Sức mạnh của “tin đồn” lộ đề
Có trải qua kì thi tốt nghiệp bạn mới cảm nhận hết sự… thú vị của nó. Không chỉ là sự mệt mỏi, thiếu ngủ, không chỉ là nỗi lo lắng bồn chồn mà còn là những pha… thót tim và đau đầu chỉ vì nghe ai đó nói đề đã lộ, đã ra thế này, thế nọ…
Thật ra, sự áp lực không phải do mọi người gây cho mình, mà vì mình tự tạo ra chỉ vì hoàn cảnh tác động! Những tin đồn “lộ đề” thường chỉ xảy ra đối với 3 môn Văn, Sử, Địa.
Trước ngày thi môn Văn
Những ngày trước đó, dù tớ đã ôn bài kĩ những môn quan trọng nhưng vẫn cảm thấy hồi hộp vì cho rằng mình ôn hoài vẫn… không đủ. Ôn gần như tất cả nhưng mọi thứ đều rất mơ hồ… Và thế là tớ quyết định… “nghe đồn một lần xem sao!”
Vừa vào YM, tớ đã thấy những tin nhắn offline xếp hàng dài, đều là những đề Văn “như đúng rồi”. Nào là: “Học kĩ Việt Bắc, Tây Tiến, Những đứa con trong gia đình, Rừng xà nu”, rồi “tóm tắt số phận con người, phong cách văn học của Hồ Chí Minh, Tố Hữu”… Đọc xong một dọc đề, tớ không biết phải nghe theo ai vì mọi người nói… có lí quá!
Rồi tiếp đến là hàng loạt những tin nhắn sms, cũng là đoán đề. Những tin nhắn thi tốt “bay tới tấp” kèm với những “đề Văn”. Tớ bắt đầu hoang mang vì mọi người ai cũng bảo học “Rừng xà nu” cả.
Thế là tớ bắt đầu ôn kĩ thật kĩ tác phẩm này…
Ảnh minh họa: Phạm Hải
Và khi cầm tờ đề…
Tớ cảm thấy bất ngờ, sau đó… hoang mang. Dù biết là việc lộ đề là điều không tưởng nhưng tớ vẫn tin theo “lời đồn”, thế là hao tâm tổn trí quá nhiều cho “Rừng xà nu” và quên mất việc phải xem những tác phẩm quan trọng khác. May mắn là bài “Sóng” tớ cảm thụ được khá nhiều nên làm rất ổn.
Video đang HOT
Tớ đúc kết được rằng, “tin đồn” này khá nặng. Nó làm tớ hao tốn tinh thần khá nhiều vì bị “tủ đè”. Tớ sẽ làm Văn được hay hơn và tốt hơn nếu như tớ học dàn trải. Một kinh nghiệm đáng giá
o0o
Lúc chưa thi môn Địa
Tiếp tục là những lời đồn trên YM và sms. Mọi người cứ bảo học kĩ phần này phần nọ và nhắn nhủ là hãy nói thêm cho các bạn khác. Có bạn bảo học kĩ phần công nghiệp điện ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ (vì thấy dạo này cúp điện nhiều nên mọi người bắt đầu “mường tượng” chăng?)
Ở cửa phòng thi
Mọi người kháo nhau: “Học kĩ ý nghĩa vị trí địa lí của Việt Nam nha, bài 2 đó”. Mọi người gần đó dỏng tai nghe và làm theo răm rắp. Ai cũng đọc, tớ thấy… hơi sợ nên cũng xem qua (thật sự tớ không học thuộc lòng môn Địa hoàn toàn, chỉ hiểu theo ý mình, vô phòng thi thì “tùy cơ ứng biến”)
Không ngờ, vừa cầm tờ đề, câu đầu tiên là ý nghĩa vị trí địa lí làm tớ… đứng hình. Tớ tập trung ghi hì hục để không sợ quên…
“Tin đồn” này khá ích lợi. Dù chỉ đoán theo kiểu “hên xui” nhưng tớ cũng được “ăn may”. Tất nhiên, xem qua những phần trọng tâm trước khi vào phòng thi là điều cần thiết, nhưng phải bình tĩnh thì mới nhớ trọn vẹn nội dung được
o0o
Buổi trưa, gần thi môn Sử
Lần này mọi người không còn “đồn” nữa vì đã bị “thương tích” (do “tủ đè”) từ hai môn Văn và Địa. Ai cũng dặn “học kĩ đổi mới năm 1986 nhé”, thế là tớ cũng lật lật giở giở…
Trước giờ thi, mọi người toàn ôn những điều “cao siêu”, tớ nghe họ lầm rầm mà cũng chẳng hiểu họ đang ôn phần nào! Một số bạn bày tỏ: “Địa đã… tiêu thì Sử không được liều!”. Do vậy họ học khá nhiều cho chắc.
