Sỹ tử mê muội bói toán trước mùa thi
Bước ra khỏi căn nhà đượm vẻ âm u, huyền bí của thầy bói, Thu Hương, học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Hà Nội) toát mồ hôi khi nghe thầy phán về kết quả kỳ “vượt vũ môn” sắp tới của mình.
Hai tai ù đặc, Hương run lẩy bẩy nói với người bạn đi cùng: “Tình hình này, mình phải bảo mẹ nhanh chóng đi đặt lễ nhờ thầy giải hạn. Còn nước còn tát! Thầy nói rằng nếu cố gắng thì vẫn có khả năng xoay ngược tình thế.”
Lễ càng cao, bói càng linh?!
Suốt cả tháng nay, thấy bạn bè ở khắp các trường bàn tán rôm rả, rỉ tai nhau những địa chỉ xem bói, Hương cũng cảm thấy rất tò mò. Rồi nghe bạn bè động viên: “Sắp thi rồi, cậu cũng nên đi xem một quẻ, dự liệu trước kết quả, để còn chủ động trước mọi tình huống chứ,” Hương quyết định đi cùng mấy người bạn đến nhà một bà thầy bói được coi là “có tiếng” khu vực phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội).
Theo chân nhóm bạn này, chúng tôi có mặt ở nhà vị thầy bói “cao tay” có tên là cô Hồng này. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà cấp bốn chật chội, ẩm thấp và nghi ngút khói nhang như để tăng thêm vẻ huyền bí. Trước cửa, một hàng dài khoảng hơn chục cô cậu học trò mặc đồng phục học sinh đứng xếp hàng chờ đến lượt.
Giữa phòng, bà thầy bói chừng năm mươi tuổi, ngồi khoanh chân trên một cái phản gỗ cũ kỹ, mặt mũi son phấn lòe loẹt, ăn mặc dị hợm, miệng phì phèo điếu thuốc.
Vừa thấy chúng tôi bước vào, thầy hỏi ngay: “Các cô đến xem chuyện thi cử đúng không?” Rồi lần lượt từng người bước đến để thầy ngắm nghía gương mặt, chau mày soi xét những đường chỉ tay.
Video đang HOT
Nín thở chừng ba mươi giây, thầy lạnh lùng phán: “Tình hình này, không cẩn thận là trượt chắc! Tuy nhiên, nếu cố gắng thì vẫn có thể xoay chuyển tình thế.” Nghe đến đây, tất cả đều mếu máo, ánh mắt khẩn cầu: “Xin thầy giúp chúng con, bây giờ có cách gì để cứu nguy không ạ?”
Ra vẻ ngẫm nghĩ một lúc, thầy thở dài nói: “Với sáu môn thi tốt nghiệp, ta có sáu lá bùa, đến trước ngày thi mang ra đốt rồi lấy tro hòa vào nước uống, đảm bảo mọi xui xẻo sẽ không còn.”
Với mỗi lá bùa đưa ra, các bạn đều tự nguyện bỏ thêm vào đĩa lễ năm mươi ngàn đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bùa cho kỳ thi tốt nghiệp. Còn với kỳ thi đại học, khó khăn hơn nhiều, nên thầy phán phải nói với cha mẹ sắm lễ đàng hoàng, mang đến nhờ thầy hóa giải vận hạn.
Liền ngay sau nhóm của Hương, lần lượt các nhóm sỹ tử khác bước vào phần lớn đều được phán và “khuyên” những câu tương tự. Theo quan sát, những lá bùa mà cô Hồng đưa ra đều giống hệt nhau, dù nói rằng mỗi loại ứng với một môn thi. Đó đều là một tờ giấy hình chữ nhật màu vàng nhạt, giấy mỏng tang, trên có in ngoằn ngoèo những hình thù kỳ quái.
Khoảng một tuần sau, quay trở lại khu vực nhà cô Hồng, chúng tôi nhận thấy, không khí “đua chen” để được nghe thầy phán vẫn không hề thay đổi trong đó, phần đông vẫn là các sỹ tử.
“Mình đến ba lần rồi, nhưng vì đông quá nên chưa lần nào xem được. Thấy bạn bè nô nức kéo nhau đi xem bói rồi về bàn tán to nhỏ, mình cũng cảm thấy sốt ruột. Hơn nữa, đôi khi, do áp lực thi cử nặng nề nên bọn mình tìm đến thầy bói như một cách thức để giải tỏa tinh thần,” Hoàng Lan, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, đang đợi đến lượt mình vào xem, chia sẻ.
