Sự yếu kém của YouTube giúp BH Media ‘đánh bản quyền’ bản ghi Quốc ca
Sử dụng chính sách Content ID của YouTube, BH Media đánh bản quyền những nội dung mà công ty không sở hữu.
Content ID là hệ thống để xác định và quản lý nội dung bản quyền trên YouTube. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong cơ chế hoạt động của hệ thống trên tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đánh bản quyền nội dung mà họ không sở hữu.
Ngày 4/11, VTV thông tin BH Media “nhận vơ” loạt tác phẩm thuộc quyền sở hữu của đơn công ty này. Bản tin lấy ví dụ ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng bị BH Media xác nhận bản quyền trên nền tảng số.
Vấn đề trong chính sách của YouTube
VTV thông tin BH Media sở hữu bản quyền Tiến quân ca
Trao đổi với PV , ông Quan Tiến Dũng, quản trị viên cộng đồng làm YouTube lớn nhất tại Việt Nam cho biết nền tảng phân ra nhiều loại bản quyền bao gồm bản quyền hình ảnh, bản quyền ghi âm, bản quyền tác giả… Mỗi nội dung này sẽ được gắn một mã gọi là Content ID.
Theo YouTube, Content ID là một hệ thống so khớp có thể tự động phát hiện nội dung có khả năng vi phạm. Khi video được tải lên YouTube, hệ thống sẽ đối chiếu những video này với cơ sở dữ liệu bao gồm do các chủ sở hữu bản quyền gửi đến gồm âm thanh, hình ảnh. Hệ thống này có thể nhận diện được giai điệu, hình ảnh, nhịp trống…
Nếu một video được đối chiếu khớp với một phần hoặc toàn bộ nội dung đã có trong cơ sở Content ID, YouTube sẽ thông báo đến bên vi phạm và chủ sở hữu. Điều này có nghĩa cả bản ghi và bản gốc đều được YouTube công nhận. Tuy vậy, tại Việt Nam, đa phần YouTuber sẽ không bật Content ID với bản ghi bởi họ có thể vướng vào các tranh chấp không đáng có.
Với trường hợp BH Media, ông Dũng nhận định không YouTuber nào ở Việt Nam có quyền bật Content ID âm thanh cho bài Tiến quân ca, kể cả bản thu.
“Việc BH Media nắm bản quyền bản thu âm không có nghĩa họ được phép bật Content ID cho bài hát. Chủ sở hữu cần giấy phép sử dụng bài hát đó với quyền tác giả để được kinh doanh. Nếu ai thực hiện bản thu âm cũng bật Content ID thì những bài hát cover trên YouTube đều có quyền như tác giả”, ông Dũng cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Khiêm, cựu quản lý tại một MCN lớn ở Việt Nam cho rằng việc BH Media bật Content ID cho YouTube không hoàn toàn sai. Vấn đề nằm ở việc nền tảng không đủ năng lực nhận diện nội dung âm thanh là bản ghi hay bản gốc để “đánh” bản quyền.
“Họ bỏ tiền, thuê phòng thu, ca sĩ để dựng nội dung trên, họ có quyền bật Content ID. Thế nhưng YouTube có phân biệt được đâu là bản gốc, đâu là bản thu hay không mới là vấn đề”, ông Khiêm cho biết.
Bên cạnh đó, ông Khiêm cũng đề cập đến các trường hợp tương tự như bản ghi nhạc đồng dao, thiếu nhi… “Những video với các đoạn âm thanh như vậy đều có đủ điều kiện bật Content ID”, ông Khiêm chia sẻ.
Video đang HOT
Năng lực yếu kém của công cụ Content ID
Theo YouTube, nền tảng này phân biệt hai loại bản quyền âm nhạc, gồm bản ghi âm và bản sáng tác. “Một bản sáng tác có thể liên kết với nhiều bản ghi âm nếu khi có nhiều nghệ sĩ cùng thực hiện bài hát đó”, trang thông tin của YouTube viết.
Content ID đánh bản quyền tự động trên YouTube.
Do là hệ thống tự động, Content ID của YouTube thường xuyên để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình ghi nhận bản quyền.
“YouTube là một cỗ máy. Nó đối chiếu phần âm thanh đã đăng ký với bất kỳ video nào được tải lên. Nếu trùng khớp, hệ thống sẽ tự bắt bản quyền. Do đó, trong một số trường hợp, YouTube hoạt động không chính xác, đánh nhầm bản quyền”, ông Dũng chia sẻ.