Sau khi làm bài thi được 45 phút…
Không có việc gì làm, tớ ngồi “suy ngẫm” về những lời đồn trong 2 ngày qua… Hình như, nó ảnh hưởng khá nhiều đến tinh thần mình… Khi cầm đề Sử trên tay, tớ không tin vào mắt mình vì tớ có thể làm được…7 điểm, trong khi tớ dự đoán rằng rất có thể mình sẽ dưới trung bình vì không ôn đầy đủ nội dung.
Tuy nhiên, tớ cũng thấy tiếc. Chính vì “nghe đồn” mà tớ lướt qua phần “kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn quốc”. Mọi người chắc như đinh đóng cột rằng “phần này không ra đâu”, và tớ tin theo nên không học…
o0o
Vì là lần đầu tiên (và cũng là duy nhất) tớ trải qua kì thi tốt nghiệp nên tớ chưa “đủ trình” để vượt qua sức mạnh của những tin đồn. Tuy vậy, tớ cũng đã rút ra được bài học quý giá: “Nếu “nghe đồn” thì chỉ chú ý ít thôi, đừng để tâm vào quá nhiều để rồi khi sự thật diễn ra thì thất vọng hụt hẫng.”
Theo muctim
"Bí quyết" ôn thi tốt nghiệp THPT 2010: Cơ hội "gỡ" điểm môn Văn
Phần thi chung - cơ hội "kiếm" điểm
Đây là năm thứ 2 đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn có cấu trúc mới, khá mở với những câu không khó để các em "gỡ" điểm. Đặc biệt, đề thi còn có phần thi riêng, cho phép TS tùy theo khả năng và sở thích của mình lựa chọn câu hỏi. Đề thi thường bao gồm 3 câu: Câu I (2,0 điểm) - tái hiện kiến thức; Câu II (3,0 điểm) - viết bài nghị luận xã hội; Câu III (5,0 điểm) - nghị luận văn học.
Theo thầy Nguyễn Quang Ninh, câu I dễ "gỡ điểm" nhất. Đây là phần tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài. Đối với văn học Việt Nam, các em cần lưu ý đến những đặc điểm cơ bản trong bài khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỷ XX.
Theo kinh nghiệm nhiều năm của thầy Ninh, dạng đề bài có thể tập trung ở các nội dung chủ yếu như: trình bày sự nghiệp văn học tác giả, ví dụ trình bày về sự nghiệp văn học, quan điểm sáng tác của các tác giả Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tố Hữu... Hoặc đề bài có thể sẽ là: Hãy nêu những điểm đặc sắc của tác phẩm như tình huống độc đáo và ý nghĩa của truyện "Vợ nhặt" (Kim Lân); Hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Tây tiến" (Quang Dũng), "Việt Bắc" (Tố Hữu), "Tuyên ngôn độc lập" (Hồ Chí Minh), "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"... Tóm tắt những giá trị nghệ thuật tác phẩm của tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập", "Vợ chồng A Phủ"...
Ở phần văn học nước ngoài, trọng tâm câu hỏi sẽ rơi vào cuộc đời tác giả, sự nghiệp và quan điểm sáng tác của các tác giả Lỗ Tấn, Solokhov, Hemingway... "Đối với câu I, các em nên học kỹ phần tiểu dẫn, học kỹ nhan đề, nội dung, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, nhân vật. Phần trình bày của TS nên cô đọng, ngắn gọn trong khoảng nửa trang cho đến 1 trang giấy thi" - thầy Ninh nhấn mạnh.
