Sửa Luật chứng khoán: Nâng tiêu chuẩn, hạn chế công ty đại chúng “ảo”
Bên cạnh những yếu tố tích cực, cũng có nguy cơ thị trường chứng khoán bị lợi dụng bởi các công ty đại chúng “ảo” lên sàn để giao dịch cổ phiếu, làm giàu cho các ông chủ…
Khung pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu chỉ từ cấp Nghị định và đến 2006 mới chính thức được nâng cấp thành Luật. Sau hơn 10 năm, thị trường đã phát triển tiệm cận với trình độ của một thị trường mới nổi theo chuẩn quốc tế và khung pháp lý cũng phải nâng lên tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Hơn 18 năm vận hành thị trường, những thực tiễn phát sinh cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải nâng cấp khung pháp lý để quản lý và điều chỉnh những yếu tố mới nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường.
Ngày 5/10 vừa qua, dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi đã chính thức được công bố để lấy ý kiến. Đây là lần sửa đổi lớn với rất nhiều điều khoản mới cụ thể hóa.
Hạn chế công ty đại chúng “ảo”
Lớp hàng hóa đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam là những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa chuyển đổi mô hình hoạt động và niêm yết. Cùng với sự phát triển chung của thị trường chứng khoán cũng như của nền kinh tế, ngày càng nhiều công ty cổ phần tư nhân lên sàn. Nếu như năm 2006, thị trường chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.156 tỷ đồng, chiếm 22,7% GDP, thì đến giữa 2018 đã có 1.509 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường khoảng đạt 3.881 nghìn tỷ đồng, tương đương 77,5% GDP.
Việc tăng quy mô công ty đại chúng thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bên cạnh những yếu tố tích cực, cũng có nguy cơ thị trường chứng khoán bị lợi dụng bởi các công ty đại chúng “ảo” lên sàn để giao dịch cổ phiếu, làm giàu cho các ông chủ.
Luật Chứng khoán hiện hành được thiết kế ban đầu nhằm khuyến khích doanh nghiệp lên sàn, thúc đẩy minh bạch hóa ở cấp độ thấp. Ngoài điều kiện về vốn, kết quả kinh doanh, điều kiện về tính đại chúng chỉ là có 100 cổ đông. Vì vậy một công ty hoàn toàn có thể thực hiện “đại chúng hóa” bằng cách kiếm đủ số lượng cổ đông nói trên. Đó có thể là phân phối lượng cổ phần nhỏ cho người lao động, mượn tên đứng hộ sở hữu cổ phần…
Nói cách khác, việc đại chúng hóa này không phản ánh thực chất của một công ty cổ phần đại chúng. Các ông chủ vẫn khống chế chủ yếu lượng cổ phần và đây là điều kiện hỗ trợ cho quá trình thao túng giá cổ phiếu sau khi niêm yết. Các công ty con, công ty thành viên, công ty liên kết cũng hoàn toàn có thể được sử dụng theo cách này để gia tăng tài sản cho công ty mẹ.
Do vậy, lần đầu tiên tính đại chúng được đề cao và cụ thể hóa trong Luật Chứng khoán sửa đổi lần này. Theo đó, công ty đại chúng ngoài yếu tố vốn góp từ 30 tỷ đồng trở lên, cần phải có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ.
Đây là bước đi tiệm cận với thông lệ quốc tế vì tính đại chúng ngoài yếu tố số lượng cổ đông, còn là cơ cấu cổ đông. Chẳng hạn tại Mỹ, công ty đại chúng phải có tổng tài sản hơn 10 triệu USD và tối thiểu 500 cổ đông. Việc quy định rõ cơ cấu cổ đông tối thiểu tuy chưa hẳn là xóa bỏ được tình trạng đại chúng “ảo” nhưng ít nhất cũng tạo thêm rào cản hạn chế tình trạng này.
Điều kiện này cũng được đặt ra đối với hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần. Theo đó, ngoài các yêu cầu khác thì tính đại chúng của đợt chào bán được quy định rõ theo cấp độ vốn điều lệ: Với công ty vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng, tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở. Với quy mô vốn từ 100 tỷ – dưới 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ tối thiểu là 15% vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10%.
Chặn cửa lách bằng phát hành riêng lẻ
Video đang HOT
Phát hành riêng lẻ lâu nay vẫn được xem là quá trình tìm kiếm cổ đông có chọn lọc, thường hướng tới các tổ chức chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư. Thậm chí đây còn là một cửa gọi vốn trong trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện phát hành ra công chúng như bị thua lỗ, mất vốn, thậm chí có nguy cơ phá sản, nghĩa là mức độ rủi ro rất cao, cần những đối tác đủ khả năng chấp nhận rủi ro đó…
Tuy nhiên phát hành riêng lẻ cũng đã từng bị lạm dụng. Bởi vì quy định liên quan đến phát hành riêng lẻ ít ràng buộc hơn so với phát hành đại chúng nên việc lựa chọn một số “nhà đầu tư” để thực hiện giao dịch sau đó hết hạn nắm giữ lại bán thẳng ra thị trường thu lời thậm chí còn chắc ăn hơn là chào bán ra đại chúng.
Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã từng nhận được những hồ sơ nhà đầu tư tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ là những ông bà trên 70 tuổi với lịch sử nghề nghiệp không liên quan, những thanh niên vừa đủ tuổi cầm chứng minh thư, những công ty vốn nhỏ xíu chẳng liên quan gì tới ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp phát hành. Đó chắc chắn là các đợt phát hành riêng lẻ có “mùi”.
Chính vì vậy dự thảo lần này quy định rõ đối tượng tham gia đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng ghi rõ, đó là các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng và đã niêm yết tối thiểu 2 năm.
Đối với cá nhân, đó là những người có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng trong 12 tháng gần nhất.
Chống giao dịch nội gián: Mở rộng ra cả “dâu”, “rể”
Minh bạch hóa giao dịch của các cá nhân, tổ chức có lợi thế thông tin là quá trình trường kỳ chống giao dịch nội gián trên thị trường chứng khoán. Khái niệm “người có liên quan”, đối tượng phải công bố thông tin được mở rộng qua mỗi kỳ sửa đổi khung pháp lý của thị trường.
Thực tế là các giao dịch nội gián ngày càng tinh vi, không còn sử dụng nhiều đối tượng trong tầm ngắm của cơ quan giám sát. Tuy vậy về tình thần của Luật, chưa lần nào các quy định về đối tượng công bố thông tin, khái niệm “người có liên quan” lại rộng như lần này.
Dự thảo Luật mới đã mở rộng diện “người có liên quan” sang cả con dâu, con rể, anh chị em dâu rể của một cá nhân. Đặc biệt với dạng quan hệ kiểm soát lẫn nhau, “người có liên quan” bao gồm cả doanh nghiệp và người sở hữu trên 10% số cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết hoặc vốn góp; quỹ và người sở hữu trên mười 10% chứng chỉ quỹ của quỹ đó; Người mà trong mối quan hệ với người khác trực tiếp, gián tiếp kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi người đó hoặc cùng với người đó chịu chung một sự kiểm soát; Người nội bộ của công ty mẹ, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này trong mối quan hệ với công ty con.
Ngoài ra, điều khoản dẫn chiếu theo Luật Doanh nghiệp còn bổ sung thêm người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp; Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của nhân viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối; Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.
Khánh Hà
Theo vneconomy.vn
Thành Công chào mua công khai cổ phiếu SAV: Cổ đông lớn Eland toan tính gì?
Thương vụ thâu tóm Savimex của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông lớn của cả hai bên là E-land Asia Holdings.
Phối cảnh dự án Chung cư Ngọc Lan (Nguồn: Sài Gòn Vina)
Công ty Cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (Savimex - Mã CK: SAV) vừa công bố thông tin về việc chào mua công khai cổ phiếu SAV của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã CK: TCM).
Theo đó, TCM dự kiến mua 2.750.000 cổ phiếu SAV, tương đương với 20,71% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Savimex, với mức giá là 9.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian chào mua được thực hiện từ ngày 11/10/2018 đến ngày 9/11/2018.
Mức giá chào mua được TCM đưa ra cao hơn mức giá "tham chiếu" là 8.814 đồng/cổ phiếu, xác định dựa trên giá tham chiếu bình quân của cổ phiếu SAV trong thời hạn 60 ngày liền trước ngày gửi bản đăng ký chào mua công khai (từ ngày 26/6/2018 - đến ngày 18/9/2018).
Tuy nhiên, thanh khoản giao dịch trên sàn của cổ phiếu SAV là khá thấp, do đó, mức giá trên chỉ mang nhiều ý nghĩa tham khảo và có thể chưa phản ánh được hết giá trị của công ty này.
Nguồn lực tài chính cho thương vụ thâu tóm này của TCM được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu có giá trị ghi nhận (công ty mẹ) là 1.105 tỷ đồng và nguồn tiền mặt và các khoản tương đương tiền của công ty là 109,93 tỷ đồng (ghi nhận tại ngày 30/6/2018).
Đáng chú ý, TCM đang tiến hành chào mua số lượng lớn cổ phiếu SAV trong khi chưa hề nắm giữ bất kỳ cổ phiếu của doanh nghiệp này trước đó.
Được biết, TCM là "người có liên quan" tới cổ đông lớn của SAV - công ty E-land Asia Holdings (Eland) và là người có liên quan của các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty này là ông Kim Soung Gyu, ông Trần Như Tùng và bà Huỳnh Thị Thu Sa. Trong đó, ông Kim Soung Gyu là người đại diện vốn cho Eland, đơn vị sở hữu tới 41,02% vốn tại SAV. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc của SAV, ông Lim Hong Jin (sinh năm 1966) cũng đã từng là Quản lý sản xuất của Tập đoàn Eland.
