SV chạy đua tìm việc thời bão giá
Tất bật tìm việc cả tuần mà Đặng Văn Hưng, SV năm hai khoa Xây dựng, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) vẫn chưa được nơi nào nhận. Gạt giọt mồ hôi lấm lem trên mắt, Hưng nói như đùa: “Xin việc làm thêm bán café đã khó, không biết ra trường xin việc còn khó thế nào?”.
Làm thêm là chuyện rất bình thường đối với sinh viên (SV), thế nhưng chưa bao giờ việc làm thêm lại “ nóng” như hiện nay. Sau Tết, giá cả leo thang khiến không ít SV phải chạy vạy tìm việc làm thêm để chống chọi với cơn bão giá.
Vừa treo tấm bảng tuyến nhân viên chưa đầy 3 giờ đồng hồ, chủ quán café trên đường Tôn Đức Thắng (gần trường ĐH Sư phạm, TP Đà Nẵng) đã phải cất tấm biển vì đã tuyến đủ nhân viên. Chủ quán café này cho biết: “Vì lượng SV đến xin việc quá đông nên chỉ trong chốc lát chúng tôi đã tuyển đủ, hầu hết là những SV trước đây đã từng làm nhân viên cho quán”.
Hoa – sinh viên ĐH Sư phạm (Đà Nẵng) may mắn tìm được việc làm nhân viên phục vụ tại quán cafe đối diện cổng trường.
Tất tả đạp xe từ Trường ĐH Sư phạm xuống quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) xin làm cho một quán bún trên đường Hùng Vương, SV Nguyễn Thị Thanh, khoa Tiểu học mặt nhăn nhó: “Lúc sáng vừa nghe đứa bạn cùng lớp nói quán đang tuyển nhân viên, mình đạp xe chạy một mạch xuống đến nơi chưa kịp chào hỏi thì bà chủ lắc đầu kêu đủ người rồi”. Thanh cho biết mình đã chạy tìm việc từ 3 ngày trước đến nay nhưng vẫn không thể tìm được việc làm, ban đầu chỉ tìm những việc gần trường nhưng giờ bất kể chỗ nào cũng vẫn không được.
Hai nữ sinh viên trường CĐ KTKH Đà Nẵng bán dầy dép thuê tại chợ Hòa Khánh (TP Đà Nẵng).
Để tiết kiệm công sức đi tìm việc nhiều SV lân la cả ngày trên mạng vẫn không tìm được việc. Duy Khang, SV khoa Điện tử viễn thông trường ĐHBK (Đà Nẵng) cho biết: “Học về công nghệ thông tin, muốn làm một công việc liên quan đến vi tính nhưng lân la mãi cả tuần trên mạng vẫn không tìm được, khi có gọi điện đến người ta lại bảo đủ rồi, không thì cũng ý này ý kia để từ chối vì không tin năng lực của SV”.
Video đang HOT
Tại TP Đà Nẵng, nhiều trung tâm gia sư dán biển, phát tờ rơi, đăng tin nhan nhản khắp các trường ĐH nhưng khi SV đến tìm việc thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nguyễn Thanh Nhàn, SV khoa Toán ĐHSP, phàn nàn: “Mình theo tờ rơi quảng cáo phát trước cổng trường của một trung tâm gia sư ở đường Trần Cao Vân, nhưng khi đến thì trung tâm này bảo hiện đã hết suất dạy và bảo chờ đến lúc nào có sẽ gọi”.
Thông báo tuyển dụng được dán khắp nơi nhưng sinh viên vẫn khó tìm được việc.
Thu nhập làm thêm ít ỏi nhưng nhiều SV vẫn phải đi làm thêm vì không dám xin thêm bố mẹ. Bạn Trần Thị Hồng, SV Trường CĐ Kinh tế – kế hoạch cho biết: “Làm từ 17 giờ đến 22 giờ cho một quán café trên đường Nguyễn Lương Bằng, mỗi tháng mình nhận được 650.000 đồng. Vậy nhưng ông chủ chỉ trả 80% để giữ lại tháng sau trả vì sợ mình nghỉ việc tuyển nhân viên mới lại mất thời gian đào tạo”.
Trong khi đó, với những SV làm gia sư thì đồng lương lại càng ít ỏi hơn, đã thế lại mất 30 đến 40 % lương tháng đầu tiên cho trung tâm gia sự giới thiệu việc làm. Dù rất khó khăn để kiếm được việc làm thêm sau Tết nhưng nhiều SV vẫn chạy đôn chạy đáo cả tuần để mong tìm kiếm với mong muốn có thêm đồng tiền trang trải cho học tập và tiếp tục chống chọi với cơn bão giá.
