Sức hút từ Tam Đường
Nếu đã quá quen thuộc với Sa Pa và mong muốn khám phá miền đất mới, cớ gì không xuôi thêm vài chục cây số để đến với Tam Đường?
Nằm kề cận Sa Pa, ngay phía bên kia đèo Ô Quy Hồ nổi tiếng, huyện Tam Đường ( Lai Châu) đang là địa chỉ du lịch mới đầy hấp dẫn.
Nét đẹp bản Sì Thâu Chải. Ảnh: Đỗ Tiến Thành
Những địa danh không thể bỏ qua
Một năm trở lại đây, những du khách yêu mến Sa Pa đã “chấm” thêm một địa danh không thể bỏ qua khi đến với “thành phố trong sương”, đó là Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây. Vươn ra khỏi vách núi ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, cầu kính Rồng Mây cho du khách trải nghiệm cảm giác mạnh và mãn nhãn trước toàn cảnh con đèo huyền thoại Ô Quy Hồ cùng dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Không nhiều du khách biết rằng, Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây không thuộc bản đồ du lịch của tỉnh Lào Cai. Từ Sa Pa, vượt qua đèo Ô Quy Hồ là du khách đã đặt chân vào đất Tam Đường (tỉnh Lai Châu) mà điểm nhấn du lịch đầu tiên chào đón chính là cầu kính Rồng Mây. Đây hiện là địa điểm du lịch “hot” nhất của huyện Tam Đường, cũng là cầu nối đưa du khách tìm đến Tam Đường ngày một nhiều hơn.
Ngoài cầu kính Rồng Mây, bản đồ du lịch Tam Đường còn rất nhiều thắng cảnh mà lâu nay chưa có điều kiện “cất cánh”. Đó là thác Tác Tình với dòng nước trắng xóa đổ xuống từ trên cao, lãng đãng như dải lụa mây trắng thả xuống giữa xanh ngắt núi rừng. Là động đá trắng Tiên Sơn với 49 cung nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi với nhiều thạch nhũ lung linh và dòng suối lững lờ chảy trôi trong lòng động. Là đỉnh Pu Ta Leng – “nóc nhà thứ hai của Đông Dương” mà “dân phượt” không thể bỏ qua trong “nghiệp leo núi” của mình. Đó còn là hang bản Thẳm, động Hủm Xanh, đèo Thác Trắng, đồi chè Bản Bo, đồi thông Tả Lèng, cọn nước Nà Khương…
Dù có nhiều tiềm năng, song nếu so với hai tỉnh “hàng xóm” Điện Biên và Lào Cai thì du lịch Lai Châu còn chưa “thức giấc”. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch vẫn còn rất sơ khai. Đây là hạn chế, nhưng cũng lại là nét hấp dẫn của du lịch Lai Châu trong con mắt của những du khách ưa khám phá, tìm tòi… Chẳng thế mà dù các điểm du lịch Tam Đường còn chưa nổi danh nhưng lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng vẫn tăng nhanh theo từng năm.
Nếu năm 2015, Tam Đường có hơn 6.000 lượt khách du lịch, thì năm 2019 có gần 135.000 lượt người đến đây tham quan, tăng hơn 20 lần. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Tam Đường thu hút hơn 477.400 lượt khách du lịch. Con số không lớn nhưng là động lực, là cơ sở để Tam Đường nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung mạnh dạn phát triển du lịch, quyết tâm đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Những bản làng đậm sắc màu văn hóa
Hiện ở Tam Đường có rất nhiều bản làng vẫn còn vẹn nguyên phong tục tập quán xưa, với những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Lự. Nằm ở phía tây nam huyện, Bản Hon là điểm du lịch văn hóa cộng đồng hấp dẫn với những ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên dạng, những bắp ngô vàng óng treo bên hiên nhà, những khung cửi dệt vải thổ cẩm và củi khô để dành được xếp khéo léo dưới gầm sàn và những người phụ nữ dân tộc Lự răng đen nhánh hạt na, đôi tay thoăn thoắt may thêu trang phục dân tộc.
Anh Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch xã Bản Hon chia sẻ: “Nếu trước kia khái niệm nông thôn mới còn mơ hồ với người dân nơi đây thì từ năm 2015 đến nay, với sự đầu tư phát triển du lịch, hai điểm du lịch cộng đồng của xã là Bản Thẳm và Bản Hon đã bước đầu hình thành. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở lưu trú vẫn còn những hạn chế”.
Thực tế, ngoài việc bảo tồn và giữ gìn phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc Lự cùng sự đầu tư tài chính, muốn để Bản Hon phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa thì người dân nơi đây cần được đào tạo, nâng cao hiểu biết về du lịch cộng đồng, từ đó có cách làm du lịch đúng đắn.
