Sỹ tử khổ vì bị ép thi
Khi phụ huynh đã “quyết”
Thi đại học là chuyện cả đời. Chính vì suy nghĩ ấy, bố mẹ nào cũng mong con mình thi đậu. “Dọn đường” sẵn cho con, chọn trường, chọn ngành sẵn cho con mà các bạn phụ huynh vô tình không để tâm teen có thích hoặc có khả năng hay không. Và dù cho teen phản ứng thế nào thì bố mẹ cũng đã “quyết”, không gì thay đổi được.
Gia đình Hoàng có ba anh em thì hai anh đều đã học tại những trường danh tiếng thuộc những khoa kinh tế, tài chính. Còn mình, Hoàng lại mê mẩn khoa Đông Phương học của trường Nhân Văn. Hoàng chọn thi khối D vừa vì hợp với khả năng, vừa vì niềm đam mê, nhưng cậu vấp phải sự phản đối dữ dội từ bố mẹ.
Tranh cãi rất nhiều, cuối cùng, Hoàng đành vâng lời bố mẹ đăng kí dự thi thêm khối A trường KTQD. Mặc cho Hoàng năn nỉ, thuyết phục, bố mẹ vẫn khăng khăng bắt cậu nghỉ các lớp ôn thi khối D. Thay vào đó là lớp luyện thi toán chất lượng cao, thuê gia sư cho quý tử học ban A. Còn Hoàng, cậu hoàn toàn rơi vào tình trạng học bị động, học trong sự chán nản. Nản vì cậu biết rõ khả năng đỗ khối A của mình là quá thấp, nản vì phải học những môn mà mình không thích chút nào. Và nản vì sau bao nhiêu cố gắng, Hoàng vẫn cảm giác giữa cậu và bố mẹ chẳng bao giờ tìm được sự cảm thông….
Video đang HOT
Còn chuyện của Huyền Trang thì khác. Trang vốn là một teengirl năng động, tự tin. Cô bạn rất thích thi vào khoa Quan hệ công chúng của HV Báo chí tuyên truyền, đã “mơ” về ngành học này từ khi mới vào cấp ba. Thế mà mẹ Trang nhất nhất không đồng ý. Mẹ muốn Trang thi Ngoại Thương, vì tin chắc với lực học xuất sắc, Trang sẽ thi đỗ vào trường thuộc “top” đầu. Còn trường Báo, đối với mẹ trang là một ngành học phù phiếm, đầy… bất ổn. Khăng khăng suy nghĩ ấy, mẹ Trang hết ngọt ngào dỗ dành đến giẫn dỗi, gắt gỏng, bắt Trang phải thi Ngoại Thương.
“Mình không ngại học, không ngại khổ, ngại khó. Nhưng ngại nhất là không biết thuyết phục thế nào cho mẹ đồng ý để mình theo đuổi sở thích của bản thân. Dường như chẳng khi nào mẹ chịu nghe mình nói…”, Trang tâm sự.
Không riêng gì Hoàng và Trang, nhiều teen đã lâm vào tình thế éo le bị bố mẹ buộc phải thi vào những trường mà mình không thích. Đôi khi, đó chỉ là “dự trù” phương án 2 cho khối thi chính, nhưng với teen mình, đó quả là ác mộng. Gồng mình cho những điều mình biết là không đủ sức mà vẫn phải làm, cố gắng cho những điều mà mình hoàn toàn không thích… Tất cả chỉ góp phần làm cho teen mệt nhoài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thi cử.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Teen đành chấp nhận?
Tất cả những điều bố mẹ làm, đều là muốn tốt cho con. Chắc chắn teen đã nghe quen điệp khúc này của phụ huynh. Nhưng liệu những lý do ấy có thực sự thoả đáng?
Bị ép thi vào những trường mà mình không thích, hoặc không đủ khả năng thi chỉ làm tăng áp lực cho teen. Lo lắng, chán chường hay bất cứ sự mệt mỏi nào lúc này đều đẩy teen vào nguy cơ thất bại rất lớn.
Hoàng học đêm ngày cho mơ ước đậu vào Đông Phương. Cậu cũng phải miệt mài ôn tập thêm khối A cho trường Kinh Tế dưới sự giám sát chặt chẽ của mẹ và ba gia sư uy tín. Học với khối bất bình, giận dữ, rút cục Hoàng đổ bệnh. Cậu bị suy nhược trầm trọng, ốm liệt giường hơn một tuần liền. Việc học ôn bị ngắt quãng, bố mẹ phát hoảng. Nhìn cậu con trai li bì trên giường bệnh, bố mẹ Hoàng không biết có chịu thay đổi…
Còn Trang, thỉnh thoảng ngồi nhẩm tính ngày thi, lặng lẽ nhìn giấc mơ Báo chí của mình có nguy cơ bị cuốn theo chiều gió, Trang lại lặng khóc. Khóc vì thấy ý kiến của mình bị mẹ bỏ ngoài tai, khóc vì nỗi lo thất bại, và khóc, khi thời gian đang ngắn dần dần, mà cô bạn chẳng còn tha thiết gì tới việc ôn hay học, chỉ muốn mặc kệ mọi việc đến đâu thì đến…
Phản ứng của Trang chỉ là một trong nhiều cách phản ứng tiêu cực của teen mình khi bị bố mẹ ép thi. Có bạn thì đau đầu tính kế để thoát khỏi yêu sách của bố mẹ: Giả vờ ốm, nhờ bạn bè, họ hàng tới khuyên nhủ… Nhưng xem ra, chỉ khi nào cả teen và bố mẹ tìm được tiếng nói chung, vấn đề mới được giải quyết…
Tuấn Anh, một teenboy đang học năm nhất ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG, người từng bị bố ép thi thêm khối A – ĐH Lâm Nghiệp tâm sự: “Năm ngoái, mình thi chính khối D, nhưng bố cứ yêu cầu phải thi khối A nữa để “đề phòng rủi ro”. Dù Đại học Lâm Nghiệp lấy điểm khá thấp, nhưng thực sự mình chẳng có nhiều kiến thức ở các môn tự nhiên. Nhà mình thì ở xa trường, khăn gói sang Hà Tây thi xong mấy ngày, rồi lại về thi khối D, mệt muốn chết. Hơn nữa, thi xong, kết quả rất kém, mình đã thực sự bị mất tinh thần cho những ngày thi sau… Rất may là “phong độ” các môn khối D của mình không bị giảm sút, vẫn đậu Ngoại ngữ với số điểm khá cao. Tuy vậy, mình quyết phải nói chuyện thẳng thắn với bố, để mong sao nhóc em năm sau không phải đi theo “vết xe đổ”…
Khi rơi vào tình cảnh bị ép thi, rất nhiều teen đành ngậm ngùi chấp nhận. Có bạn chọn cách ngang bướng”chiến đấu đến cùng”, cũng có bạn quyết định buông xuôi… Những chiêu thức này của teen rất dễ khiến bố mẹ càng thêm “cứng rắn”. Tốt nhất, bạn hãy mạnh dạn, bình tĩnh tâm sự thẳng thắn với bố mẹ. Học hành một cách nghiêm túc và chứng minh với bố mẹ ý định nghiêm túc của mình, cơ hội tìm tiếng nói chung cho teen càng cao hơn. Hãy để bố mẹ hiểu được thực sự bạn muốn gì, cần gì, và khả năng làm được gì. Có lẽ đấy mới là cách ổn nhất giúp giải quyết tình huống éo le này cho teen.
Theo kênh 14