Đỗ Luyến
Theo dân trí
Chọn ngành cho tương lai
Không ít thí sinh đổ xô đăng ký vào một số ngành học được cho là thời thượng, dễ tìm việc, thu nhập cao trong thời điểm hiện nay. Nhưng liệu những ngành đó có dễ tìm việc trong năm, mười năm tới?
Dự báo nhân lực qua đào tạo ngành ngân hàng - (Nguồn: tổng hợp kết quả dự báo từ quy hoạch phát triển nhân lực ngành ngân hàng giai đoạn 2011-2020 của Ngân hàng Nhà nước)
Theo dự báo của Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch - đầu tư, đến năm 2020 tổng nhu cầu nhân lực sẽ tăng hơn 12 triệu người so với năm 2011. Nhu cầu lớn nhất thuộc về khối ngành công nghiệp - xây dựng với hơn 8 triệu người, khối ngành dịch vụ tăng thêm hơn 3 triệu người. Riêng khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ tăng ít nhất với khoảng 800.000 người. Đáng chú ý, nguồn nhân lực mà nền kinh tế cần chủ yếu là nhân lực đã qua đào tạo.
Khác biệt ngành thủy sản
Theo dự báo của các chuyên gia và các cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2011-2020, tỉ trọng nhân lực khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng nguồn lao động xã hội có xu hướng giảm nhanh. So với các khối ngành khác, đến năm 2020 tỉ lệ lao động của khối ngành này giảm gần 10% so với năm 2011. Tuy nhiên, số lượng lao động tuyệt đối vẫn chưa giảm đáng kể, thậm chí còn tăng chút ít. Dự báo số lao động qua đào tạo các loại của khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ đạt khoảng 27% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020, tương ứng với khoảng 7 triệu và 13 triệu người.
Tuy nhiên trong nhóm ngành này, thủy sản lại có sự khác biệt. Trong khi nhóm ngành nông, lâm nghiệp cũng như cả khối này tỉ lệ lao động qua đào tạo không cao thì nhu cầu lao động qua đào tạo của ngành thủy sản vào năm 2020 sẽ lên đến 68%, chủ yếu là đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực của ngành thủy sản cũng có tỉ lệ tăng nhiều nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp.
Dự báo đến năm 2020, tổng lao động đã qua đào tạo của riêng ngành thủy sản cần đến 1,7 triệu người. Tốc độ tăng nhu cầu lao động của nhóm ngành thủy sản cũng vượt trội so với các ngành khác cùng nhóm ngành, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến năm 2014. Trong khi tốc độ tăng nhu cầu lao động hằng năm của cả nhóm ngành này luôn ở mức dưới 0,5% thì nhóm ngành thủy sản tăng từ 2,21-3,8%. Điều này dẫn đến việc nhu cầu lao động của ngành thủy sản cũng tăng lên hơn 2,4 triệu người so với 1,9 triệu của năm 2011.
Ngành xây dựng tăng mạnh
Tổng số lao động trong khối ngành công nghiệp - xây dựng được dự báo là gần 15 triệu người vào năm 2015 và tăng lên đến gần 20 triệu vào năm 2020. Trong đó, riêng lực lượng lao động đã qua đào tạo lần lượt sẽ là 11 và 16 triệu người. Trong số lao động được đào tạo, phần lớn vẫn là đào tạo nghề với tỉ lệ 82-85%, trong khi đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học có tỉ lệ giảm dần từ 17,9% còn 14,2%. Theo dự báo, tỉ lệ lao động được đào tạo bậc đại học chiếm khoảng 6,2%, trong khi đào tạo trung cấp chiếm 5,9% lực lượng lao động trong khối ngành công nghiệp - xây dựng.
Trong khối ngành công nghiệp - xây dựng, nhu cầu lao động tăng nhiều nhất phải kể đến nhóm ngành công nghiệp chế biến. Theo thống kê, nhu cầu nhân lực của nhóm ngành này khoảng 7,5 triệu người. Tuy nhiên, đến năm 2015 ngành này sẽ cần đến hơn 9 triệu lao động và đến năm 2020 cần đến hơn 11 triệu người. Nhưng nếu xét về tốc độ tăng nhu cầu nhân lực thì phải kể đến ngành xây dựng. Đây là lĩnh vực được dự báo có tốc độ tăng lao động cao nhất khi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra ngày một nhanh hơn. Theo tính toán, nhân lực ngành xây dựng đến năm 2015 sẽ là 5 triệu người, tăng gần 2 triệu người so với năm 2010. Đến thời điểm đó, tổng số nhân lực qua đào tạo ngành xây dựng xấp xỉ 3 triệu người, đến năm 2020 con số này là 5 triệu người. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm 400.000-500.000 người.