Liên tục những bóng áo trắng học trò vào, ra từ căn nhà tối tăm đó. Hầu như ai cũng úp mở trên tay những mảnh giấy màu vàng y hệt những lá bùa mà chúng tôi đã được “mục sở thị” từ hôm trước.
Mua lấy… nỗi lo
Nghe con gái về kể lại chuyện đi xem bói, vẻ mặt thất thần, tâm trạng bất an, chị Hoa, mẹ của Hương lập tức “cầu cứu” mấy chị bạn là dân kinh doanh với ý nghĩ: Họ sẽ biết nhiều chỗ xem bói chuẩn, giải hạn tốt.
Thấy ai mách nước thầy bói nào, dù ở xa đến đâu, chị cũng tìm đến bằng được, sắm sửa đồ lễ chu đáo với hy vọng “trăm sự nhờ thầy làm lễ đổi vận cho cháu.” Có hôm, chị yêu cầu chồng nghỉ làm, lặn lội đưa chị lên tận Hòa Bình làm lễ, xin bùa hộ mệnh cầu may cho con đi thi.
“Tính cả chi phí đi lại, lễ lạt cũng tốn cả bạc triệu nhưng vẫn phải làm, không hy sinh cái nhỏ thì việc lớn khó thành. Tương lai cả đời của cháu cơ mà,” chị chia sẻ.
Khi được hỏi, không tin vào lực học của con gái hay sao mà lại phải làm vậy, chị thành thật: “ Học hành là một chuyện, vận số lại là chuyện khác. Nếu đã không biết thì thôi, nhưng bây giờ nghe thầy nói thế rồi, nhất định phải làm để sau này, giả sử có gì không may xảy ra, mình cũng đỡ hối hận. Các cụ vẫn bảo “có thờ có thiêng” đấy thôi,” người mẹ này trải lòng.
Nghe câu chuyện về loại bùa đỗ đạt, Tiến sỹ Tâm lý học Lê Tiến Hùng (Đại học Sư phạm Hà Nội) không nén được cười. “Nếu không có kế hoạch học tập, ôn thi một cách nghiêm túc thì không thể có loại bùa nào mang lại kết quả tốt được,” ông Hùng nói.
Theo ông Hùng: “Việc xem bói và tin vào bói toán có ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của người xem, đó là chưa kể tới những thiệt hại về kinh tế, nhất là với đối tượng là các em học sinh.”
“Lứa tuổi của các em rất dễ bị kích động. Các em chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm sống để cân bằng bản thân trước những lời nói đó, dẫn đến những phản ứng cực đoan. Các em cần có sự uốn nắn, định hướng tư tưởng từ gia đình và nhà trường, để tránh xa những trò bói toán, mê tín đó,” ông Hùng nhấn mạnh.
Cô Phạm Quyên, giáo viên một trường trung học phổ thông ở khu vực Thanh Xuân cho biết: Các em đi xem bói về, phần lớn là lo lắng, mất tinh thần nếu bị phán không tốt hoặc sẽ chủ quan, lơ là học tập nếu nhận được những lời phán tốt. Dù thường xuyên nhắc nhở và kết hợp với gia đình nhằm định hướng tư tưởng cho các em nhưng cũng không thể kiểm soát được thực trạng này.
“Đáng buồn hơn, có những phụ huynh lại đặt nặng vấn đề mê tín này hơn là việc nhắc nhở, động viên các em học tập. Yếu tố cơ bản nhất quyết định đến kết quả thi vẫn là sự cố gắng, nỗ lực học tập của chính các em,” cô chia sẻ.
Theo TTXVN
Vui buồn những cách cầu may độc đáo của sỹ tử
Thầy bói đã nói rằng nếu ngày em thi trời mưa thì chắc chắn em sẽ đỗ khối C. Mệnh em hợp với thủy hơn hỏa nên trời càng mát càng dễ đỗ ĐH.
"Cả đêm em không ngủ, chỉ cầu trời mưa"
"Lần thi khối A đợt một em làm bài kém lắm, hôm đó trời nắng nóng nên em cũng thất vọng phần nhiều vì không hợp với mệnh hỏa. Lần thi này nếu trời mưa thì em chắc chắn đỗ đại học" - thí sinh Phan Quốc Dũng dự thi trường đại học Văn Hóa Hà Nội chia sẻ.
Theo như lời Dũng kể từ tháng 4, bố mẹ cậu đã theo lễ ở nhà một người thầy bói ở địa phương nổi tiếng. Thầy bói phán em sẽ đỗ đại học trong năm nay nếu bố mẹ thành tâm với thần linh: "Người xưa đã nói học tài, thi phận".
