Sửng sốt cậu học trò viết chữ bằng chân
Bất ngờ bị tai nạn phải cưa bỏ tay mới cứu được mạng sống. Mất hai cánh tay, tưởng chừng việc học sẽ bị dang dở, thế nhưng với tinh thần ham học, em Kiệt đã vươn lên bằng chính đôi chân của mình…
Em học sinh mà chúng tôi nói đến là em Võ Văn Kiệt (SN 1996), học sinh lớp 9T2 – Trường THCS Nguyễn Trãi (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Khi chúng tôi đến ngôi trường này, hỏi đến em Kiệt, giáo viên và học sinh của trường đều cùng chung một nhận xét: “Kiệt có nghị lực phi thường đáng noi gương”.
Em Võ Văn Kiệt đang đến trường học.
Tai nạn bất ngờ
Chúng tôi tìm gặp em Võ Văn Kiệt vào một buổi chiều giữa tháng 1 tại Trường THCS Nguyễn Trãi khi em đang thực hành môn tin học trên máy tính. Nhìn em dùng hai cánh tay đã cụt ngang cùi chỏ điều khiển con chuột và bàn phím máy tính hết sức thành thạo khiến chúng tôi hết sức bất ngờ và thán phục.
Ngồi trò chuyện với PV Dân trí, Kiệt kể lại hoàn cảnh bất hạnh trước đây của mình với ánh mắt lạc quan. Kiệt cho biết quê em ở ấp Mang Cá (xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Cuộc sống ở quê rất khó khăn nên cả nhà 5 nhân khẩu luôn sống trong cảnh nghèo túng. Sau đó có người quen ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã giúp đỡ tạo điều kiện cho ba mẹ Kiệt về thị xã làm việc. Kiệt vừa học hết lớp 5 nên cũng theo ba mẹ về thị xã để học tiếp. Kiệt vào học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Trãi.
Một thời gian sau, ba mẹ Kiệt cũng ổn định việc làm nên đời sống có phần “dễ thở” hơn. Còn Kiệt, hai năm đầu học cấp 2 đều đạt kết quả khá giỏi. Tưởng cuộc sống cứ như thế sẽ “xuôi chèo mát máy”, nào ngờ một tai họa bất ngờ ập đến.
Hết hè lớp 7, khoảng tháng 8/2009, Kiệt đến trường xem lịch học đầu năm lớp 8. Sau khi xem xong về nhà, Kiệt lên lầu để dọn vệ sinh nhà cửa cho bà dì. Kiệt dùng một cây chổi có cán bằng nhôm quét mạng nhện gần cửa sổ, khi đó ngoài trời đang mưa nhỏ thì bất ngờ một đường dây điện trung thế gần đó hút điện xẹt ngang. “Lúc đó em chỉ thấy một luồng điện sáng lên trúng vào cây chổi rồi em bất tỉnh không biết gì nữa”, Kiệt kể lại.
Khi tỉnh dậy thì Kiệt đã thấy mình nằm ở bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) với hai cánh tay bị bỏng rất nặng. Để giữ mạng sống cho em, các bác sĩ cho biết phải cưa bỏ hai cánh tay đang trong giai đoạn hoại tử. “Biết mình sẽ bị mất hai cánh tay em buồn lắm, chỉ muốn chết cho xong”, Kiệt bùi ngùi nhớ lại thời khắc quyết định đó của bác sĩ.
Video đang HOT
Nằm viện khoảng hơn 2 tháng, Kiệt trở về nhà với hai cánh tay cụt ngang cùi chỏ. Nhìn Kiệt luôn trong tâm trạng buồn bả, suy sụp tinh thần, cả gia đình ai cũng thấy xót xa. Mất đi hai cánh tay, Kiệt cho biết từ đây em sẽ sống trong cảnh “thất học” nên tỏ ra rất chán nản. Thế nhưng cùng với sự an ủi của gia đình, một thời gian không lâu sau đó, Kiệt đã làm lại từ đầu bằng tinh thần ham học và nghị lực của bản thân trên đôi chân còn lại của mình.
Tai nạn đã cướp đi đôi cánh tay nhưng em Kiệt vẫn đầy lạc quan.
