Sự khéo léo của người thầy với học trò giới tính thứ 3
“Trước đó, tôi chỉ lo lắng cho em vì em là học trò của tôi nhưng trong thâm tâm tôi không chấp nhận em (vì em khác biệt với tôi), nhưng tôi đã hiểu về sự khác biệt đó nên thái độ tự nhiên thay đổi. Điều đầu tiên tôi nói với em là hãy lắng nghe chính mình một cách trung thực để hiểu chính em”, cô giáo chủ nhiệm kể lại.
Cô giáo Hương ( tên nhân vật đã được thay đổi) kể, năm đó trong lớp cô chủ nhiệm có một học sinh nữ có nhiều biểu hiện đặc biệt. Em quý mến cô giáo và những bạn nữ khác theo một cách khác thường.
Tuy không vượt qua giới hạn nhưng thái độ bày tỏ tình cảm “khó lí giải thành lời” của Vân Anh ( tên nhân vật đã được thay đổi) khiến cô Hương để ý. Một số bạn khi bị Vân Anh động chạm hay vuốt tóc thì phản ứng lại. Những hành vi của Vân Anh lặp lại thường xuyên khiến bạn bè bắt đầu xì xào về em.
Rõ ràng nhận ra được có sự xáo trộn trong lớp học nhưng cô giáo Hương cảm thấy khó xử và bối rối. Thời bấy giờ, việc một người trưởng thành đồng tính còn chưa được chấp nhận chứ không nói gì tới một học sinh đồng tính trong nhà trường. Cô giáo chưa biết gọi tên biểu hiện của Vân Anh là gì song cũng đã manh nha một vài đầu mối.
Vân Anh học tập ở mức khá tốt, tính tình lương thiện, biết quan tâm người khác. Nghĩ tới một cô bé như vậy sẽ phải đối mặt với ánh mắt kì thị của các bạn và mọi người xung quanh, cô Hương không đành lòng.
Cô Hương tâm sự rất thật: “Lúc đó tôi chưa hiểu biết gì nhiều nên thực ra cũng có thành kiến với người đồng tính nói chung. Song khi đó là học trò của mình thì tôi chỉ thấy thương chứ không hề “sợ” hay ghét. Vì thế có một động lực rất lớn thôi thúc tôi phải làm gì đó cho em”.
Ảnh minh hoạ
Bắt đầu bằng việc tìm hiểu theo lối mò mẫm, cô Hương tìm kiếm tài liệu, rồi hỏi thăm bạn bè đồng nghiệp, người thân xung quanh về người đồng tính, về “con gái thích con gái”. Song kết quả nhận được khá hạn chế, bởi vòng giao tiếp của cô không có ai có thể nói rõ rốt cuộc đồng tính là cái gì, từ đâu mà có, phải cư xử ra sao với người đồng tính…
Video đang HOT
“Thế rồi tôi gửi mail cho hầu hết các bạn của tôi đang học tập học làm việc ở nước ngoài để tìm hiểu xem ở nước ngoài họ quan niệm thế nào? Người đồng tính ở các nước có cơ hội hạnh phúc không? Càng đọc tôi càng như vỡ ra, càng biết mình đã từng hạn hẹp đến thế nào! Tôi biết đồng tính không phải là bệnh, đó là một xu thế tính dục được tự nhiên cài đặt. Đã không là bệnh thì không thể lây cũng không thể “chữa khỏi”. Tôi đọc được tâm sự của những người đồng tính khi họ không được sống thật là mình phải chịu những áp lực từ chính gia đình và người thân. Tôi cũng biết đến những người đồng tính thành công trên thế giới. Và nhất là ở nhiều nơi trên trái đất này đã công nhận hôn nhân đồng tính. Từ góc nhìn được mở rộng đó, tôi hiểu em hơn, thông cảm cho em hơn và biết cách dẫn dắt em”.
Việc khó khăn nhất phải làm với cô Hương là thuyết phục được cô học trò nhỏ rằng cô hiểu em.
Cô giáo kể: “Trước đó, tôi chỉ lo lắng cho em vì em là học trò của tôi nhưng trong thâm tâm tôi không chấp nhận em (vì em khác biệt với tôi) nhưng tôi đã hiểu về sự khác biệt đó nên thái độ tự nhiên thay đổi hẳn. Em đương nhiên cảm nhận được điều đó và vì vậy tin tưởng tôi hơn, lời nói của tôi vì thế cũng trọng lượng hơn. Điều đầu tiên tôi nói với em là hãy lắng nghe chính mình một cách trung thực nhất để hiểu con người bên trong của em. Không được vội vã và nhầm lẫn, không được để những điều bên ngoài ảnh hưởng để rồi nhận thức sai về bản thân. Sau đó, tôi nói với em xu hướng tình dục là thứ chúng ta được tự nhiên cài đặt không thể thay đổi và cô không ép em thay đổi, nhưng hành vi là thứ chúng ta có thể lựa chọn và quyết định, vì vậy tôi hi vọng em luôn có những hành vi đúng đắn. Dù là yêu thương đồng tính hay dị tính thì những hành động “sàm sỡ” các bạn đều là không đẹp, không đúng… Vì thế em cần phải thay đổi”.
