Suy nghĩ về giấc mơ Việt Nam
Những ngày tháng tư lịch sử này đâu đâu cũng rợp bóng cờ bay. Không khí vui mừng khôn tả. Lòng mọi người sống lại những phút giây lịch sử hào hùng của dân tộc 40 năm về trước. Trái tim nghẹn ngào – ôi yêu lắm Việt Nam ơi. Những thành tựu mà dân tộc ta đã bỏ bao nhiêu mồ hôi công sức và cả máu xương để đổi lấy thật đáng tự hào.
Nhưng để văn hoá Việt thăng hoa hơn nữa, xứng tầm với một quốc gia có bề dày truyền thống, có tài nguyên thiên nhiên dồi dào thì cũng cần có nhiều suy nghĩ và cách làm mới.
Tự hào Việt Nam
Anh bạn tôi sống ở Australia (Úc) có kể cho tôi nghe về chuyện người Úc mỗi khi trong nhà có thực phẩm tốt nhưng không có nhu cầu sử dụng thì họ thường bao bọc cẩn thận đảm bảo vệ sinh rồi đặt lên trước một cái bàn rất lịch sự để trước cổng nhà để khách đi đường nếu ai cần thì lấy dùng mà không phải trả tiền.
Video đang HOT
Một anh bạn khác sống ở Nhật Bản thì kể câu chuyện người nông dân Nhật khi thu hoạch nông sản họ có một cái kho để cất giữ. Muốn bán lẻ, mỗi buổi sáng họ chỉ cần cân sẵn từng bọc bao nhiêu kilôgam để ghi giá tiền rồi để trên một cái sạp cạnh đường đi mà không có ai ngồi trông giữ cả. Khách đi đường thấy cần thì mua bằng cách lấy bao sản phẩm và bỏ số tiền bằng giá ghi trên bao vào thùng đựng tiền. Chiều về, người nông dân đến bê thùng tiền về là xem như xong việc bán lẻ.
Nhưng gần đây nhất có lẽ là câu chuyện cậu em họ tôi học ở Thái Lan về chơi lễ 30/4 kể. Cậu ta kể ban đêm ở bên đó cứ việc để xe bên lề đường đi ngủ bình thường mà sáng dậy thấy xe để chỗ nào vẫn còn yên chỗ ấy.
Một gian hàng đồ cũ tại Chợ xưa Đà Nẵng 27/4/2015
Ba câu chuyện trên làm tôi “thèm thuồng” và mơ ước một ngày nào đó Việt Nam chúng ta cũng sẽ được như vậy.
Thực ra, trên trái đất này ở nơi đâu cũng có kẻ tốt người xấu, kẻ ươn người giỏi chứ không dân tộc nào tốt hơn dân tộc nào. Điều quan trọng là nền giáo dục đạt đến trình độ nào. Nói như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thì việc phòng chống tham nhũng ở nước này đi từ không cho tham nhũng đến không thể tham nhũng và cuối cùng là không muốn tham nhũng. Khi đạt đến một trình độ quản lý xã hội và nhận thức nào đấy thì người ta sẽ không cần thiết phải làm việc xấu để mang về lợi quyền cá nhân cho mình. Chẳng hạn như ví dụ về Nhật Bản, nếu người đi đường lấy nông sản mà không bỏ tiền vào thùng thì chắc chủ bán cũng không biết đâu mà đòi. Nhưng họ không làm điều đó bởi họ có lòng tự trọng, không muốn ăn không của ai cái gì, không muốn người khác gọi mình là đồ hèn hạ.
Về thành tựu kinh tế, Việt Nam chúng ta từ chỗ chỉ có vài nước công nhận nền độc lập, bản đồ trên thế giới chưa có, đến nay đã xây dựng và phát triển nên kinh tế thị trường vững mạnh; từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Việt Nam đã là thành viên của khối ASEAN từ 1995, gia nhập WTO từ 2006 và chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). GDP của Việt Nam hiện đạt hơn 175 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản: hồ tiêu, gạo, cà-phê, chè, cao su, thủy sản và đồ gỗ… Đó là những tín hiệu đáng mừng trong quá trình phát triển của một đất nước. Nhưng nếu nhìn về góc độ văn hoá thì chúng ta còn nhiều điều phải làm nữa.
Hướng đến đô thị xanh
Cái gốc sâu xa của đạo đức xã hội phải xuất phát từ nền giáo dục. Một nền giáo dục trọng nhân, trọng nghĩa sẽ đào tạo ra những con người ưu tú, biết đề cao lẽ phải, biết sống chuẩn mực. Khi giáo dục còn có điểm “đen” thì còn ghập ghềnh về hệ tư tưởng xã hội trong sáng. Cốt lõi phát triển của mọi quốc gia phải xuất phát là từ nền giáo dục. Nền giáo dục tốt sẽ đào tạo ra những thế hệ người có kiến thức giỏi, chuyên môn sâu, kỹ năng vững vàng để tham gia xây dựng đất nước.
Bằng cấp của Việt Nam nói chung vẫn chưa được thế giới chấp nhận; kiến thức và kỹ năng làm việc của những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng không đạt chuẩn đào tạo của khu vực. Vai trò quyết định của giáo dục từ lâu trở thành nhận thức chung, chúng ta nhiều lần cải cách song đến nay vẫn cần phải “đổi mới căn bản, toàn diện”.
Thiết nghĩ để một nền văn hoá phát triển thì trước hết những người mà xã hội tôn vinh là thầy phải là những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Những người thầy phải thật sự chân chính, là cái nôi để nuôi dưỡng các hạt giống tâm hồn thành những cây đời xanh tươi. Một hi nền giáo dục đã đạt chuẩn, thầy ra thầy, trò ra trò, tất cả hệ thống giáo dục là một tấm gương sáng phản chiếu lên toàn xã hội thì xã hội ấy chắc chắn sẽ đẹp lên rất nhiều.
Gần đây đã xuất hiện nhiều tín hiệu vui. TP. Hồ Chí Minh có thùng trà đá từ thiện. Đài truyền hình VTV có nguyên chuyên mục Việc tử tế. Đặc biệt, Đà Nẵng phát động một năm Văn minh văn hoá đô thị. Và nhiều nhiều nhiều tín hiệu khác nữa… Hy vọng những hạt nhân này sẽ lan toả mạnh để lấn át đi cái xấu, làm cho xã hội ngày một đẹp lên, để kỷ niệm 50 năm, 60 năm ngày thống nhất, Việt Nam sẽ là điểm đến của văn hoá, văn minh nhân loại.
Theo ictpress.vn