Tập viết bằng đôi chân
Kiệt cho biết, dù mất hai cánh tay nhưng trong lòng em lúc nào cũng nung nấu việc học tập đến nơi đến chốn. Khi biết em trai vẫn ham học, chị gái của Kiệt đã hỗ trợ bằng cách tập cho em viết bằng chân. “Thời gian đầu, chị gái tập cho em vẽ để cho cứng đường nét. Sau đó, chị dùng bảng tập đồ để em viết lại từ đầu từng chữ cái một”, Kiệt cho biết sự khởi đầu bằng đôi chân của mình.
Kiệt cho biết lúc đầu tập viết cực kỳ khó bởi phải dùng các ngón chân để kẹp cây viết lại. “Một hai ngày đầu cây viết cứ rơi xuống, khi kẹp được thì cứng cả ngón chân không thể viết được chữ gì cả. Những lúc như thế em nản chí lắm chỉ muốn bỏ cuộc cho rồi”, Kiệt nói. Dù vậy, Kiệt cho biết em không muốn nghỉ học và nhờ sự động viên của gia đình, em cố gắng tập viết mỗi ngày đến khi nào được mới thôi.
Sau hơn nửa năm tập viết bằng chân, cuối cùng Kiệt cũng làm được điều mà em mong muốn trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Những con chữ tròn trịa dần dần hiện ra dù có lúc không thẳng hàng nhưng cũng khiến em vỡ òa trong hạnh phúc. “Lúc em viết được tên mình, em mừng lắm, cả nhà ai cũng vui vì biết rằng em có thể sẽ trở lại trường đi học như lúc trước”, Kiệt hớn hở kể lại.
Kiệt đang viết bài bằng chân sau một thời gian dài khổ luyện. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Không chỉ ham học văn hóa, Kiệt còn mê tin học nên sau khi viết được chữ, em bắt đầu tập sử dụng máy vi tính bằng chân. Biết đam mê của con, ba mẹ Kiệt đã mua cho em một máy laptop để tạo điều kiện cho em sử dụng. Tuy nhiên với hai tay bị cụt, việc dùng máy tính không phải là chuyện dễ dàng nên thời gian đầu Kiệt thấy rất nhiều khó khăn. Biết được ý định của Kiệt, một giáo viên tin học của Trường THCS Nguyễn Trãi đã tận tình giúp đỡ em.
Với nghị lực và niềm đam mê của mình, cuối cùng Kiệt cũng điều khiển được con chuột và dùng bàn phím máy tính bằng chân. “Em biết mình sẽ làm được bởi em nghĩ rằng mất đi cánh tay không phải là mất tất cả. Giờ em có thể sử dụng máy tính thành thạo như người bình thường”, Kiệt khoe với chúng tôi. Không chỉ học máy tính cho biết mà Kiệt còn quyết tâm lấy cho được bằng tin học. Và với quyết tâm này, Kiệt đã thi đậu bằng B tin học ở một trung tâm tin học tại thị xã Ngã Bảy.
Sau khi viết được chữ và sử dụng tốt máy tính, Kiệt xin trở lại trường để tiếp tục con đường học tập của mình. Quyết định của Kiệt khiến cả nhà bất ngờ nhưng ai cũng ủng hộ. “Thấy Kiệt ham học và có thể dùng chân viết như người bình thường, cả nhà đã cho em đến trường để em đi học như trước kia, gia đình mừng lắm”, chị gái của Kiệt chia sẻ.
Bằng hai cùi chỏ, Kiệt sử dụng máy vi tính khá thành thạo. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Ngày trở lại trường vào đầu năm học 2011- 2012, Kiệt vào học lớp 8 sau hơn 2 năm bỏ dở nửa chừng vì tai nạn. Kiệt cho biết lúc đó em cũng lo lắm vì sợ bạn bè trêu chọc. Tuy nhiên khi thấy Kiệt có thể viết chữ, dùng máy vi tính bằng chân hay bằng hai cùi chỏ thì bạn bè trong lớp ai cũng bất ngờ. Nỗi lo lắng của Kiệt đã không xảy ra khi bạn bè ai đều khen ngợi những “tài năng” này của Kiệt. Không chỉ thế, có môn học viết nhiều, bạn bè còn thay nhau viết giùm bài cho Kiệt để em có thể theo dõi kịp bài giảng của thầy cô. “Bạn bè tốt với em lắm, các bạn giúp đỡ em rất nhiệt tình nên em thấy mình cần phải vượt qua mặc cảm, tự ti để học tốt hơn nữa”, Kiệt nói.
