Sự hối hận muộn màng của nữ “hoa khôi” trại giam nhiễm HIV
- Con đường tăm tối ấy khiến Trang chôn vùi tuổi xuân trong trại cai nghiện rồi đến trại giam. Nhưng đau đớn hơn là cô phải chống chọi với căn bệnh thế kỷ suốt bao năm qua.
Chỉ mong cuộc đời đừng ai lầm lỡ như mình
Lê Hoàng Yến Trang (SN 1975, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) vốn là cô gái xinh xắn. Ngay từ nhỏ đã được bạn bè cùng trang lứa đặt cho biệt danh “Trang công chúa”. Thấy mọi người ai cũng yêu quý mình, nhất là các chàng trai luôn vây quanh chúc tụng, nên đôi lúc Trang cũng vui. Nhưng không vì thế mà Trang cố gắng trong cuộc sống, càng ngày Trang càng bị bạn bè xấu rủ rê chơi bời.
Tâm sự về sự sa ngã của mình, Trang buồn bã cho biết: “Ngày nhỏ đi đâu em cũng được khen xinh. Hồi mới bước vào tuổi thiếu nữ em nổi tiếng cả một vùng. Cũng chính vì xinh, nên em được nhiều bạn trai theo đuổi. Họ cứ rủ rê em đi chơi, đi vũ trường ăn chơi nhảy múa, từ đó em bập vào hút chích. Giờ vào đây em bệnh tật nhiều, lại mắc căn bệnh thế kỷ nên em tiều tụy”.
Trang đang tâm sự với PV.
Trang kể, gia đình cô vốn làm nông ở Thanh Hóa, nhưng ba mất sớm, để lại cho mẹ bốn đứa con. Gia đình ít đất đai nên mẹ Trang bán nhà dắt díu mấy anh em Trang vào TP.HCM sinh sống. Trang chia sẻ: “Lúc mẹ vào Sài Gòn em mới 2 tuổi, bây giờ em chẳng có ký ức gì về quê hương cả. Gia đình ngoại cũng lần lượt vào Nam. Mẹ em và các anh chị thì vẫn còn tính cách chịu thương chịu khó của người miền Trung. Em thì nhiễm thói ăn chơi của dân hư hỏng là những đứa con nít ham đua đòi ở thành phố. Mẹ và các anh chị nói mấy em cũng chẳng nghe, nên bây giờ mới ra cơ sự vậy”.
Tính tình phóng khoáng, cộng với công việc bán quán cà phê, khiến Trang có nhiều thời gian giao du với đám bạn xấu. Trang nhớ lại: “Học hết lớp 9 em nghỉ, mẹ và các anh chị bắt học em không chịu đi. Lúc đó em cũng phổng phao lắm rồi, nên nhà có cái quán cà phê cóc trước cổng, em bảo mẹ cho em phụ bán. Từ khi phụ bán cà phê, em quen thêm nhiều đứa bạn ăn chơi, thường tụ tập đến quán ngồi lê la cả ngày. Mẹ em thì chỉ nghĩ em vui vẻ với khách để bán nước, biết đâu em giao du với tụi nó. Khi mẹ em nhận ra thì em đã bỏ nhà đi bụi thường xuyên. Suốt mấy năm chẳng mấy khi em ở nhà ăn với mẹ bữa cơm, toàn ra ở riêng với lũ bạn để dễ bề ăn chơi”.
Mẹ già vẫn đều đặn lên thăm nuôi con gái
Video đang HOT
Trang tâm sự, năm nay Trang đã bước vào tuổi 40, mẹ cô dù đã hơn 70 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng tháng nào cũng bắt xe lặn lội lên thăm con. Ngược dòng thời gian về trước, Trang kể, khoảng năm 16, 17 tuổi, Trang đã biết tất cả các vũ trường ở Sài Gòn. Bởi Trang được các chàng công tử hư hỏng rủ rê.
Trang phân trần: “Lúc đầu em nói đi cho biết, sau đó thì nghiện vũ trường luôn. Bọn bạn trai đứa nào muốn tán em phải có nhiều tiền, phải bao em ăn chơi em mới chịu. Cái môi trường ấy, nếu bập vào thì sớm hay muộn rồi ai cũng sẽ hư. Em đi rồi bạn bè rủ chơi ma túy, hút thử thôi. Em cũng hút thử cho biết, ai ngờ nghiện lúc nào không hay”.
