Suýt mất mạng vì tin vào “cam kết” chữa dứt điểm bệnh tiểu đường
Tin vào quảng cáo có thể điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trên mạng, nhiều bệnh nhân bỏ đơn thuốc của bác sĩ và hậu quả là phải nhập viện cấp cứu, thậm chí còn nguy hiểm tính mạng…
Nhập viện cấp cứu vì dùng thuốc theo mạng, bỏ thuốc bác sĩ
Bà N.V.N (65 tuổi, Thái Bình), mắc ĐTĐ từ nhiều năm nay và đang uống thuốc điều trị bệnh ổn định. Gần đây, nghe quảng cáo trên mạng có một loại thuốc sủi cam kết có thể điều trị dứt điểm bệnh này mà không có tác dụng phụ. Bà N. quyết định bỏ đơn bác sĩ mà mua loại thuốc này về dùng.
Uống thuốc được khoảng 2 tuần, tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, chậm chạp hoạt động chậm. Khi tình trạng phù nặng dần lên, da xanh bủng, khó thở… thì người nhà đưa bà đi bệnh viện cấp cứu.
Đừng vì tin quảng cáo có thuốc sủi điều trị ĐTĐ khẩn cấp mà nguy hiểm tính mạng.
Tại đây, khi tiến hành cấp cứu, bệnh nhân được ghi nhận các chỉ số: Đường huyết 17,6mmol/L và huyết áp 190/110mmhg. Kết quả siêu âm cho thấy tràn dịch màng phổi hai bên. Khi đưa vào cấp cứu bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã phải tiến hành cấp cứu, điều trị tích cực mới giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.
Hướng dẫn bệnh nhân ĐTĐ cách chăm sóc và theo dõi bệnh tại BV Nội tiết Trung ương.
Bệnh nhân N. không phải trường hợp đầu tiên nhập viện cấp cứu do tự ý ngừng thuốc điều trị đã được bác sĩ kê đơn. TS. BS.Phạm Thúy Hường – Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện đã phải cấp cứu nhiều trường hợp bỏ đơn bác sĩ và chuyển hẳn sang uống thuốc sắc, viên hoàn, thuốc sủi hoặc thực phẩm chức năng… với hi vọng chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Đặc biệt có ca bệnh nam 64 tuổi, được phát hiện mắc ĐTĐ 3 năm, tăng huyết áp 2 năm kèm theo biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2.
Video đang HOT
Do lo lắng về tác dụng phụ của thuốc tây y và tin tưởng vào quảng cáo có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn mà không cần dùng thuốc, nên bệnh nhân này đã tự ý bỏ hoàn toàn thuốc do đơn bác sĩ chỉ định và dùng thực phẩm chức năng. Sau khoảng 20 ngày, bệnh nhân bắt đầu bị phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt đau tức ngực. Bệnh nhân này khi vào viện đã ở trong tình trạng suy hô hấp tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi, màng bụng…
Hầu hết các bệnh nhân này khi đến bệnh viện đã ở trong tình trạng biến chứng do không tuân thủ điều trị, không giữ mức đường huyết ổn định trong một thời gian… Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng. Quá trình cấp cứu hồi sức và điều trị cho các ca bệnh này là rất khó khăn. TS Hường cho biết.
Mặc dù tình trạng này diễn ra từ lâu và rất nhiều cảnh báo, nhưng vẫn còn không ít bệnh nhân mắc phải. Bởi nhiều người vẫn còn tin rằng “uống thuốc đông y, thảo dược tự nhiên là lành, không độc như thuốc tây”. Hơn nữa, vẫn còn đó niềm tin của người bệnh khi được người khác mách bảo rằng “thuốc này tôi uống tốt lắm, đã khỏi bệnh”, nên mua về dùng thử…
TS.Hường cho biết: Việc “xui” nhau dùng thuốc như vậy là rất nguy hiểm. Bởi cho dù có mắc cùng một bệnh thì việc dùng thuốc cho mỗi bệnh nhân, mỗi lứa tuổi, mỗi giới tính… là không giống nhau. Chưa kể dù triệu chứng giống nhau nhưng bệnh có thể khác, hoặc bệnh ở giai đoạn khác, có kèm theo bệnh lý khác… thì việc dùng thuốc phải hoàn toàn khác nhau.
Muốn bệnh ổn định, phải tuân thủ dùng thuốc
Đối với những bệnh nhân đái tháo đường đã được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc thì khi vào cấp cứu thường đã rất nặng nề như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Trong quá trình điều trị, kíp trực thường phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ chức năng gan, thận, bù điện giải, đặc biệt có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng.