Cô Nguyễn Thanh Huyền – Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, Kiệt trở lại học, giáo viên trong trường ai cũng mừng cho em. Có những môn nào em không thể học được như môn thể dục thì đều miễn cho em. Ngoài ra, nhiều giáo viên còn đến tận nhà để dạy thêm miễn phí cho em để em có thể bắt kịp bài vở với các bạn khác trong lớp. “Hiện em Kiệt đang được giáo viên tin học kèm cặp để em chuẩn bị tham gia hội thi tin học trẻ cấp thị xã sắp tới. Dù chưa biết kết quả thế nào nhưng việc em Kiệt đi thi đã là một thành tích đáng ghi nhận”, cô Huyền cho biết thêm.
Năm học lớp 8 vừa qua, bằng sự nỗ lực và tinh thần học tập hết mình, Kiệt đạt thành tích học sinh giỏi của trường. Học kỳ 1 năm học lớp 9 vừa rồi, Kiệt cũng đã giữ vững kết quả là học sinh giỏi. “Dù có những khó khăn nhất định nhưng kết quả mà em Kiệt đạt được rất đáng khâm phục. Có thể nói em là một tấm gương sáng để nhiều học sinh khác noi theo”, cô Huyền bộc bạch.
Một trong những điều may mắn và chuyện thú vị đối với em Kiệt là nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm 2012, em là một trong các học sinh trên toàn quốc được ra Hà Nội gặp Chủ tịch nước. Biết Kiệt là một học sinh khuyết tật nhưng có khiếu vẽ nên nhiều thầy cô giáo đã đề nghị em vẽ một bức tranh để tặng Chủ tịch nước. Kiệt đã không phụ lòng thầy cô, em đã vẽ một bức tranh làng quê và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng nhận món quà ý nghĩa của em.
Trò chuyện với PV Dân trí, thầy Nguyễn Văn Hóa – hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi nhận xét, em Kiệt là một học sinh ngoan, hiếu học của trường. Tai nạn dẫn đến thương tật khiến em rất khó khăn trong học tập nhưng em đã cố gắng hết sức, có tinh thần vượt khó, đặc biệt vượt khó nội tâm vươn lên, điều mà ít ai có được. “Đây là một kỳ tích đối với bản thân em Kiệt, một kỳ tích rất đáng khâm phục”, thầy hiệu trưởng nhấn mạnh.
Nói về ước mơ của mình,Kiệt cho biết em sẽ cố gắng học hết phổ thông và sau này mong muốn được trở thành một giáo viên dạy tin học. “Với đôi chân còn lại của mình, em muốn được truyền đạt những kiến thức đã học để giúp những người có hoàn cảnh như em tiếp cận công nghệ thông tin, hoà nhập cùng với xã hội để thấy cuộc sống đáng quý hơn bao giờ hết”, Kiệt nói.
Chia tay em Võ Văn Kiệt, chúng tôi thấy trong ánh mắt em luôn rạng ngời những điều tươi đẹp ở phía trước.
Huỳnh Hải
Theo dân trí
Nghị lực của cô học sinh nghèo khiếm thị
"Em sẽ cố gắng học thật giỏi đến lớp 12 rồi đi học làm cô giáo, để dạy cho các em nhỏ bị khiếm khuyết như em được đi học." Gương mặt cô bé Phạm Thị Ngọc Ánh, học sinh khiếm thị lớp 6 Trường THCS Phan Chu Trinh, Đà Lạt, toát lên niềm tin mãnh liệt.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Tà Hine huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cô con gái út Phạm Thị Ngọc Ánh không may mắn bị khiếm khuyết ở mắt từ lúc vừa chào đời. Nhà nghèo, hai người anh trai phải nghỉ học sớm cùng gia đình lo chạy chữa cho đứa em gái từ nhỏ đã ham học dù mắt không thấy rõ, thế nhưng vẫn không khỏi. Học xong tiểu học, tháng 8/2011, cô bé 12 tuổi một mình lên Đà Lạt vào sống trong tu viện để theo đuổi ước mơ học tập.