Theo thầy Nguyễn Quang Ninh, câu II mang tính nghị luận xã hội dễ kiếm điểm nhưng cũng... rất khó. Vì muốn làm tốt, đòi hỏi TS phải có kiến thức xã hội và vốn sống thực tiễn. Điều ấy, với các em học sinh hiện nay đang yếu và thiếu. Nghị luận xã hội thường được chia thành 2 mảng: Nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng xã hội. Ở phần nghị luận về tư tưởng đạo lý, TS nên lưu tâm đến các câu nói nổi tiếng. Ví dụ, "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên" (Chủ tịch Hồ Chí Minh); "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu tình thương con người" (M.Gorki); "Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?" (Tố Hữu); "Tri thức là sức mạnh"; "Uống nước nhớ nguồn"; "Tôn sư trọng đạo", "Ơn cha nghĩa mẹ"...
Phần nghị luận về một hiện tượng đời sống, là những vấn đề đang xảy ra trong xã hội, có thể là hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ: Phá rừng, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, hiểm họa HIV, bạo lực gia đình, trường học... Những hiện tượng tích cực như: Gương người tốt việc tốt, những con người không đầu hàng số phận...
Tóm lại, để làm tốt phần nghị luận xã hội, theo thầy Ninh, TS đặc biệt lưu ý đến vấn đề nghị luận cho chính xác, viết ngắn gọn, súc tích (không quá 400 chữ), các ý chặt chẽ, phải giải thích, nêu ví dụ có sức thuyết phục.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Thận trọng với nghị luận văn học
Theo lưu ý của thầy Ninh, ở câu III (phần riêng) thường yêu cầu TS vận dụng khả năng đọc - hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Đây là câu khó kiếm điểm, bởi đòi hỏi thí sinh phải học kỹ, hiểu rõ tác phẩm và thiên về kiểm tra kiến thức và năng lực văn học của các em. Câu này thường chiếm một nửa số điểm (5,0) và bao gồm khoảng nửa chương trình văn phổ thông.
Với các tác phẩm văn xuôi, các em phải nắm bắt được hình tượng các nhân vật cũng như các giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Ví dụ: Phân tích sức sống tiềm tàng nhân vật Mỵ trong "Vợ chồng A Phủ"; Phân tích nhân vật bà cụ Tứ, giá trị nhân đạo của tác phẩm "Vợ nhặt"; Phân tích nhân vật Việt, Chiến trong "Những đứa con trong gia đình", so sánh hai nhân vật này; Cảm hứng lãng mạn, sức sống mãnh liệt của T' nú trong truyện ngắn "Rừng xà nu"; Thiên nhiên sông Đà trong "Người lái đò Sông Đà"... Đặc biệt ở các tác phẩm văn xuôi, các em cần nắm chắc những dẫn chứng quan trọng, các chi tiết trần thuật, miêu tả và các đoạn trích dẫn câu nói của nhân vật.
Về thơ, TS cần nắm bắt được cảm hứng trữ tình của tác giả, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ. Ví dụ: Phân tích bài thơ hoặc trích đoạn trong bài "Từ ấy", "Việt Bắc"; Phân tích vẻ đẹp người lính trong bài thơ "Tây tiến"; Phân tích đoạn trích "Đất nước"...
Ở câu III, TS có thể lựa chọn 1 trong 2 câu a hoặc b. Trước khi lựa chọn, các em nên bình tĩnh đọc kỹ đề để đưa ra lựa chọn của mình tùy theo sở trường, ý thích. Các em nên ôn tập theo sách hướng dẫn của giáo viên, không cần phải học sách tham khảo. Khi làm bài phải có mở bài, thân bài, kết luận bố cục rõ ràng, các luận điểm chặt chẽ, mạch lạc. Và cuối cùng, thầy Nguyễn Quang Ninh lưu ý, khi làm bài, các em viết câu văn không được sai chính tả và ngữ pháp, lời văn có màu sắc văn chương.
Theo kênh 14
Đề trắc nghiệm Anh văn không quá khó Tại Đà Nẵng, thí sinh Văn Long (HĐT Phan Chu Trinh) cho biết, dù làm không nhanh bằng môn Hóa (môn anh chàng mình làm trong vòng 30 phút), nhưng đề trắc nghiệm Anh Văn cũng không đến nỗi khó. Long làm toàn bộ bài thi, và dự đoán sẽ đúng 80%. Tại HĐT bổ túc THPT Nguyễn Huệ, có một trường hợp...