Ngược lại, các ngành thuộc nhóm công nghiệp khai thác và sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước có xu hướng tăng chậm, thậm chí giảm nhu cầu nhân lực. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp khai thác sẽ giảm đều nhu cầu nhân lực từ nay đến năm 2020, mỗi năm giảm khoảng 100.000 người.
Dịch vụ cần lao động bậc cao
Cùng với khối ngành công nghiệp - xây dựng, nhân lực khối ngành dịch vụ như khách sạn nhà hàng, sửa chữa động cơ, vận tải, thông tin liên lạc, tài chính, tín dụng, hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... được dự báo sẽ tăng nhanh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo tính toán, nhân lực khối ngành này đến năm 2015 là 15 triệu người, tăng gần 2 triệu so với năm 2010, và đến năm 2020 tăng lên gần 17 triệu người, chiếm khoảng 27% tổng lao động trong nền kinh tế quốc dân.
Đáng chú ý là số nhân lực qua đào tạo của khối ngành dịch vụ được đòi hỏi cao hơn hẳn so với các khối ngành khác. Dự báo đến năm 2015, số lao động khối ngành dịch vụ đã qua đào tạo khoảng 12 triệu người, chiếm đến 80% lực lượng lao động. Và con số này của năm 2020 là gần 15 triệu người, tương ứng với 87%.
Trong các bậc đào tạo, khối ngành dịch vụ cũng có đặc trưng khác các khối ngành khác với việc yêu cầu trình độ đào tạo khá cao. Trong khi các ngành khác cần một lượng lớn lao động được đào tạo thì khối ngành dịch vụ cần nhiều lao động được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Theo dự báo, nhu cầu lao động khối ngành dịch vụ được đào tạo đại học lên đến 25,9% vào năm 2020.
Một số ngành, lĩnh vực cụ thể đang được đánh giá là thiếu nhiều cán bộ chuyên môn như tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, du lịch... Đặc biệt, ở lĩnh vực môi trường, số cán bộ làm công tác này ở nước ta mới chỉ đạt 13 người/triệu dân, trong khi tỉ lệ này ở nhiều nước cao gấp đôi, thậm chí gấp hàng chục lần. Nhân sự ngành du lịch cũng được dự báo tăng khoảng 6,2%/năm. Đây là một tốc độ tăng khá cao, tạo cơ hội việc làm lớn cho những lao động đã qua đào tạo trong lĩnh vực này.
Phải học hành bài bản Các ngành như công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, năng lượng hạt nhân... đòi hỏi phần lớn người lao động phải được đào tạo, thậm chí là đào tạo cao đẳng, đại học trở lên. Với công nghệ thông tin, đây là lĩnh vực công nghệ cao và có xu hướng phát triển nhanh. Dự báo đến năm 2015, tổng số nhân lực công nghệ thông tin sẽ vào khoảng 550.000 người (hiện nay khoảng 350.000 người). Ở ngành ngân hàng, dự báo đến năm 2015, tổng nhân lực làm việc trong ngành này sẽ là 240.000 người, tăng gần 65.000 người so với năm 2010, tốc độ tăng bình quân mỗi năm khoảng 6,5%. Với tốc độ này, đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong ngành sẽ lên đến hơn 300.000 người, nghĩa là tăng hơn 125.000 người so với hiện nay. Riêng ở ngành tài chính, nhu cầu lao động đến năm 2015 là gần 500.000 người. Trong đó, với đặc thù của mình, ngành tài chính đòi hỏi gần như 100% lao động phải qua đào tạo.
TS ĐỖ VIỆT HÀ - HÙNG THUẬT
Theo Tuổi trẻ
Sinh viên làm thêm ngày tết: Dễ kiếm nhưng tủi lắm! "Kiếm tiền ngày tết dễ nhưng tủi lắm!" là chia sẻ của nhiều bạn sinh viên khi hi sinh cái Tết bên gia đình để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống. Mất tiền về quê ăn tết Những ngày cận tết này, trong khi hầu hết bạn sinh viên đang háo hức chuẩn bị vé tầu xe về quê ăn tết thì...