Sức mạnh tình yêu và đoàn kết từ cuộc giải cứu đội bóng ở Thái Lan
“Nhiệm vụ này thành công bởi chúng ta có sức mạnh. Sức mạnh của tình yêu”, ông Narongsak Osottanakorn, người chỉ huy chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan nói.
“Không ai nghĩ chúng ta có thể làm điều này. Đây là lần đầu tiên trên thế giới. Đây là ‘nhiệm vụ khả thi’ của Thái Lan” – Narongsak Osottanakorn, chỉ huy chiến dịch giải cứu đội bóng nhí bị kẹt trong hang suốt 15 ngày bày tỏ niềm vui sướng tột cùng khi 12 cậu bé và huấn luyện viên được đưa ra một cách an toàn sau nhiều nỗ lực giải cứu.
“Tôi có lẽ không thể cảm ơn hết tất cả mọi người. Nhiệm vụ này thành công bởi chúng ta có sức mạnh. Sức mạnh của tình yêu”, ông nói và liên tục cảm ơn với giới truyền thông và những người đang theo dõi trên khắp thế giới.
Đội bóng Lợn Hoang trước khi bị mắc kẹt trong hang Tham Luang, Thái Lan. Ảnh: I.T
Tình yêu không biên giới
Lúc này, không chỉ Narongsak Osottanakorn có niềm vui sướng như vậy mà trên khắp các đường phố Chiang Rai, Thái Lan, nhiều người ăn mừng bằng cách nhấn còi xe theo nhịp, chụp ảnh kỷ niệm hay sử dụng những hastag thay lời cảm ơn. Những người Thái theo dõi tình hình qua truyền hình, điện thoại và máy tính đã lên mạng xã hội thể hiện sự vui mừng.
Người ta nhìn thấy những gương mặt hân hoan, sung sướng, những gương mặt đầy tự hào. Họ tự hào vì tinh thần dũng cảm tuyệt vời, những kỹ năng đáng kinh ngạc của những cậu bé Thái, của huấn luyện viên… Và trên hết, họ tự hào bởi tình yêu không biên giới. Tình yêu đó đã hiện hữu trên mọi khía cạnh của cuộc giải cứu.
Đã có lúc, nhiều người nghĩ rằng, các cậu bé mắc kẹt sẽ chưa thể cứu thoát, có thể họ sẽ phải ở trong hang tới tận 4 tháng nữa, khi mùa mưa kết thúc và lượng nước trong hang mới rút đi.
Nhiều người tuyệt vọng bởi đoạn đường dài 6km ngập nước và bùn đất, những ngách hang vô cùng hẹp đầy vách đá lởm chởm, dòng nước chảy xiết và nước đục đến mức gần như không nhìn thấy gì, trong khi các cậu bé đều không biết bơi, sức khỏe đã suy kiệt sau nhiều ngày sống trong hang.
Ông Narongsak Osottanakorn, chỉ huy chiến dịch giải cứu đội bóng nhí. (Ảnh: Reuters)
Video đang HOT
Nhưng không cần đến 24h, mọi tín hiệu cầu cứu đã được đã được phát đi. Lãnh đạo chiến dịch cứu hộ không từ bỏ bất cứ phương án nào để cứu các cậu bé. Và tất cả các cánh cửa đã mở toang để giúp đỡ người Thái. Người ta có thể thấy rằng trong mọi nỗ lực của cuộc giải cứu, không có sự phân biệt về màu da, tôn giáo hay giới tính.
Hơn 1000 người gồm các chuyên gia đầy kinh nghiệm, những thợ lặn chuyên nghiệp, đội ngũ y tế giỏi nhiều kinh nghiệm… từ 7 nước bao gồm Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Lào đã được cử đến. Các trang thiết bị chuyên nghiệp về cứu hộ cũng nhanh chóng được chuyển đến, trực thăng và đội ngũ y tế luôn sẵn sàng túc trực ở phía ngoài hang.
Hàng nghìn phóng viên của các cơ quan báo chí trên thế giới, các hãng thông tấn nổi tiếng cũng đến đưa tin. Có thể nói đây là cuộc giải cứu quy mô lớn và được mong chờ nhất thế giới. Cả thế giới chờ đón cuộc giải cứu những đứa trẻ như chính cuộc giải cứu những người thân của mình.
Những hy sinh thầm lặng
Trong suốt những ngày của chiến dịch giải cứu, người ta cũng nhìn thấy được tinh thần của sự đoàn kết, tinh thần đồng đội. Hãy thử tưởng tượng, tất cả 12 cậu bé và huấn luyện viên đều sống sót trong hang, đó là một sự diệu kỳ như thế nào?
