Sửa cân dạo, mở lớp học tình thương cho 130 trẻ em nghèo
Lớp học tình thương miễn phí chính là món quà mà người đàn ông này dành tặng cho các học sinh nghèo.
Hằng ngày, cứ 16h30, căn nhà nhỏ của ông Đoàn Minh Hùng ở địa chỉ 166 Phan Anh, Phường Tân Thới Hòa, Q. Tân Phú, TP.HCM lại rộn rã tiếng cười nói của gần 130 trẻ em nghèo. Đây cũng là lớp học tình thương miễn phí, là món quà ông dành tặng con em những người lao động khó khăn.
Lớp học ông Hùng có hơn 130 em học trò nghèo.
Người cùng cảnh ngộ
6 năm về trước, lớp học được thành lập một cách ngẫu nhiên. Vốn là lao động nghèo, ông Hùng hiểu cảnh khốn cùng của những hộ gia đình tỉnh lẻ nhập cư ở thành phố lớn. Người thì bán vé số, người lượm ve chai, người chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Cuộc sống vốn dĩ chẳng dư giả gì, hằng ngày chịu cảnh “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Sống trong cùng một dãy trọ, ông thương lũ trẻ từng ngày phải đi bán vé số phụ cha mẹ kiếm cơm sống qua ngày. Ông Hùng nói: “Xóm trọ có 2 đứa nhỏ, gần 10 tuổi rồi mà chưa biết đọc, biết viết. Cuộc sống đường phố làm chúng mất đi tính hồn nhiên, trong sáng vốn có của trẻ thơ. Tôi và bà xã quyết định sẽ dạy chữ cho chúng”.
Nghĩ là làm, vợ chồng ông dành 2 tiếng mỗi ngày để dạy cho 2 em. Vốn không có nghiệp vụ sư phạm, cũng chẳng có bằng cấp nên ông Hùng chỉ mong dạy cho các em nhỏ biết đọc, biết viết. Từ chỗ chỉ biết bán vé số kiếm sống, học trò của ông Hùng đã ngoan ngoãn, lễ phép, nói chuyện với người lớn biết dạ thưa… Tiếng lành đồn xa, chỉ trong khoảng 1 tháng, sĩ số lớp học đã tăng lên gấp 5, 6 lần. Căn phòng trọ trở nên chật chội, có em phải ngồi ra ngoài sân để nghe “ông giáo” giảng bài.
Video đang HOT
Ông Hùng tự tay sắp xếp bàn ghế của lớp học.
Nhận thấy nhu cầu học tập của trẻ em nghèo cao, trong khi diện tích căn phòng quá nhỏ, ông Hùng họp bàn gia đình bán miếng đất hương hỏa ở quê (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) lấy tiền trang trải hàng tháng. Nhưng rồi, căn nhà ở quận Bình Tân này cũng không thể chứa hết lượng học sinh cứ tăng lên từng ngày. Được khoảng nửa năm, lớp học đã lên tới gần 50 em học sinh. Ông Hùng lại trích thêm tiền, thuê luôn căn nhà trống bên cạnh. Mỗi tháng, số tiền thuê nhà mà ông phải trả là hơn 7 triệu đồng, chủ yếu là dành chỗ dạy học cho các em học sinh nghèo.
Để có tiền duy trì lớp học miễn phí này, gia đình ông Hùng phải nỗ lực rất nhiều. Mỗi ngày, vợ ông tranh thủ dậy sớm đi chợ đầu mối lấy hàng bỏ cho các quán ăn, rồi về cùng chồng đi sửa cân dạo khắp các chợ. Chiều về thì lại hì hục chuẩn bị cơm chay, chỗ học cho các em học sinh. Tối đến, khi lớp học tan cũng là lúc ông Hùng đạp xe đi bán băng, đĩa dạo quanh các ngõ xóm. Đêm nào cũng phải hơn 11h ông mới về đến nhà. Cậu con trai đang học đại học của ông cũng đi dạy thêm bên ngoài, phụ cha mẹ tiền trang trải thêm cho cuộc sống.