TS.BS.Phạm Thúy Hường cho biết: Hiện nay, bệnh ĐTĐ chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, dù là tây y hay đông y. Việc dùng thuốc điều trị ĐTĐ là phải dùng thuốc để kiểm soát đường huyết suốt đời, nhằm mục đích ổn định mức đường huyết trong giới hạn an toàn, hạn chế hoặc làm chậm tiến triển các biến chứng nguy hiểm do ĐTĐ gây ra.
Tuy nhiên, do phải uống thuốc và theo dõi đường huyết mỗi ngày, nên nhiều bệnh nhân mang tâm lý lo lắng và muốn tin vào những biện pháp khác có thể giúp mình khỏi bệnh. Kèm theo đó là sự phát triển rầm rộ quảng cáo trên các trang mạng xã hội, với những “cam kết”, hứa hẹn việc dùng các loại thuốc “gia truyền” sẽ giúp bệnh nhân chữa khỏi bệnh hoàn toàn khiến nhiều người tin tưởng và làm theo.
TS.Hường khuyên: Dù là thuốc tây y, thuốc nam hay thuốc đông y, đều có những tác dụng phụ nhất định. Để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn và đưa ra lời khuyên phù hợp, không dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định, không có cơ sở khoa học, không được Bộ Y tế cấp phép.
Ngoài việc tuân thủ dùng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh ĐTĐ cần đi khám định kỳ theo lịch hẹn để được làm các xét nghiệm cần thiết nhằm theo dõi tiến trình của bệnh. Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để kiểm tra. Trước khi uống thêm loại thuốc nào đó để điều trị một bệnh lý khác, cần thông báo cho bác sĩ biết về các thuốc đang được dùng trong bệnh ĐTĐ để tránh tương tác bất lợi của thuốc.
Tin "chuyên gia mạng" để trị tiểu đường, "quả đắng" cho ai?
Thời đại Internet bùng nổ, các thông tin liên quan đến sức khỏe dễ dàng truy cập trên mạng từ bất kỳ đâu, tin theo "chuyên gia mạng" cùng lời cam kết chữa khỏi tiểu đường, nhiều bệnh nhân đang phải chịu nhiều "quả đắng".
"Chuyên gia mạng" - "thầy lang vườn"
Các thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng cùng những lời hứa chữa hết bệnh từ các "bài thuốc gia truyền", "kinh nghiệm nhiều đời", "liệu trình mới"... vẫn đang tấn công người dùng trên các phương tiện truyền thông trên môi trường Internet, nhiều giải pháp đã được đặt ra, triển khai thực hiện, khi hiệu quả còn bỏ ngõ thì những hậu quả đã nhãn tiền.
Nếu tự ý sử dụng, người bệnh có thể đối mặt nhiều rủi ro hơn lợi ích từ những thông tin điều trị đái tháo đường được chia sẻ
Vừa qua, Khoa Cấp cứu, BV Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T 58 tuổi, ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm.
Theo tìm hiểu tiền sử từ người nhà bệnh nhân, trước đó khoảng gần một tháng bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ và dùng thuốc Nam, cùng viên sủi không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng xã hội với giá gần 3 triệu đồng cho một liệu trình với cam kết khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong khi tình trạng đường huyết lại tăng lên. Khoảng một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy cơ thể và mặt phù nặng lên kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm. Tình trạng trên có dấu hiệu nặng dần. Ngay sau đó bệnh nhân T. được người nhà chuyển đến BV Nội tiết Trung ương.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Công Bình, Khoa Cấp cứu BV Nội tiết Trung ương cho biết, thời gian qua Khoa Cấp cứu tiếp nhận liên tiếp nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường tăng huyết áp với nguyên nhân tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội không chính thức. Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng.
BV Chợ Rẫy cũng đã từng tiếp nhận và điều trị cho chị C.T.H, 41 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An, cũng phải đến BV Chợ Rẫy cấp cứu sau 6 năm uống thuốc đông y gia truyền để điều trị đái tháo đường. Khi bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ khuyên ngưng dùng, chị C.T.H vẫn tiếp tục uống thuốc này. Tuy nhiên, sau đó chị bỗng dưng bị sút cân, mệt mỏi và phải đến BV Chợ Rẫy cấp cứu.
