Suy giảm trí nhớ: Căn bệnh thời đại
Hiện nay, có rất nhiều người, không chỉ là những người già mà ngay cả nhiều người trẻ tuổi cũng thường than phiền về trí nhớ của mình. Khi đối mặt với những triệu chứng suy giảm trí nhớ, hầu hết mọi người đều lo lắng khi sợ rằng tình trạng này sẽ tiến triển nặng và dẫn đến mất trí nhớ. Theo các BS chuyên khoa thần kinh, điều này cũng có thể xảy ra nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu chúng ta hiểu biết về vấn đề này.
Nguyên nhân nào gây ra giảm trí nhớ
Theo các tài liệu y khoa, trí nhớ là một quá trình hoạt động của não bộ để ghi nhận, lưu giữ và nhớ lại thông tin khi cần thiết. Quá trình này đòi hỏi có sự tham gia của nhiều vùng của não như: thùy trán, thùy thái dương, đồi thị, hải mã …
Một thông tin sẽ được ghi nhận bằng các giác quan, sau đó sẽ được mã hóa và lưu trữ ở các kho trong não. Khi cần nhớ lại, thông tin sẽ được truy xuất tại các kho và chuyển đến các trung tâm phát ngôn hoặc vận động ở các vùng vỏ não tương ứng để thực hiện.
Tùy thuộc vào nội dung thông tin cần nhớ và thời gian ghi nhớ mà chúng ta có các cách phân loại trí nhớ khác nhau. Việc phân loại này sẽ giúp các thầy thuốc tìm ra nguyên nhân và vị trí tổn thương có thể có của bệnh suy giảm trí nhớ.
Theo phân tích khoa học, thường thì có 3 loại trí nhớ bao gồm: trí nhớ cực ngắn, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Trí nhớ cực ngắn là loại trí nhớ về hình ảnh, âm thanh.
Trí nhớ ngắn hạn là trí nhớ công việc. Đó là khả năng nhớ lại trong một khoảng thời gian ngắn một thông tin liên quan đến tiến trình chú ý. Các thông tin sẽ được ghi nhớ cho đến khi hoàn thành công việc và thường quên đi sau đó.
Tuy nhiên, với những thông tin quan trọng, lặp đi lặp lại có thể sẽ được lưu giữ thành trí nhớ dài hạn. Đây là loại trí nhớ rất quan trọng có thể lưu trữ lâu dài những thông tin quan trọng như: làm thế nào để làm được việc, thi cử cũng như những thông tin quen thuộc như: tên người trong nhà hay bạn bè, địa chỉ …
Suy giảm trí nhớ có thể là lành tính hoặc bệnh lý. Trong đó, suy giảm trí nhớ lành tính là giảm trí nhớ đi kèm với lớn tuổi do các thay đổi của thùy trán trước, chủ yếu là suy giảm trí nhớ công việc, bao gồm đãng trí và giảm khả năng tập trung, khả năng lưu giữ các ý nghĩ lâu dài.
Những biểu hiện thường gặp là quên ngay một việc mình định làm, không tìm thấy đồ vật mình vừa đặt xuống … Riêng giảm trí nhớ bệnh lý là giảm hay mất trí nhớ bất thường không phải do tuổi tác.
Video đang HOT
Căn bệnh thời đại: Ngăn chặn ra sao?
Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, điều đáng nói là hiện nay đối tượng suy giảm trí nhớ không chỉ tập trung ở người lớn tuổi mà còn rất nhiều người trẻ cũng lâm vào tình trạng này. Ngoài các nguyên nhân chính gây ra giảm trí nhớ gồm: do tuổi tác, do bệnh lý thoái hóa não hay do những chấn thương đầu, tai biến mạch máu não … còn nhiều nguyên nhân thuộc về yếu tố “thời đại” như: giảm trí nhớ do nghiện rượu, việc lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ.
Đặc biệt, với nhịp sống và cường độ làm việc quá gấp gáp và căng thẳng như hiện nay, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng stress, mất ngủ, trầm cảm, làm việc căng thẳng gây kém tập trung … đó cũng là những nguyên nhân thường gặp trong gây giảm trí nhớ ở người trẻ.
Những phương pháp cần thiết để giữ gìn trí nhớ- Rèn luyện trí óc: luôn học tập những kỹ năng mới như chơi nhạc cụ, chơi ô chữ, học ngoại ngữ hoặc các môn học yêu thích
- Tập thể dục đều đặn
- Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh
- Chống căng thẳng/stress
- Bảo vệ đầu của mình
- Tổ chức hóa công việc
- Tăng cường sự tập trung.
Suy giảm trí nhớ tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng nó thường gây rất nhiều phiền toái và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhất là những người trẻ.
