Sự học trên đỉnh Trường Sơn
QĐND – Na Ngoi là một xã nằm bên sườn núi Pu Xai Lai Leng, đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn, được mệnh danh là vùng đất “đệ nhất nghèo”, “đệ nhất khó khăn” của vùng miền Tây xứ Nghệ. Vượt qua những khó khăn về địa lý và khắc nghiệt của thời tiết, học sinh nơi đây vẫn hằng ngày cắp sách đến trường trong những tiếng cười vui.
Vượt khó đến trường
Xã Na Ngoi với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 99%, còn lại 1% là người Thái và Khơ Mú. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.
Thầy Nguyễn Quang Huy-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 1 (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) kể: Tôi lên Na Ngoi dạy học đến nay đã gần 30 năm. Những năm gần đây, đường đi lại đỡ vất vả hơn, xe gắn máy vào được tận trụ sở xã, nhưng cứ trời mưa thì đường lại đầy bùn lầy lội, đi lại vất vả gấp bội phần.
Video đang HOT
Nhưng bất chấp thời tiết khắc nghiệt, trẻ em nơi đây vẫn đến trường đều đặn, chuyên cần. Các thầy cô vẫn đang ngày đêm bám trường, bám bản và nhận được sự hỗ trợ rất có hiệu quả từ Chương trình Đảm bảo chất lượng Giáo dục trường học (SEQAP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
100% học sinh Trường Tiểu học Na Ngoi 1 được học bán trú.
Gia đình ông Xồng Pà Nhìa ở bản Buộc Mú có hai con là Xồng Bá Lỳ và Xồng Bá Chùa học tại Trường Tiểu học Na Ngoi 1. Gia cảnh rất khó khăn nhưng ông vẫn động viên hai con đi học đều đặn. Ông Nhìa cho biết: Từ ngày có chương trình dạy học kiểu mới, hai cháu được đi học cả ngày, lại được nhà trường hỗ trợ bữa ăn trưa nên thích lắm.
Ông Lầu Bá Rùa có con là Lầu Minh Thông đang học lớp 5 rất phấn khởi vì từ khi học cả ngày, con ông đã học tốt lên rất nhiều. Ông hy vọng có cái chữ, cuộc sống của con sau này sẽ tốt hơn. Hầu hết người dân nơi đây đều đã biết tiếng Kinh nên việc học tập của con trẻ cũng bớt phần khó khăn.
Hiệu quả mới
Khẳng định tính hiệu quả của dạy học cả ngày cho học sinh tiểu học vùng cao, thầy Nguyễn Quang Huy cho biết: Trước kia học sinh ở Na Ngoi đi học bữa được, bữa không. Học xong buổi sáng, chiều các em theo bố mẹ lên nương rẫy, có rất ít thời gian dành cho việc học. Do bố mẹ rất ít quan tâm, bỏ mặc cho nhà trường nên ngoài thời gian học trên lớp, hầu hết học sinh không có thói quen học ở nhà. Nay hầu hết phụ huynh đều ủng hộ cho con đi học cả ngày, nhờ đó, học lực của các em tăng lên đáng kể. Đường sá ở Na Ngoi đi lại rất khó khăn, vì thế ở lại trường vào buổi trưa, học sinh sẽ không phải đội mưa, nắng về nhà nữa, sức khỏe cũng được bảo đảm hơn.
Trường Tiểu học Na Ngoi 1 triển khai dạy học cả ngày từ năm 2010 theo phương án T30 (học khoảng từ 30-33 tiết/tuần). Hiện nay, trường có 32 phòng học, 39 giáo viên và toàn bộ 443 học sinh đều đã tham gia vào lớp học cả ngày, chất lượng học tập không ngừng nâng cao. Từ ngày tham gia SEQAP, Trường Tiểu học Na Ngoi 1 được hỗ trợ tiền ăn trưa cho khoảng 35% tổng số học sinh, mỗi tuần 2 bữa, mỗi bữa 15.000 đồng. Nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, số học sinh còn lại mang cơm đến trường ăn và ở lại trường học buổi chiều.
“Dù có đến 8 điểm trường, một số điểm trường đóng ở vị trí xa dân, trên đồi núi, nước sinh hoạt không có, nhưng nhà trường vẫn vượt qua khó khăn để tất cả học sinh đều được học bán trú”-thầy Huy tâm sự.
Bên cạnh đó, SEQAP cũng hỗ trợ trường một số kinh phí như: Quỹ giáo dục nhà trường, hỗ trợ mua sắm thêm sách giáo khoa, dụng cụ học tập, kinh phí hỗ trợ giáo viên dạy vượt giờ quy định… Nhờ tổ chức dạy học cả ngày, trường có điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học như: Thực hiện phân hóa đối tượng học sinh để dạy học phù hợp theo vùng miền, đặc thù lớp học; giảm thời lượng cácmôn học, dành thời gian để học sinh tự học, luyện tập, phát huy tính tích cực của học sinh.
Ông Xồng Xái Xo, Phó chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết: Việc học tập của các cháu luôn được chính quyền xã đặc biệt quan tâm, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có nguy cơ bỏ học cao. Chính quyền xã luôn bám sát hoàn cảnh từng gia đình, động viên những gia đình khó khăn tạo điều kiện cho các cháu đi học và được học cả ngày ở trường.
Về phía nhà trường, để học sinh có được những bữa trưa ấm cúng tại trường, hàng loạt công việc đã được nghiêm túc triển khai, trong đó có việc tổ chức họp phụ huynh từng điểm bản, mời già làng, trưởng bản cùng tham dự để thống nhất hình thức tổ chức ăn trưa, bán trú cho học sinh. Giáo viên dạy các điểm trường ngoài dạy học còn giúp các em nấu ăn, thay phiên nhau quản lý học sinh vào buổi trưa.
Mong muốn của các em học sinh, phụ huynh và chính quyền nơi đây là SEQAP được kéo dài để giúp cho trẻ em được chăm sóc và giáo dục tốt hơn, góp phần tích cực vào thay đổi chất lượng giáo dục của vùng miền núi khó khăn trên đỉnh Trường Sơn.
Theo QDND