Video đang HOT
Nói về du lịch cộng đồng ở huyện Tam Đường, không thể không nhắc đến Bản Thẳm, bản Nà Luồng, Nà Khương, bản Lao Chải, Sì Thâu Chải… Nằm xa trung tâm hơn so với Bản Hon, nhưng những bản du lịch cộng đồng này lại thu hút khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng các giá trị văn hóa bản địa. Như bản Nà Khương nổi tiếng với những cọn nước đẹp nhất nhì Tây Bắc với những cây cầu tre nho nhỏ bắc qua suối trong xanh. Hay bản Sì Thâu Chải trên lưng chừng núi được giới trẻ “vinh danh” là “đệ nhất view”…
Để phát triển du lịch, chính quyền và người dân ở những bản làng này đã đồng lòng quyết tâm cải tạo môi trường, di dời các chuồng trại gia súc ra xa khu nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh sạch sẽ, tạo không gian thôn bản luôn xanh – sạch – đẹp. Người dân tại các bản du lịch cộng đồng còn góp tiền, góp công xây dựng vườn hoa, cổng bản, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch bằng chính những vật liệu sẵn có từ thiên nhiên… Chính những điều này đã làm nên diện mạo mới cho các bản du lịch cộng đồng huyện Tam Đường, thu hút du khách và đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt
Nằm ở nơi phên dậu của Tổ quốc, Lai Châu bấy lâu nay vẫn được coi là tỉnh nghèo. Đất đai thì rộng, người thì thưa, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở đây phần nhiều vẫn theo nếp cũ.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những người làm du lịch thì chính cái sự 'ít thay đổi và thuận tự nhiên' đó thực sự là 'mỏ vàng' để có thể khai thác du lịch. Việc ở cạnh 'người khổng lồ' Sapa hay Điện Biên cũng là một lợi thế, không phải là để cạnh tranh mà để liên kết phát triển du lịch trong cả tuyến vòng cung Tây Bắc.
Tour du lịch khám phá "Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt" do Flamingo Redtours tổ chức nhận được nhiều phản hồi tích cực của du khách
Lợi thế của người đi sau
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, việc phát triển du lịch Lai Châu mới được đặt ra ráo riết. Nhiều người cho đó là muộn, nhưng dưới góc nhìn của một số doanh nghiệp du lịch thì đó thực sự là lợi thế.
Lợi thế của người đi sau là nhìn thấy những gì chưa hoàn thiện của người đi trước mà sửa mình. Trường hợp cụ thể ở đây, rút kinh nghiệm từ việc phát triển nóng vội của một số tỉnh khác như xây dựng ồ ạt, thiếu quy hoạch đồng bộ, nhà cửa cao tầng lấn át, phá vỡ sự hài hòa cảnh quan thiên nhiên, người dân thiếu mặn mà với truyền thống, thay vì xúng xính váy áo thổ cẩm xuống chợ lại diện quần jean và áo phông...
Tất cả những bài học bày ra trước mắt đó chắc chắn sẽ giúp cho lãnh đạo các cấp tỉnh Lai Châu tránh được vết xe đổ, đồng thời tìm cho mình một hướng phát triển hợp lý hơn, bền vững hơn và giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa tốt hơn.
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours nhận định, chính nét sơ khai của Lai Châu là tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Trong du lịch, nét hấp dẫn du khách nhất chính là những thứ mới mẻ và Lai Châu thực sự đang là điểm đến mới trong hành trình khám phá Việt Nam, khám phá Tây Bắc.
Du lịch là cung đường chứ không phải là điểm đến, chính vì thế chẳng cần phải "đao to búa lớn" là cạnh tranh với chỗ này hay chỗ kia, mà chính là liên kết với nhau để cùng phát triển. Có thể hình thành các tour như Sapa - Ô Quy Hồ - Tam Đường - Lai Châu; Điện Biên - Mường Lay - Lai Châu hay kết nối với Yên Bái - Than Uyên - Tân Uyên... Là lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch có tiếng ở Hà Nội, ông Nguyễn Công Hoan đánh giá cao các điểm đến ở huyện Tam Đường như Bản Hon, Bản Thẳm... chứa đựng nhiều yếu tố mới lạ.
Người dân ở đây thân thiện, mến khách, đặc biệt cả một vùng không gian rộng hơn chưa bị "thương mại hóa", "Kinh hóa"... Nếu yếu tố "thương mại hóa", "bê tông hóa" đã ngấm sâu thì khó lòng mà phục hồi lại được.
