‘Sức nóng’ tăng trưởng của VIB nhìn từ số liệu tài chính 9 tháng
9 tháng năm nay, VIB ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 69%, nhờ tăng trưởng cho vay lên đến 28% và tăng trưởng tiền gửi khách hàng lên đến 34%. Trong bối cảnh quy mô tăng nhanh, cân đối cấu trúc tài sản – nguồn vốn đang là bài toán lớn đặt ra với VIB.
9 tháng năm nay, tăng trưởng cho vay của VIB lên đến 28%, trong khi tăng trưởng tiền gửi khách hàng lên đến 34%
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với lợi nhuận tiếp tục tăng rất nhanh.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm nay của VIB đạt 2.915 tỷ đồng, tăng tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai năm trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 95% cho năm 2018 và 100% cho năm 2017.
Không phải biện pháp nào khác, để tăng trưởng lợi nhuận nhanh, VIB buộc phải tăng mạnh dư nợ cho vay.
9 tháng năm nay, dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng tới 28%, thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng. Với tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm chỉ 14%, đa phần các ngân hàng chỉ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% (tính cả sau khi đã được nới hạn mức so với chỉ tiêu giao hồi đầu năm).
Không chỉ tăng mạnh dư nợ cho vay, để tăng trưởng lợi nhuận nhanh, VIB còn chấp nhận cơ cấu cho vay lệch về kỳ hạn trung và dài hạn. Tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay tính đến hết ngày 30/9/2019 của VIB lên đến 82%, cũng thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.
Sở dĩ cho vay trung và dài hạn thường có lãi suất cao, kéo theo đó là lợi nhuận cao hơn cho vay ngắn hạn, là bởi kỳ hạn càng dài rủi ro càng lớn, rủi ro càng lớn thì lãi suất phải cao để bù đắp tổn thất dự kiến.
Bên cạnh rủi ro thông thường (thời gian càng dài càng dễ phát sinh biến cố), còn có một rủi ro khác là rủi ro lệch hạn. Về cơ bản, ngân hàng là một tổ chức kinh doanh theo cách nhận tiền gửi rồi cho vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Vấn đề là người gửi tiền có quyền rút tiền gửi bất cứ lúc nào, trong khi ngân hàng lại không thể tùy tiện thu hồi các khoản đã cho vay.
Điều này đồng nghĩa, ngân hàng cho vay kỳ hạn càng dài, càng khó thu hồi sớm các khoản đã cho vay để thanh toán nhanh cho người gửi tiền. Khi lượng người rút tiền đột ngột lớn đến một mức độ nào đó, ngân hàng có thể tạm thời không tự chi trả được cho người gửi tiền và phải nhờ đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Video đang HOT
Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định cụ thể về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, như là một cách để quản lý rủi ro lệch hạn.
Đó là về lý thuyết, trên thực tế, xét về mặt con số, VIB vẫn đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Sở dĩ như vậy là bởi khác với các ngân hàng khác đa phần tiền gửi là ngắn hạn, lượng tiền gửi có kỳ hạn trung và dài hạn ở VIB khá lớn.
Ước tính đến hết ngày 30/9/2019, tỷ trọng tiền gửi khách hàng có kỳ hạn từ 1 năm trở lên chiếm khoảng 39% tổng tiền gửi khách hàng của VIB, trong đó tuyệt đại đa số là tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm. Điều này cho phép VIB đáp ứng quy định hiện hành của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không đồng nghĩa với bền vững, bởi như đã đề cập, cơ cấu cho vay lệch về trung và dài hạn là một cơ cấu tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nhau, hay nói cách khác, đây là một cơ cấu cho vay kém bền vững. Vì thế mà nhiều năm trở lại đây, các cơ quan trung ương đã định hướng phát triển ngành ngân hàng theo hướng tài trợ vốn ngắn hạn, còn nhiệm vụ tài trợ vốn trung và dài hạn được giao cho ngành chứng khoán.
Tăng trưởng cho vay 9 tháng năm nay của VIB lên đến 28%
“Sức nóng” trong tăng trưởng lợi nhuận của VIB xuất phát từ tăng trưởng cho vay. Và để đảm bảo vốn phục vụ cho tăng trưởng mạnh về dư nợ cho vay, đặc biệt là cho vay trung và dài hạn, VIB không những phải đẩy rất mạnh việc huy động tiền gửi khách hàng mà còn phải tập trung huy động tiền gửi có kỳ hạn trung và dài hạn.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tiền gửi khách hàng của VIB đạt 113.716 tỷ đồng, tăng tới 34% sau 9 tháng – mức tăng có lẽ sẽ trở thành cao nhất ngành ngân hàng. Theo tìm hiểu, phần lớn lượng tiền gửi tăng thêm có kỳ hạn trung hạn (từ 1 đến 5 năm).
Huy động lượng lớn tiền gửi trong thời gian ngắn đã khó, lại còn phải huy động kỳ hạn trên 1 năm thì đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Biện pháp truyền thống là huy động với lãi suất cao để hút người gửi tiền, chi phí vốn theo đó sẽ tăng cao và làm suy giảm biên lợi nhuận gộp.
Số liệu tài chính 9 tháng cho thấy, chi phí vốn của VIB tăng mạnh khiến biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng giảm đáng kể.
Cụ thể, 9 tháng năm nay, biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng (tính bằng thu nhập lãi thuần chia thu nhập lãi) ở mức 45,5%, thấp hơn mức 48% cùng kỳ năm ngoái. 4 năm trở lại đây, con số này ở VIB đều trên mức 47,5%.
Diễn biến này đặt ra một bài toán cho VIB ở thời điểm hiện tại: kiểm soát chi phí vốn.