Mệnh của Dũng là mệnh mộc (cây) nên rất hợp với thủy (nước) sẽ may mắn khi trời mưa. Cả đợt thi lần 1, hai mẹ con Dũng đã mua hoa quả làm lễ suốt 3 đêm tại khu vực nhà trọ tạm, lý do cúng lễ chỉ "khấn trời mai mưa".
Mẹ Dũng cho biết "mấy đêm đó cô trằn trọc không ngủ được vì trời cứ nắng nóng, hi vọng lần thi tới sẽ có hạt mưa để em lấy thêm sinh khí".
Ảnh minh họa: Đi thi chỉ mong trời mưa
Cả đêm hôm 8/7/2011, hai mẹ con chỉ ngồi "lạy trời, lạy phật mai mưa". Sáng 9/7, lúc trời âm u, mẹ Dũng ngồi ngoài khu vực thi chờ con đã thở phào vì trời sắp mưa, con bà sẽ được "tưới thêm nước để tốt tươi có sức chiến đấu với bài thi tự luận dài 3 tiếng đồng hồ.
Được biết, Dũng tham dự kỳ thi đại học khối A chỉ là sang ngang, khối mà Dũng ôn kỹ là khối C. Sau khi so sánh kết quả, Dũng tin rằng mình đã trượt khối A. Việc mưa gió của lần thi này rất quan trọng với cậu sĩ tử này, càng tạo thêm tự tin để Dũng chiến thắng.
Kết thúc kỳ thi đầu tiên của khối C, mẹ con Dũng ra về trong cái thấp thỏm vì làm hết bài nhưng không biết thầy cô chấm thi có hợp với giọng văn của Dũng đã làm hay không. Đối với đề thi Lịch Sử, Dũng cho biết cậu đã làm được 80%, nếu may mắn sẽ được 6 - 7 điểm. Còn một ngày thi, mẹ con Dũng vẫn hi vọng trời mưa để con đỗ đại học.
Không chỉ có riêng Dũng, thí sinh Phan Thị Hoài, trước đó đã tham dự kỳ thi đại học khối A vào trường Đại Học Thương Mại, Hoài thích khối A nhưng đề khó không tự tin sẽ đỗ đại học. Trước đó, Hoài đã nộp hồ sơ thi thêm khối B vào trường Đại học Mở Hà Nội. "Em chỉ nộp vậy chứ chắc chắn em không thi vì em không biết gì về sinh học cả".
Trước khi Hoài lên đường đi thi, một vị thầy xem tướng khẳng định với Hoài "Cháu chỉ đỗ trường phụ, trường cháu mong muốn sẽ không đỗ". Bán tín, bán nghi lời thầy phán nên Hoài tham gia thi thêm khối B với tâm lý: "sinh học không biết gì sẽ tích liều".
Luôn giữ 10.000 đồng của bố cho trong túi
Một thí sinh quê Ninh Bình tham dự kỳ thi đại học khối C tại địa điểm thi trường Đại Học Xây Dựng, Hà Nội luôn kẹp tờ 10 nghìn đồng mới cứng trong túi hồ sơ dự thi.
Theo như lời của thí sinh này tâm sự "đồng 10 nghìn này quan trọng với em lắm. Em không được phép mang tiêu. Đồng 10 nghìn này mẹ em đã lấy từ bàn thờ của bố em xuống để bố mang may mắn đến cho em.
Đồng 10 nghìn may mắn đã dự thi cùng với thí sinh
này suốt 3 kỳ thi cam go nhất
Mẹ thí sinh này trần tình "bố của em đã mất 2 năm trước, tờ 10 nghìn đồng mới này được bác đặt lên bàn thờ chồng từ khi đó. Bác đặt lên 3 tờ, mỗi tờ sẽ là một món quà của cha lũ trẻ trao cho chúng". Lần thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm trước, bác đã lấy tờ tiền này trao tay cho người con trai lớn với hi vọng sẽ giúp con vượt qua mọi khó khăn của kỳ thi.
Kỳ thi đó, con trai bác đỗ học sinh giỏi cấp tỉnh, đồng tiền lại theo em dự kỳ tốt nghiệp phổ thông và bây giờ đồng tiền may mắn lại ở bên em để em tham dự kỳ thi đại học.
Theo VTC
Gợi ý giải đề môn Sử, Toán khối B, D Đề thi và gợi ý giải đề các môn thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2011 đợt 2 được thực hiện bởi các chuyên gia giáo dục có uy tín. Gợi ý giải đề môn Toán (Khối B) kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2011 Gợi ý giải đề môn Toán (Khối D) kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2011 Gợi...