Syria: không bên nào ủng hộ nghị quyết Geneva
Cả hai phía trong cuộc xung đột ở Syria đều phản đối gay gắt kế hoạch của cuộc họp Geneva hôm 30/6 về việc thành lập chính phủ chuyển giao cho nước này.
Cả chính quyền Tổng thống Assad và lực lượng đối lập Syria đều phản đối nghị quyết của cuộc họp quốc tế về Syria tại Geneva hôm 30/6.
Cuối tuần qua, cả Nga và Trung Quốc lại cùng nhau nhất quyết phản đối đòi hỏi của phương Tây dẫn đầu là Mỹ, Anh về một nghị quyết có tính ràng buộc khiến Tổng thống Assad phải ra đi.
Các nước tham gia cuộc họp tại Geneva đã thông qua một nghị quyết kêu gọi thành lập một “chính phủ chuyển giao hợp nhất quốc gia”, tiến hành các cuộc bầu cử mới và thảo ra hiến pháp mới.
Cả Nga và Trung Quốc đều thống nhất về việc thành lập chính phủ chuyển giao nhưng yêu cầu cộng đồng quốc tế để “người Syria” quyết định thành phần của chính phủ.
Phản ứng trước kết quả cuộc họp trên, đảng al-Baath cầm quyền ở Syria tuyên bố cuộc họp đã “thất bại”.
“Thỏa thuận của các nước tại cuộc họp Geneva hôm thứ Bảy về Syria giống như một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở rộng nơi vị thế của các nước tham gia không có gì khác”, đảng này phát biểu.
Trong khi đó, lực lượng đối lập chính, Hội đồng quốc gia Syria, tuyên bố nghị quyết của cuộc họp Geneva là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi không đề cập gì đến chuyện ông Assad phải ra đi.
“Sẽ không có thành viên nào của lực lượng đối lập Syria chấp nhận tham gia chính phủ chuyển giao khi Assad vẫn còn nắm quyền”, nhóm này tuyên bố.
Video đang HOT
Cuộc họp lại cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa Nga và Hoa Kỳ về vấn đề Syria. Trong khi Hoa Kỳ khăng khăng rằng ông Assad phải ra đi thì Nga phản đối yêu cầu đó. Trước đó, cả Nga và Trung Quốc đều đã ngăn cản bất kỳ nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc kêu gọi ông Assad từ chức.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói thẳng: “Ông Assad sẽ vẫn phải ra đi. Điều mà chúng tôi vừa làm ở đây là gạt bỏ điều huyễn hoặc rằng ông ta và những ai có bàn tay nhuốm máu vẫn có thể tại vị”.
Và bà Clinton nói thêm rằng có “một sự lựa chọn chấp nhận được” dành cho chính quyền Assad.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu rằng ông cảm thấy “hài lòng” về nghị quyết của cuộc họp.
Từ trước đến nay Nga vẫn là nước ủng hộ chính quyền Assad mạnh mẽ nhất. Syria cho phép Mátxcơva thành lập căn cứ hải quân tại lãnh thổ của mình và là nhà nhập khẩu vũ khí chính của Nga.
“Con đường chính xác cho việc thành lập một chính phủ chuyển giao sang trang mới sẽ được chính người Syria quyết định”, ông Lavrov nói. Ông cũng nói thêm rằng trong khi một vài quốc gia khác tại cuộc họp cố gắng tìm cách xác định các nhóm nào sẽ không được tham gia vào chính phủ tương lai, “chúng tôi (Nga) đã thuyết phục họ rằng điều đó là không thể chấp nhận được”.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả rập về Syria, ông Kofi Annan phát biểu: “Tôi không thể nói tôi thực sự hành phúc nhưng tôi thấy hài lòng với kết quả ngày hôm nay”.
Theo Infonet
Giờ G đã điểm, Syria "yên lặng như tờ"
Các nhà hoạt động cho hay sau 13 tháng nổi dậy hôm nay các điểm nóng ở Syria đã trở nên yên ắng. Tình trạng đó báo hiệu lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực và chính quyền của Tổng thống Bashar Assad đã giữ đúng cam kết dừng các cuộc tấn công vào nơi trú ẩn của lực lượng nổi dậy.
Một ngôi nhà bị phá hủy ở làng Taftanaz, tỉnh Idlib, Syria hôm 5/4 - Nguồn: UPI
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết quân đội và xe tăng vẫn đi tuần tại các khu vực có xung đột. Đây là biểu hiện vi phạm kế hoạch ngừng bắn của ông Kofi Annan, đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc - Liên đoàn Ả rập. Theo đúng kế hoạch, quân đội Syria phải rút toàn bộ về các doanh trại của mình.
Bên cạnh đó, dư luận vẫn nghi ngờ lệnh ngừng bắn sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt do chính phủ Syria đã từng thất hứa, cho rằng mình có quyền đáp trả lại các cuộc tấn công và dựa vào luận điệu đó để lảng tránh nghĩa vụ của mình.