Khi nhận được sự tôn trọng và thừa nhận, rõ ràng Vân Anh đã tự tin là chính mình mà không cần phải có những hành vi chống đối và gây chú ý nữa. Cô Hương chậm rãi từng chút dẫn dắt Vân Anh, đồng hành với em để em không cảm thấy đơn độc, cũng không vì mong muốn chia sẻ mà sa vào yêu sớm.
Đồng thời với đó, cô Hương cũng bắt đầu tổ chức các buổi sinh hoạt lớp với các hình thức hấp dẫn và gần gũi về sức khỏe sinh sản vị thành niên, hành vi nơi công cộng, tình yêu tuổi mới lớn và về tình yêu đồng tính… để học sinh có những kiến thức và hiểu biết khoa học. Bên cạnh đó, cô cũng bồi đắp cho các em tinh thần tôn trọng sự khác biệt, không kì thị thành kiến thông qua các bài học, các hoạt động tập thể. Bản thân Vân Anh cũng là một người cá tính và dễ mến nên chỉ sau một thời gian các bạn và em đã tìm được tiếng nói chung, vượt qua những thành kiến ban đầu.
Về phía phụ huynh, cô Hương cũng mất nhiều thời gian thăm dò xem phản ứng của phụ huynh về vấn đề thế nào? Sau đó, cô chọn nói chuyện với người mẹ. Cô tin với bản năng làm mẹ, chị đã nhận ra vấn đề ở con. Cô Hương đã khéo léo từng bước gợi ý cho mẹ Vân Anh các cuốn sách có thể đọc, khuyên nhủ chị đừng trốn tránh mà nên tìm hiểu để đồng hành cùng với con. Có lúc mẹ Vân Anh đã chấp nhận, có lúc lại nao lòng và mong con chỉ là nhầm lẫn trong đánh giá bản thân… Nhưng dần dần hai mẹ con tìm được cách để cởi mở và hạnh phúc hơn.
Hiện tại, Vân Anh đã trưởng thành, đang sinh sống và làm việc ở Tây Ban Nha. Có đôi khi em gửi ảnh cho cô giáo cũ và kể những câu chuyện vụn vặt trong đời sống hàng ngày.
Vân Anh và mẹ thường nói biết ơn cô Hương, nhưng cô nói: “Nếu em không đến và tình yêu thương không thúc bách tôi tìm hiểu thì có lẽ cho tới giờ tôi vẫn là một người cứng nhắc nghĩ rằng mình bình thường và những người đồng tính là khác thường, là bệnh. Nếu không có tình huống ấy, tôi đã không chạm được tới một góc khác của cuộc sống khác với nhịp sống thông thường của tôi, biết tới câu chuyện của nhiều người, nhiều số phận”.
Mai Châm
Theo Dân Trí
Bạn đọc viết: "Con sợ có mẹ là cô giáo"
"Suốt ngày con phải quay cuồng với đống sách vở. Lúc nào mẹ cũng nhắc con phải ráng học bài. Lí do vì con có mẹ là cô giáo. Con cô giáo thì nhất định không được điểm thấp. Mỗi kì thi đến, con thường rất áp lực. Con rất sợ nhìn thấy mẹ buồn vì điểm số của con...".
Ảnh minh họa
Hôm qua, cô giáo chủ nhiệm của con trai tôi gửi thơ mời họp phụ huynh. Đây là cuộc họp đột xuất của cô. Chính vì vậy mà tôi rất lo lắng. Tôi không biết tại sao cô lại mời họp vào dịp này. Chẳng hiểu cậu con trai của tôi gây ra chuyện gì nữa. Suốt cả đêm tôi cứ thấp thỏm với những lo âu.
Cậu con nhà tôi năm nay học lớp 6. Từ đầu năm, tôi cũng không thấy cô than phiền nhiều về chuyện của con. Cháu học cũng không thật sự xuất sắc. Chủ yếu là chăm chỉ bù lại. Dịp này, cháu đang ôn tập để chuẩn bị thi học kì 2. Với vai trò là mẹ, tôi chỉ biết động viên con cố gắng để đạt kết quả cao.