Các bác sĩ nhận định chị bị ngộ độc hoạt chất phenphormin có trong thuốc trị tiểu đường. Đại diện khoa Hồi sức cấp cứu Khu D - BV Chợ Rẫy cho biết bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân đái tháo đường dùng loại thuốc không rõ nguồn gốc do các thầy lang vườn tự pha chế hoặc nhập từ Trung Quốc và chủ yếu có pha chế thêm các hoạt chất như phenformin, metformin, biguanides vốn đã bị cấm sử dụng vì tỷ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao đe dọa sự an toàn, thậm chí là tính mạng của bệnh nhân.
Đến những bài thuốc "dân gian" được chia sẻ
"Bố em bị tiểu đường đã 3 năm rồi mọi người ạ. Cũng vì tính lười đi khám định kì mà một hôm bố tự dưng ngã khuỵu xuống, cả nhà phải đưa đi khám ngay. Bác sĩ cho biết đo đường huyết là 7.5, có các triệu chứng: mắt kém, răng ê buốt, mẩn ngứa chân, thườn bị chóng mặt và kết luận bị bệnh tiểu đường. Từ đó đến nay, thay vì dùng thuốc tây, bố em đã làm theo 1 bài thuốc được người quen mách, hiện tại, đường huyết đo của bố chỉ còn khoảng 5.5 - 6.1, sức khỏe rất ổn định, cả nhà mừng lắm. Em biết có nhiều người đang chật vật, khổ sở tìm cách chữa bệnh tiểu đườngnên hôm nay em muốn chia sẻ về bài thuốc này, mong giúp ích được cho mọi người."
Đây là lời mở đầu cho bài đăng được chia sẻ trên khá nhiều hội, nhóm, diễn đàn về câu chuyện "người thật việc thật", "nhân chứng sống" về việc điều trị "khỏi hoàn toàn" tiểu đường mà không cần dùng thuốc, đi kèm với đó là chia sẻ về nhiều bài thuốc "trị tiểu đường" khác được mách bảo, chia sẻ với tính xác thực chưa được kiểm chứng nhưng được sự hưởng ứng không nhỏ từ người dùng mạng xã hội.
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường gặp nhiều biến chứng nguy kịch khi tự ý sử dụng các sản phẩm được quảng cáo là có thể "trị khỏi hoàn toàn" đái tháo đường
Không chỉ phủ sóng trên các trang mạng, hội nhóm trên mạng xã hội, những bài thuốc "trị hết bệnh" được chia sẻ để giúp người, giúp đời cũng xuất hiện tại nhiều địa phương khác nhau, nhất là các khu vực nông thôn, vùng xâu vùng xa. Theo chia sẻ của chị N.T.N, trong một lần đi xe buýt ở một tỉnh miền Tây, chị nhận được một người đưa cho tờ giấy có in bài thuốc về việc dùng lá dứa, lá bằng lăng... để nấu nước uống hằng ngày có thể trị khỏi bệnh tiểu đường, hay một bài thuốc khác thì được giới thiệu là có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường chỉ bằng việc sử dụng mướp hương nướng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo - Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ: "Khi di chuyển trên các phương tiện công cộng thì việc chia sẻ các bài thuốc trị bệnh rất phổ biến, thậm chí nhiều trường hợp phát những gói thuốc đã được chuẩn bị sẵn với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, khi muốn sử dụng thuốc Đông y, dược liệu, thảo dược để điều trị thì nên đến gặp thầy thuốc, cơ sở y tế có chuyên môn được cấp phép để đảm bảo hiệu quả, an toàn và phù hợp với từng bệnh nhân. Còn những trường hợp chia sẻ theo dạng kinh nghiệm đôi khi có thể phù hợp với trường hợp của bệnh nhân này nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro có hại với những bệnh nhân khác".
Nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường đã được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc. Khi vào cấp cứu với các biến chứng nặng nề như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng.
Lời khuyên của thầy thuốc
- Người bệnh đái tháo đường cần đi khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường. Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để kiểm tra.
- Người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn cũng như cho lời khuyên phù hợp, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép.
Nhập viện vì 'thần dược' Cơn sốt TPCN với những lời quảng cáo sử dụng công nghệ hàng đầu thế giới tràn ngập trên mạng xã hội, được lan tỏa, núp bóng dưới những chia sẻ của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng khiến không ít người lầm tưởng. Nhiều người nghèo thân vốn mang bệnh, nay uống phải "thần dược" dởm đã phải nhập viện, bệnh...