“Hãy nhìn xem bọn trẻ điềm tĩnh thế nào khi ngồi chờ đợi. Không đứa nào khóc hoặc làm bất cứ điều gì. Điều đó thực sự đáng kinh ngạc”, đó là những gì người ta nhắc đến khi đoạn video quay cảnh hai thợ lặn người Anh lần đầu phát hiện nhóm trong hang được đăng tải.
Những ngày trong hang, Ekapol Chanthawong – huấn luyện viên của đội bóng Lợn Hoang – người phụ trách 12 cậu bé đã bị suy kiệt vì đã nhường phần ăn và nước uống của mình cho các thiếu niên trong những ngày đầu kẹt trong hang tối. Anh cũng dạy bọn trẻ cách thiền và bảo tồn năng lượng nhiều nhất có thể cho đến khi họ được tìm thấy.
Nếu không có tinh thần đồng đội, tinh thần đoàn kết, liệu các cậu bé có sống sót một cách thần kỳ như thế? Nếu không có niềm tin, liệu họ có vượt qua được những thử thách chưa từng có của hơn 10 ngày sống trong hang tối?
Trong suốt 2 tuần qua, cũng không thể phủ nhận vai trò của những người thầm lặng trong chiến dịch giải cứu, những vị bác sĩ, thợ lặn chuyên nghiệp đã tình nguyện ở lại bên cạnh các nạn nhân sau khi họ được tìm thấy hay những tình nguyện viên người Thái đã mang thực phẩm vào và nấu tại chỗ để phục vụ lực lượng cứu hộ trong những căn lều dã chiến. Mọi người đều được ăn miễn phí kèm theo các thùng nước ướp lạnh cũng miễn phí.
Và trong những nỗ lực của sự giải cứu, người ta cũng nhìn thấy được sự hy sinh thầm lặng, những người đã từ bỏ mạng sống của mình để nỗ lực cho sự tái sinh sự sống của người khác.
Bức ảnh cuối cùng của cựu đặc nhiệm Saman Gunan. (Ảnh: Facebook)
Sĩ quan Saman Gunan, 38 tuổi là một người như thế. Saman Gunan từng là thành viên của lực lượng hải quân SEAL Thái Lan, dù đã rời SEAL nhưng anh vẫn tham gia công tác cứu hộ với tư cách một tình nguyện viên. Gunan thiệt mạng vì thiếu oxy khi đang làm nhiệm vụ đặt các bình khí dọc đoạn đường khoảng 3,2km trong hang Tham Luang để phục vụ công tác cứu hộ đội bóng nhí hôm 6.7. Anh bất tỉnh khi đang quay trở ra từ khoang thứ ba của hang, khi cách cửa hang 1,5km.
Cái chết của cựu lính đặc nhiệm hải quân Saman tuy đặt ra những câu hỏi về tính khả thi của phương án giải cứu, nhưng nó không thể làm nhụt chí của những người đang hết mình hàng giờ, hang phút trong nỗ lực giải cứu các em bé.
Việc Saman sẵn sàng đánh cược tính mạng của mình để cứu những đứa trẻ đã thể hiện lòng quả cảm chân chính, một tình yêu hoàn toàn không toan tính vụ lợi. Sự ra đi của anh, là một nốt lặng trong bản nhạc hân hoan khi cả thế giới đang vỡ òa cảm xúc.
Tôi cũng rất ấn tượng với những điều mà anh Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure, người có mặt tại hiện trường cuộc giải cứu từ những ngày đầu, chia sẻ trên trang cá nhân của anh.
Những dòng nhật ký
Anh kể, chiều 4.7 khi anh và Howard Limbert (Trưởng nhóm thám hiểm BCRA tại Việt Nam, Cố vấn trưởng kỹ thuật an toàn của Công ty Oxalis Adventure) đến sân bay Chiang Rai, có 2 người bạn địa phương tới đón, di chuyển đến Mea Sai cũng mất cả giờ đồng hồ. Họ nói giờ này không nên vào hang vì không làm thủ tục lấy thẻ vào khu vực cứu hộ được, nên đề nghị ghé vào một ngôi làng cách hang Tham Luang 7km để ăn tối.
Khi đến nơi, anh thấy nhóm người dân địa phương đang bốc xếp thực phẩm lên xe bán tải để chở vào khu vực cứu hộ nấu ăn cho các đội cứu hộ đang làm việc 24/24h ở trong hang. Những người dân cung cấp thức ăn miễn phí từ ngày bắt đầu chiến dịch cứu hộ.