Sáng nay, tôi đến họp cho con từ rất sớm. Tôi muốn gặp riêng cô ít phút để trao đổi chuyện học hành của con. Ngoài cha mẹ, thì giáo viên chủ nhiệm luôn là người gần gũi với các em hơn cả. Các cô chính là người mẹ thứ hai của con.
Vừa bước vào lớp, cô chủ nhiệm của con đã xin lỗi phụ huynh vì buổi họp đột xuất này. Chả là tuần trước sinh hoạt chủ nhiệm lớp, cô cho các em viết lên ước mơ của mình trong giấy. Cô muốn nắm bắt những tâm tư tình cảm của các em. Từ đó mà có hướng tháo gỡ. Vậy nhưng khi đọc, cô thật sự giật mình về những ước muốn của các em.
Lúc đầu cô tính chỉ điện thoại trao đổi với một số phụ huynh. Thế nhưng cuối cùng, cô lại muốn trực tiếp gặp gỡ phụ huynh để trao đổi về những suy nghĩ của các em. Vừa nói, cô vừa đưa tôi tờ giấy con viết về mơ ước của mình. Nhìn nét chữ quen thuộc của con, tôi thật sự giật mình: " Con rất sợ vì có mẹ là cô giáo. Con mong ước mình được như bạn Tuấn gần nhà. Chiều nào bạn cũng được ba chở đi đá banh. Thỉnh thoảng bạn lại được đi thả diều. Bạn cũng không bị áp lực về điểm số như con. Mẹ bạn rất tâm lí.
Còn con, suốt ngày con phải quay cuồng với đống sách vở. Lúc nào mẹ cũng nhắc con phải ráng học bài. Lí do vì con có mẹ là cô giáo. Con cô giáo thì nhất định không được điểm thấp. Mỗi kì thi đến, con thường rất áp lực. Con rất sợ nhìn thấy mẹ buồn vì điểm số của con. Con không được quyền thất bại như bạn Tuấn...".
Con còn viết rất nhiều nỗi khổ của mình nữa. Rồi con ao ước được mẹ thông cảm nếu mình lỡ bị điểm kém.
Nghe cô đọc thư, một số phụ huynh là giáo viên cũng đều "sốc" như tôi. Chẳng ai ngờ con mình lại có những ước mong như vậy. Nhiều người đã rớt nước mắt khi đọc ước mong của con. Chúng tôi - những người làm cha, làm mẹ, chỉ mong ước những điều tốt đẹp nhất cho con. Vậy mà ai ngờ lại áp lực lên tụi nhỏ. Không khí buổi họp bỗng nhiên chùng hẳn xuống.
Cuối cùng, cô giáo mong tất cả phụ huynh hãy dành thời gian để quan tâm đến con mình nhiều hơn nữa. Các em đang độ tuổi mới lớn. Vì thế rất cần sự quan tâm, trò chuyện của cha mẹ. Cô mong mỏi, kì thi học kì 2 sắp tới, tất cả các con đều đạt được kết quả cao trong học tập.
Sau buổi họp, chúng tôi đều đã nhận ra cái sai của mình. Cám ơn cô giáo vì buổi họp hôm nay. Với tôi, thời gian tới, tôi sẽ sắp xếp lại công việc để dành thời gian bên con nhiều hơn nữa. Những ngày nghỉ tôi sẽ cùng con đi trải nghiệm thực tế. Mong rằng con sẽ có những ngày tháng tuổi thơ thật ý nghĩa.
Ngay khi về nhà, tôi đã vui vẻ thông báo sẽ chở con về quê chơi. Mỗi tuần con sẽ có hai buổi chiều để đi đá banh cùng các bạn trong xóm. Con cũng được xem phim, đọc truyện con thích khi đã học xong. Bên cạnh đó, tôi cũng nhấn mạnh con hãy thoải mái trong học tập, đừng quá tạo áp lực cho mình. Nếu bị điểm kém, con hãy nhìn lại và rút kinh nghiệm cho bản thân. Mẹ sẽ cùng con đồng hành trong chặng đường dài. Chỉ nghe có vậy, thằng bé con tôi bỗng hò reo trong hạnh phúc. Lần đầu tiên con chạy đến ôm mẹ thật chặt và gởi lời cám ơn đến mẹ thật nhiều.
Tự nhiên, tôi cũng thấy mình thật thoải mái và hạnh phúc làm sao.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Chuyện chiếc điện thoại iPhone bị đánh cắp trong lớp học Em là học sinh giỏi, từng là liên chi đội trưởng nhưng vì bố mẹ vừa li hôn, em sống với mẹ và bố dượng nên tâm lý chưa ổn định. Vì túng thiếu, em liều trộm điện thoại iPhone của bạn. Khi chuyện vỡ lở, em nhất quyết muốn chuyển trường vì sợ xấu hổ. Cô giáo chủ nhiệm đã đi chuộc...