Cô học trò khiếm thị Phạm Thị Ngọc Ánh luôn ước ao được một lần thấy rõ thầy cô và bạn bè.
Phạm Thị Ngọc Ánh hiện là một học sinh giỏi của lớp 6A12 Trường THCS Phan Chu Trinh, Đà Lạt. Cô bé rụt rè nhưng có nụ cười hiền hòa này luôn hòa đồng với các bạn cùng lớp và nhận được sự quý mến, tận tình giúp đỡ của bạn bè và thầy cô. Ngọc Ánh kể: "Cứ sáng sáng các bạn cùng lớp lại đứng trước cổng trường đợi xe thồ mà các Sơ ở tu viện thuê chở em đến trường để đưa em vào lớp, tan học lại đưa em ra cổng cho người xe thồ ấy chở về. Ở lớp các bạn hay đọc bài cho em chép, giờ ra chơi thì rủ em chơi cùng và đọc truyện cho em nghe nữa".
Mặt dù bị khiếm thị nhưng Ngọc Ánh vẫn được bố trí cho học chung với các bạn bình thường để em hòa nhập và tăng kỹ năng sống. Mắt chỉ thấy mờ mờ nên Ánh gặp không ít khó khăn: "Em chỉ nghe được bằng tai nên em thích học môn Văn vì nghe cô giảng nhiều, còn như môn Toán thì chỗ nào không theo kịp em hỏi cô hay bạn chỉ lại" - em tâm sự. Những năm gần đây việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng chất lượng của các tiết học được áp dụng rộng rãi thì việc học với Ngọc Ánh lại thêm một chút khó khăn. Bởi trong những tiết học điện tử như vậy em không được nhìn thấy và thực hành như các bạn mà chỉ có thể lắng nghe thật kỹ những gì cô giáo giảng.
Cuộc sống xa nhà lại gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt cá nhân vì đôi mắt không thấy rõ, thế nhưng về nhà em luôn cố gắng tự học, hoàn thành bài vở để theo kịp các bạn. Sau những phấn đấu đầy nghị lực đó, học kỳ 1 vừa qua Ngọc Ánh xuất sắc đạt danh hiệu học sinh giỏi cùng với sự khâm phục của cả bạn bè và thầy cô. Khi được hỏi về ước mơ, khuôn mặt gợn buồn của em như sáng lên. Em hồn nhiên kể về ước mơ làm cô giáo, ước mơ được thấy rõ bạn bè, thầy cô của mình. Em còn khoe: "Hè này em sẽ xin đi học đàn, để sang năm học mới em có thể đánh đàn tham gia văn nghệ với các bạn".
Thầy Phạm Tiến - Hiệu trưởng THCS Phan Chu Trinh chia sẻ: Ngoài Ngọc Ánh, hiện nhà trường có 5 em học sinh khiếm thị được bố trí học chung cùng các em bình thường. Ban đầu, giáo viên trong trường cũng lo lắng vì không ai được đào tạo chuyên môn hay có chương trình gì để hỗ trợ dạy cho các em khiếm thị cả, lại học chung với các em sáng mắt nên thực sự khó khăn cho các em. Thế nhưng, nghị lực học tập không mệt mỏi của các em cộng với tấm lòng tận tình của giáo viên, sự cảm thông giúp đỡ của các bạn cùng lớp mà các em, đặc biệt là trường hợp của Ngọc Ánh, đã làm nên kỳ tích.
Vẫn biết con đường vượt qua hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật để đến với ánh sáng tri thức sẽ còn lắm vất vả, nhưng với niềm tin và nghị lực phi thường của cô bé khiếm thính Phạm Thị Ngọc Ánh, tin rằng ước mơ của em sẽ thành hiện thực.
Theo Diễm Thương
Báo Lâm Đồng
Mặc chân bại liệt, em bé người Mông vẫn chăm chỉ đến trường Lý Văn Của, người dân tộc Mông, ở xã Đức Xuân (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) sinh ra đã bị liệt cả hai chân. Tuy nhiên, bệnh tật không ngăn được tinh thần ham học của em. Để đến được trường học cách xa 2 con dốc, hàng ngày anh Lý Văn Khiào (bố Của) vẫn cõng em ngày 2 buổi đi...