Cũng theo lãnh đạo Flamingo Redtours, ngoài tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, Lai Châu còn có khả năng phát triển các tour săn mây, khám phá cảnh quan thiên nhiên ở các điểm đến như Mường Tè, Sìn Hồ... hoặc chinh phục các cao điểm như Putaleng hay Bạch Mộc Lương Tử... Ông Nguyễn Công Hoan cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, khách đặt tour thông qua Flamingo Redtours đặc biệt yêu thích tour "Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt" với các điểm khám phá là Kẻng Mỏ - Mường Tè.
Là một chi lưu chính của hệ thống sông Hồng, sông Đà bắt đầu vào biên giới Việt Nam từ Kẻng Mỏ. Dòng sông dữ dội chảy qua cả một miền núi đá của vùng trời Tây Bắc đến tận ngã ba Trung Hà.
Tại ngã ba huyền thoại Mường Lay, sông Đà gặp dòng Nậm Na, đây cũng là nơi nổi tiếng với di tích dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long giờ chỉ còn là nền móng rêu phong. Dân xê dịch gọi vui nơi này là thị xã yên bình ở cuối trời Tây Bắc, là tỉnh lỵ của Lai Châu (cũ) trước khi chia tách với Điện Biên. "Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt có bao nhiêu vùng văn hóa lớn thì nơi con sông Đà chảy vào đất Việt cũng có bấy nhiêu vùng đất thú vị mà ngay cả chính người Việt cũng chưa khám phá hết.
Tại sao chúng ta lại không khám phá những điều tuyệt vời ấy?" - ông Nguyễn Công Hoan nói. Hiện tại, Flamingo Redtours đã và đang tập trung vào các tour với điểm nhấn là Lai Châu như: "Hành trình vòng cung Tây Bắc với điểm đến là Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai hoặc Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu qua Tam Đường - Khau Phạ - Tú Lệ. Tour photo của Flamingo Redtours có Lai Châu - Sìn Hồ; Mường Lay - lòng hồ Sông Đà; Hành trình khám phá dòng sông Đà - Mường Tè - Kẻng Mỏ cùng các tour leo núi săn mây...
Tìm hướng đi đúng
Cùng chung quan điểm với ông Nguyễn Công Hoan, ông Nguyễn Tuấn Linh - Giám đốc Công ty Du lịch Mr Linh's Adventures, một trong những công ty chuyên thiết kế tour mạo hiểm cũng cho rằng, Lai Châu đang có thừa tiềm năng và việc đi sau không có nghĩa là về sau. Trong khi một số tỉnh lân cận yếu tố mới lạ đã ở mức bão hòa thì đây chính là lúc để Lai Châu có cơ hội bứt phá.
Công ty Du lịch Mr Linh's Adventures thường tổ chức các tour mạo hiểm và đương nhiên vài năm trở lại đây Lai Châu trở thành điểm đến quen thuộc được yêu thích. CEO Mr Linh's Adventures cho rằng, điểm cộng của Lai Châu ngoài cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và nguyên bản còn có đường giao thông thuận tiện. Đi từ Sapa sang cũng được và đi vòng từ Điện Biên cũng hợp lý. Các đỉnh núi cao như Putaleng hay Bạch Mộc Lương Tử chính là một lợi thế để có thể phát triển du lịch mạo hiểm - xu hướng được yêu thích cả trong nước và quốc tế...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Linh cũng cho rằng, những người làm du lịch Lai Châu cần khảo sát kỹ và quy hoạch lại cho đồng bộ từ giao thông, dịch vụ, cơ sở lưu trú đặc biệt là các sản phẩm du lịch và đặc sản địa phương.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức xúc tiến, giới thiệu điểm đến tới các công ty du lịch, famtrip và các hội thảo marketting tới các thành phố có khách hàng tiềm năng, cụ thể là vùng biển. Tập trung cho các sản phẩm lễ hội thu hút khách theo mùa, tạo làn sóng du lịch. Với nhiều dân tộc anh em sinh sống trong cộng đồng, Lai Châu còn có lợi thế lớn về ẩm thực truyền thống, đặc biệt là món ăn của đồng bào dân tộc Thái.
Hoàn toàn có thể hình thành các tour ẩm thực, kết hợp các tour chợ phiên vùng cao tại địa phương để lan tỏa và giới thiệu đến du khách thập phương. Cũng có thể phối hợp cùng các địa phương tổ chức lễ hội ẩm thực để quảng bá hình ảnh đất và người Lai Châu.
"Người dân tự giác hiến đất làm đường, xây chợ phát triển du lịch"
Để có cái nhìn tương đối toàn cảnh về sự phát triển của du lịch Lai Châu, những tiềm năng còn chưa khai thác hết cùng sự vào cuộc của chính quyền và người dân với mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu.