Trước đó, phản hồi về việc đánh bản quyền ca khúc Giấc Mơ Trưa của nhạc sĩ Giáng Son, BH Media cho biết họ không làm việc này.
Theo công ty, đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Vì video của nhạc sĩ Giáng Son đăng tải có phần âm thanh trùng khớp hoặc tương tự với nội dung có bản quyền của công ty, hệ thống tự động quét và gửi thông báo đến chủ kênh.
Bên cạnh đó theo ông Dũng, Content ID không chỉ hoạt động dựa trên hệ thống tự động của YouTube mà chủ bản quyền có thể “đánh” thủ công.
“Sau khi có thông báo về nội dung trùng khớp, chủ nhân bản quyền âm thanh có thể đánh gậy, video vi phạm sẽ bị YouTube xóa. Bên cạnh đó, người nắm bản quyền cũng có thể chọn giữ lại video vi phạm và nhận được doanh thu quảng cáo từ nội dung đó”, ông Quan Tiến Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, theo nhiều bài đăng trên cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam, có những công ty chuyên đi đánh bản quyền video trên nền tảng.
“Ngoài việc yêu cầu trả tiền tác quyền để gỡ gậy, họ còn đòi thêm tiền để được tiếp tục sử dụng đoạn nhạc trong video”, chủ một kênh YouTube tại Hà Nội bị đánh bản quyền bức xúc.
Review phim trá hình có bản chất như quay lén trong rạp
Các video tóm tắt nội dung phim trong 5-10 phút, vi phạm bản quyền xuất hiện hàng ngày trên YouTube và Facebook.
Trên YouTube, Facebook, các trang như T** N** Phim , NEW C*** T* Phim hay W*** Movies thường xuyên đăng video với nội dung phân tích nội dung các bộ phim. Tuy vậy, đây thực chất là hoạt động vi phạm bản quyền một cách có chủ đích khi các video trên đơn thuần là kể lại nội dùng phim.
Dùng luật "sử dụng công bằng" tại Mỹ để lách luật
Trong các video tóm tắt phim, chủ kênh ghi chú rằng hình ảnh trong video được dùng dưới dạng "sử dụng công bằng" (fair used). Tại Mỹ và một số quốc gia, đây là luật nhằm xác định hành động vi phạm bản quyền dựa trên yếu tố sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của sáng tạo, phát triển văn hóa.
Trong chính sách của YouTube, "sử dụng công bằng" được mô tả là "cho phép sử dụng lại các tài liệu được bảo vệ bản quyền trong một số trường hợp mà không cần xin phép chủ sở hữu bản quyền". Trong khi đó, Facebook cho rằng việc "sử dụng các phần nhỏ của tác phẩm bản quyền là sử dụng công bằng".
Ví dụ, sử dụng tài liệu có bản quyền cho mục đích giáo dục phi lợi nhuận là hợp pháp dựa trên nguyên tắc "sử dụng công bằng". Tuy nhiên, đăng một bộ phim có bản quyền lên YouTube rồi thu tiền quảng cáo được xem là vi phạm.
"Những nội dung video tự nhận là review phim thực chất kể lại toàn bộ nội dung của phim. Điều này khiến người xem không cần đến rạp vẫn có thể nắm được toàn bộ cốt truyện, gây tổn thất lớn cho các đơn vị làm phim", ông Ngô Thanh Phong, người sáng lập chuyên trang đánh giá phim Cuồng Phim cho biết.
Video tóm tắt phim sử dụng hình ảnh chưa xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu.
"Bản chất pháp lý của việc này không khác gì vào rạp phim quay lén cả. Hành động này vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật", ông Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM trả lời Zing .
Theo ông Tuấn, review phim 10 phút là hình thức vi phạm quyền bảo toàn sự toàn vẹn của tác phẩm. Ngoài ra, người review phim dạng này còn sử dụng hình ảnh tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu. Cuối cùng, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng khai thác thương mại của tác phẩm.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trường hợp xâm phạm quyền tác giả gồm những hành vi làm tác phẩm phái sinh (dịch, chuyển thể, phóng tác...) mà không được tác giả cho phép, sử dụng tác phẩm không được chủ sở hữu bản quyền cho phép, không trả nhuận bút, thù lao hoặc quyền lợi vật chất theo quy định.
Khi các hãng phim gặp khó khăn do đại dịch bùng phát, video tóm tắt bị cho khiến doanh thu phim sụt giảm nghiêm trọng hơn cho hãng sản xuất, rạp phim và các nền tảng trực tuyến.