Trang không nhớ chính xác mình nghiện năm nào, nhưng năm 2002 Trang bị đi cai nghiện bắt buộc. Sau hai năm ra trại cai nghiện, Trang không những không từ bỏ ma túy để làm lại từ đầu mà Trang còn nghiện hơn. Để có tiền hút chích, Trang bắt buộc phải buôn bán ma túy. Trang biện minh cho hành động của mình: “Vì nghiện quá nên em bắt buộc phải đi buôn bán ma tuý, em lấy cho mình hút rồi em lại bán cho bạn em một ít. Chứ em sức khỏe yếu thế này, thì làm gì ra tiền mà hút, một ngày hết cả mấy trăm ngàn đồng”.
Năm 2010, Trang quen với một người đàn ông Nigeria. Người này thấy hoàn cảnh Trang nên cũng đem lòng thương yêu Trang say đắm. Nhưng sau đó, thấy Trang sử dụng ma túy, người yêu Trang cũng sử dụng và buôn bán luôn. Năm 2012, Trang và người yêu bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Sau khi vào trại tạm giam hơn vài tháng, Trang được thông báo là bị nhiễm HIV.
Nhớ lại cái khoảnh khắc nghe tin dữ ấy, Trang vẫn chưa hết bàng hoàng: “Em thấy thực sự suy sụp. Em không nghĩ có một ngày mình nhiễm căn bệnh chết người này. Lúc đó em hoảng loạn lắm. Em cứ muốn chết đi cho rồi, nghiện ngập và bệnh tật làm em chỉ muốn tự giải thoát mình. Nhưng sau đó nhờ sự động viên chia sẻ của gia đình và cán bộ trại giam, em cũng đỡ đi phần nào”.
Điều Trang lo lắng là không biết người yêu mình có mắc bệnh này không. Trang buồn bã nói: “Em cầu mong anh ấy đừng dính vào HIV, từ ngày bị bắt bọn em cũng bặt tin nhau. Nhưng em chỉ cầu mong anh ấy cải tạo tốt, sớm về nước với gia đình. Còn em cũng cố gắng nhưng sức khỏe giờ yếu rồi”. Điều Trang nặng lòng nhất vẫn là mẹ, dù tuổi cao sức yếu nhưng tháng nào mẹ cũng lên thăm Trang đều đặn. Trang nghẹn ngào nói: “Trừ lúc mẹ bệnh quá, lúc đó mẹ sẽ bảo các anh chị lên thăm em. Nhiều lúc nhìn mẹ em xót xa lắm, em cũng chẳng biết thế nào”.
Trang kể, bây giờ thực sự đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, Trang mới nghiệm ra rằng cả cuộc đời mình không làm được gì ra hồn. Đáng ra, từng này tuổi, Trang đã có gia đình như bạn bè cùng trang lứa, có một ngôi nhà và những đứa con ngoan. Nhưng Trang chẳng làm được điều đó, mà còn làm khổ cả gia đình. Nhất là người mẹ già vẫn phải chăm nom Trang, lo lắng và đau lòng vì Trang.
Chia tay chúng tôi, Trang nghẹn ngào nói: “Em cũng chẳng mong gì nữa, nhưng cố gắng sống là vì mẹ, vì những mùa xuân còn lại của mẹ. Dù bây giờ, với xã hội em là người bỏ đi, nhưng với mẹ, em vẫn là niềm vui. Em sống và cố gắng không làm bất cứ việc gì để mẹ buồn nữa”.
Được cán bộ quản giáo hết lòng quan tâm Vì biết bệnh tật nên tinh thần Trang suy sụp, trước lúc nhập trại giam Thủ Đức, sức khỏe của phạm nhân này rất yếu. Nhưng nhờ được sự quan tâm của cán bộ trại, được cấp thuốc đầy đủ nên Trang đã bớt đi phần nào bệnh tật. Trang cảm động chia sẻ: “Nói thật, em vào đây cũng chỉ thêm khổ các cán bộ trại, chẳng làm được gì mà toàn nằm ở bệnh xá, tốn thuốc. Các bác sỹ phải chăm lo cho em. Khi em vui thì chẳng sao, khi em buồn em tiêu cực thì cán bộ lại phải động viên, an ủi. Em cảm ơn các anh chị ở đây lắm, nhờ các anh chị ấy mà em có nghị lực hơn để cải tạo”.