Riêng tại TCM, Eland cũng đóng vai trò là cổ đông lớn và có tầm ảnh hưởng với tỷ lệ sở hữu là 43,24% số cổ phiếu đang lưu hành. Với mối quan hệ đặc biệt như trên, mục đích thâu tóm của TCM tại Savimex sẽ là một ẩn số thú vị.
Savimex có gì?
Kể từ khi trở thành cổ đông lớn của Savimex vào năm 2014, Eland đã hỗ trợ doanh nghiệp này tiến hành tái cơ cấu, cải thiện kết quả kinh doanh nhờ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là sản xuất đồ gỗ nội thất.
Đến nay, sản xuất đồ gỗ nội thất đóng góp đáng kể trong cơ cấu doanh thu của Savimex, với 90% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc và 10% còn lại là phục vụ tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Cơ cấu doanh thu của Savimex trong năm 2016 và 2017 (Nguồn: Savimex)
Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của Savimex đạt 323 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 10,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 9,7 tỷ đồng năm 2017.
Tính đến ngày 30/6/2018, Savimex có tổng tài sản là 514,3 tỷ đồng, tăng 20,7 tỷ đồng so với đầu năm. Cơ cấu nguồn vốn có tỷ trọng khá cân bằng giữa Nợ phải trả ghi nhận là 266,14 tỷ đồng và Vốn chủ sở hữu với 248 tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất, SAV còn sở hữu trong danh sách một loạt các dự án bất động sản được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển hoặc kinh doanh trong tương lai, khá phù hợp với chiến lược phát triển trung và dài hạn của TCM là "Phát triển các dự án bất động sản ngay khi xuất hiện cơ hội đầu tư".
Chi tiết khoản mục Tài sản dở dang dài hạn của Savimex tính đến ngày 30/6/2018 (Nguồn: Savimex)
Mặc dù sở hữu danh mục nhiều dự án bất động sản như: Cao ốc Nguyễn Phúc Nguyên, Khu dân cư Phú Thuận, Chung cư Ngọc Lan...nhưng đóng góp từ mảng kinh doanh này vẫn chỉ chiếm rất khiêm tốn về doanh thu và lợi nhuận mang lại cho Savimex.
Doanh nghiệp này dường như đang gặp nhiều khó khăn trong việc biến các dự án bất động sản này trở thành tài sản sinh lời cho công ty.
Như trường hợp của dự án Chung cư Ngọc Lan, ngày 27/11/2008, Savimex đã thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Bất động sản Điện Lực Sài Gòn Vina (Sài Gòn Vina) để thực hiện dự án này. Cụ thể, Savimex cam kết (không hủy ngang) góp 50% vốn chủ đầu tư tham gia vào dự án, hai bên sẽ tiến hành chia sản phẩm từ dự án bao gồm các căn hộ và diện tích sàn kinh doanh thương mại theo tỷ lệ góp vốn mỗi bên 50%.
Nhưng đến tận 30/6/2018, dự án này vẫn nằm trong khoản mục "Tài sản dở dang dài hạn", mà theo chú thích trên Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2018 của Savimex đã ghi rõ đây là các dự án, công trình đang thi công nên tốn rất nhiều thời gian thực hiện, do đó không thể hoàn thành trong 1 chu kỳ, sản xuất kinh doanh bình thường (1 năm). Chưa rõ đến bao giờ dự án Chung cư Ngọc Lan mới không còn xuất hiện trong khoản mục này của Savimex.
Đối với các dự án bất động sản, TCM đã có một thời gian hợp tác với Eland trong việc thực hiện góp vốn đầu tư dự án khu nhà ở chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ TC Tower.
Dù chưa ghi nhận kết quả rõ ràng nhưng lĩnh vực bất động sản của TCM cũng được các nhà đầu tư trên thị trường đánh giá cao và là một trong những mảng kinh doanh được ban lãnh công ty này đặt trọng tâm, "sẵn sàng thực hiện đầu tư khi có cơ hội".
Ngoài ra, nếu TCM thực hiện mua gom thành công thêm 20,71% vốn điều lệ tại Savimex, Eland sẽ gián tiếp gia tăng tầm ảnh hưởng của mình tại công ty này (Savimex hiện có cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt hiện đang nắm giữ 19% vốn điều lệ).
Được biết, HĐQT Savimex đã thống nhất với phương án chào mua công khai 2.750.000 cổ phiếu SAV do Thành Công đề xuất. Bên cạnh đó, HĐQT cũng đề nghị TCM tiếp tục hợp tác và hỗ trợ công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi hoàn tất chào mua công khai nhằm làm tăng giá trị cho Savimex và các cổ đông.
Đây là bước đi mang nhiều ý nghĩa thủ tục để rộng đường cho TCM thực hiện thành công mục tiêu đợt chào mua công khai lần này./.
Phạm Duy
Theo viettimes.vn
PVTrans hoàn thành kế hoạch năm 2018 trước 3 tháng 9 tháng đầu năm, với kết quả kinh doanh khả quan của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) ước đạt tổng doanh thu 5.700 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 7.000 tỷ đồng. Vừa qua, PVTrans đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9...