- Phóng viên: Thưa ông, để phát triển du dịch, Lai Châu hiện có những thế mạnh nào?
- Ông Lê Minh - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu: Lai Châu với địa hình đa dạng, nhiều khu vực núi cao có khí hậu quanh năm mát mẻ, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch như Sìn Hồ, Dào San, Phong Thổ... rất thích hợp cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh. Những đỉnh núi cao như Bạch Mộc Lương Tử, Putaleng cùng các bản du lịch cộng đồng như Sì Thâu Chải, Sin Suối Hồ, Lao Chải... sẽ là những điểm đến ưa thích mang đến những trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ.
Bên cạnh đó với 20 dân tộc cùng sinh sống, Lai Châu có lợi thế về loại hình du lịch nghiên cứu tìm hiểu văn hóa của cư dân bản địa, thưởng thức ẩm thực truyền thống và khám phá đời sống của những loại động thực vật. Hiện Lai Châu đã và đang khai thác được khoảng từ 30-40% tiềm năng hiện có.
Tour khám phá chợ phiên vùng cao được nhiều du khách quan tâm trong thời gian gần đây
- Trong thời gian tới, Lai Châu sẽ ưu tiên chọn các nhóm sản phẩm du lịch nào để giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới du khách?
- Chúng tôi cũng xác định, việc phối hợp với ngành du lịch các tỉnh thành phố, xây dựng các chương trình kích cầu với các hãng lữ hành, các doanh nghiệp liên quan đến du lịch là đặc biệt quan trọng và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Hiện tại, chúng tôi cũng đã liên kết với các công ty lữ hành trong cả nước tổ chức các chương trình khảo sát tour, tuyến, điểm du lịch, trong đó ưu tiên khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch cộng đồng tại các bản.
Từ đó đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng. Thường xuyên đăng tải thông tin, tham gia giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, thiên nhiên, con người của Lai Châu tại các hội chợ thường niên như: VITM, Tây Bắc, ITE...
Đẩy mạnh các chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang với Hà Nội, TP.HCM và với các địa phương trong và ngoài nước.
- Một trong những điểm quan trọng để phát triển du lịch là sự chuyên nghiệp của dịch vụ và độ hiếu khách của dân địa phương. Những hoạt động liên quan đến tập huấn cho người dân làm du lịch cộng đồng đang được Sở VH-TT&DL Lai Châu quan tâm đầu tư thế nào?
- Thực ra, việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho người dân tại các bản du lịch cộng đồng luôn được quan tâm đặc biệt và tiến hành thường xuyên, đồng bộ với các lớp tập huấn đa dạng.
Thời gian qua, người dân tại các điểm bản du lịch cộng đồng đã từng bước nâng cao ý thức trong việc cải thiện vệ sinh, cảnh quan môi trường (vệ sinh nhà cửa, làng bản, đặt các thùng rác tại các khu vực tham quan, phân công người dân tại bản thu gom rác thải nhằm tạo cảnh quan sạch đẹp, trồng nhiều loại cây, hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tự giác di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách.
Cùng với đó, người dân tự giác hiến đất, tiền của, công sức và trí tuệ để cùng nhau xây dựng bản làng. Như ở bản Sin Suối Hồ, người dân đã cùng nhau xây dựng đường lên thác Trái Tim, hiến đất xây dựng khu chợ phục vụ sinh hoạt và khách tham quan du lịch...
Ngoài ra, người dân còn tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại bản. Sở VH-TT&DL Lai Châu đã phối hợp với địa phương tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án, nguồn kinh phí đào tạo từ ngân sách địa phương thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ với nội dung trọng điểm đào tạo về nghiệp vụ phục vụ khách.
Hàng năm tổ chức đưa bà con tại các điểm bản du lịch cộng đồng của tỉnh đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng.
Ngoài bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đang được coi là thế mạnh của du lịch Lai Châu thì hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có một số điểm bản du lịch cộng đồng khác có khả năng đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu ăn nghỉ tại bản như bản Sì Thâu Chải, Vàng Pheo, Bản Hon, Lao Chải 1, bản Thẳm, bản Giao Khâu, bản Sang Thàng, bản Bo, bản Phiên Tiên...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lai Châu: Bản Thẳm - điểm đến mới thú vị Cách thành phố Lai Châu hơn 10km, Khu du lịch bản Thẳm (xã bản Hon, huyện Tam Đường) đang là điểm đến mới thú vị, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh tới thăm quan. Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường). Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi...