Suy nghĩ của 1 teen sau khi đỗ đại học
Nhiều người cho rằng, đỗ đại học là một thành công lớn, rằng sau khi đã “ vượt vũ môn hóa rồng” rồi thì có thể xả hơi, chơi thoải mái.
Nhưng tôi không nghĩ vậy. Có rất nhiều điều khác trong cuộc sống cần được quan tâm sau khi đỗ đại học và trở thành sinh viên!
1. Gia đình
Không còn ngập đầu với những bài vở chồng chất của năm cuối cấp 3 và nỗi lo lắng trước hai kì thi quan trọng trước mắt nữa, tôi hướng sự quan tâm của mình tới gia đình trước tiên. Tôi hiểu rằng gia đình đã hết sức cố gắng để tạo điều kiện cho tôi tập trung ôn thi cho tốt: trong suốt thời gian học thi tôi không phải làm bất cứ một công việc nhà nào cả – mặc dù bố mẹ, đặc biệt là mẹ tôi, bận rộn vô cùng. Mẹ vừa phải đi làm, vừa đi học tại chức, lại phải chăm sóc cả gia đình tôi và ông bà tôi già yếu. Thế là ngay từ khi thi xong, tôi lập tức bắt tay vào học những công việc nội trợ một cách tích cực nhất; và tôi nhận ra rằng dậy sớm đi chợ chẳng nhàn hạ gì, cũng như nấu nướng cho vừa miệng cả nhà thật là không dễ!
Nhưng dù sao, cái tôi được vẫn nhiều hơn cái mất, đó là niềm vui khi giúp được mẹ, để mẹ đỡ vất vả hơn!
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Video đang HOT
2. Học ngoại ngữ
Tôi thi khối D, tức là phải luyện tiếng Anh. Nhưng nếu như học ngoại ngữ để thi đại học thì chỉ học các cấu trúc ngữ pháp và đọc hiểu, thì học ngoại ngữ để sử dụng trong giao tiếp lại phải chú trọng nghe – nói. Mà tôi, cũng như nhiều học sinh Việt Nam khác, rất kém hai kĩ năng này. Và giờ thì tôi luyện nghe tiếng Anh. Tôi mượn sách và băng đĩa, tôi nghe cả những đài phát thanh nước ngoài như BBC hay CNN và xem phim Mỹ không có thuyết minh… Đó là những bước chuẩn bị để tôi đăng ký một khóa học tiếng Anh luyện thi lấy chứng chỉ sắp tới.
3. Đọc sách
Một tân sinh viên của ngành khoa học xã hội không thể mù tịt về xã hội. Không có nhiều tiền để sách gì cũng mua, tôi quyết định là thẻ mượn sách ở thư viện thành phố, hàng tuần đạp xe lên mượn/trả sách. Nơi đây sẽ là một trong những nơi giúp tôi tiếp cận với kho tàng của tri thức, khơi dậy khát khao học hỏi để hiểu biết – một bước đệm trước khi chính thức là sinh viên; và những cuốn sách từ đó dường như giúp tôi điềm tĩnh, chín chắn hơn.
4. Hoạt động xã hội
Là sinh viên, có nghĩa là bắt đầu rời vòng tay của gia đình, dần dần bước ra hòa mình với cộng đồng, với cuộc sống. Vào đại học, để tránh bỡ ngỡ, lạ lẫm với môi trường mới, tôi cố gắng làm quen với nhiều bạn bè, cởi mở hơn, hòa đồng hơn chứ không “mọt sách” như hồi cấp 3 nữa. Tôi đăng kí tham gia câu lạc bộ khiêu vũ của trường, và hứng thú hơn nữa với câu lạc bộ tình nguyện: chúng tôi sắp tổ chức Tết trung thu cho trẻ em nghèo ở một xã ngoại thành thành phố (Từ Liêm – Hà Nội). Chuyến đi tình nguyện đầu tiên của tôi đang tới, hứa hẹn những điều mới lạ mà hết sức thú vị đang chờ tôi khám phá.
Thi đỗ với điểm số cao, nhưng nhìn ra cuộc sống xung quanh, tôi thấy mình quá non nớt, chẳng biết gì cả. Tuy thế, suy nghĩ của tôi đã thay đổi: chủ động hơn trong những công việc của bản thân và chủ động hơn với tương lai của mình; học cách tự lập và chăm lo cho người khác.
Tôi đang lớn!
