SV Tây Nguyên cũng nhọc nhằn “săn” phòng trọ đầu năm học
Tưởng rằng khu vực Trường ĐH Tây Nguyên sẽ không như khu vực các trường ĐH ở thủ đô Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng… cứ đầu năm học là “sốt” phòng, “cháy” phòng trọ. Thực tế ở đây cho thấy, những ngày qua để các tân SV kiếm được một phòng trọ cũng lắm gian nan.
Chủ trọ toàn “lắc đầu”
Chiều ngày 8/9, trong vai một người đi thuê phòng trọ, dạo quanh một vòng trên đường Y Wang (phía cổng phụ trường ĐH Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk), khi chúng tôi mở lời muốn thuê phòng trọ, đa phần các chủ nhà trọ đều “lắc đầu” từ chối cho biết dãy trọ đã kín chỗ, số phòng trọ cho SV thuê đã hết “ráo” từ mấy hôm trước.
SV quay lại học đầu năm, khu vực trường ĐH Tây Nguyên, mấy ngày qua phòng trọ khá “khan” hiếm.
Bất ngờ hơn, họ còn cho biết trong vòng bán kính hơn 1 km khu vực cổng phụ Trường ĐH Tây Nguyên hầu như các dãy trọ không chỗ trống. Muốn thuê phòng phải chấp nhận đi xa hơn, men sâu trong các con hẻm may ra kiếm được chỗ.
Cô L. – một chủ trọ trên đường Y Wang cho biết, dãy trọ của cô gồm 20 phòng nhưng đã hết sạch từ mấy hôm trước. Mấy ngày qua SV ríu rít hỏi phòng liên tục nhưng chỉ biết lắc đầu từ chối. “Hai ba bữa nay trung bình mỗi ngày cũng có cả chục SV dạo đến hỏi phòng. Dãy trọ của tôi có đến 20 phòng nhưng tất cả đã kín chỗ. Khi nghe SV hỏi thuê phòng trọ chỉ biết lắc đầu từ chối…’, cô L. cho hay.
Cô L. cho biết thêm, dọc trục đường Y Wang, không chỉ dãy trọ nhà cô đã kín chỗ, các dãy trọ khác cũng tương tự. Muốn thuê phòng phải đi vào sâu trong các con hẻm, cách xa khu vực trường mới hy vọng thuê được phòng.
Theo lời cô L., chúng tôi tiếp tục men sâu vào một kiệt khác, gặp một số chủ trọ ở đây cho biết, phòng trọ của họ cũng đã cho SV thuê sạch. Những SV cũ thì giữ phòng trong hè bằng cách đặt cọc tiền, một số ít phòng dôi ra thì các tân SV đến nhập học sớm đã liên hệ nhờ người quen thuê phòng nên đã hết phòng cho thuê cả tuần nay.
“Chủ trọ như chúng tôi cũng đau đầu lắm! Cả tháng hè thì phòng để trống, đầu năm học SV lại ùn ùn đi thuê phòng trọ. Mấy ngày nay SV kiếm không ra phòng trọ học là chuyện bình thường”, cô Thanh (60 tuổi) – chủ phòng trọ số 112/13 đường Y Wang (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) nói.
Trong khi đó, tân SV Cao Xuân Quốc (quê huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) đỗ vào ngành Tài chính Ngân hàng – Trường ĐH Tây Nguyên cũng cho biết, từ khi biết điểm chuẩn, em đã sớm liên hệ nhờ một người bạn thuê phòng trọ trước khi sang TP. Buôn Mê Thuột nhập học.
Video đang HOT
“Giờ này có đông SV đi thuê phòng trọ, nhất là các bạn SV năm thứ nhất. Theo em biết, khu vực em trọ học cũng không còn trống chỗ trọ nào….”, Quốc cho hay.
Phòng trọ khan hiếm nhưng giá không tăng
Mặc dù “khan” phòng trọ, nhưng không có tình trạng tăng giá phòng “ bắt chẹt” SV.
Theo khảo sát, khu vực trường ĐH Tây Nguyên đầu năm học mới mặc dù “khan” phòng trọ, nhưng không vì thế mà các chủ trọ tăng giá phòng “bắt chẹt” SV. Các chủ trọ cho biết, SV Tây Nguyên phần lớn đến từ các vùng khó khăn, nhiều em hoàn cảnh lại khó khăn nên thời gian qua dù giá tiêu dùng có tăng, bất chấp điều đó giá phòng trọ vẫn giữ nguyên không đổi.
Cụ thể, giá phòng dao động từ 300 – 600 nghìn đồng/phòng tùy diện tích, chất lượng phòng. Nếu là phòng có toilet trong, dao động từ 500 – 600 nghìn đồng/tháng. Còn phòng có toilet ngoài thì giá xấp xỉ trên dưới 400 nghìn đồng/tháng.
Tuy nhiên, có một số nhà trọ đặt ra quy định, nếu phòng có nhiều người cùng ở, số tiền phòng theo đó tỷ lệ thuận tăng lên tương ứng theo hợp đồng thuê phòng đã thỏa thuận.
“Là SV đang đi học, lại là SV Tây Nguyên lấy đâu ra tiền mà mình tăng giá phòng tội nghiệp chúng nó. Tôi đã cho thuê phòng mười mấy năm nay, lâu lâu mới có tăng nhẹ chút xíu. Tăng quá chúng nó bỏ đi không có thuê nữa…”, cô L. tâm sự.
Tương tự, chị Huyền, người quản lý phòng trọ SV trên đường A Dừa (phía cổng chính Trường ĐH Tây Nguyên) cũng cho biết, mặc dù dãy trọ có 21 phòng, vừa cho thêm 12 SV năm thứ nhất thuê 4 phòng coi như hết sạch, nhưng giá phòng trọ vẫn giữ nguyên như thời điểm cuối năm học.