Giờ đây nghĩ lại, ông Hùng cũng không hiểu nổi vì sao mình có được động lực để duy trì lớp học. Ông ngậm ngùi: “Hầu như tiền tháng nào cũng thiếu hụt. Thiếu ít thì tôi vay mượn bà con hàng xóm, thiếu nhiều thì lại rút dần từ tiền bán đất đã gửi ngân hàng trước đó. Đến giờ, số tiền đó cũng còn lại bao nhiêu. Bất cứ giá nào tôi cũng sẽ duy trì lớp học này”.
Các em được ăn tối rồi mới bắt đầu vào học.
Gắn bó đến hơi thở cuối cùng
Cuộc trao đổi giữa người viết và ông Hùng luôn bị gián đoạn bởi những tiếng chào hỏi lễ phép: “Thưa thầy con mới tới”, “con chào cô”, “con chào dì”…
Đám trẻ đến lớp ngày một đông, chạy nhảy kín mặt sân nhỏ trước mặt. Sau khi ăn tối, chúng cùng ông Hùng dọn dẹp bàn ghế, sắp xếp căn phòng trong ngay ngắn và xếp hàng vào lớp. Căn nhà chia thành 8 ô nhỏ, tương đương 8 lớp, ngăn nhau bởi chiếc bảng trắng. Sĩ số lớp học đã lên tới hơn 130 em học sinh. Mỗi tuần học 6 buổi, từ thứ 2 tới thứ 7. Đến với lớp học này, các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người.
Thời gian gần đây, nhiều gia đình đưa con tới học nhưng ông Hùng cũng không dám nhận thêm nhiều. Mỗi trường hợp ông đều hỏi thăm gia cảnh rõ ràng, nếu không quá khó khăn, ông không dám nhận. Ông kể: “Có một anh bán vé số đưa con tới xin học, tôi nói lớp học đã quá đông không nhận thêm nữa. Vậy là họ đứng trước nhà mình khóc, cả cha con cùng khóc. Tôi thấy vậy cũng rưng rưng, sợ họ nghĩ mình phân biệt người nghèo. Nghĩ thương quá, tôi đành nhận. Cứ như vậy mãi nên giờ chỗ này cũng ngày một chật rồi”.
Toàn bộ dụng cụ học tập, sách vở đều được ông Hùng tài trợ bằng tiền túi của mình.
Ban đầu, chỉ có 2 vợ chồng ông và các con kiêm nhiệm lớp học. Nhưng sĩ số lớp ngày càng đông, con trai ông đã lên mạng kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Mỗi ngày có từ 8 – 10 bạn sinh viên tới hỗ trợ ông dạy học cho các em với các môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Bạn Tiêu Ngọc Hân, sinh viên năm 2 trường Đại học Sài Gòn dạy ở lớp học tình thương của ông Hùng đã gần 1 năm. Mỗi ngày Hân đề bắt xe bus qua lớp để dạy Văn cho các em lớp 4. Càng gắn bó, Hân càng dành tình yêu cho các em nhỏ ở đây. Hân nói: “Mình phải khổ sở lắm mới thích nghi được. Căn nhà nhỏ nên khi mình nói to sẽ làm ảnh hưởng tới lớp bên cạnh. Đôi khi Hân phải biểu cảm gương mặt giận dữ để các em sợ mà tập trung hơn (cười). Nhưng chỉ cần thấy tinh thần ham học của các em, mình có thêm động lực cố gắng”.
“Mình cũng rất khâm phục chú Hùng đã duy trì lớp trong thời gian lâu như vậy. Có dạy, có tiếp xúc lâu mới thấy tấm lòng của chú. Lúc nào chú cũng một lòng vì các em nhỏ, khó khăn mấy chú cũng gắng vượt qua. Thực sự đây là tấm lòng đáng được nhân rộng”, Hân nói thêm.
Hiện nay, tình hình lớp học ngày một khó khăn khi số trẻ có nhu cầu học ngày một nhiều. Ông Hùng chỉ mong sao sẽ có thêm người hỗ trợ lớp học, để bản thân ông, có thể tận tâm với lớp đến hơi thở cuối cùng.
Em Nguyễn Mạnh Trường tới lớp sớm để giúp các thầy cô dọn bàn ghế.
Lớp học đã duy trì được 6 năm.
Theo Hồng Hạc/Baodatviet.vn