Nhìn xa hơn, trong bối cảnh quy mô tăng nhanh, VIB đang đối mặt với bài toán lớn về cân đối cấu trúc tài sản – nguồn vốn. Đây là bài toán không dễ giải quyết nếu trong tương lai, ngân hàng này tiếp tục duy trì chiến lược tăng trưởng nhanh về quy mô.
Bên cạnh tăng trưởng nhanh về cho vay, còn một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận của VIB tăng mạnh là ngân hàng này khá hạn chế trích lập dự phòng.
Cụ thể, tính toán cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng dự phòng cho vay/nợ xấu) của VIB hiện ở mức khoảng trên 40%. Tỷ lệ này phản ánh mức độ phòng thủ trước rủi ro từ nợ xấu tại các ngân hàng. Mức 40% của VIB là khá thấp xét trong hệ thống ngân hàng, phần nào cho thấy đối với ngân hàng này, lợi nhuận được ưu tiên hơn phòng ngừa rủi ro.
Minh Tâm
Theo Vietnamfinance.vn
ABBANK: Lãi trước thuế 9 tháng đạt 856 tỷ đồng, tương đương 130% so với cùng kỳ 2018
Tính đến hết ngày 30/9/2019, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đạt 856 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tổng tài sản đạt 91.368 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
ABBANK: Lãi trước thuế 9 tháng đạt 856 tỷ đồng, tương đương 130% so với cùng kỳ 2018.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cho biết tính đến hết 30/9/2019, lợi nhuận trước thuế của ABBANK đạt 856 tỷ đồng, đạt 130% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 166% so với kết quả 6 tháng năm 2019. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 91.368 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm và đạt 109% so với cùng kỳ 2018.
Hoạt động kinh doanh của ABBANK tính đến hết quý III/2019 ghi nhận sự bứt phá và tăng trưởng rõ rệt so với kết quả 6 tháng. Cụ thể, huy động từ khách hàng đạt 67.656 tỷ đồng, đạt 113% so với cùng kỳ 2018 và đạt 105% so với kết quả 6 tháng 2019.
Cho vay khách hàng đạt 52.354 tỷ đồng, đạt 115% so với cùng kỳ 2018 và đạt 105% so với 6 tháng đầu năm 2019; trong đó, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng SMEs - hai nhóm khách hàng mục tiêu của ABBANK lần lượt đạt 107% và 106% so với kết quả 6 tháng năm 2019.
Với nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh mảng dịch vụ, lãi thuần từ dịch vụ sau 9 tháng của ABBANK theo đó đạt 117 tỷ đồng, tương đương 162% so với kết quả 6 tháng đầu năm. Thu nhập từ lãi đạt 1.820 tỷ đồng, bằng 144% mức của 6 tháng 2019 và đạt 117% so với cùng kỳ 2018.
Nợ xấu tiếp tục được ABBANK kiểm soát chặt chẽ dưới 3% theo quy định của NHNN. Cùng với đó, kết thúc 9 tháng năm 2019, hiệu quả và an toàn hoạt động của ABBANK cũng tiếp tục được đảm bảo thông qua các chỉ số như RoA đạt 1,3%; RoE đạt 16,2%; CAR đạt 11,1%.
Được biết năm 2019, ABBank đặt kế hoạch tổng tài sản là 123.250 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018. Dư nợ tín dụng đạt 63,030 tỷ đồng, tăng tương ứng 10%, trong đó cho vay khách hàng là 61.323 tỷ đồng, tăng 17%.
ABBank đề ra kế hoạch cho vay phải đi kèm với tăng thu phí và tiền gửi, ưu tiên tăng trưởng tín dụng ngắn hạn. Đối với trung dài hạn, hạn chế cho vay các dự án có thời gian dài, hạn mức cấp cho khách hàng phù hợp, hạn chế tập trung dự án lớn đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng; phân tán rủi ro bằng hình thức mời gọi các ngân hàng góp vốn. Duy trì LDR của mảng doanh nghiệp ở mức 64%.
Chỉ tiêu huy động vốn dự kiến đạt 105.115 tỷ đồng, tăng 55%; tính riêng tiền gửi khách hàng là 101.605 tỷ đồng, tăng 58%, trong khi huy động từ tổ chức tài chính quốc tế chỉ là 3.510 tỷ đồng, suýt soát cùng kỳ.
Tổng thu nhập theo kế hoạch của ngân hàng đạt hơn 4.033 tỷ đồng, tăng 39%. Chi phí hoạt động kế hoạch gần 2.189 tỷ đồng, tăng 30%, trong đó chủ yếu tăng từ chi phí nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng quy mô và chi phí tài sản tăng với sự đầu tư về công nghệ thông tin trong năm 2019.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng trái phiếu VAMC kế hoạch là gần 645 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ thực hiện năm 2018. Do đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế ABBank đặt ra là 1.200 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm 2018.
Về xử lý nợ, năm 2019, ABBank đặt mục tiêu thu hồi/xử lý được gần 817 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu chính thức dưới 3%. Kế hoạch các chỉ số tài chính cũng được đề ra như ROE đạt 15,4%, ROA đạt 1,1%, hệ số CAR trên 9%.
Bảo Duy
Theo Vietnamfinance.vn
Quý III/2019, lợi nhuận NCB tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018 Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố kết quả tài chính quý III/2019, ghi nhận lợi nhuận lũy kế tăng 37,8% so với cùng kỳ 2018. Theo báo cáo tài chính quý III/2019, ngân hàng NCB ghi nhận tổng huy động vốn tăng 23,7% so với đầu năm; tăng trưởng tín dụng tăng 5,5% so với đầu năm; tổng tài sản...