TÔ HƯƠNG SEN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Những cái Tết trong trại giam của 3 người trong một gia đình bị bắt oan sai
2 năm bị giam oan sai và cũng là 2 năm đón cái Tết trong trại giam của 3 người trong cùng một gia đình, với những người này, đó là khoảnh khắc đau buồn nhất mà họ không bao giờ quên được.
Những ngày giáp Tết năm Ất Mùi 2015, PV đã tìm về nhà ông Phạm Văn Lé (SN 1963) sau khi ông được chứng minh bị bắt oan sai và trở về từ trại tạm giam của Công an tỉnh Sóc Trăng.
Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Lé bùi ngùi: "Tính ra, tôi cùng vợ và em trai đón 2 cái Tết ở trong trại tạm giam Công an Sóc Trăng. Với tôi, những ngày đó thật khó quên".
Tết này cả nhà đoàn viên.
Theo lời kể của ông: "Cái Tết đầu tiên trong trại tạm giam, tôi không thấy buồn, không thấy nhớ, cũng không khóc vì lúc đó, thần kinh tôi như có vấn đề. Tôi không nhớ, không biết gì cả. Có thể là do trước đó tôi bị đánh đập, ép cung nên đã ảnh hưởng tới trí nhớ. Còn Tết sau, tôi thấy nhớ nhà, khóc nhiều lắm, khóc suốt".
Rồi ông Lé kể tiếp: "Ở trong trại giam, đồ ăn trong những ngày Tết rất phong phú và nhiều nhưng tôi không ăn nổi vì nhớ nhà quá. Bình thường, chiều 30 tết, cả nhà xúm xít bên nhau ăn bữa cơm tất niên đón ông bà, tối 30 Tết thì đi chơi, đi xem bắn pháo bông rồi về nhà đón giao thừa. Các ngày khác thì đi chơi, đi chúc Tết mọi người. Còn những ngày trong trại giam thì tôi phải ngồi trong buồng giam, không được ra ngoài, không được gặp ai, buồn quá. Suốt mấy ngày Tết, nước mắt cứ chảy dài. Đã 2 cái Tết chúng tôi không được đốt một cây nhang nào cho ông bà, tổ tiên.".
Những ngày Tết ở trại giam, những người bị giam phải ở trong phòng giam, mỗi phòng có 3 người, không được ra ngoài. Để đón Tết, ngoài phần ăn do trại cung cấp, những người bị giam còn tổ chức chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn". Họ hát cho nhau nghe, hát cho quên đi nỗi buồn trong lòng. Khi có người hát xong, tất cả cùng vỗ tay khuyến khích. Nếu không ở cùng phòng nhau thì nhiều người chỉ nghe tiếng hát chứ không thấy mặt người hát nhưng không khí rất hào hứng. Họ hát cho quên đi nỗi buồn xa nhà, xa người thân thích.
Bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) cũng là người bị bắt giam oan cho biết: "2 cái Tết trong trại giam đối với tôi buồn không thể nào tả nổi. Những ngày đó, nhớ con, nhớ mẹ quá, tôi khóc suốt đêm. Dù được cho ăn khá tươm tất, đầy đủ nhưng tôi không thể nào ăn được. Vợ chồng tôi có 2 đứa con, đứa con gái lớn đi làm công nhân ở TPHCM, đứa con trai còn nhỏ phải ở nhà một mình trong những ngày thường đã thấy tội nghiệp, những ngày Tết càng thấy xót xa hơn. Nằm trên bệ xi-măng lạnh lưng không buồn, chỉ buồn khi nghĩ về con cô đơn trong ngày Tết. Bây giờ nhớ lại, khủng khiếp quá. Những ngày Tết là ngày gia đình đoàn tụ, còn vợ chồng tôi, những ngày Tết đều cùng ở trong trại giam, không được gặp nhau, thấy tủi thân vô cùng. Vợ chồng, anh em cùng ở trong một khu vực nhưng cũng không được gặp nhau".