Theo sáng kiến của ông Kofi Annan, sau cuộc ngừng bắn sáng nay, các quan sát viên quốc tế sẽ được điều đến Syria và các cuộc đàm phán giữa chính quyền với lực lượng nổi dậy về chuyển giao chính trị sẽ bắt đầu.
Tuy nhiên, lực lượng đối lập và phương Tây vẫn nghi ngờ mục đích của chính quyền Syria do nếu lệnh ngừng bắn được thực thi, sẽ có nhiều người biểu tình đổ ra đường phố giống như thời kì đầu của cuộc nổi dậy.
Dù vậy, đến 6 giờ sáng hôm nay theo giờ địa phương, các nhà hoạt động đối lập cho biết thời hạn của lệnh ngừng bắn đã trôi qua và không có hoạt động bạo lực lớn nào xảy ra.
Kế hoạch sáu điểm của ông Kofi Annan
- Dừng bắn vào ngày 12/4 sau khi quân đội rút lui ngày 10/4
- Chính phủ sẽ hướng đến một giải pháp hoàn toàn mang tính chính trị
- Đảm bảo quyền biểu tình hòa bình
- Tự do tác nghiệp cho các nhà báo
- Thả tự do những người bị bắt giam tùy tiện
- Ngừng bắn để cứu trợ nhân đạo cho các vùng bị ảnh hưởng
Rami Abdul-Rahman, người đứng đầu cơ quan quan sát tình hình nhân quyền Syria cho hay toàn bộ các điểm nóng của Syria như các tỉnh Hama và thành phố Homs, các vùng phía bắc như Idlib và Aleppo, thủ đô Damascus và ngoại ô cũng như vùng Daraa ở phía nam và Deir el-Zour ở phía đông đều yên ắng.
"Đến giờ không có chuyện gì xảy ra tại những điểm nóng này", ông Abdul-Rahman nói.
Nhưng quân đội, xe tăng và xe bọc thép chở quân vấn tiếp tục tuần hành tại một số điểm có hoạt động chống đối.
"Các chốt canh gác và xe tăng vẫn chưa được rút đi. Chúng vẫn còn ở đó như cũ nhưng từ 6 giờ sáng đến giờ chúng tôi không nghe thấy tiếng súng bắn nào", Maath al-Shami, một nhà hoạt động ở thủ đô Damascus, cho biết.
Có lẽ phép thử lớn đối với lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu vào ngày mai, thứ Sáu vì đây là ngày diễn ra biểu tình chống chính quyền hàng tuần.
Chính quyền Syria phủ nhận mình đang đối mặt với một cuộc nổi dậy toàn dân mà cho rằng lực lượng nổi dậy chỉ là những kẻ khủng bố đang tiến hành một âm mưu hủy hoại Syria của thế lực bên ngoài. Hôm qua, chính phủ Syria đưa ra điều kiện để ngừng bắn, tuyên bố quân đội nước này có quyền tự vệ nếu bị tấn công.
Lực lượng nổi dậy Quân đội tự do Syria cho hay đã tuân theo lệnh ngừng bắn. Nhưng Quân đội tự do Syria là lực lượng nổi dậy không có tổ chức và dư luận lo ngại rằng các nhóm nổi dậy sẽ lợi dụng tình hình lộn xộn.
Tình trạng yên ắng hôm nay là lần ngừng bắn đầu tiên trong hơn 2 tháng qua.
Hôm qua, Nhà Trắng tỏ ra thận trọng đưa ra bình luận.
"Điều quan trọng cần phải nhớ là chúng tôi đánh giá chính quyền Assad bằng hành động của họ chứ không phải bằng lời hứa, bởi lẽ quá khứ đã chứng minh rằng đó chỉ là những lời hứa suông", phát ngôn viên của Nhà Trắng Jay Carney phát biểu tại Washington.
Dự kiến đặc phái viên Annan sẽ báo cáo trực tuyến về tình hình Syria cho Hội đồng Bảo an ở Geneva.
Các cường quốc phương Tây đặt hết hi vọng vào kế hoạch hòa bình của ông Annan, một phần là bởi vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Liên Hợp Quốc đã loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Syria giống như kịch bản lật đổ nhà lãnh đạo Lybia Moammar Gadhafi, còn các vòng cấm vận và những nỗ lực cô lập Tổng thống Assad đã có rất ít tác dụng giúp chấm dứt tình trạng đổ máu.
Ả rập Xê út và Qatar kêu gọi cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy nhưng dù có thực hiện theo đề xuất đó thì không ai đảm bảo được rằng chính quyền được vũ trang tốt của ông Assad sẽ bị lật đổ.
Số phận ông Assad có thê thảm như Gaddafi? Trong tuần qua, người ta chứng kiến Tổng thống Bashar al-Assad bị dồn ép quyết liệt cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài ra, còn có tin ông Assad cùng các thành viên gia đình đang bị giam cầm trong chính dinh thự của họ. Những diễn biến đáng lo ngại này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu số phận Tổng...