Thu hút hàng triệu lượt xem nhờ tóm tắt phim
Trên kênh W*** Movies , video tóm tắt phim Quiet Place 2 được đăng ngày 13/8. Dù chỉ dài hơn 10 phút, người xem có thể nắm bắt diễn biến chính của phim bằng lời thuyết minh, phụ đề và các cảnh từ 5-10 giây, được cắt từ bản phim dài hơn 90 phút rồi ghép lại với nhau.
Một kênh chuyên đăng video tóm tắt phim có hàng chục đến trăm nghìn lượt xem.
Đoạn tóm tắt phim Quiet Place 2 trên kênh W*** Movies có hơn 340.000 lượt xem. Kênh này cũng đăng video tóm tắt một số phim như The Forever Purge , 28 Weeks Later với hàng trăm nghìn lượt xem. Video mới nhất trên kênh này tóm tắt phim The Revenant , có hơn 161.000 lượt xem sau 12 tiếng đăng tải.
Một kênh khác là T** N** Phim cũng đăng tải nhiều video tóm tắt phim với độ dài từ 6-16 phút. Dù có tiêu đề "Review", phần lớn nội dung của các video là tóm tắt nội dung phim bằng lời nói, hình ảnh cắt từ phim (recap), không phải dùng quan điểm để đánh giá nội dung (review). Giọng thuyết minh trên kênh được tạo bằng phần mềm tự động
Kênh NEW C*** T* Phim cũng đăng video tóm tắt phim với tần suất 2-3 ngày/video, hoặc 2 video/ngày. Đoạn tóm tắt trên kênh được thể hiện bằng phụ đề và thuyết minh, thu hút hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn lượt xem.
Không chỉ YouTube, tính năng Watch trên Facebook cũng xuất hiện nhiều video tóm tắt (recap), tiết lộ (spoil) nội dung phim nhưng tiêu đề đặt chữ đánh giá (review). Các video tóm tắt xuất hiện khi người dùng tìm kiếm với từ khóa "review phim", một số video có đến hàng triệu lượt xem, mang về hàng chục nghìn tương tác cho trang.
Dù có tiêu đề review, đây đều là các video tóm tắt (recap) tiết lộ nội dung phim.
Bên dưới video là các bình luận bàn tán về nội dung phim, một số người nhắn "cảm ơn" chủ kênh vì giúp họ xem phim miễn phí, không phải bỏ tiền ra rạp hoặc mua trên ứng dụng xem phim có bản quyền.
Nhật Bản mạnh tay với video tóm tắt phim
Tại Nhật Bản, từng có trường hợp bị bắt do đăng video tóm tắt phim lên YouTube. Hồi tháng 6, cảnh sát tỉnh Miyagi đã bắt giữ 2 người đàn ông và một phụ nữ do đăng video tóm tắt phim lên YouTube từ tháng 7/2020.
Từng có trường hợp đăng video tóm tắt phim bị bắt tại Nhật Bản
Theo NHK , đây là trường hợp đầu tiên cảnh sát Nhật bắt người do đăng video tóm tắt phim. Để bắt 3 người này, một cơ quan của Nhật có tên Hiệp hội Phân phối Nội dung Nước ngoài (COFA) đã gửi lệnh tòa án đến Mỹ, yêu cầu cung cấp danh tính người đăng clip tóm tắt lên YouTube. Thông tin sau đó được COFA chuyển cho cảnh sát tỉnh Miyagi.
Đoạn tóm tắt khiến 3 người bị bắt có thời lượng 10 phút, dài hơn đa số video đánh giá phim thông thường, bằng khoảng 10% thời lượng bộ phim đầy đủ. Cảnh sát cho rằng 3 người này đã đăng video tóm tắt để kiếm tiền quảng cáo. Xét về mục đích kể lại toàn bộ cốt truyện phim, COFA nhận định điều này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của hãng phim.
Theo SoraNews24 , vụ việc đã thu hút sự chú ý trên Internet. Trong khi vài người cho rằng phải trừng trị hành động vi phạm bản quyền, số khác nhận định đăng video tóm tắt phim chưa đủ nghiêm trọng để kết tội. Nhật Bản cũng có đạo luật "sử dụng công bằng" nhằm xác định nội dung vi phạm bản quyền.
YouTube cải thiện việc xóa video vi phạm chính sách Là một phần trong Báo cáo thực thi Nguyên tắc Cộng đồng hằng quý, YouTube vừa chia sẻ một thống kê mới có tên là Violative View Rate (VVR), đặc biệt là các nội dung video vi phạm chính sách công ty. Cứ 10.000 lượt xem trên YouTube có 16-18 lượt là nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng Theo Engadget ,...