Theo BS Trần Công Thắng, khi bạn đã bắt đầu quan tâm về việc giảm trí nhớ của mình hoặc việc giảm trí nhớ gây khó chịu cho bạn thì đó là lúc bạn nên đi khám trí nhớ.
Việc đòi hỏi bệnh sử cẩn thận, đặc biệt là thời gian và thời điểm trí nhớ, nội dung trí nhớ bị giảm, yếu tố tinh thần, công việc, thuốc men có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và diễn tiến của giảm trí nhớ … có thể giúp các thầy thuốc định hướng loại giảm trí nhớ và nguyên nhân.
Theo BS Thắng: Điều trị bệnh suy giảm hoặc mất trí nhớ tùy thuộc vào nguyên nhân. Đôi khi rất đơn giản, chỉ cần loại bỏ nguyên nhân thì trí nhớ sẽ từ từ hồi phục. Một số bệnh lý như trầm cảm, mất ngủ, bệnh tuyến giáp có thể điều trị bằng thuốc uống.
Cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào điều trị hết giảm trí nhớ do tuổi. Tập luyện trí nhớ vẫn là biện pháp điều trị chính. Bên cạnh đó, các thuốc có tác dụng chống o xy hóa như vitaminE, ginko biloba cũng có tác dụng chống lão hóa và giúp giữ gìn trí nhớ.
Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc đặc biệt phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là với những người trẻ. Được biết, hiện nay, cứ vào mùa thi cử, đứng trước áp lực của việc phải học thuộc lòng khá nhiều môn trước các kỳ thi của con em nhiều phụ huynh đã rất lo lắng.
Thay vì chọn cho con chế độ học tập, nghỉ ngơi và bồi bổ một cách hợp lý, khoa học để có thể ghi nhớ bài tốt hơn, nhiều phụ huynh đã chọn cho con em mình phương pháp “rèn luyện trí nhớ siêu tốc” là: dùng thuốc tăng cường trí nhớ! Tuy nhiên, theo PGS.TS Mai Phương Mai – Phó trưởng khoa Dược, Chủ nhiệm bộ môn Dược lý, ĐH Y Dược TP.HCM : Hầu hết các loại thuốc được gọi là “thuốc tăng cường trí nhớ” trên thị trường hiện nay chỉ là các loại thuốc điều trị có thể đem lại lợi ích nào đó cho hoạt động của não bộ như can thiệp, hỗ trợ giúp cho việc chuyển hóa máu não được chuyển hóa, tuần hoàn tốt hơn hay giúp cải thiện việc chuyển hóa các tế bào thần kinh …
Hầu hết các loại thuốc này đều có tác dụng phụ có thể gây biến đổi tâm thần, ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc của người dùng ví dụ như loại thuốc Paracetam là thuốc gây hưng phấn, cải thiện việc chuyển hóa các tế bào thần kinh có tác dụng phụ là gây mệt mỏi, bồn chồn, dễ bị kích động hay như Amphetamin kích thích đầu óc tỉnh táo, giúp sĩ tử chống lại cơn buồn ngủ khi ôn bài, nhưng nếu dùng thuốc kéo dài có thể làm cơ thể suy kiệt và nguy hiểm hơn là gây nghiện.
Theo SKDS
Bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi
Chuyện lúc nhớ, lúc quên ngày nay không còn là "thuộc tính" của người già, theo BS Trần Công Thắng - chuyên khoa Thần kinh (BV ĐH Y Dược TP.HCM), hiện có khoảng 20 - 30% người trẻ tuổi gặp các vấn đề về trí nhớ.
Thế nhưng, nhiều người đang xem chuyện hôm nay quên một việc, hôm sau quên hai việc là điều bình thường, trong khi đó, đây chính là dấu hiệu của chứng suy giảm trí nhớ.
Dễ quên ký ức gần
Bước đầu tiên của quá trình hình thành trí nhớ là thông tin được ghi nhận thông qua những giác quan, ví dụ như hình ảnh ghi nhận bằng mắt, tai nghe âm thanh... Thông tin được mã hóa, lưu trữ trong não. Sau đó, khi người sử dụng cần bất cứ thông tin nào, não sẽ giúp "truy xuất" từ kho lưu trữ này.
BS Thắng cho biết: "Ở người trẻ, giảm trí nhớ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Con người ngày nay có hàng ngàn việc để nhớ, kèm theo áp lực công việc gây ra nhức đầu, đau nhức vai cổ, mất ngủ, stress... Hậu quả của một hoặc tất cả nguyên nhân trên làm cho độ tập trung kém đi và "khổ chủ" không nhớ những chuyện đã xảy ra xung quanh. Ngoài ra, sự ghi nhận thông tin kém còn có thể do một số bệnh lý như cận thị, khi tầm nhìn bị mờ ảo và có giới hạn. Hoặc khi ghi nhận rồi, quá trình lưu trữ lại bị trục trặc do những sang chấn trong cuộc sống làm tổn thương não như nghiện rượu, chấn thương sọ não".