Nhớ lại những giây phút con cái xa nhà trong những ngày Tết ấy, cụ bà Đào Thị Quới (mẹ ruột ông Lé, ông Lến) không khỏi bùi ngùi: "Ngày Tết, gia đình người ta sum họp, còn gia đình tôi, 2 con trai và 1 con dâu ngồi trong trại giam, buồn lắm. Nhà thằng Lé có 2 đứa con nhưng cha mẹ bị bắt giam nên 2 đứa con nó cũng không có tâm trạng nào mà nghĩ tới Tết. Còn tôi ở với thằng Lến, vốn nó đã bị bệnh về thần kinh, khi bị bắt, tôi thương nó lắm. Một mình trong căn nhà trống trước hở sau suốt một thời gian dài, tôi tưởng chừng như mình không thể nào chịu nổi. Nhưng Tết năm nay vui rồi vì con cái đã được minh oan, về ăn Tết với gia đình cùng bà con hàng xóm".
Vợ chồng ông Lé đốt nhang cho ông bà sau 2 năm bị bắt oan.
Với vợ chồng ông Lé, Tết này có lẽ là một trong những cái Tết đáng nhớ nhất khi họ đã được trả tự do sau 2 năm bị bắt giam oan. Ông Lé phấn khởi ra mặt và cho biết: "Nhờ hồng phúc của ông bà, tổ tiên mà chúng tôi mới được minh oan, mới được trở về nhà sau 2 năm bị bắt giam oan sai. Tết này, vợ chồng tôi sẽ dành thời gian đi thăm bà con trong xóm, thăm những người đã hiểu, cảm thông, chia sẻ và giúp chúng tôi trong thời gian vừa qua. Vợ chồng tôi và chú Lến như được sinh ra lần thứ hai.".
Anh Huỳnh Văn Nam- Bí thư chi bộ, Trưởng ban Nhân dân khóm Biển Dưới cho biết: "Ngày vợ chồng ông Lé và Lến bị bắt, bà con chúng tôi biết họ bị oan nên không quản ngại khó khăn, cùng nhau đi kêu oan cho họ. Hai cái Tết không có họ ở nhà, cả xóm cũng thấy Tết vắng đi một phần. Còn năm nay, họ về rồi, bà con chúng tôi lại vui như dạo trước"
Như báo Dân trí đã thông tin, ngày 16/12/2014, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 3 người trong một gia đình là ông Phạm Văn Lé (SN 1963), bà Thạch Thị Xem (SN 1965, vợ ông Lé) và Phạm Văn Lến (SN 1975, em ruột ông Lé). Nội dung quyết định nêu rõ: Ông Phạm Văn Lé "Không có hành vi giết anh Lâm Tài Mấu", còn bà Thạch Thị Xem và ông Phạm Văn Lến "Không thực hiện hành vi không tố giác tội phạm". Trước đó, vào tháng 8/2014, ông Lé, bà Xem và ông Lến được được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng phê chuẩn các quyết định "Tạm đình chỉ điều tra vụ án", "Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn", "Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự", "Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam" sau khi họ bị bắt giam vừa tròn 2 năm. Theo hồ sơ, ngày 3/8/2012, tại khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu xảy ra một vụ án mạng khiến nạn nhân Lâm Tài Mấu tử vong. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã bắt giam và truy tố Phạm Văn Lé về tội "Giết người", còn bà Thạch Thị Xem và Phạm Văn Lến bị truy tố tội "Không tố giác tội phạm". Qua 2 phiên tòa xét xử ngày 17/2/2014 và ngày 1/7/2014, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và theo đề nghị của các luật sư bào chữa cho các bị can, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho CQĐT vì chưa đủ cơ sở kết tội các bị cáo. Đến đầu tháng 8/2014, các bị cáo được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh này phê chuẩn các quyết định "Tạm đình chỉ điều tra vụ án", "Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn", "Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự", "Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam". Ngày 29/12/2014, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với 3 người này để thỏa thuận việc bồi thường do oan sai.
PV
Theo Dantri
Chuyện của những nữ quản giáo Những phụ nữ mà chúng tôi đã gặp đều là những người can đảm gắn bó với các các khu giam giữ, cải tạo phạm nhân (PN) hàng chục năm. Có người thậm chí suốt đời - từ khi mới bước chân vào lực lượng Công an đến tận lúc về hưu. Ai cũng biết, làm giáo dục là khó nhưng hành trình...