Sáng 5.7, nhóm của anh Châu Á vào khu vực cứu hộ ở cửa hang, trên đường đi biết là xung quanh khu cứu hộ bùn lầy nhiều nên anh ghé qua tiệm tạp hóa mua đôi ủng để đi. Bà chủ tiệm miễm phí luôn mấy đôi khi biết nhóm của anh vào khu vực cứu hộ.
4 thợ lặn của lực lượng đặc nhiệm Hải quân Thái Lan được cho là những người cuối cùng rời khỏi hang Tham Luang sau khi cuộc giải cứu kết thúc. (Ảnh: Hải quân hoàng gia Thái Lan)
Khi đến trạm kiểm soát ở ngoài đường vào hang, nhóm phải đăng ký với trạm kiểm soát của cảnh sát, phải mất rất lâu để được vào, trình hết hộ chiếu, thẻ thành viên của hội hang động Anh, mãi lâu sau mới được vào. Kế bên khu vực chỉ huy, khu dành cho báo chí là căn tin của người dân dựng tạm, họ mang thực phẩm vào nấu tại chổ để phục vụ cho lực lượng cứu hộ.
Do khu vực cứu hộ nằm cách xa trung tâm nên người dân cũng cung cấp suất ăn miễn phí cho các phóng viên. Như vậy hàng ngày họ nấu cho khoảng 3000 suất ăn (1000 cho nhân viên cứu hộ và khoảng 2000 phóng viên), họ làm như vậy liên tục 2 tuần liền. Kế bên khu căn tin người dân dựng 2 lán, một cái để thợ massage miễn phí cho những ai cảm thấy mệt mỏi, và một tiệm hớt tóc, cạo râu miễn phí cho những ai có nhu cầu.
Qua những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt này, mới thấy thấm thêm một thực tế, cuộc giải cứu đội bóng nhí ở Thái Lan thành công không hề là nỗ lực đơn lẻ của bất kỳ một cá nhân, đơn vị nào mà nó đến từ sức mạnh tình yêu và sự đoàn kết của cả một tập thể, một cộng đồng lớn cùng có chung một hy vọng: Đưa những thành viên của đội bóng Lợn Hoang trở về nhà an toàn.
72h giờ hồi hộp nghẹt thở với chiến dịch giải cứu, mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của những đứa trẻ khi được giải cứu là niềm vui, là món quà vô giá đối với những người tham gia chiến dịch.
Và đối với những cậu bé, đây là một cuộc hồi sinh. Nhưng quan trọng hơn hết, cuộc giải cứu này đã làm cho con người trên khắp thế giới xích lại gần nhau hơn.
Theo Danviet
Nhói lòng câu đầu tiên các cậu bé Thái thốt lên sau khi thoát khỏi hang sâu
Câu đầu tiên các cậu bé Thái Lan thốt lên khi vừa được cứu khỏi hang Tham Luang ra ngoài là họ rất nhớ nhà và rất vui khi được ra ngoài, một quan chức bệnh viên Chiang Rai cho biết.
8 cậu bé đầu tiên rời hang Tham Luang đang được chăm sóc trong bệnh viện.
Business Insider dẫn lời một bác sĩ tại bệnh viện Chiang Rai cho biết, 8 cậu bé vừa được cứu đang ăn uống tốt. Tất cả các cậu bé ban đầu có nền nhiệt độ thân thể thấp khi vừa ra khỏi hang nhưng đang dần trở lại mức bình thường.
Hai cậu bé hiện đang được điều trị nhiễm trùng phổi. Trong khi đó, 4 cậu bé đầu tiên rời khỏi hang đã được gặp bố mẹ thông qua cửa sổ bằng kính.
Các cậu bé chưa được trực tiếp gặp gia đình vì các bác sĩ vẫn đang khám sức khỏe toàn diện cho các em đồng thời theo dõi xem các em có mắc bệnh truyền nhiễm hay không.
Theo các chuyên gia tâm lý, các cậu bé có trạng thái tinh thần tốt. Họ sẽ phải ở lại bệnh viện ít nhất 1 tuần trước khi được về nhà.
Hiện các nhà chức trách đang nỗ lực để giải thoát năm cậu bé còn lại và huấn luyện viên của họ khỏi hang Tham Luang.
Theo Danviet
Ai trong đội bóng Thái Lan sẽ phải ở lại hang một mình đêm nay? Mỗi đợt giải cứu chỉ có thể đưa 4 người ra ngoài. Vì thế, rất có thể đêm nay 1 người sẽ phải ở lại trong hang. HLV Thái Lan (phải) chụp ảnh cùng các cậu bé trong hang 4 cậu bé thuộc đội bóng thiếu niên Thái Lan vừa được giải cứu khỏi hang động Thái Lan ngày hôm qua, đưa tổng...