Chính vì vậy, việc giảm trí nhớ ở người trẻ thường là giảm trí nhớ gần, mới xảy ra hay còn gọi là trí nhớ công việc. Nhiều bệnh nhân thường than phiền với BS rằng, ra khỏi nhà một lúc lại băn khoăn không biết đã đóng cửa sổ chưa, tắt bếp ga, tắt máy tính chưa... Tại Phòng khám Trí nhớ, BV ĐH Y Dược TP.HCM, không ít bệnh nhân trẻ tuổi cho biết, họ rất hay quên. Ví dụ, đang tính làm một việc gì đó, quay qua quay lại một lúc sau đã quên bẵng mình đang muốn làm gì để đồ ở đâu tìm không ra... Các chuyên gia y tế cho rằng, đây có thể là hiện tượng của người bắt đầu bước vào giai đoạn stress hoặc rối loạn trầm cảm. Bản chất của trầm cảm là khiến người bệnh thờ ơ, không chú ý đến xung quanh, giảm sự quan sát, có cảm giác mất năng lực trong cuộc sống. Do đó, bệnh nhân trầm cảm không buồn để ý đến bất cứ thứ gì, và đương nhiên sẽ không nhớ.
Bên cạnh đó, việc suy giảm trí nhớ của người trẻ còn do việc lạm dụng các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ Amitryptilin, một số thuốc chữa động kinh cho trẻ em, nhóm thuốc corticoid (nhất là ở bệnh nhân hen suyễn). Ngoài ra, có những dạng không phải là bệnh lý giảm trí nhớ mà người ta gọi là tật đãng trí. Đó là những người làm gì cũng nhanh, nói nhanh trong một khoảng thời gian ngắn... dẫn đến thông tin vào não nhiều quá, không thể kiểm soát nổi. Nhưng những hiện tượng này không tăng lên theo thời gian.
Tăng trí nhớ: thu xếp gọn gàng cuộc sống
BS Thắng khuyến cáo: "Khi bắt đầu có những rối loạn về trí nhớ gần, người bệnh cần phải xác định được đó là biểu hiện bình thường hay bệnh lý. Biểu hiện bình thường nếu chỉ thỉnh thoảng mới quên. Suy giảm trí nhớ trở nên nặng hơn nếu việc quên này trở thành quên hoàn toàn, ngay cả khi được gợi nhớ. Ví dụ, bạn ngỏ ý mượn cuốn sách hôm trước, hôm sau nhìn thấy mặt bạn, người đó vẫn không nhớ ra việc được hỏi mượn sách... Việc bị quên ngày càng tăng lên nhiều hơn, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống, người bệnh phải đi tham vấn, kiểm tra tại các phòng khám trí nhớ ở các BV. Tại đây, các chuyên gia sẽ xác định, sự giảm trí nhớ này là lành tính hay bệnh lý, suy giảm nhận thức nhẹ hay sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ ở người trẻ (40 - 60 tuổi) có thể do các tổn thương não vì tai nạn giao thông, hoặc do một số thể bệnh Alzheimer có tính chất gia đình hoặc do đột biến gien hay sa sút trí tuệ do tai biến mạch máu não hoặc nghiện rượu".
Để duy trì trí nhớ, đầu tiên chúng ta phải loại bỏ những yếu tố nguy cơ gây ra chuyện "quên" bằng cách thu xếp công việc ngăn nắp, tránh căng thẳng stress, hạn chế tối đa hút thuốc lá và uống rượu. Đặc biệt, rượu có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ rất nhiều. Khi có những biểu hiện mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, đau đầu mất ngủ..., bệnh nhân phải đi khám để điều trị căn nguyên. Tập thể dục thường xuyên cũng là một trong những phương cách cải thiện trí nhớ. Đây là cách hữu hiệu với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ, kể cả trẻ em và người lớn gặp vấn đề về khả năng tập trung, những người bị khiếm khuyết năng lực học tập và các nạn nhân của chấn thương sọ não hoặc đột quỵ. Những người trẻ cũng phải tập luyện khả năng ghi nhớ bằng cách tăng cường quan sát, ghi nhận: quan sát các đồ vật xung quanh bằng mắt, dùng trí tưởng tượng để liên hệ, so sánh, ghi chép những việc cần làm...
Theo SKDS
Gây mê nhiều làm giảm trí nhớ ở trẻ em Theo các nhà khoa học ở ĐH Gothenburg (Thụy Điển), việc gây mê nhiều lần có thể làm mất nhiều tế bào não gốc, làm suy giảm trí nhớ và khả năng học tập ở trẻ em. Những nhà khoa học này đã tiến hành thí nghiệm trên chuột để xem điều gì xảy ra khi chúng tiếp xúc với từ trường mạnh....