Sữa học đường có cần thiết không?
Chương trình sữa học đường chỉ để góp phần nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai chứ không phải phong trào thi đua hay thành tích. Nếu còn băn khoăn phụ huynh có thể tìm hiểu kỹ Chương trình trước khi đăng ký cho con vì đây hoàn toàn là tự nguyện; nếu học sinh đang đăng ký mà sau này không muốn đăng ký tiếp hoặc chưa đăng ký và muốn sau này đăng ký cũng không có vấn đề gì.
Đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Tọa đàm “Sữa học đường có cần thiết không?” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều 9/10 tại Hà Nội.
Các chuyên gia trả lời nhiều vấn đề người dân thắc mắc.
Hoàn toàn tự nguyện
Trước thực tế triển khai Chương trình sữa học đường đã phát sinh những ý kiến băn khoăn, nghi ngại của nhiều phụ huynh, người dân, ông Tuấn khẳng định, việc lựa chọn sữa học đường hoàn toàn là do sự tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Thông tin bắt học sinh đăng ký vì thành tích thi đua là hoàn toàn sai lệch. Đề án sữa học đương được Chính phủ đưa ra nhằm cải thiện tầm vóc với mục tiêu góp phần cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai.
Về việc lo ngại chất lượng sữa trong Chương trình sữa học đường như: Hết hạn sử dụng, chất lượng không đảm bảo… UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Y tế kiểm tra giám sát chất lượng sữa từ các hãng, nếu hãng nào không đảm bảo chất lượng sữa sẽ bị loại ngay. Ông Tuấn cũng đưa ra ví dụ, một trường có hơn 3.000 học sinh thì phải cung cấp sữa hàng ngày. Còn với trường ít học sinh thì một tuần trở lại phải cung cấp sữa một lần nên không có chuyện sữa quá hạn sử dụng và cũng không thể sản xuất sữa tràn lan.
Video đang HOT
Để triển khai Chương trình sữa học đường, từ 5/9, UBND Thành phố Hà Nội đã cho đấu thầu công khai, rộng rãi, hiện tại đã có 11 doanh nghiệp mua hồ sơ tham gia đấu thầu cung cấp sữa cho các trường học tại Hà Nội. Bộ Giáo dục cũng đã có những chỉ đạo, Sở Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị để triển khai xây dựng đề án bám vào những cơ sở khoa học, thực tiễn để triển khai, khảo sát ý kiến phụ huynh.
“Đề án đem lại những ý nghĩa nhân văn cao đẹp với mục đích nâng cao tầm vóc thể lực cho trẻ em, để mọi trẻ em hàng ngày đến trường đều được uống sữa tươi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Kinh phí triển khai nhờ các nguồn từ doanh nghiệp và đóng góp của phụ huynh, chương trình cũng miễn phí tiền uống sữa đối với các em hộ nghèo, đối tượng chính sách. Sữa học đường là chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn là làm sao để công tác đấu thầu sữa, giá thành minh bạch công khai. Để chương trình đi vào cuộc sống, nâng cao thể chất cho học sinh là rất quan trọng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Anh Nguyễn Hoàng Quân, một phụ huynh học sinh ở Hà Nội tham dự tọa đàm chia sẻ: “Theo tôi, sữa học đường là một chính sách hợp lý, đặc biệt là nó giúp những bé sinh ra trong các gia đình có điều kiện khó khăn có cơ hội được sử dụng sữa một cách dễ dàng hơn. Như tôi được phổ biến, giá sữa các con uống ở trường sẽ được trợ giúp 30% từ nhà nước, 20% từ doanh nghiệp. Như vậy, giá thành một hộp sữa từ 7.000 – 8.000 đồng xuống chỉ còn 3.000 đồng, tương đương một ly trà sữa. Đây là một mức giá rất thích hợp”.
Sữa là một phần quan trọng của bữa ăn học đường
Theo TS.BS. Bùi Thị Nhung, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc gần đây nhiều phụ huynh có nhiều ý kiến khi triển khai chương trình sữa học đường là một hiện tượng đáng mừng vì các phụ huynh đã quan tâm chăm lo đến vấn đề dinh dưỡng của con trẻ. Trẻ có thêm sữa học đường cho bữa phụ là cần thiết bên cạnh bữa chính là bữa trưa, các gia đình cần hỗ trợ cùng với nhà trường để có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
“Nếu trường nào còn sử dụng bánh ngọt, bánh rán, bánh bích quy… thì thay thế bằng một ly sữa vào buổi chiều sẽ tốt hơn những thực phẩm này”, TS. Bùi Thị Nhung khuyến cáo. Cũng theo TS. Bùi Thị Nhung, với trẻ ở các giai đoạn phát triển như 1000 ngày đầu đời hay tiền dậy thì là một cơ hội để trẻ tăng vọt chiều cao, cần phải có sự chuẩn bị tốt không chỉ sữa mà cả bữa ăn học đường cũng phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ; sữa là thành phần quan trọng trong bữa ăn học đường. Đặc biệt, theo khảo sát, khẩu phần canxi của người Việt hiện mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nên việc bổ sung thêm sữa là tốt hơn.
Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ thừa cân béo phì khi sử dụng sữa ở trường, nhưng với những trẻ thừa cân béo phì vẫn cần canxi và thừa cân béo phì không phải do sữa mà là do chế độ ăn, những thức ăn nhanh, một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn một chiếc bánh bích quy, lon coca hay bánh giò, bánh rán…
Theo baotintuc
Lo ngại về chương trình sữa học đường
Sở GD&ĐT TP Hà Nội, đơn vị chủ trì thực hiện, khẳng định chương trình này nhằm mục đích nâng cao tầm vóc, chiều cao của trẻ, chất lượng sữa hoàn toàn đảm bảo và hoàn toàn tự nguyện...
Nhiều trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non ở Hà Nội đã phát thông báo tới phụ huynh học sinh (HS) về việc thực hiện đề án chương trình sữa học đường (SHĐ) đang triển khai. Kèm theo thông báo trên, phụ huynh HS cũng nhận được một văn bản lấy ý kiến về chương trình này. Nội dung lấy ý kiến là đồng ý hay không đồng ý về chương trình SHĐ và lý do nếu không đồng ý đối với chương trình.
Lo lắng chất lượng sữa
Trao đổi với chúng tôi, chị TTH, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), cho biết gia đình chị cũng nhận được văn bản lấy ý kiến từ nhà trường. "Nếu SHĐ cung cấp là nguồn sữa sạch, chất lượng đảm bảo thì có tốn nhiều tiền hơn gia đình tôi cũng đóng góp để cho cháu uống. Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi vẫn không biết đây là loại sữa gì, thành phần ra sao, chất lượng có đảm bảo hay không, do đơn vị nào sản xuất... Nhất là thời gian qua có nhiều vụ ngộ độc sữa tại nhà trường xảy ra khiến chúng tôi lo lắng..." - chị TTH nói. Chị H. cho hay cũng vì các lý do trên nên gia đình chị chưa đồng ý tham gia chương trình SHĐ cho con.
Bà NTT, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ, cũng cho hay nhà trường thông báo và họp với các gia đình của các HS từ tháng 8-2018, tuy nhiên đến thời điểm này mới có gần 80% đăng ký tham gia chương trình SHĐ. "Chúng tôi cũng giải thích rõ tinh thần của đề án là Nhà nước hỗ trợ với mục tiêu nâng cao chiều cao của các con, chất lượng sữa được cơ quan chuyên môn kiểm định, đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn nghi ngại, nhiều người không đồng ý cho con mình tham gia" - bà T. nói.
Còn bà KTTN, chủ cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai, thì cho hay cơ sở của bà không tham gia chương trình này vì trong thực đơn của nhà trường cũng đang cung ứng hai bữa sữa/ngày cho trẻ. "Tôi cho rằng nên để cơ sở giáo dục mầm non có một sự tự chủ, linh hoạt trong việc chọn sữa cho trẻ. Bởi chỉ có nhà trường, giáo viên ở trong trường mới biết thể trạng, sức khỏe của trẻ và biết các con yêu thích loại sữa gì để có thể thay đổi thực đơn, chứ không nhất định cứ phải lấy sữa từ một doanh nghiệp sản xuất..." - bà N. nói.
Chương trình sữa học đường còn có những ý kiến khác nhau. Ảnh: HTD
Không có chuyện ép học sinh uống sữa
Trước nghi ngại của dư luận, đích thân ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, đã phải thông tin, giải thích rõ hơn về chương trình SHĐ tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 25-9. Theo ông Tiến, chương trình SHĐ là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc các HS tham gia. "Nếu cháu nào đã đăng ký nhưng quá trình uống thấy không có nhu cầu thì có thể dừng. Ngược lại, nếu thấy có tác dụng mà chưa đăng ký thì có thể tham gia. Chúng tôi cam kết không có chuyện ép buộc uống sữa" - ông Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Tiến, hiện Sở GD&ĐT TP Hà Nội đang mời thầu các doanh nghiệp sản xuất sữa tham gia đấu thầu cung ứng sữa cho HS tiểu học, trẻ mầm non tại Hà Nội. Thời gian mở thầu từ ngày 11-9 và đóng thầu vào ngày 1-10. Sở GD&ĐT TP Hà Nội đang làm các thủ tục đấu thầu. Ông Tiến cũng bác bỏ các nghi ngại của dư luận về chất lượng, thành phần, hạn sử dụng... "Tôi đảm bảo chỉ có những doanh nghiệp có năng lực mới có thể đáp ứng cung cấp số lượng 1-1,2 triệu hộp sữa/ngày cho toàn bộ trẻ em tại Hà Nội" - ông Tiến nói.
Chương trình SHĐ, đối tượng HS tiểu học, trẻ mầm non (ngoài nhóm đối tượng được hỗ trợ uống sữa miễn phí) sẽ được hỗ trợ 50% tiền uống sữa trong suốt năm học chín tháng với một hộp sữa 180 ml/ngày. Giá sữa tối đa khoảng 6.800 đồng/hộp. Mức hỗ trợ 50% này có 30% từ ngân sách và 20% từ doanh nghiệp cung cấp sữa. 50% còn lại do phụ huynh đóng góp. Thời gian áp dụng chương trình từ năm học 2018 đến hết năm 2020.
TRỌNG PHÚ
Theo plo.vn
Để phong trào thi đua trường học có giá trị giáo dục Bài viết Chỉ tiêu... không thật của nhà báo Vũ Hân trên Báo Thanh Niên ra ngày 1.10 đề cập đến những con số ảo - một vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện nay - đặc biệt là trong ngành giáo dục. Ảnh minh họa Nói về những phong trào thi đua trong các trường mà từ lâu đã đi vào...