“Dãy trọ số 25 – A Dừa giá mỗi phòng là 600 nghìn đồng/tháng. Mức giá trung bình ở đây lâu nay vẫn vậy. Không hề tăng trước thềm năm học mới, dù đây là thời điểm đang “sốt” phòng trọ”, chị Huyền cho biết.
Một số nơi khác, xung quanh trường ĐH Tây Nguyên, theo khát sát, chỉ cá biệt một vài nơi có tăng nhẹ khoảng 5% nhưng theo các SV mức tăng này có thể chấp nhận được vì đây là các phòng trọ xây mới, kiên cố.
“Đầu năm học mới, dãy trọ em có tăng nhẹ mỗi phòng 50 ngàn đồng, tuy nhiên, vì phòng trọ mới xây nên mức tăng này có thể chấp nhận được…”, Trung – SV Khoa sư phạm – ĐH Tây Nguyên cho hay.
Ông Nguyễn Văn Cương – Giám đốc Trung tâm phục vụ HS-SV, Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, năm học 2012-2013, số chỗ KTX của Trường ĐH Tây Nguyên dành SV khoảng 2.000 chỗ. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ chưa hoàn thiện, số chỗ KTX trên trên thực tế cho SV đăng ký ở chỉ khoảng 1.200 chỗ. Trong đó, có 450 chỗ ưu tiên dành cho các tân SV năm thứ nhất. Trong số này, lại ưu tiên cho SV thuộc diện gia đình chính sách, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Viết Hảo
Theo dân trí
Tân SV dân tộc thiểu số hồ hởi ngày nhập học
Sáng nay 7/9, Trường ĐH Tây Nguyên nhận hồ sơ nhập học của tân SV trúng tuyển vào trường. Trong số đó, nhiều SV là người đồng bào dân tộc thiểu số Ê-đê, M'nông, Jarai... tỏ ra khá hồ hởi trong ngày chính thức trở thành SV.
Tân SV Rơ Châm Hong (quê huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) - khuôn mặt rạng rỡ cho biết kỳ tuyển sinh năm nay em trúng tuyển vào ngành GD Tiểu học tiếng Jrai. Tân SV Rơ Châm Hong cho biết thêm em thi vào ngành GD Tiểu học tiếng Jrai bởi vì bản thân em là người Jrai.
"Em qua Đắk Lắk vào hôm qua, hiện chỗ ở đã ổn định nhưng trước khi nhập học cảm giác vừa vui, vừa hồi hộp vì ở đây mọi thứ quá mới lạ...", Rơ Châm Hong tâm sự.
Nhiều SV ĐH Tây Nguyên có mặt khá sớm để nhập học.
Một tân SV người đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng có niềm vui tương tự, đó là em H'Mil (quê huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) - là người đồng bào dân tộc thiểu số M'nông, trúng tuyển vào ngành Giáo dục Chính trị. Em háo hức cho biết, sau khi nhà trường thông báo điểm chuẩn NV1 đến trước ngày nhập học, hôm nào trong người cũng cảm thấy râm ran niềm vui.
Em nói: "Điểm thi của em được 14,75 điểm, từ ngày nhà trường công bố điểm chuẩn là 14,5 điểm, em mừng khôn xiết. Được làm SV mừng lắm...!". Tuy nhiên, H'Mil cho biết thêm, trong buổi nhập học sáng 7/9, em không may quên hộ khẩu gốc ở nhà nên có phần lo lắng vì sợ thiếu sót thủ tục hồ sơ nhập học.
Háo hức nhập học.
Theo quan sát, tại một số điểm nhập học của Trường ĐH Tây Nguyên sáng 7/9, nhiều SV còn có cả phụ huynh vượt cả trăm km đưa con em đến trường nhập học. Bà Hoàng Thị Nhình (53 tuổi) đưa con gái là Hoàng Thị Ngân (người đồng bào dân tộc Nùng) từ quê huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) sang TP Buôn Ma Thuột nhập học cho con vào trường ĐH Tây Nguyên. Bà Nhình cho biết - vui vì con gái bà đỗ được đại học, nhưng cũng lo là vì theo bà, em Ngân còn "dại", nên bà đưa con đi cho yên tâm.
Phụ huynh "đồng hành" cùng tân SV trong ngày nhập học.
Chia sẻ với PV, tân SV Hoàng Thị Ngân cho biết em trúng tuyển vào ngành Sư phạm GD Tiểu học. Trước ngày nhập học đã ổn định "nơi ăn chốn ở" khi em thuê trọ ở cùng 2 người bạn.
"Sẽ có nhiều thử thách phía trước nhưng em sẽ cố gắng học tập để có kết quả như mong muốn...", Ngân tâm sự.
Giấc mơ là SV chính thức thành hiện thực...
Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Tây Nguyên cho biết - nhà trường nhận hồ sơ nhập học của các tân SV trúng tuyển NV1 trong 3 ngày 7, 8 và ngày 9/9. Đợt này, Trường ĐH Tây Nguyên có 1.800 tân SV nhập học.
Viết Hảo
Theo dân trí
Phòng trọ tăng giá, ký túc xá dồi dào Đầu năm học này, lấy lý do kinh tế khó khăn, các chủ nhà trọ đồng loạt đẩy giá phòng lên khiến nhiều SV lao đao. Bù lại, nhiều ký túc xá vừa xây mới lại là một tin vui cho tân SV. Ở làng ĐHQG TP.HCM các dãy nhà trọ ngay sát đường đi rất mất an toàn có giá 1,2 triệu...