Theo Mực tím
Đỗ hai đại học, cậu bé mồ côi lo không đủ tiền theo học
Trong khi cả xóm nhỏ xứ Thanh vui mừng với tin Nguyễn Trọng Cường thi đỗ hai đại học thì cậu học trò nghèo mồ côi cha còn đang bươn chải tận trời Nam. Cường cho biết phải cố gắng làm, nếu không sẽ không thể học đại học.
Tại trường THPT Lê Văn Hưu, xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), không ai không biết đến cậu học trò nghèo chịu khó Nguyễn Trọng Cường. Nhiều phụ huynh lấy Cường làm gương cho con: "Xem bạn thiếu thốn tình cảm, vật chất mà vẫn học giỏi thế đấy".
Khi mới học lớp 3, bố Cường mắc bệnh hiểm nghèo. Dù gia đình đã vay mượn, chạy chữa nhưng ông không qua khỏi, bỏ lại mẹ Cường với 4 đứa con thơ. Không có tiền học, 3 anh chị của Cường đành đứt gánh giữa chừng, vào Nam làm ăn. Thi thoảng họ gom góp được vài trăm nghìn gửi về cho Cường và mẹ. Rồi cả ba đều có vợ, có chồng, cũng phải lo cho gia đình riêng. Cường và mẹ nương tựa vào nhau để sống.
Mẹ Cường lại bị bệnh tim hành hạ, thương mẹ nên thời gian học của cậu rút ngắn đi, nhường cho việc đồng áng. Đi học về, chỉ kịp cất cặp sách là Cường đã phải thay đồ, xách rọ ra đồng mò cua, bắt ốc. Bữa cơm của hai mẹ con chỉ có canh rau và con cua, con hến do chính Cường lặn lội mò.
Cường (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng thầy giáo. Ảnh: Cao Tuân.
Khi đỗ vào trường THPT công lập Lê Văn Hưu, Cường mất mấy đêm không ngủ bởi nỗi lo không có tiền theo học. Cái suy nghĩ mẹ ốm còn không có tiền mua thuốc, giờ thêm tiền học làm Cường đau nhói. Biết được nỗi lo của con, mẹ em, bà Lê Thị Thuấn đã khóc, động viên con cố gắng học thoát khỏi cảnh nghèo. Dù đau ốm nhưng cứ làm xong việc nhà, bà lại đi làm thuê ở các làng bên, khi thì gặt, cấy thuê, khi thì cuốc đất để chắt chiu, dành tiền đóng học cho con.
"Chồng tôi mất đi đã là một mất mát lớn đối với Cường. Tôi có khổ đến mấy vẫn phải nuôi cháu học thành người", bà Thuấn nghẹn ngào nói.
Dù thời gian học ít đi, song Cường vẫn đạt rất nhiều thành tích. Năm lớp 12, Cường đi thi học sinh giỏi Hóa toàn tỉnh và đạt giải 3. Việc Cường đỗ ĐH Xây Dựng (25 điểm) và ĐH Y Thái Bình (24,5 điểm) khiến cả xóm nhỏ xôn xao. Ai cũng trầm trồ khen ngợi cậu bé mồ côi nghèo, nhưng họ cũng không giấu được nỗi lo "thằng bé không biết có tiền để đi học không".
Còn mẹ Cường mừng mừng tủi tủi, lấy nén nhang thắp cho chồng. Bà cho biết, vừa thi xong ĐH, Cường đã xách ba lô vào Nam làm việc. Nó bảo "con phải đi làm thuê kiếm tiền, để lúc đỗ ĐH còn có tiền nhập học mẹ ạ".
Cường cho biết sẽ chọn ĐH Xây dựng, bởi: "Bác sĩ là nghề em ao ước. Em muốn được chữa bệnh cho mẹ, cho người thân, cho bà con nghèo. Nhưng học y thì lâu quá, tốn nhiều tiền mà nhà em lại không có. Học xây dựng thời gian ngắn hơn, em có thể vừa học vừa làm đỡ đần cho mẹ".
Hoàng Thùy - Cao Tuân
Theo VnExpress
Nữ thủ khoa 10 năm làm lớp trưởng Xinh xắn, đáng yêu và học giỏi, Phạm Thị Minh Duyên đã vượt vũ môn thành công với thành tích thủ khoa khối C, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Một điều thú vị nữa, cô bạn thủ khoa này còn là lớp trưởng kỳ cựu với 10 năm kinh nghiệm "trong nghề". Thủ khoa Phạm Thị Minh Duyên...