên lề trên đường đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ vì ông đang đứng ở vị trí khá xa với so với hai ứng viên hàng đầu là cựu thị trưởng London Boris Johnson và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ chưa thể hiện sự ủng hộ cho ứng cử viên cụ thể nào và sự hậu thuẫn dành cho các nhân vật nặng ký khác như Bộ trưởng Kinh doanh Sajid Javid hay Tổng chưởng lý Jeremy Wright cũng rất đáng chú ý. "Nếu thể hiện được các thế mạnh của mình, Crabb vẫn có cơ hội chiến thắng", Cooper nhận định.
Hồng Vân
Theo VNE
Bộ trưởng Tư pháp, Nội vụ tranh cử chức thủ tướng Anh Bộ trưởng Michael Gove và Theresa May nằm trong số các chính trị gia tranh cử chức thủ tướng Anh thay ông David Cameron. Thủ tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove. Ảnh: Telegraph "Trong vài ngày nữa, tôi sẽ đề ra kế hoạch cho Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland...